Nói đến NSND Thanh Hoài, người ta nghĩ ngay đến một giọng ca chèo nức tiếng chuẩn mực. Nhưng những người yêu nghệ thuật dân gian truyền thống sẽ còn biết đến một Thanh Hoài khác nữa - Thanh Hoài của xẩm, hát văn, ca trù… và với loại hình nghệ thuật nào, bà cũng học được cách ngắt hơi, nhả chữ đặc trưng để bật lên được vẻ đẹp của từng loại hình…
Tài năng là vậy, nhưng tiếp xúc với bà, người đối diện vẫn cảm nhận được tính cách của một “cô gái - hương đồng gió nội”: Hồn hậu, đảm đang, chất phác… Có cảm giác bà luôn sẵn sàng chia sẻ, gánh vác công việc với bất cứ ai - miễn đó là công việc liên quan đến nghệ thuật.
Nghe nói, mới đây bà vừa có chương trình biểu diễn với NSND Thanh Lam. Điều gì khiến cho một giọng ca luôn có sự phá cách ấy lại kết hợp được với chất giọng thuần truyền thống, thưa bà?
- Đó là chương trình phục vụ cho lễ hội chùa Tây Phương, có Đại đức từ Ấn Độ sang. Thanh Lam hát mới (nhạc Phật), tôi ngâm thơ cổ, hát văn, hát ca trù. Chương trình chỉ là buổi biểu diễn thuần túy chứ không có sự kết hợp gì. Nhưng tiện đây, tôi cũng “khoe” luôn: Từ ngày về hưu đến giờ, nhờ Giời tôi vẫn giữ được sức khỏe và có duyên với các nghệ sĩ trẻ. Họ làm nghề và luôn luôn có nhiều sáng tạo với khát khao kết hợp giữa nghệ thuật đương đại với nghệ thuật truyền thống. Quốc Trung làm “Đường xa vạn dặm” rất hay. Trong chương trình ấy, tôi vẫn được hát trên nền chèo cổ, giữ nguyên gốc… chỉ có điều tiết tấu nhanh hơn một chút, nhưng vẫn theo kịp. Hay làm với Phó An My về đối thoại giữa hát văn với piano, sau đó lại làm piano với lửa và tuồng; năm ngoái lại làm “Gió” - dựa trên tích “Quan âm Thị Kính”. Tôi hát và bạn ý đệm đàn piano có thêm dàn nhạc dân tộc và trống mới - rất phá cách nhưng vẫn giữ được hơi hướng của chèo cổ.
Như vậy, có thể nói bà là người theo kịp thời đại…
- Tôi nghĩ, được các em, các cháu quý mến là bởi mình vẫn theo được sáng tạo của họ, cho dù họ có phá cách đến đâu, mình vẫn giữ được nhịp truyền thống của mình, còn những người trẻ “đi” theo giai điệu sáng tạo… nhưng vẫn hòa quyện được với nhau, vẫn toát lên được cái “hồn” chủ đạo đầy tính truyền thống… Đó cũng chính là đích đến của sáng tạo nghệ thuật. Hôm đi diễn với Hồ Hoài Anh trong tác phẩm “Vịnh sông nước” cũng vậy, đoạn đầu tiên, các nghệ sĩ hát mới, đoạn giữa tôi ngâm thơ cổ để tôn vinh lời thơ của Hồ Xuân Hương - một sự kết hợp rất thú vị. Mỗi nghệ sĩ trẻ có một chất khác nhau, nhưng nói chung mình vẫn phải giữ truyền thống và ủng hộ các em sáng tạo. Nhưng sáng tạo phải làm sao vẫn giữ được làn điệu cũ mà lại dễ nghe, hợp thời đại hơn.
Nhắc đến NSND Thanh Hoài, người ta cũng hay nhắc đến “Xúy Vân giả dại” - một vai diễn mẫu mực trong chèo cổ… Đó có phải là vai bà ưng nhất?
- Tôi phải đính chính lại chỗ này. Vai Xúy Vân trong vở “Kim Nham” tôi được học trong trường và màn “giả dại” là tôi được điểm cao nhất, được đánh giá là xuất sắc nhất. Nhưng chỉ là cái màn điên ấy thôi. Chứ còn vai Xúy Vân đóng cả 5 màn của Nhà hát Chèo Trung ương mà được nhiều người biết đến thì không phải là tôi mà là chị Diễm Lộc (NSND Diễm Lộc), do NSND Dịu Hương dạy. Thế hệ sau này có NSƯT Thúy Ngần, rồi đến NSND Kim Liên. Ngày tôi học thì chỉ được diễn các trích đoạn “Xúy Vân giả dại”, “Thị Màu lên chùa”, “Đào Huế”… chứ có được dựng cả vở đâu? Đây là sự hiểu lầm do một bài báo nào đó đăng lên trên mạng mà tôi rất băn khoăn, áy náy vì không biết “nói lại cho rõ” bằng cách nào…
Thưa, vậy thì vai nào khiến bà ưng nhất trong suốt cuộc đời làm nghệ thuật của mình?
- Mỗi vai có một tính cách khác nhau, vai nào tôi cũng thích. Nhưng có một kỷ niệm với vai Giáng Hương trong vở “Từ Thức” khiến tôi ấn tượng nhất. Đó là năm Nhà hát Chèo Việt Nam mang vở đó đi hội diễn. Trong quá trình tập luyện, tôi chỉ ở kíp 2 thôi. Nhưng khi chỉ còn 2 ngày nữa là đến buổi diễn chính thức thì cô diễn viên cải lương ở kíp 1 bị ốm, đi nằm viện và tôi phải (được) “thế chân”. Và thật bất ngờ, tôi được nhận Huy chương Vàng với vai diễn đó.
Trong giới nghệ sĩ, cũng có nhiều sự cạnh tranh (cả tiêu cực lẫn lành mạnh). Vậy có khi nào bà cảm thấy phải chịu sức ép trong nghề, không vui hay khó khăn khi làm nghề không, thưa bà?
- Tôi rất say mê với nghề, vì thế, có thể nói, không có điều gì khiến mình không vui. Còn khó khăn thì tôi nghĩ, lúc trước ai mà chả có khó khăn. Tôi đã có hàng chục năm vừa đi diễn, vừa nuôi lợn… để nuôi mình, nuôi con, nuôi nghề. Nhiều người khác khéo tay hơn, giỏi giang hơn thì họ làm thêm các việc khác như may vá, gia công các mặt hàng thủ công… Nhưng tôi ở quê lên, cũng chẳng có họ hàng thân thích để mà kiếm thêm việc gì khác. Nhưng cho dù khó khăn đến mấy thì cũng chưa bao giờ tôi nghĩ đến việc bỏ nghề… Rồi giai đoạn ấy cũng qua đi. Có lòng yêu nghề thì cứ làm việc, cứ hát thôi chứ có nghĩ đến danh hiệu nọ, danh hiệu kia đâu. Bây giờ, cũng như trước kia, ai mời đi biểu diễn ở đâu thì cứ đi - khi mình còn hát được… Những chuyến biểu diễn ở nước ngoài bao giờ cũng mang cho tôi cảm giác hạnh phúc lạ thường - hạnh phúc bởi mình được sống, được làm nghề ở chính quê hương mình. Có nhiều Việt kiều ở Thụy Sĩ, Pháp, Hà Lan… khóc khi nghe/xem chúng tôi biểu diễn. Họ nói rằng, họ rất nhớ nhà, nhớ quê hương… nhưng giờ không thể có cơ hội được về thăm nơi chôn nhau cắt rốn nữa rồi vì tuổi đã cao, sức khỏe không cho phép.
Cùng thế hệ với bà, hiện giờ có ai còn làm nghề được nữa không, thưa bà?
- Những người còn được làm nghề thường xuyên như tôi, có thể nói là đếm trên đầu ngón tay. Có người, không hát nữa từ cả trước khi nghỉ hưu. Có người tự nhiên mất tiếng, mất giọng - có thể là do sức khỏe. Riêng tôi, ơn Trời Phật, năm nay đã 69 tuổi nhưng vẫn đi hát được và được các nghệ sĩ trẻ rất quý. Chỉ có khác là ngày xưa còn trẻ thì tôi hát tone “rê”, các bạn nhạc công mà có đánh sai đi mấy tone thì vẫn hát được, nhưng giờ thì phải lấy đúng tone của mình, cao quá không hát được.
Nghe nói, ngoài việc đi hát, bà vẫn tham gia công tác giảng dạy ở trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội?
- Trong tất cả các khoa ở trường thì khoa hát chèo hằng năm vẫn là khoa có số tuyển sinh đông nhất. Thỉnh thoảng tôi tham gia giảng dạy một khóa nào đó - chỉ dạy hát thôi, còn người khác dạy múa, dạy diễn. Dạy hát vô cùng vất vả vì mình phải có sức khỏe để hát mẫu cho sinh viên nghe, muốn sửa cho họ thì cũng phải hát… Ngày xưa, tôi may mắn được các nghệ nhân nổi tiếng dạy hát. Mới đầu được cụ Hai Sinh, cụ Nguyễn Văn Bổng - nghệ nhân nhạc công - sơ tuyển ở quê và nhận. Sau này, được đi học ở trường rồi thì lại được các nghệ nhân: Cụ Năm Ngũ, cụ Phẩm; NSND Minh Lý, NSND Dịu Hương, NSND Bùi Trọng Đang, NSƯT Lệ Hiền... dạy dỗ, chỉ bảo. Vì thế, giờ đây, tôi muốn truyền lại những kiến thức, kinh nghiệm đó cho các em.
Để kéo được khán giả đến với sân khấu truyền thống, ngày nay, các tác giả kịch bản hay “pha” nhiều loại hình nghệ thuật với nhau, nhất là đối với các tác phẩm chèo. Liệu như vậy, “hồn cốt” của chèo có bị mai một không, thưa bà?
- Tôi cho rằng, đó cũng là một cách làm sáng tạo bởi nếu di sản mà cứ nằm im, không phát huy được tác dụng thì cũng bị “chết mòn”. Tuy nhiên, đối với các vở chèo cổ, các làn điệu cổ thì vẫn phải giữ gìn nguyên vẹn. Nhà hát Chèo Việt Nam là một trong những đơn vị đang làm rất tốt chuyện này. Các thế hệ nghệ sĩ đã thay nhau giữ gìn. Từ thế hệ này sang thế hệ khác đều phải chuyển giao cho nhau một “bộ khung” các vai diễn mẫu: Từ Thiện Sĩ, Thị Mầu, Thiện Nam, Phú ông, Thị Kính, Xúy Vân, đào Huế… Ngay cả trang phục, theo tôi cũng phải giữ được khuôn mẫu chuẩn mực của các cụ để lại. Ngày xưa, trang phục của chèo làm gì có kim sa, kim tuyến, lấp lánh như bây giờ, mà chỉ là những bộ nâu sồng, ở một số nhân vật thì có pha thêm chút cánh sen, trắng hay đen mà thôi… như thế mới đúng tinh thần của chèo: Dân dã, có thể diễn ở bất cứ đâu. Những người nước ngoài am hiểu văn hóa Việt Nam cũng không đồng tình với trang phục kiểu lấp lánh đó trong chèo. Tôi được biết điều này qua một đạo diễn cải lương người Pháp.
Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!
NSND Ngô Thị Thanh Hoài sinh năm 1950 tại Thái Bình. Bà đã 4 lần giành được Huy chương Vàng tại các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật trong nước.
Giải Đặc biệt Liên hoan Âm nhạc dân gian quốc tế ở Quảng Châu (Trung Quốc).
Giải Chuông Vàng Liên hoan Âm nhạc dân gian quốc tế ở Bắc Kinh (Trung Quốc).
KIM ANH (THỰC HIỆN)
NSND Thanh Hoài - Giọng hát “Chuông vàng, khánh bạc”
Có thể nói Thanh Hoài là một nghệ sĩ không chỉ có giọng hát “vàng” mà còn là một nghệ sĩ tận tâm tận lực với nghề.
Có một nghệ sĩ được sinh ra, lớn lên trên mảnh đất chèo quê lúa Thái Bình, trưởng thành từ nhà hát chèo Việt Nam nhưng tên tuổi lại luôn gắn với chương trình hát chèo hát văn của Đài TNVN, vâng, đó là NSND Thanh Hoài.
NSND Thanh Hoài được sinh ra trên miền quê lúa Hưng Hà - Thái Bình. Lớn lên trong hơi thở của chiếng chèo nổi tiếng đất Bắc với những câu hát chèo ngọt ngào ru những dòng sông chở nặng phù sa, ru những mái đình cây đa trầm lắng, êm ả... để rồi những câu hát ấy không biết tự bao giờ đã biến thành niềm say mê đưa chân cô gái Thanh Hoài đến với Nhà hát chèo Việt Nam khi cô bước vào tuổi 15, đó là năm 1965.
|
NSND Thanh Hoài. |
Sau khi trúng tuyển, Thanh Hoài được Nhà hát cho theo học một khoá đào tạo 3 năm tại trường Nghệ thuật sân khấu. Với chất giọng mượt mà, truyền cảm, với tâm hồn yêu ca hát và lòng hăng say, nhiệt tình lại được sự dìu dắt, dạy bảo tận tình của những bậc thầy tài hoa như NSND Minh Lý, Dịu Hương, Bùi Trọng Đang, sau 3 năm học Thanh Hoài đã tốt nghiệp với số điểm cao nhất cho vai Suý Vân trong lớp trò "Suý Vân giả dại" của vở chèo cổ "Kim Nham".
Trong suốt mấy chục năm là diễn viên Nhà hát chèo Việt Nam Thanh Hoài luôn đảm nhiệm những vai chính nội tâm phức tạp và bà luôn thành công trong việc khắc họạ nội tâm nhân vật. Chính những tấm huy chương sau các kỳ hội diễn là sự khẳng định cho tài năng của bà. Năm 1981 khi tham gia Hội diễn tiếng hát chèo hay toàn quốc tổ chức tại Thái Bình, với điệu ngâm "Kiều ở lầu Ngưng Bích" bà đã giành HCV với sự thành công trong việc lột tả tâm trạng xót xa, buồn tủi của nàng Kiều khi bị nhốt ở lầu Ngưng Bích. Năm 1985 bà cũng giành HCB trong Hội diễn sân khấu chèo, tuồng toàn quốc tổ chức tại Quy Nhơn, đây là một giải đặc biệt bởi bà đã thành công với vai trò "hát đế", một cách gọi cho người hát giới thiệu tâm trạng nhân vật trước khi diễn viên ra sân khấu.
Ngoài ra bà còn giành HCV với vai diễn Giáng Hương trong vở "Từ Thức gặp tiên" tại Hội diễn sân khấu chèo toàn quốc năm 1990; HCB vai Bà chúa liễu trong vở "Vua Chổm" tại Hội diễn sân khấu chèo toàn quốc năm 1994; năm 1992, với điệu hát "Kể bốn mùa" (vở Lưu Bình Dương Lễ) bà đã giành HCV trong Liên hoan tiếng hát chèo, tuồng hay toàn quốc; cũng trong năm này Thanh Hoài đã giành HCV trên một "sân" khác, đó là Hội thi ca nhạc dân tộc toàn quốc với điệu hát "Xẩm huê tình". Với những đóng góp không nhỏ cho nghệ thuật, năm 1992 NS Thanh Hoài đã vinh dự được nhà nước tặng danh hiệu cao quý - Nghệ sĩ ưu tú.Và năm 2007 vinh dự lớn đến với bà, NS Thanh Hoài là một trong số không nhiều các Ns ngành chèo được phong tặng danh hiệu cao quý Nghệ sĩ nhân dân.
Bên cạnh hát chèo, NSND Thanh Hoài cũng rất thành công với hát văn. Chính NSND Bùi Trọng Đang là người thầy đã hướng dẫn bà trong nghệ thuật hát văn. Năm 1994 với điệu hát văn "Thú Hương Sơn" Thanh Hoài đã góp phần giành giải đặc biệt cho đoàn Việt Nam tại Liên hoan dân ca quốc tế tổ chức tại Quảng Châu, Trung Quốc với sự tham gia của 38 nước trên thế giới.
Có thể nói Thanh Hoài là một nghệ sĩ không chỉ có giọng hát “vàng” mà còn là một nghệ sĩ tận tâm tận lực với nghề. Không chỉ học hát học diễn chèo, bà còn theo học nhiều loại hình nghệ thuật ca hát khác như Ca Trù, hát văn, hát xẩm, hát quan họ, ngâm thơ, ở lĩnh vực nào bà cũng ghi dấu ấn nhất định trong lòng công chúng. Cho đến bây giờ khi đã bước qua tuổi lục tuần nghệ sĩ Thanh Hoài vẫn không ngừng học tập trau dồi đạo đức nghề nghiệp. Điều đáng quý đáng trân trọng ở nghệ sĩ Thanh Hoài là bà diễn, bà hát không vì mục đích nào khác ngoài mục đích phục vụ công chúng.
40 năm qua, ngoài công việc bận rộn của Nhà hát, của gia đình, NSND Thanh Hoài luôn dành thời gian cho làn sóng phát thanh Quốc Gia. Có thể nói, tuy không phải là người trong biên chế nhưng bà thực sự gắn bó với Đài TNVN như chính cơ quan mình. Khi đã có lời mới thu thanh, dù bận mấy bà cũng dành quỹ thời gian ít ỏi của mình để tập luyện, và thu xếp để đến đúng giờ. Nếu trong thời gian ấy mà quá bận, bà xin với biên tập lùi thời gian chứ nhất định không chịu “nhường” bài cho ai cả. hơn 40 năm công tác, đã có hàng trăm tiết mục trên làn sóng, năm nay đã xấp xỉ tuổi 70 mà bà vẫn đau đáu mỗi khi gặp biên tập viên “Khi nào có bài cần đến u cứ gọi nhé”.
Tiếng là có NSND, có giọng hát “Chuông vàng, khánh bạc”, là phu nhân của nhạc sĩ Vũ Hồng Quân, nguyên giám đốc Nhà hát chèo Việt Nam, nhưng ngoài đời Thanh Hoài vẫn sống giản dị, khiêm nhường, luôn tận tình chỉ bảo lớp đàn em đi sau. Cái đáng quý nhất mà tôi luôn kính trọng bà là dù thu chương trình dù lớn hay nhỏ, dù dài hay ngắn chưa bao giờ bà hỏi “tiền bao nhiêu”, mà cứ theo mức quy định của Đài, của Nhà nước.
Mỗi lần gặp tôi, NSND Thanh Hoài lại nhắc đi nhắc lại “U cảm ơn con nhé. Nhờ có giải chuông vàng trong liên hoan Phát thanh Châu á Thái Bình Dương viết về nghệ thuật ca trù của con mà u được xét phong tặng danh hiệu NSND”. Ấy là bà đang nhắc tới kỷ niệm của tôi khi mời bà, gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi làm chương trình giới thiệu nghệ thuật ca trù, được giải chuông vàng, giải cao nhất trong Liên hoan phát thanh Châu á Thái Bình Dương ABU. Ngày ấy bà hát 36 giọng. Cho đến nay, với riêng tôi, bà là người hát điệu hát này thành công nhất. Giọng hát của bà với tôi như "chuông vàng, khánh bạc”./.
Mai Văn Lạng/VOV
Nguồn: cailuongvietnam.com