- Bạch Tuyết, Thái Châu, Kim Tử Long, Minh Nhí ngồi ghế nóng "Sao nối ngôi"
- Kim Tử Long sẽ lo tân gia tươm tất cho NSND Huỳnh Nga
- Kim Tử Long muốn thoát “vòng vây”
Bạch Tuyết, Thái Châu, Kim Tử Long, Minh Nhí ngồi ghế nóng "Sao nối ngôi"
Kim Tử Long sẽ lo tân gia tươm tất cho NSND Huỳnh Nga
Bạch Tuyết, Thái Châu, Kim Tử Long, Minh Nhí ngồi ghế nóng "Sao nối ngôi"
Kim Tử Long sẽ lo tân gia tươm tất cho NSND Huỳnh Nga
Kim Tử Long muốn thoát “vòng vây”
NSƯT Kim Tử Long trong ngày đám hỏi của con gái - diễn viên Kim Phụng
Phóng viên: Sau thành công của hai chương trình "Ngôi sao phương Nam" và "Ba thế hệ về lại cội nguồn", anh đang chuẩn bị làm chương trình nào nữa?
NSƯT Kim Tử Long: Tôi tiếp tục đưa chương trình "Ngôi sao phương Nam" ra Hà Nội, Hải Phòng và Thanh Hóa. Riêng chương trình "Ba thế hệ về lại cội nguồn" tiếp tục giúp đỡ các nghệ sĩ đang mắc bệnh ngặt nghèo, đời sống khó khăn. Riêng năm nay, tôi sẽ tổ chức một live show cho mình vào cuối năm, có thể sẽ mời những cô đào là bạn diễn thân thiết của tôi đang định ở các nước về tham gia như: Thanh Hằng (Úc), Ngọc Huyền (Mỹ).
Đến thời điểm này, nghĩ về nghề diễn viên và nói về cái nghiệp của người nghệ sĩ, anh sẽ nói gì?
- Tôi suy nghĩ, mỗi người có một cái nghiệp khác nhau, khi còn nhỏ chẳng ai biết được mình sẽ làm gì, thích gì khi trưởng thành. Cái nghề mà mình chọn chính là sự tác động từ nhiều phía. Tôi cũng vậy thôi, có điều tôi thấy mình đã thích nghề diễn xuất từ bé và ham thích ca vọng cổ như cố tình bắt chước giọng ca của chú hai Minh Vương. Khi học tiểu học, tôi đã biết tập kịch với các bạn cùng xóm, rồi tập diễn cải lương. Lớn hơn một chút thì xác định phải quyết chí đi theo nghề này, may có năng khiếu thi vào lớp đào tạo diễn viên của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, được NSND Phùng Há dạy nghề nên con đường nghệ thuật của tôi khá thuận lợi. Ra trường đầu quân về đoàn xung kích Trần Hữu Trang, qua vai diễn trong vở "Y Ban và nàng tiên", tôi được chú ý. Vất vả với nghề, trải qua biết bao sóng gió cuộc đời, tôi nghĩ cái nghiệp mình đeo mang còn nặng lắm. Phải trả vì niềm đam mê còn tồn tại, vì niềm hạnh phúc mà tôi được hưởng từ khán giả trao tặng.
NSƯT Kim Tử Long đã có con rể
Đi lên trong nghề với kinh nghiệm bằng con số 0, nhưng có lẽ nhờ bản năng của một người yêu nghệ thuật, anh đã có được nhiều vai diễn lớn. Anh nghĩ gì về hai chữ lộc nghề?
Muốn có được lộc nghề thì phải có lộc Tổ. Đạo đức người nghệ sĩ quan trọng lắm. Đã qua rồi cái thời hai hoặc ba vai diễn hay là tên tuổi nghệ sĩ bật sáng, sẽ được công chúng biết đến rộng rãi. Thời nay, lộc nghề rất hiếm khi người làm nghệ thuật cứ tranh đua những điều không có thực trong thế giới ảo. Trang mạng xã hội có cái lợi, cũng có cái hại. Cái hại lớn nhất là bây giờ "cái tay" nhanh hơn "cái đầu". Suy nghĩ rất vội và gõ vào trang mạng xã hội những lời bình phẩm hết sức ác nghiệt. Theo tôi "lộc nghề" hiện nay của người nghệ sĩ chính là sự bình tâm trước mọi vấn đề.
NSƯT Kim Tử Long và diễn viên Bình Tinh - con gái nuôi
Có một câu nói rất hay: "Chê đúng là thầy, khen sai là kẻ thù" trong giới làm nghệ thuật. Bản thân anh suy nghĩ gì về điều này?
Tôi nhớ đến bố Huỳnh Nga. Hồi đó, bố khét tiếng là một đạo diễn cải lương nghiêm khắc. Đoàn hát nào được bố dàn dựng, vở diễn đông kín người xem. Hễ thấy bố xuất hiện ở bất cứ rạp hát nào, các phe vé chợ đen chạy đến tranh nhau mời bố cà phê, thuốc lá, thức ăn sáng. Không phải bố Nga chơi với phe vé chợ đen mà bởi nhờ tác phẩm của bố, họ sống khỏe. Nhưng họ cũng chính là những người mạnh miệng nhất, chẳng cần phải được lòng ai nên hay thì nói hay còn dở thì nói dở. Bố Nga lân la nghe chính họ nói về vở diễn của mình. Tôi cũng vậy. Khi diễn, khi dựng thì tìm họ để hỏi về vở diễn, vai diễn của mình. Tôi hỏi cả những anh hậu đài, những chị lao công trong các rạp. Vì chính các anh chị này nghe khán giả phản ảnh là chính xác nhất. Trong giới sân khấu còn có câu "khen cho chết". Tức biết dở, biết xấu vẫn cứ khen để người nghệ sĩ "ngủ quên trên chiến thắng", lơ là việc rèn giũa nghề. Có rất nhiều nghệ sĩ bị cái bẫy này, đến khi ngã ngựa thì không còn cứu kịp.
NSƯT Kim Tử Long và người vợ cũ, trong ngày đám hỏi con gái - diễn viên Kim Phụng
Bản thân anh cũng va vấp, gây ra quá nhiều tai tiếng: Chuyện bài bạc, chuyện ly dị, chuyện làm bầu. Hiện nay nhìn lại những biến cố đó, anh nói gì?
Trước hết tôi mang ơn khán giả đã thương yêu, tha thứ và cho tôi nhiều cơ hội để vượt qua sóng gió, sống xứng đáng với tình thương của công chúng. Ai cũng có những lúc bồng bột, hiếu thắng. Nghệ sĩ cũng thế. Đôi lúc cái tôi quá lớn của mình đã làm cho mình gục ngã. Nhưng tôi là người biết lắng nghe, biết cảm thông và biết chia sẻ. Cho nên, tôi vượt qua và tiêu hóa nỗi buồn cũng nhanh. Về hôn nhân thì đã là tập thứ ba rồi. Ngày 19-5 tới đây, tôi chính thức làm ông sui, gã chồng cô con gái lớn và rồi tôi sẽ là ông ngoại. Nhanh quá. Mới ngày nào còn được gọi là kép trẻ thì nay đã đứng vào hàng ngũ những nghệ sĩ có sui gia. Chuyện làm bầu thua lỗ là bình thường. Nhưng tôi chỉ làm bầu với hai mục đích: đưa cải lương trở lại đất Bắc và làm những sô diễn mang ý nghĩa giúp đỡ nghệ sĩ nghèo. Biến cố trong đời nghệ sĩ chính là những đường khúc quanh co, thử thách bản thân mình. Tôi đã cố vượt qua, đi tới.
NSƯT Kim Tử Long và NS Bình Tinh trong vở "Xử án Phi Giao"
Gắn bó với sân khấu cải lương hiện nay đồng nghĩa với chịu nhiều thiệt thòi, có bao giờ anh so sánh hay muốn bỏ sân khấu để tìm cơ hội khác kiếm tiền nhiều hơn?
- Càng ngày tôi càng muốn mình làm nghề thế nào để được khán giả và được các đồng nghiệp trong nghề yêu mến, công nhận. Được xem là nghệ sĩ có thực lực rất khó trong thời buổi này. Nếu bỏ sàn diễn cải lương chạy theo game show, truyền hình thực tế thì sẽ có lỗi với thầy tôi. Bao giờ tôi cũng đối diện với những bài học của thầy – cố NSND Phùng Há, người đặt tên Kim Tử Long cho tôi. Hiện nay có những bạn trẻ nổi tiếng rất nhanh nhưng khi người trong nghề ngồi nói chuyện với nhau tôi không thấy họ được tôn trọng. Thật sự tôi không muốn như vậy. Hồi mới ra nghề tôi không nghĩ mình có được sự chính chắn như bây giờ đâu, mà cứ mong mình có được vai diễn hay để ca diễn. Tôi nhớ hoài thời đó, chị Kiều Phượng Loan làm bầu, đoàn Phước Chung diễn ở Nhà hát Hòa Bình, vé đã bán hết từ chiều vậy mà tối đó chỉ vì mê đánh bạc, chị cho trả vé. Sau này, chính chị Loan cũng đã tâm sự với báo chí về sự hối hận của mình thời tuổi trẻ ham chơi, bồng bột. Tôi cũng vậy, có những sai lầm không thể cứu vãn. Nhưng nó lại cho tôi bài học để vươn lên. Cho nên, tôi quyết định sẽ bám chặt sàn diễn cải lương đến hơi thở cuối cùng.
NSƯT Kim Tử Long quyên góp tiền ủng hộ nghệ sĩ nghèo trong chương trình Ba thế hệ về lại cội nguồn
Anh thường xuyên bị la rầy tối mặt mũi khi còn là học viên Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang. Những bài học đó đáng quý với anh và cho anh những kinh nghiệm gì để hiện nay đứng ở vai trò đàn anh trong nghề, bảo ban lớp đàn em đang theo nghề diễn viên?
- Tôi bị thầy la chỉ vì cái tính ham giỡn, đùa dai và lơ là việc học. Nhưng rồi chính nhờ những lúc bị ăn đòn, bị thầy phạt mà tôi trưởng thành. Thầy cô nói tôi là cầm tinh con rồng nhưng có cái tính con khỉ, tôi quậy phá lắm. Mỗi lần tập dợt là tôi bị thầy cô la hoài. Tôi không buồn vì nghĩ thầy cô la rầy mình như cha mẹ ở nhà thương con mà dạy dỗ. Tôi sợ những đạo diễn hay quát tháo, la mắng diễn viên lắm. Làm nghệ thuật thì phải ôn hòa, chứ la lớn thị uy mà diễn viên không phục thì mình bị hỏng. Điều này tôi học từ thầy tôi – NSND Phùng Há và các thầy cô: Hoàng Ba, Kim Cúc, Tấn Đạt…
NSƯT Kim Tử Long và Quế Trân
Là cha của 5 người con, 3 gái, 2 trai, lại sắp làm sui gia, anh có hài lòng với cuộc sống của mình ?
- Rất hạnh phúc. Mỗi ngày qua đi tôi thấy mình có nhiều tình thương từ khán giả, bạn bè và đồng nghiệp. Nghệ sĩ hay bất cứ ngành nghề nào khác, muốn gia đình hạnh phúc thì bản thân người cha, người chồng phải có trách nhiệm và sống làm gương cho con cái noi theo. Sau nhiều dâu bể, tôi sống chậm hơn. Suy nghĩ rất kỹ trước khi nói điều gì, làm việc gì, liệu lời nói việc làm ấy có thể làm tổn thương người khác không. Với sự nghiệp, tôi biết cách từ chối, không cả nể như lâu nay cứ sợ người khác buồn mà lao tới, nhận bừa rồi hiệu quả không tốt.
Nghệ thuật cải lương đang có chiều hướng phấn khởi, khi một số chương trình truyền hình bắt đầu biết cách bảo tồn, nâng niu giá trị nghệ thuật cải lương truyền thống, không còn xô bồ như trước. Tôi tin bình minh sẽ lại đến với bộ môn này như chu kỳ quay vòng qua từng lãnh vực. Trọng trách của chúng tôi là chuẩn bị một bước chuyển để cải lương bước vào cột mốc 100 năm, tính từ 1919 khi bản "Dạ cổ hoài lang" ra đời, đến 2019 sàn diễn cải lương sẽ có nhiều tác phẩm đỉnh cao.
Bài và ảnh : Thanh Hiệp
Nguồn: nld.com.vn