- Nghệ sĩ Việt Hương xin lỗi vì diễn hài thô tục
- Nghệ sĩ Kiều Mai Lý: “Chồng chết, không rước khổ lụy vào thân”
- Đào tạo diễn viên cải lương hài qua truyền hình thực tế
Nghệ sĩ Việt Hương xin lỗi vì diễn hài thô tục
Nghệ sĩ Kiều Mai Lý: “Chồng chết, không rước khổ lụy vào thân”
Nghệ sĩ Việt Hương xin lỗi vì diễn hài thô tục
Nghệ sĩ Kiều Mai Lý: “Chồng chết, không rước khổ lụy vào thân”
Đào tạo diễn viên hài qua truyền hình thực tế
Được xem là một trong những người khởi xướng phong trào "Tiếng cười sân khấu", từ thập niên 1980 đến nay, bà và các nghệ sĩ hài của TP HCM đã hình thành sân chơi với 40 nhóm hoạt động sôi nổi. Nhận định về thực trạng tiếng cười sân khấu tụt giảm bà cho biết do khâu đầu tư kịch bản đã không đáp ứng lòng mong đợi của công chúng. Hiện nay, bà đang diễn tiểu phẩm “Cá độ”, sắp tới sẽ diễn tiểu phẩm “Gia tài của mẹ” do bà sáng tác. “Tiểu phẩm hài mà người xem cần hiện nay là nội dung câu chuyện, tạo tiếng cười bằng cái hài tình huống, chứ không phải ra sân khấu "xổ" tứ tung. Tôi nghĩ nếu khán giả quay lưng, không ủng hộ tiếng cười rẻ tiền thì tự khắc sự bát nháo của hài sẽ chấm dứt"- nghệ sĩ Kiều Mai Lý nói.
NS Kiều Mai Lý và các nghệ sĩ hài: Bảo Chung, Kiều Linh, Anh Vũ
NSƯT Bảo Quốc cho rằng: “Nghệ sĩ Kiều Mai Lý đã trải qua ba phần tư đời người với những buồn vui, sướng khổ của đời nghệ sĩ. Nói về cải lương, chị là một cô đào lẵng có nhiều vai diễn đem lại tiếng cười và sự xót thương. Nhân vật của chị phần lớn xuất hiện rất ngắn trên sàn diễn, có khi chỉ lướt qua sân khấu nhưng nếu thiếu chị thì khó mà tạc được bức tranh sinh động của một vở diễn”.
Bao năm qua nghệ danh Kiều Mai Lý được biết đến với những số phận về nhửng phụ nữ lao động. Có người cho rằng chị bê nguyên xi cá tính đời thường của mình lên sàn diễn, nhưng không đúng vì ngoài sàn diễn, Kiều Mai Lý rất đỗi khiêm tốn, sống đàng hoàng, chung thủy và hết lòng với nghề.
Chân dung nghệ sĩ Kiều Mai Lý những năm còn là đào chánh trên sân khấu cải lương
Hơn 40 năm sống với bao số phận nhân vật phụ nữ từ hiền lành đến độc ác, nhưng mẫu số chung trong cách thể hiện của nghệ sĩ Kiều Mai Lý luôn làm tròn vai, khiến khán giả hài lòng.
Kể về cuộc đời mình, bà cho biết ba má bà sanh được 10 người con: 3 trai, 7 gái. Vào lớp 7 vì thấy cha mẹ nghèo đông con nên bà muốn phụ giúp gia đình bằng việc xin đi làm. Má bà gửi bà cho hai vợ chồng chủ xưởng mộc.Hai vợ chồng ông chủ già nhưng không có con nên xin bà làm con nuôi. Từ nhỏ, bà đã sống với ba mẹ nuôi. Ban đầu bà bị ba má ruột cấm đoán tơ tưởng đến nghề “hát xướng”, bởi họ muốn bà học nghề thợ mộc để sau này quán xuyến cơ ngơi cho ba mẹ nuôi. Nhưng về sau, được sự hậu thuẫn của ba mẹ nuôi, bà được đi học ca với thầy Năm Đồng ở chợ Tân Định. “Ông vốn là một tài tử nổi tiếng thời bấy giờ. Sau 2 năm học ca, khi đã thạo 3 nam, 6 bắc, 4 oán và các bài "Long đăng", "Vạn giá", "Ngũ đối thượng", "Xàng xê"...,tôi đã có thể theo thầy đi ca tài tử. Chính thầy đã đặt nghệ danh Kiều Mai Lý cho tôi (bà tên thật Nguyễn Thị Lý, sinh năm 1949 tại Gia Định- PV) và từ sân chơi đờn ca tài tử cải lương đầu năm 1965 này, tôi từ bỏ nghề thợ mộc để được ông bầu Minh Há mời về hát cho đoàn Hoa Xuân, trở thành đào chánh từ ngày đó” – NS Kiều Mai Lý nhớ lại.
NS Kiều Mai Lý và con gái - diễn viên Hồng Đào
Vừa qua, HTV thực hiện chuyên đề "Đào tính cách trên sân khấu cải lương", bà và các nghệ sĩ: Hồng Nga, Thanh Vy, Thanh Loan, Thanh Thế, Ngọc Đáng, Thoại Mỹ...đã có dịp hội ngộ, nói rất nhiều về thể loại vai đào tính cách: độc, lẵng, hài….mà bà gần như diễn được đủ cả.
Bà tâm sự: “Cái giá tôi phải trả hồi đó là còn nhỏ tuổi phải sống xa gia đình. Nhiều đêm tôi khóc ròng vì nhớ nhà. Hễ mỗi lần ghe hát đi qua các tỉnh miền Tây, thấy xa xa hình dáng mấy bà má Nam bộ đầu đội khăn rằn là tôi nhớ hai bà mẹ của mình. Một là mẹ ruột đã tạo nên hình hài, hai là bà mẹ nuôi đã dưỡng dục, cưu mang cho tôi ý chí vào đời. Bù lại, tôi được tổ đãi, một bước leo lên ngôi vị đào chánh. Vai đầu đời là Lan Chi trong vở “Nửa quãng đường tình”. Nghĩ cũng lạ, từ nhỏ đến lớn chưa biết yêu là gì vậy mà phải khóc, cười với cuộc tình bất hạnh. Một năm sau tôi về đoàn Minh Luông - Thùy Lan, rồi đoàn Minh Cảnh cho đến khi về đoàn Dạ Lý Hương”.
NS Kiều Mai Lý và NSND Lệ Thủy, NS Phượng Liên trong hậu trường Nhà hát Bến Thành (chuẩn bị diễn vở "Bên cầu dệt lụa" - chương trình kỷ niệm 64 năm ngày thành lập Đoàn Thanh Minh- Thanh Nga)
Một điều lạ là trong số những anh kép diễn cặp với bà qua hàng trăm mối tình trên sân khấu, bà luôn tạo được sự ăn ý. “Tôi trẻ lâu là nhờ tiếng cười nên cảm ơn bước ngoặt cuộc đời khi thấy mình hết duyên làm đào chánh thì chuyển sang diễn hài; đến nay vẫn còn sống được với nghề; vẫn là trụ cột lo cho gia đình, con cháu. Tôi không mong gì hơn là được biểu diễn và không dừng sáng tác. Nghề viết kịch bản với tiểu phẩm ngắn cho nhóm hài của tôi là một việc làm thích thú ở tuổi về chiều. Cuộc sống từng trải đã cho tôi tự xoay xở, chuyển biến để thích ứng và tồn tại” – NS Kiều Mai Lý nói.
Bài và ảnh: Thanh Hiệp
Nguồn: nld.com.vn