|
Thi sĩ Du Tử Lê. Ảnh: Nguyễn Đình Toán |
Phải nói ấn tượng ban đầu của tôi là cái tên Du Tử Lê quá... sến (hệt như sau này lần đầu tiên nghe cái tên Thanh Tâm Tuyền).
Vượt qua ấn tượng sến súa do cái tên Du Tử Lê gây ra, ông làm tôi ấn tượng bằng bài thơ Chẳng chiến chinh mà cũng lẻ đôi. Từ ông tôi biết Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Mai Thảo, Nguyễn Bắc Sơn... và cùng với sự biết nhiều ấy, tôi bỏ ông lại cùng với bài thơ năm xưa, cho đến lần thứ hai tôi hạnh ngộ ông.Khung cảnh buổi gặp tôi không còn nhớ rõ, tôi chỉ nhớ tôi đã tha thẩn trên mạng và gặp được Du Tử Lê trong bệnh viện:
(...)
anh muốn nói với em
mười lăm ngày sau khi con đầu lòng của chúng ta đã chết
thôi em đừng có thai
ít ra trong lúc này
bởi anh không muốn
chiến tranh sẽ cướp mất con ta
ngay khi nó còn ở trong bụng mẹ
em dấu yêu - em đẫm lệ
trước cơn đau của em
những danh từ: tự do dân chủ
những chánh nghĩa quốc gia
những lý tưởng, những nhân danh
với anh
không quý bằng
một manh giấy báo để lót
Em dấu yêu
em hãy gượng cười
vì đời sống chúng ta
còn trăm ngàn đớn đau hơn thế
(23.5.1971)
Tôi như đứng trong hành lang phòng cấp cứu vào cái ngày tháng 5 năm 1971 ấy, nhìn chiếc băng ca người ta đẩy người mẹ trẻ ra ngoài, còn đứa con của cô vĩnh viễn không còn nữa.
Hôm nay một lần nữa tôi hội ngộ Du Tử Lê trong cuốn sách mới nhất của ông, tùy bút Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời (NXB Văn Học, 4.2017).
Ở tuổi bảy mươi, Du Tử Lê vẫn chọn cho mình cái thế đứng trong nỗi đau của con người để cất lên tiếng nói, giữa bao biến động của thời cuộc.
Đọc tập tùy bút này, ta có cảm giác như đang giở một trang bán-hồi-ký, không dám lật nhanh như sợ mình bị dắt đi theo giọng tâm tình của nhà thơ, trôi theo dòng hồi tưởng của ông, để gặp bao nhiêu khuôn mặt từng bước qua đời Du Tử Lê. Giở cuốn sách trước mặt, tưởng chừng đang soi chính bóng đời mình trong những thân phận chìm khuất. Tưởng mình đang bước vào một không gian riêng tư, nghiêm cẩn, vào thế giới của những người mà chính nhà thơ Du Tử Lê không dám gọi tên, như sợ chạm vào một đoạn đời, một vết thương bao năm vẫn hở.
Là những kỳ nhân như họa sĩ Phạm Tăng, ẩn mình giữa thành Paris hoa lệ, thầm lặng với những bức tranh thể hiện cái tiểu vũ trụ nghệ thuật tài hoa của vị danh họa suốt đời canh cánh “mối nhục của người Việt Nam trước sự cai trị của thực dân Pháp”, vì thế mà dù hoàn cảnh đẩy đưa phải sống ở Paris nhưng quyết không nhập quốc tịch Pháp.
Hay như nhà thơ Phan Vũ với tuyệt tác Em ơi Hà Nội phố, tưởng chừng quen thuộc đối với nhiều thế hệ độc giả Việt Nam, trong mắt nhà thơ Du Tử Lê bỗng hiện ra những điều lạ lẫm mà ta chưa khám phá hết. Giữa hai nhà thơ thời điểm ấy đứng ở hai bờ chiến tuyến, thơ ca biến thành sợi chỉ kết nối họ lại với nhau.
Trong thơ ca không có Bắc - Nam, không có ta - địch, chỉ có những người con cùng nói chung tiếng Việt. Chính nỗi đau chung của cả dân tộc, chính những khổ nạn của những phận người chìm trong chiến tranh đã làm rung lên linh cảm nhạy bén, chính lúc đấy mà thi ca sinh ra. Du Tử Lê lại tái khẳng định điều này bằng bài viết Duy nhất, một ngọn cờ Tổ quốc trong tập tùy bút.
Nhà thơ đã phân tích những giá trị thi ca trong bài thơ Đêm liên hoan của thi sĩ Hoàng Cầm, được làm từ buổi đầu của cuộc kháng chiến cứu nước.
Để rồi từ đấy, nhà thơ rút ra kết luận, như lời tuyên bố hùng hồn cho bất cứ những ai vẫn còn phân vân khi nghĩ đến ý nghĩa của thơ ca:
"Thi ca Hoàng Cầm nơi bài thơ vừa kể, tuồng đã nối, nhập được hồn thiêng liêng giữa người chết vào kẻ sống... Nên, nó như ngọn cờ chung. Không đảng phái. Không chủ nghĩa. Không sắc mầu xanh, đỏ. Nó mang tính “duy nhất một ngọn cờ Tổ quốc”.
Sách đã khép lại rồi, như một độc giả cần mẫn, tôi để Du Tử Lê lại với cuốn sách của ông, tôi biết được đời còn bao cuộc hội ngộ mở ra bao mối duyên lành khác. Hẹn gặp lại ông giữa những trang sách mới.
Huỳnh Trọng Khang
» Có một niềm đau mang tên Thu Bồn
Nguồn: nguoidothi.vn