Theo nghệ sĩ, cải lương Nam bộ ra đời trong hoàn cảnh nào và vì sao lại có tên gọi cải lương?
- Cải lương là một hình thức diễn xướng dân tộc, dễ nghe và nhất là dễ chuyển tải những thông điệp sâu sắc. Tính dân tộc thể hiện rõ nét là hai vở cải lương đầu tiên đều là những chuyển thể từ trước tác kinh điển là "Kim Vân Kiều" và "Lục Vân Tiên". Suốt gần trăm năm qua, tôi cho rằng, cải lương vẫn bám sát hai đề tài xuyên suốt là chống ngoại xâm và giữ gìn giềng mối làng xóm, giữ gìn đạo đức, bản sắc văn hóa dân tộc. Đó cũng là chức năng cao cả của cải lương.
|
NSND Bạch Tuyết giao lưu với sinh viên Trường Đại học Tây Đô về nghệ thuật cải lương.
|
Tên gọi "Cải lương" xuất phát từ hai câu đối xuất hiện tại các rạp vào những năm 1920: "CẢI cách hát ca theo tiến bộ. LƯƠNG truyền tuồng tích sánh văn minh". Rõ ràng, ngay từ khi khai sáng, ông cha ta đã xây dựng cải lương không quê mùa, lạc hậu mà luôn tiến bộ, văn minh. Đến nay, bao lớp nghệ sĩ đã và đang làm nghề vì tâm nguyện đó.
Nhiều người lo ngại cải lương đang mai một. NSND Bạch Tuyết suy nghĩ gì về thực trạng này?
- Tôi không tin cải lương mai một. Tôi chưa bao giờ thấy cải lương đang điêu đứng. Ngược lại, tôi cho rằng cải lương đang sống rất khỏe trong lòng các bạn trẻ. Bằng chứng là trong các chương trình truyền hình gần đây, nhiều bạn trẻ đã chọn thi diễn trích đoạn cải lương và nhận được nhiều sự tán thưởng. Nếu như ngày xưa, mỗi đêm sân khấu sáng đèn có vài trăm người đến rạp thì bây giờ, chỉ cần mở tivi là có thể xem cải lương. Khán giả truyền hình phải nhiều hơn khán giả ở rạp gấp nhiều chứ.
Cải lương đã ở trong tim, khối óc của người Nam bộ. Vấn đề là chúng ta làm sao để các bạn trẻ được hiểu biết để yêu thương nghệ thuật truyền thống của ông cha. Cái tôi lo là nội dung các vở cải lương, làm sao để đảm bảo hai chức năng cao cả của cải lương như tôi đã nói và hấp dẫn khán giả là điều quan trọng.
Trọn cuộc đời theo nghiệp cải lương, điều gì làm NSND Bạch Tuyết tâm đắc và nguyện tâm theo đuổi?
- Tôi được ba nuôi là soạn giả Điêu Huyền dẫn dắt vào con đường nghệ thuật. Từ lúc đi hát tới nổi tiếng, trước khi bước ra sân khấu, tôi đều khấn Tổ rằng: "Tổ có thương thì cho con hát đàng hoàng; hát không đàng hoàng, lang thang lếch thếch, khổ lắm!". Điều đó đến bây giờ tôi vẫn tâm niệm.
Tôi có dịp học hỏi những nghệ sĩ gạo cội như ba Năm Châu, má Bảy Phùng Há… Những nghệ sĩ lớn đó đều dạy tôi rằng, muốn làm nghề giỏi thì phải biết thương quê hương, thương dân tộc vì khi đó tiếng nói, giọng ca mới có hồn, có phách. Tôi tâm niệm mấy mươi năm qua và thấy rất đúng. Nghệ sĩ diễn vai Dương Vân Nga, Trưng Trắc mà lòng không nghĩ về dân tộc, non sông thì khó lòng diễn xuất thần được.
Bài, ảnh: DUY LỮ
Nguồn: cailuongvietnam.com