NS Hồng Nga bên bàn trang điểm trước khi ra sân khấu tại hậu trường sân khấu kịch Sài Gòn
"Tôi còn nhớ giữa tháng 3-2001, cách đây 17 năm, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang ra mắt một loạt chương trình hoạt động mang tên "Đồng hành với khán giả cải lương", trong đó sự ra đời của CLB tác giả, đạo diễn cải lương hứa hẹn cung cấp cho 3 đoàn cải lương trực thuộc nhà hát nhiều kịch bản và tác phẩm giá trị. Trong thời gian đó, với nỗ lực tái dựng nhiều kịch bản cũ để rạp Hưng Đạo luôn sáng đèn, các đơn vị nghệ thuật đã tái dựng các vở: "Trà hoa nữ"," Cây sầu riêng trổ bông", "Nửa đời hương phấn", "Giũ áo bụi đời"...; Đoàn Sài Gòn 1 tái dựng "Xử án Phi Giao", "Hoàng đế du xuân", "Lương Sơn Bá- Chúc Anh Đài"...; Đoàn Thanh Nga dựng các vở mới như: "Hoa hậu dạy chồng", "Chuyện tình đảo yến", "Hoàng tử điên"... và hiệu quả là được công chúng đón nhận nồng nhiệt. Đến thời điểm này, CLB không còn nhưng giới sáng tác vẫn còn nhiều trăn trở về nghề viết. Họ không sống được với nhuận bút tác phẩm thì làm sao nuôi được bản thân mà cống hiến. Đó là câu hỏi đau đầu người làm nghề và cả nghệ sĩ của chúng tôi" – NS Hồng Nga nhắc lại.
Trên thực tế, bao nhiêu năm qua, hiếm có những kịch bản cải lương đi vào lòng người xem, bởi những người sáng tác đã quen với sự định hướng không rạch ròi giữa tính chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp. Tại sao cứ đến các mùa hội diễn, liên hoan sân khấu thì mới phát động phong trào và kêu gọi cách viết theo một thể tài nào đó, trong khi đời sống của các tác giả phải thường xuyên cọ xác với cuộc sống và qua đó ngòi bút sẽ nói lên những trăn trở của con người trong xã hội?
"Tôi xin nhấn mạnh có sự phân biệt rạch ròi giữa chuyên nghiệp và nghiệp dư thì tuổi thọ của các vở diễn mới tồn tại trong lòng công chúng. Hay nói đúng hơn các tác giả phải mạnh dạn nói lên trăn trở của con người trong cuộc sống hôm nay, không thể cứ chạy theo phong trào, vì phong trào dễ bị xem là hình thức, qua một đợt rồi chẳng còn thời sự" – bà nhấn mạnh, sau khi thừa nhận các tác giả sân khấu cải lương chưa phản ảnh đầy đủ hiện thực cuộc sống hôm nay, theo bà họ còn ngại ngùng trong việc thể hiện các kịch bản mang hơi thở của cuộc sống.
Bà tự vấn tại sao? Và lý giải điều lo âu nhất là ở khâu trình diễn khi mà sân khấu thiếu sự đồng bộ. Với phương châm tập trung cho các diễn viên ngôi sao, mà những ngôi sao thì không quan tâm nhiều đến trách nhiệm trong việc phục vụ sân khấu và khán giả.
"Ngày xưa các đoàn hát cũng có các ngôi sao nhưng họ tập trung cùng với tập thể đẩy tác phẩm lên cao, ví dụ như đoàn Dạ Lý Hương tập tuồng hàng tháng trời và các ngôi sao phải đầu tư sáng tạo. Còn bây giờ các ngôi sao chiếm lĩnh sân khấu đã không thấy trách nhiệm của mình đối với tiền đồ sân khấu, mà chỉ thấy lợi ích của riêng mình. Do đó chúng ta bắt buộc phải nhắc nhở các nhà quản lý sân khấu, nếu các anh chị không thay đổi cách nhìn, không can đảm thay đổi cách làm thì sân khấu cải lương sẽ còn èo uột một thời gian dài. Điều cần thiết nhất là lập một kỷ luật sân khấu, hoàn thiện nội lực của cải lương, không thể chấp nhận các ngôi sao, các nghệ sĩ tài danh muốn gì cũng chìu theo. Sân khấu phải thi hành qui chế một cách đúng đắn, phải có kỷ luật thì mới thoát khỏi hoàn cảnh suy sụp như ngày hôm nay. Đừng đổ thừa cho kịch bản, vì không phải các tác giả đã giết chết sân khấu mà do một số nghệ sĩ quá xem trọng cái tôi của mình. Đòi hỏi cát xê quá cao, trong khi đoàn hát bán vé không như ngày xưa nữa" – bà bức xúc.
NS Hồng Nga và diễn viên Hoàng Sơn
Theo NS Hồng Nga, trong những nhóm giải pháp mà TP HCM đang trăn trở thì cần cơ chế đầu tư cho các tác giả. Muốn tìm được những tác phẩm mang giá trị nghệ thuật nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức của công chúng thì các đoàn hát phải có thái độ "chiêu hiền đãi sĩ" và dũng cảm đi tới cùng bảo vệ tác giả. Để có được những tác phẩm như: "Tô Ánh Nguyệt", "Đời cô Lựu", "Tình mẫu tử", "Vợ và tình", "Sân khấu về khuya", "Khi người điên biết yêu", "Ánh lửa rừng khuya", "Tiếng hò sông Hậu", "Tìm lại cuộc đời", "Khách sạn Hào Hoa", "Hoa độc trong vườn", "Nàng Hai Bến Nghé"…tác giả sân khấu cải lương đã thật sự gửi gắm vào những trang bản thảo nỗi niềm trăn trở trước cuộc sống, và trên hết là sự tử tế với ngòi bút, tư duy của bản thân mình.
"Họ là những tài hoa của sân khấu cải lương đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm cho lực lượng tác giả hôm nay, trong đó có nghệ sĩ chúng tôi" – NS Hồng Nga khẳng định.
Bài và ảnh: Thanh Hiệp