“Thi sĩ Kiên Giang tên thật Trương Khương Trinh, sanh năm 1929 tại làng Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang. Năm 1947, tỉnh Rạch Giá bị quân viễn chinh Pháp càn quét, chiếm đóng, nhiều gia đình tản cư vào miệt rừng U Minh, Trương Khương Trinh cũng theo cha mẹ đi tản cư, nhưng sau đó anh theo bạn bè gia nhập bộ đội Việt Minh. Vì là người có học nên được đưa về Phòng chánh trị quân khu 9, làm phóng viên viết báo cho tờ báo Tiếng Súng Kháng Địch do ông Rum làm chủ bút ( RUM tức Rừng U Minh) bí danh của ông Sáu Chiến tưởng Ban Tuyên Truyền Phòng Chánh Trị khu 9. Năm 1952, Sơn Nam và Kiên Giang được phái đi làm phóng viên trong chiến dịch Long Châu Hà. Sau chiến dịch, nhà văn Sơn Nam bị kiểm thảo vì đã ăn cơm trước khi bộ đội dùng cơm và bị kết tội vô kỷ luật. Sơn Nam tức giận bỏ về làng, không theo Việt Minh nữa. Kiên Giang thì bị giản chính, đưa về tỉnh đội Cần Thơ. Kiên Giang và Sơn Nam bỏ về Saigòn và chấm dứt quan hệ với Kháng Chiến.
Tất cả soạn giả cải lương, kịch nói, hát bội, ký giả nhật báo, thi sĩ, phóng viên đều bị cấm hành nghề 10 năm. Soạn giả, ký giả giúp việc cho đoàn hát tập thể mới thành lập được hưởng lương 5 đồng một suất hát, thấp hơn lương một công nhân sân khấu.
Các cán bộ nằm vùng như ký giả Ngọc Linh, Phi Hùng, Tần Nguyên, Huy Trường, Hà Triều, Thanh Cao, Việt Thường, Trần Hà, Tư Hiếu, được phân bố làm Trưởng các đoàn hát tập thể mới thành lập, được cấp cho nhà mới tịch thu của tư sản, được sáng tác tuồng và cho hát tuồng để có thu nhập cao. Được hưởng lương chuyên viên 1 của nhà nước , đau thì được nằm nhà thương Vì Dân cũ), tức nhà thương dành cho đảng viên và cán bộ chánh phủ cấp chuyên viên trở lên) được phân phối gạo, xăng dầu và nhu yếu phẩm dành cho đảng viên và cấp chuyên viên của chánh phủ mới.
KienGIang-NguyenPhuong-hoi-ngo-sau-15-năm-xa-cach
Hai soạn giả Kiên Giang và Hoa Phượng không được phép ở thành phố (Saigon cũ). Hai anh phải lên Tây Ninh, sống nhờ nơi nghệ sĩ Trường Ninh phó đoàn Cải Lương Tây Ninh. Soạn giả Hoa Phượng phải viết tuồng cho Phó Giám Đốc Sở VHTT tỉnh Tây Ninh (ông Bảy Phát) để được chia 2 phần trăm tiền bản quyền và không được đứng tên trên tuồng viết cho ông Bảy Phát đó.
Ngoài số soạn giả đã kể, được phân làm trưởng đoàn, được quyền sáng tác và nhận được chu cấp theo chế độ đảng viên và chuyên viên 1 của chánh phủ mới, các soạn giả khác (kể cả Năm Châu, Năm Nở, Thiếu Linh, Nguyễn Phương, Hoa Phượng, Kiên Giang, Hoàng Khâm, Quy Sắc, Viễn Châu) đều được sắp là công dân hạng 2, lương 5 đồng một suất hát, đau thì được khám bịnh ở nhà thương Bình Dân Saigon.
Các soạn giả Thiếu Linh, Nguyễn Phương, Kiên Giang, Hoa Phượng, Hoàng Khâm, Viễn Châu đều cho nhiều con vượt biên sang định cư ở các nước Pháp, Hoa Kỳ, Úc Châu, Canada trong các năm 1978, 1979, 1980.
Năm 1982, ông Nguyễn Hữu Hạnh, chủ nhiệm Hợp Tác Xã Tín Dụng phường 2 Quận 8 buộc chị Mai thị Thoa, vợ của soạn giả Kiên Giang, ký giấy cho phường mướn hai căn nhà số 80 – 82 đường Phan Thế Hiển bên cầu chữ Y, nhà của Kiên Giang để cho phường làm hợp tác xã tín dụng, bán nhu yếu phẩm cho dân ở Phường 2 quận 8. Bù lại chị Mai Thị Thoa được cấp sổ mua nhu ỳếu phẩm và số tiền một trăm đồng một tháng, tiền cho mướn hai căn nhà kể trên.
Cuối năm 1982, ông Nguyễn Hữu Hạnh bị tù vì thâm lạm tiền của hội viên. Quận 8 ra lịnh giải tán Hợp Tác Xã Tín Dụng, phát mãi số hàng hóa tồn kho và bán luôn hai căn nhà số 80 – 82 của bà Mai Thị Thoa (vợ Kiên Giang, cho mướn nhà làm Hợp Tác Xã). Bà Mai Thị Thoa cũng bị bắt nhốt trong khám vì tội liên đới với ông chủ nhiệm hợp tác xã tín dụng kia.
Soạn giả Kiên Giang hay tin vợ bị bắt, nhà bị phát mãi, từ Tây Ninh anh trở về đệ đơn chống án lên Toà Án Thành Phố, xin xét lại. Soạn giả Kiên Giang mới thật sự là chủ hai căn nhà kể trên, có giấy mua bán nhà của chánh quyền quận 8 cũ chứng nhận (thời VNCH ), nhưng quận 8 mới không công nhận tính hợp pháp của chánh quyền quận 8 cũ.
Việc Tòa họp tới họp lui, điều tra đi điều tra lại, kéo dài đến năm 1992, mọi việc đều vũ như cẫn tức là vẫn như cũ. Kiên Giang mất nhà, sống lây lất ở hành lang hí viện vài tháng, không nơi nào người ta cho anh ở yên. Sau cùng anh đến khu đất hoang ở cuối đường Âu Dương Lân quận 8 để xin tạm trú. Khu đất hoang này được dự định để cất Khu Dưỡng Lão Nghệ Sĩ. Bà Mai Thị Thoa không biết được ra tù từ lúc nào, không thấy về với Kiên Giang và cũng không biết bà ấy đi đâu ở đâu, sống hay chết, bặt vô âm tín.
Vì không tiền bạc và không có cách nào khác, thi sĩ Kiên Giang đành chọn 4 gốc cây Bạch Đàn trên khu đất đó thay cho cột nhà, anh dùng vải tang phúng điếu mẹ anh và các manh vải cũ lấy từ các banderole quảng cáo để dựng vách nhà, thay mái lá bằng những tấm tôn của bà con lối xóm cho. Thế là anh có một căn nhà để tạm trú, dịp này anh viết mấy câu thơ:
Lợp mái lá, dùng manh vải cũ
Nên mưa nhòa ướt ảnh bàn thờ
Mẹ từ đáy mộ về trong mộngTrầm uất thương con giữa xác xơ.
Không sa mạc vẫn làm du mục
Chân lạc đà dừng tạm bãi hoang
Mai mốt người ta hăm đuổi nữa
Kiếp không nhà lại sống lang thang.
Bàn ghế duy nhứt trong nhà là bàn thờ mẹ, đóng bằng ván tạp của lối xóm cho. Kiên Giang lại làm thơ:
Bàn thờ mẹ kê đầu tủ sách
Đóng cây ván tạp, bạn láng giềng
Má khổ suốt đời, con lận đận
Thương con hồn mẹ chắc linh thiêng.
Thơ của anh nói “tủ sách” nghe cho văn vẻ, thật ra tủ sách đó là miếng ván vụn, gác trên mấy viên gạch, kê cao, để các bao bàng, giỏ xách đựng bản thảo của anh. Mỗi một cơn mưa lớn là nước chảy lênh láng trong ngôi nhà đó, phải kê cao thì tủ sách của anh mới không bị bà Thủy cuốn đi.
Năm này Kiên Giang làm quen với một người đàn bà góa (tên Dương Thị Bạch Tuyết) có cô con gái riêng 6 tuổi tên Hồng Uyên. Cô Bạch Tuyết bị chông bỏ, anh thì bị vợ bỏ, hai nửa mảnh đời dang dở xáp lại với nhau cho cuộc đời bớt tẻ lạnh. Cô nàng Bạch Tuyết cũng là kẻ lang thang không nhà, cha là một quân nhân Úc tử trận ở Việt Nam, mẹ cũng chết sau đó vài năm, cô gái lai Úc này không có thân nhân ở Việt Nam, chẳng có giấy tờ chứng nhận mình là gốc Úc Châu, chỉ có mắt xanh, mũi lõ, nước da thật trắng, không biết nói tiếng Anh nên đành sống bằng nghề bán khoai lang luộc. Cô có giọng ngâm thơ nghe được được nên khi Kiên Giang mất vợ thì Kiên Giang đưa Bạch Tuyết và con gái cô về sống chung.
Năm 2000, tôi về thăm quê hương, gặp Kiên Giang, anh đưa tôi về nhà của anh do quận 8 cấp cho ở hẻm Ba Đình, nhà này chỉ là một chái nhà ghép bên cạnh một ngôi nhà khác của người ta, bề ngang một thước chín, dài năm thước như một cái khoang ghe tam bản, vừa là nhà tiêu, nhà bếp, khạp dựng nước và chỗ ở cho ba người. Kiên Giang viết bốn câu thơ dán trên vách:
Giết chậm, giết mòn là thượng sách
Giết không gươm giáo mới siêu phàm
Cướp nhà đất, cắt lương, tăng đói
Tung hỏa mù đen, giả khói trầm.
Kiên Giang trao cho tôi bài thơ Tìm Nắng Trong Đêm, bài thơ diễn tả cuộc sống của anh và vợ con:
Ba hát, má ngâm, con chép lại
Bài thơ Tìm Nắng viết trong đêm
Mai khôn lớn, thấu tình cha gởi
Một tấm lòng cha mấy nỗi niềm.
Con, vợ ngủ bên cầu vệ sinh
Trong nhà ổ chuột, hẻm Ba Đình
Gối chăn, nhà bếp cùng tanh tưởi
Không ở tù sao chịu cực hình ?
Di ảnh Mẹ, sao đôi mắt ướt,
Từ mồ sâu đã trở về thăm
Khói hương hiu hắt, mây tang úa
Nói dối : Mẹ ơi “Đó khói trầm.
Thuở khai hoang, ở nhà kê tán
Bồ lúa, hàng ba tắm ánh trăng
Hủ gạo nay không còn hột tấm
Thua kẻ kêu cơm ở vệ đường.
Tôm luộc co mình cong dáng ngủ
Duỗi chân e sập đổ bàn thờ
Giống tù nhân nhốt xà lim tối
Muỗi rệp tha hồ hút máu thơ,
Không giường nệm, vợ con nằm đất
Hơi lạnh không xua nắng hỏa lò
Lửa nướng con thành khô cá lẹp
Thương con thức giấc dậy làm thơ
Ăn sớm lo chiều, ôi thắt thẻo
Anh ơi! hết gạo, hết đồ cầm
Bé Uyên đòi sách, đòi mua nhạc
iếng vợ buồn như nhạc ngũ âm.
Cha già, con muộn, con mau lớn
Măng mọc, tre tàn: tre héo khô
Quần áo học trò, con mặc chật
Đòi mua, Ba chẳng đủ tiền mua,
Trời hỡi! Ngọc Hoàng, ơi Phật, Chúa
Đâu từ bi? Bác ái? Tình người,
Kẻ gian nịnh bợ, giàu như thổi
Người sạch trong tan nát rã rời
Bạc tỉ dồn hầu bao mọt nước
Của công nhét túi lũ sâu dân
Mộ bia còn bị ăn xương cốt
Đừng nói làm chi chuyện nghĩa nhân.
Giải phóng thật ra là lũ giặc
Đổi màu mặt nạ lũ ma trơi,
Giàu đen rắn độc, nghèo tro bụi
Ai hóa kiếp, còn ai đổi đời?
Ba hối hận hai lần “hạ chiếu”
Đốt thiêu con, vợ, phủ hoa tươi
Rồi Ba treo cổ mừng sinh nhật
Thi sĩ Kiên Giang đã đổi đời.
Kiên Giang đói nghèo, không phải anh vô tài hay biếng nhác. Người ta không cho anh làm thơ, không cho anh viết tuồng, không cho anh cơ hội làm việc để kiếm ra tiền sinh sống. Giống như họ đã đối xử với nhạc sĩ Văn Cao, thi sĩ Nguyễn Bính, Phan Khôi, Phùng Quán…thời kỳ Nhân Văn Giai Phẩm ở miền Bắc những năm thập niên năm mươi thế kỷ trước.
Vì thơ của anh dám nói đến cái chỗ nhạy cảm ....
Minh oan cho thi sĩ Kiên Giang, còn biết bao cuộc đời khác chưa được minh oan?
Nguyễn Phương
Tháng 8/2017