.
Nghệ sĩ Lê Bình qua đời, đồng nghiệp bày tỏ thương tiếc
Ngay sau khi biết tin nghệ sĩ Lê Bình qua đời vào sáng nay (1-5), giới văn nghệ sĩ đã bày tỏ sự tiếc thương vô hạn.
Anh Lê Ân, con trai của nghệ sĩ Lê Bình, cho biết cha của anh đã trút hơi thở cuối cùng lúc 7 giờ 19 phút ngày 1-5, tại Bệnh viện Quân y 175.
Nghệ sĩ Lê Bình âm thầm chịu đựng bệnh tật
"Cha tôi ra đi thanh thản, ông chỉ tiếc là chưa hoàn thành quyển hồi ký đang viết dang dở. Tôi đang làm thủ tục để đưa thi thể của cha về nhà tang lễ quân đội" – anh Lê Ân nói.
Từ tháng 4-2018, nghệ sĩ Lê Bình gặp một tai nạn nhỏ khiến ông bị đau lồng ngực. Đi thăm khám, bác sĩ phát hiện ông bị bệnh ung thư phổi.
Theo anh Lê Ân, cha của anh là người sống khá kín tiếng và không muốn làm phiền đến ai. Ông luôn giấu bệnh tình của mình với mọi người. "Dù tôi đã khuyên nên ngơi nghỉ để điều trị bệnh, nhưng cha tôi vẫn miệt mài đi làm, hoàn tất các hợp đồng phim đã ký. Bộ phim cuối cùng cha tôi tham gia là "Chuyện quê tôi" phần 2" – anh Lê Ân chia sẻ.
Nghệ sĩ hài Nhật Cường đến thăm nghệ sĩ Lê Bình lúc đang điều trị bệnh
Sau gần một năm chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo, sức khỏe nghệ sĩ Lê Bình ngày càng yếu khi tế bào ung thư di căn vào tủy khiến ông bị liệt đôi chân. NSND Kim Cương và nhiều nghệ sĩ thuộc thế hệ nghệ sĩ vàng của sân khấu như: NSƯT Mỹ Châu, NSƯT Bảo Quốc, NSND Ngọc Giàu, NSND Kim Cương… đã gửi tiền giúp đỡ, động viên ông điều trị căn bệnh bằng liệu pháp mới.
"Lúc tôi vào thăm Lê Bình, được biết mỗi mũi thuốc được tiêm trị giá hơn 60 triệu đồng, tôi đã yêu cầu Lê Bình nên tham gia điều trị. Tiêm mũi thuốc đầu tiên, nhìn thấy Lê Bình lạc quan lắm. Nhưng không ngờ anh lại ra đi trong thương tiếc của nhiều nghệ sĩ đồng nghiệp và số đông khán giả yêu quý anh" – kỳ nữ Kim Cương bày tỏ.
Diễn viên Việt Trinh động viên nghệ sĩ Lê Bình
NSƯT Mỹ Châu cũng đã gửi 10 triệu đồng ủng hộ nghệ sĩ Lê Bình điều trị bệnh. Chị tâm sự rất quý mến nghệ sĩ Lê Bình vì chị chính là khán giả của những bộ phim cổ tích Việt Nam. "Tôi càng quý mến anh Lê Bình khi biết anh đã từng chia sẻ những số tiền được giúp đỡ cho diễn viên điện ảnh Mai Phương. Sự san sẻ đó rất đáng quý. Hay tin anh qua đời tôi thương tiếc vô cùng, một người nghệ sĩ tài hoa bạc mệnh" - NSƯT Mỹ Châu xúc động.
Trước căn bệnh quái ác, NS Lê Bình vẫn luôn cố gắng giữ thái độ bình tĩnh, ông rất lạc quan, vui vẻ trò chuyện với mọi người và còn chia sẻ những khoản tiền được giúp đỡ cho nghệ sĩ Hoàng Lan – một đồng nghiệp cũng đang gặp nhiều khó khăn vì bệnh tật.
NS Lê Bình cùng với nghệ sĩ Châu Thanh, Thanh Điền trong một buổi tiệc
NSND Ngọc Giàu bày tỏ thương tiếc: "Tôi không ngờ Lê Bình lại ra đi đột ngột. Anh đã để lại cho anh chị em trong nghề nhiều thương tiếc bởi sự đóng góp to lớn của anh đối với sân khấu, điện ảnh".
Nghệ sĩ Tú Trinh là người được đóng bộ phim cuối cùng với nghệ sĩ Lê Bình. Tú Trinh nhớ lại: "Đó là lần cuối chúng tôi gặp nhau. Khi ca sĩ cải lương Bích Thủy con gái của NSƯT Bắc Sơn mời chúng tôi tham gia bộ phim "Chuyện quê tôi" phần 2, lúc đó anh Lê Bình đã yếu lắm rồi, phải ngồi để quay những phân đoạn đối thoại với tôi. Tuy nhiên, tinh thần của anh thoải mái lắm, đùa giỡn, hết lòng với vai diễn của mình. Anh là tấm gương lớn đối với các diễn viên trẻ, không than thở về căn bệnh của mình mà luôn vượt qua để khẳng định mình là một người nghệ sĩ không khuất phục bệnh tật".
NS Tú Trinh và Lê Bình trong bộ phim cuối cùng "Chuyện quê tôi"
Nghệ sĩ Lê Bình tên thật là Lê Thanh Sơn, sinh năm 1953, là một diễn viên, soạn giả, đạo diễn cải lương sân khấu. Lê Bình xuất thân trong một gia đình gốc miền Tây, quê cha ở Sa Đéc, quê mẹ ở Cao Lãnh, Đồng Tháp nhưng ông sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn.
Từ một họa sĩ vẽ tranh tuyên truyền cổ động, ông trở thành diễn viên, soạn giả, đạo diễn kịch. Các tác phẩm của ông từng tham dự liên hoan sân khấu quần chúng và chuyên nghiệp.
Ông đã giành được 3 huy chương vàng, 3 huy chương bạc tại các hội diễn sân khấu chuyên nghiệp lẫn quần chúng và một bằng khen của Bộ Quốc phòng. Hơn 10 vở kịch của Lê Bình được dàn dựng ở các sân khấu Idecaf, Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM (5B), Phú Nhuận...
Tang lễ của nghệ sĩ Lê Bình được tổ chức tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (số 5 Phạm Ngũ Lão, quận Gò Vấp, TP HCM). Lễ nhập quan lúc 14 giờ ngày 1-5. Lễ động quan lúc 7 giờ ngày 4-5. Sau đó hỏa táng tại Nghĩa trang Bình Hưng Hòa.
NS Lê Bình : Một Đời Tài Hoa
"Tôi định làm việc gì đó cho quên bớt sự đau đớn này, nhưng cơn đau lấn lướt đánh gục ý chí..." - nghệ sĩ Lê Bình nói điều ấy trong những đợt vô thuốc đầu tiên. Và ý chí của ông thực sự bị đánh gục bởi bệnh tật, những cơn đau tận xương tủy. Người đàn ông rất đỗi mạnh mẽ ấy đã giấu kín bệnh tật của mình cho đến khi không thể giấu được nữa.
Có lẽ, chẳng ai có được cái bình thản như nghệ sĩ Lê Bình. Ông sắp xếp cuộc đời mình một cách gọn ghẽ trong lúc "chờ chết". Ông bảo trong những đợt vô thuốc: "Giờ, đời tôi chỉ còn đếm theo số ngày". Ấy là cái kết thường thấy của những bệnh nhân ung thư. Họ không biết ngày mình ra đi nhưng biết chắc mình chẳng thắng nổi lưỡi hát tử thần. Có lẽ vì lẽ đó mà họ đôi khi đổi vai, an ủi, vỗ về ngược lại người thân.
Lê Bình cũng vậy. Ông bảo: "Thấy nằm không bị cơn đau hành hạ, tôi muốn ngồi dậy viết hết các kịch bản mình đã ấp ủ từ trước và trong thời gian bệnh...". Tất nhiên, những cơn đau luôn khiến tâm trí ông bị phân tán, ngồi viết không nổi. "Rong ruổi cùng Lê Bình", tên của cuốn tự truyện, kể lại từ thời thiếu niên đến lúc ông lớn lên như thế nào, trở thành người nổi tiếng khó khăn ra sao. "Ít nhất tôi cũng muốn gửi lại cho các em nhỏ sau này có dịp để đọc, để có sự cố gắng làm việc, yêu nghề, đam mê nghề" - ông nói.
Những ngày nằm viện, khi mọi người hỏi về nguyện vọng của ông, ông bảo, ông đang tận dụng thời gian còn lại, được ngày nào, giờ nào hay giờ nấy để viết lại những truyện ngắn nhỏ nhỏ, viết lại quyển hồi kí của đời mình. Ngày ông đi, không ai biết, cuốn tự truyện ấy đã hoàn thiện như ông mong đợi. Nhưng chắc chắn, câu chuyện về cuốn tự truyện, cái nỗ lực trong đau đớn thể xác mà ông phải vượt qua những ngày cuối đời để hoàn thiện nó, đã là một bài học đầy giá trị, đáng trân quý cho nhiều thế hệ. Từ tự truyện của mình, ông muốn gửi đi thông điệp: Cuộc sống đầy thách thức nhưng con người phải mạnh mẽ đương đầu và vượt qua. Chắc chắn, đây là điều ông có thể thực hiện được bởi ông chính là tấm gương phản chiếu, để nhiều người soi vào, thấu cảm và nhận diện được cuộc đời mình.
Theo Lê Bình, tác dụng của liều thuốc khiến lưỡi ông mất vị giác, ăn uống không ngon. Nhìn thức ăn là không buồn ăn. Cố gắng nấu cháo mà nuốt không trôi. Uống nước cũng không cảm nhận được vị ngọt. Điều trị ung thư rất cần dinh dưỡng nuôi tế bào khỏe mà việc ăn uống khó khăn khiến cơ thể ông bần thần, khó chịu. Giữa những cuộc trò chuyện, ông luôn phải xin phép nằm xuống nghỉ vì quá mệt.
Khi bác sĩ báo kết quả khám bệnh, ông thường thắp nhang và cầu nguyện trước bàn thờ tổ tiên. Như bao người, ông cũng mong, cuộc đời ông có phép màu để đẩy lùi bệnh tật. Nhưng, nếu đã là số mệnh, ông sẽ chấp nhận nó mà chẳng oán than. Ông bảo "hy vọng vẫn hy vọng nhưng số phận con người do trời định". Ông chấp nhận số phận một cách mạnh mẽ và lạc quan.
Những ngày cuối đời, ông không quên sắp xếp lại cuộc đời mình. Ông nhắn tin cho người vợ đã xa cách 4, 5 năm trở về. "Chuyện quá khứ hãy xếp lại. Tôi không biết sống chết thế nào, nhưng con trai tôi luôn cần cha và mẹ" - ông bảo. Trong giới nghệ thuật, ai không cảm phục cái tài hoa của ông? Nhưng càng tài hoa bao nhiêu trong nghệ thuật, ông lại lận đận bấy nhiêu trong cuộc đời mình. Là "người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh", không phải ai cũng đủ bản lĩnh để vượt qua nỗi đau ấy. Ông cũng vậy. Cùng lúc chứng kiến đứa con đầu ra đi lúc tuổi đời còn rất trẻ, song song đó ông phải đoạn tuyệt với người vợ mà ông đã gắn bó suốt 37 năm vì thói quen đề đóm, mượn nợ, cảm giác của ông là hụt hẫng với chuỗi đau đớn không lối thoát. Nỗi buồn chưa lắng xuống, ông phát hiện ra con trai thứ hai của mình nghiện nặng, sống mà chỉ như tồn tại...
Vì nhiều biến cố cuộc đời, ông là một trong những nghệ sĩ nghèo, quay quắt với cơm áo gạo tiền. Nhưng ông cũng đủ hiệp nghĩa để tự bỏ tiền túi và vận động mọi người giúp đỡ cho người nghèo, nghệ sĩ nghèo có thêm chút tiền chi xài, chút thức ăn vào dịp lễ vu lan, ngày cận Tết. Ông bảo, sống bằng cái tình mới vui. Ừ thì thế nên những ngày bệnh tật, ít nhiều nhờ cậy sự giúp đỡ của khán giả, đồng nghiệp để chạy thuốc nhưng ông vẫn ngắt một ít tiền, nhờ người gửi cho nghệ sĩ Hoàng Lan cũng đang chống chọi với bệnh tật vì "chúng ta phải cùng nhau chiến đấu với bệnh tật". Ông bảo: "Nghèo nhưng không được hèn. Tôi không thích tranh thủ tên tuổi nghệ sĩ của mình để mượn tiền, hay van xin sự giúp đỡ".
Những ngày trong bệnh viện, không ít lần nước mắt ông rơi. Ông khóc vì những cơn đau, khóc vì tình cảm lớn từ khán giả, đồng nghiệp mà ông được nhận. Ngày cuối đời mình, điều mà ông tiếc nuối nhất chính là hàm ơn khán giả, bạn bè đồng nghiệp mà không còn cơ hội để tri ân lại họ.
Lê Bình được đánh giá là ngôi sao dù chưa bao giờ ông đóng vai chính. Vị trí của ông được thiết lập trong lòng người hâm mộ qua năng khiếu bẩm sinh và tinh thần lao động nghệ thuật miệt mài. Khi nhận một vai diễn, cho dù là một vai nhỏ chỉ có vài phân đoạn, ông vẫn nghiền ngẫm nghiên cứu, thêm da thêm thịt, sao cho nhân vật của mình trở nên sinh động. Thói quen này xuất phát từ việc ông cũng đồng thời là một tác giả kịch bản, kiêm đạo diễn giỏi nghề.
Những tác phẩm của ông như "Thuyền tình (sân khấu Idecaf), "Sân ga tình người" (sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần), .. được đánh giá cao về chuyên môn. Tính đến nay, ông đã hóa thân vào khoảng hơn 200 nhân vật. Trong đó, vai ông Ba Đờn trong "Thế thái nhân tình" là vai diễn xuất sắc của nghệ sĩ Lê Bình. Trải qua bao biến cố cuộc đời, Lê Bình ngộ ra một điều, nghề diễn viên giống như anh xe ôm vậy. Miễn ai cần và kêu thì cứ tiếp tục chạy. Ông nói điều này với niềm hạnh phúc: "Người nghệ sĩ mà đến già vẫn còn có người nhớ đến thì còn gì vui sướng hơn!".
Cuộc sống ngắn ngủi, mọi thứ rồi cũng qua đi như gió thoảng mây bay. Nhưng còn những điều mãi mãi ở trong lòng công chúng. Đó chính là tài năng của ông, nghệ sĩ Lê Bình với một đời tài hoa.
Thùy Trang - Lê Duy
XEM THÊMNguồn: cailuongvietnam.com