Triển lãm tranh sơn dầu chủ đề Qua miền Tây Bắc khai mạc ngày 18/1 tại Bảo Tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Ở tuổi 75, Nghệ sĩ Nhân dân Trà Giang lần thứ ba thực hiện triển lãm, giới thiệu đến công chúng các họa phẩm về hoa, tĩnh vật và phong cảnh đất nước được bà sáng tác trong năm 2016 - 2017. Với nghệ sĩ sinh năm 1942, đây là dịp thể hiện niềm đam mê cầm cọ bằng một tình yêu nhẹ nhàng, cần mẫn như "con tằm nhả tơ cho đời", một khi còn có thể.
|
Bản Xín Chải Sapa. Sơn dầu của Trà Giang. Ảnh chụp tại triển lãm. |
Như nhiều người nhận xét, không những văn học là nhân học, mà trong hội họa cũng vậy. Tranh của Trà Giang là những mảng màu tươi sáng, mang lại cho người xem cảm xúc thật thanh thoát. Ở tác phẩm của bà, người ta không thấy sự dữ dội, phá cách, cũng không có sự trừu tượng. Bà chọn lối tả thực và ít nhiều cũng chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa ấn tượng. Với bà, hội họa như một cuộc dạo chơi trong thế giới của sắc màu, của đường nét. Bà an nhiên trong thế giới ấy. Những bức tranh hoa, tĩnh vật và phong cảnh - ghi dấu những địa danh nơi bà đã đặt chân tới, hay những sự vật quen thuộc gần gũi - người xem thấy một Trà Giang bền bỉ, tinh tế, nhẹ nhàng và đầy nữ tính.
Thật khiên cưỡng nếu so sánh tranh của bà với các họa sĩ như Nguyễn Thanh Bình làm ảo thuật với màu trắng, Đào Hải Phong dùng những mảng màu đối lập và rực rỡ. Trà Giang dùng màu tím như một màu chủ đạo trong nhiều bức tranh. Sắc tím ấy được bà thể hiện qua từng cung bậc, tùy theo những cảm xúc. Có màu tím sẫm, có màu tím chỉ phớt qua, tinh tế như ký ức về sắc hoa xoan ở làng quê Bắc bộ vài chục năm trước. Ở một số bức tranh bà vẽ về phong cảnh Tây Bắc, người xem thấy xa xa có những núi đồi trập trùng, những cành hoa lau màu tím run rẩy, ngả rạp và cả những cành lau tím phớt phất phơ trước gió. Dường như, tác giả đã gửi theo những cành lau ấy bao nỗi niềm chất chứa trong lòng.
|
Nghệ sĩ Nhân dân Trà Giang (phải) bên bà Xuân Phượng - chủ phòng tranh Lotus ở TP HCM. |
Nghệ sĩ Nhân dân Trà Giang gắn bó với điện ảnh từ thuở tóc còn xanh. Điện ảnh là nơi bà đã khóc cười với vai diễn, nơi bà đã thành danh và được khán giả yêu mến. Thế hệ sinh ra trong thập niên 60 và trước đó, ít ai không biết đến Trà Giang. Trà Giang từng thổ lộ chỉ thực sự bắt đầu cầm cọ sau khi chồng bà - Giáo sư, tiến sĩ âm nhạc Nguyễn Bích Ngọc - qua đời khiến bà hụt hẫng. Giữa lúc ấy, hội họa như một cách để nghệ sĩ tìm lại mình, là nơi bộc lộ những tâm tư, cảm xúc.
|
Mây lang thang, sơn dầu của Trà Giang. Ảnh chụp tại triển lãm. |
Triển lãm Qua miền Tây Bắc kéo dài đến ngày 28/1.
Nghệ sĩ Trà Giang sinh năm 1942 tại Quảng Ngãi. Bộ phim đầu tiên bà tham gia là Một ngày đầu thu (đạo diễn cải lương Huy Vân), và bộ phim cuối cùng là Dòng sông hoa trắng (đạo diễn Trần Phương). Trà Giang cũng tham gia nhiều bộ phim nổi tiếng và đoạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế như: Chị Tư Hậu (huy chương bạc Liên hoan Phim Quốc tế Moskva năm 1963), Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (vai Dịu, giải diễn viên cải lương nữ xuất sắc nhất tại Liên hoan Phim Quốc tế Moskva năm 1973).
Bố của nghệ sĩ Trà Giang là Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Văn Khánh. Chồng của bà là cố Nghệ sĩ ưu tú, Giáo sư âm nhạc Nguyễn Bích Ngọc. Con của cả hai là nghệ sĩ dương cầm Bích Trà.
Hồng Vân
Nguồn: giaitri.vnexpress.net