- Từng hợp tác mở sân khấu với nghệ sĩ Minh Nhí, vì lý do gì sau một thời gian, anh tách ra?
- Đầu năm 2017, chúng tôi chung tay lập một sân khấu tại quận 1. Tuy nhiên, diện tích điểm diễn này khá nhỏ, hai người làm lại bị thừa. Tôi và Minh Nhí quyết định tách ra làm riêng. Chuyện chỉ có thế, vậy mà nhiều tháng qua, người ta râm ran đồn tôi và Minh Nhí cạch mặt nhau do bất đồng chuyện làm ăn nên phải tách nhau ra. Về mặt tiền bạc, chúng tôi rất sòng phẳng. Khi tôi rút không làm nữa, Minh Nhí vẫn đưa lại toàn bộ số tiền tôi đã đầu tư.
|
Quốc Thảo (phải) và Minh Nhí thân thiết hơn 30 năm trong làng sân khấu. |
- Mối quan hệ của anh và nghệ sĩ Minh Nhí hiện ra sao?
- Hiện tôi vẫn dạy diễn xuất cho sân khấu Minh Nhi, sắp tới anh ấy cũng sẽ sang chỗ tôi giảng dạy. Minh Nhí cũng sắp nhận một vai trong kịch sắp tới của tôi. Hai anh em vẫn đi chơi chung, hợp tác bình thường. Minh Nhí chỉ cần nói: "Thảo ơi, tao thiếu kịch bản dạy cho học trò", tôi vẫn sẵn sàng cung cấp. Ngược lại khi cần, chỉ cần tôi nhờ, anh ấy sẽ sang diễn cho sân khấu của tôi. Tôi và Minh Nhí đã có một tình bạn khoảng ba chục năm. Không cớ gì một chuyện nhỏ nhặt mà chúng tôi tan đàn xẻ nghé. Lối sống của tôi là vậy, thà mất việc chứ không mất bạn.
- 30 năm qua, từng trải qua nhiều thăng trầm bên nhau, anh và nghệ sĩ Minh Nhí làm thế nào để giữ gìn tình bạn?
- Chúng tôi quen nhau từ thời học chung trường Sân khấu Điện ảnh. Sau này, cả hai cùng diễn chung sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần. Tôi hay đóng kép đẹp, còn Minh Nhí đóng vai hài nhưng chúng tôi vẫn chơi thân với nhau. Dần dà, chúng tôi chuyển sang diễn ở sân khấu Idecaf, rồi kịch Sài Gòn, sân khấu Hồng Vân.
Có kỷ niệm khiến tôi nhớ mãi, là khi chúng tôi đóng một vở chuyển thể từ tác phẩm của Cuba vào năm 1990. Không hiểu sao, lúc xuất hiện, cả hai cùng phì cười và không diễn được. Chúng tôi cãi nhau ầm ĩ và đổ lỗi cho người kia. Cuối cùng, chúng tôi phải giao ước nếu còn chọc nhau nữa, cả hai sẽ không bao giờ đứng chung sân khấu. Từ đó, chúng tôi bắt đầu chơi thân. Thành lập sân khấu mới, chúng tôi cũng không hề cạnh tranh nhau, mà vẫn giúp đỡ bạn khi cần dạy, diễn thay.
- Sau hai tháng mở cửa, tình hình hoạt động tại sân khấu mới của anh như thế nào?
- Chúng tôi đang thiếu kịch mục. Hiện sân khấu chỉ có hai vở là Nắng chiều và Người đẹp là quái vật. Sắp tới, chúng tôi phải dựng thêm nhiều vở nữa để kịch mục dày hơn. Mỗi tuần, sân khấu cũng chỉ diễn một suất, các dịp lễ lộc như Quốc tế Thiếu nhi thì tăng cường hơn. Điều đáng vui là khán giả đón nhận điểm diễn mới này rất nhanh chóng, mỗi suất bán được hơn 70% trên tổng số 200 ghế, có bữa "cháy" vé.
* Quốc Thảo, Đại Nghĩa, Lê Giang diễn hài trong vở 'Nắng chiều'
Khán giả khóc, cười xem Quốc Thảo, Đại Nghĩa đóng kịch
- Trong bối cảnh nhiều sân khấu điêu đứng, vì sao anh quyết tâm mở điểm diễn?
- Nhiều người nói tôi quá liều. Nhưng tôi nghĩ, có những đam mê nếu không liều, người ta sẽ không đạt được. Mở nhà hàng, spa kiếm được nhiều tiền hơn, nhưng tôi không biết làm và cũng chẳng yêu những nghề đó. Hai tháng qua, nhiều người nghĩ chúng tôi đã lỗ nhưng mừng là không. Chúng tôi dàn dựng thiên về ý tưởng sáng tạo nhiều hơn là đầu tư vào bối cảnh, phục trang. Chúng tôi cũng tiên liệu số khán giả sẽ đến trong hôm đó, từ đó giúp vé bán tốt. Những hôm bán ế, chúng tôi vẫn diễn kiểu lấy bữa này bù cho bữa khác.
Làm sân khấu, để có lời là rất khó. Trước đây, tôi có diễn ở Idecaf, tôi biết họ từng chịu lỗ suốt một năm đầu khi mới mở cửa. Vì vậy, tôi chấp nhận hòa vốn như hiện tại trong một năm, sau đó mới bắt đầu tính đến lợi nhuận. Ngoài ra, tôi đào tạo được một lứa diễn viên cải lương trẻ tài năng và giàu đam mê.
- Anh lấy kinh phí từ đâu để trang trải cho sân khấu?
- Tôi làm đạo diễn cải lương cho nhiều game show. Bao nhiêu tiền dành dụm, tôi đổ cả vào sân khấu. Thỉnh thoảng, tôi được một số mạnh thường quân, bạn bè tài trợ. Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP HCM và Trung tâm văn hóa thành phố cũng hỗ trợ mặt bằng, chỉ yêu cầu chúng tôi có bao nhiêu đóng bấy nhiêu, không cần chạy vạy lo phí thuê mỗi tháng.
Các diễn viên như Đại Nghĩa, Lê Giang... vẫn chịu diễn cho sân khấu dù cát-xê rất thấp, chỉ bằng một phần mười so với thù lao nơi khác. Nhiều nghệ sĩ còn đề nghị diễn không thù lao nhưng tôi không đồng ý vì còn muốn phụ họ tiền xăng xe, sau này còn làm ăn lâu dài. Có thể kể đến Lê Giang, sau khi diễn vai bà mẹ vợ trong Nắng chiều, cô ấy tâm sự với tôi: "Em thích diễn dạng vai tâm lý này lắm, khán giả có ít hay nhiều gì em cũng chịu diễn".
|
Quốc Thảo thành công ở cả vai trò đạo diễn, diễn viên. Ảnh: Mai Nhật. |
- Sau bốn năm từ Mỹ trở về TP HCM, anh thấy tình hình sân khấu kịch thay đổi ra sao?
- Ngày mới trở về, tôi đi xem tất cả sân khấu tại TP HCM và bàng hoàng tự hỏi: "Trời ơi, cả thời gian dài, tại sao mọi thứ không phát triển, thậm chí còn đi lùi". Những hạn chế về đèn đóm, âm thanh, phông màn, bối cảnh thì tạm chấp nhận vì chúng ta còn nghèo, cơ chế dành cho sân khấu chưa thỏa đáng. Nhưng về kịch mục, tôi thấy vẫn còn thiếu những tác phẩm mà khi bước ra khỏi sân khấu, lòng vẫn còn ngẩn ngơ, muốn đi xem lại.
Tôi thấy người làm kịch giờ không còn quan trọng chất lượng của tác phẩm. Họ chỉ cần sự hài hước mua vui khán giả, hay chất ma mị, hù dọa nhau bằng âm thanh, kỹ xảo gây giật mình. Tôi tiếc vì sân khấu trượt dốc dài như vậy. Tôi nghĩ nguyên nhân là vì sân khấu giờ phải chạy theo khán giả thay vì đầu tư chất xám. Kịch hài, kịch ma không có tội, mà do những người dựng các vở đó quá sơ sài.
- Anh muốn làm điều gì cho sân khấu kịch TP HCM?
- Vừa rồi, tôi có họp với Sở Văn hóa TP HCM. Tôi kiến nghị nên có cơ chế để thúc đẩy các sân khấu xã hội hóa. Sở cũng phải có định hướng, đại loại như một khẩu hiệu dành cho khách du lịch: "Đến TP HCM mà chưa xem kịch thì coi như chưa đến".
Tôi từng đến New York, Mỹ, nơi ấy có một khẩu hiệu tương tự với kịch Broadway. Có những vở được diễn suốt 20 năm, từ thế hệ khán giả này đến thế hệ kia. Ban đêm, nếu bạn không chọn một vở kịch để xem, coi như bạn chưa đến New York. Chỉ cần đặt chân đến quảng trường Times Square, bao nhiêu rạp sáng đèn tưng bừng khiến tôi rạo rực. Game show đến một lúc rồi sẽ bão hòa, khán giả rồi cũng sẽ ngán chiêu trò. Những gì tinh tế, sâu sắc đều thuộc về sân khấu. Đó là điều mà điện ảnh - theo tôi - cũng khó mà làm được, bởi sân khấu có sự tương tác mạnh mẽ giữa nghệ sĩ và khán giả.
Nghệ sĩ Quốc Thảo tốt nghiệp khoa đạo diễn trường Sân khấu, Điện ảnh TP HCM vào năm 1994. Dù tốt nghiệp chuyên ngành đạo diễn, anh lại nổi danh trong vai trò diễn viên, đứng chung sân khấu với nhiều nghệ sĩ tên tuổi như: Hồng Vân, Minh Nhí, Việt Anh, Thành Lộc... Anh từng dàn dựng thành công các vở Nắng chiều (sân khấu Idecaf), Hai người đàn bà, Vàng hay bạc nhái (sân khấu 5B), Bản chúc thư (sân khấu Phú Nhuận)...
Hiện tại, Quốc Thảo là một đạo diễn truyền hình "đắt show" trong nước. Anh cũng là đạo diễn của loạt chương trình Gương mặt thân quen nhí. Nghệ sĩ đang giữ vai trò chủ nhiệm lớp giảng dạy sân khấu do NSND Hồng Vân mở.
Mai Nhật thực hiện
Nguồn: giaitri.vnexpress.net