Vái Tổ nghiệp cho bạn diễn hát rớt nhịp
Theo lời kể của Thanh Kim Huệ, hồi 5, 6 tuổi hễ nằm ngủ là chị nghe thấy tiếng nhạc ở lưng lửng tầng trời. Tiếng nhạc rất vui và ngân vang từ lúc chị ngủ cho tới khi thức dậy.
Đến năm 12 tuổi, chị không còn được nghe tiếng nhạc đó nữa và cũng không hiểu tại sao mình lại có một giấc mơ kỳ lạ lặp đi lặp lại suốt 6, 7 năm như vậy.
Năm 14 tuổi khi đi hát ở đoàn Kim Chung, chị được một người anh trong nghề tặng cuốn sách "Cô Ba cháo gà". Đọc xong chị khóc như mưa dù không hiểu mình khóc vì cái gì.
Nghệ sĩ Thanh Kim Huệ kể: "Khi được đọc cuốn "Cô Ba cháo gà" tôi mới nghĩ không lẽ tiếng nhạc mình mơ nghe suốt bao nhiêu năm hồi nhỏ là ... nhạc trời. Vì muốn nghe lại những giai điệu đó nên tôi quyết định làm theo lời cô Ba dạy trong cuốn sách là tin và đi theo đạo Phật".
Thanh Kim Huệ kể, từ ngày theo học Phật pháp, bản thân chị sửa đổi được rất nhiều điều. "Tính tôi từ nhỏ đã kỳ khôi. Hồi đó trong đoàn có cô đào rất chảnh thành ra tôi ghét.
Có bữa trước khi kéo màn, tôi vái ông Tổ cho cô ấy ra sân khấu hát rớt nhịp hết nhưng người hát rớt nhịp lại là tôi chứ không phải cô bạn kia.
Tôi nghĩ "ủa sao kỳ vậy, mình vái cho nhỏ đó hát rớt nhịp mà sao mình lại bị...". Sau đó tôi thử nghĩ xấu cho người này người kia. Mỗi lần tôi cầu việc xấu tới cho người khác là lại có chuyện không may xảy ra với mình.
Bị nhiều lần nên tôi sợ. Tôi giở kinh sách ra coi thì mới hiểu đó là quả báo. Từ đó về sau đó, tôi không dám nghĩ xấu cho ai nữa".
Nghệ sĩ Thanh Kim Huệ chia sẻ thêm, chị có tính giận ai thường không nói mà để bụng cả tháng. Mỗi lần như thế chính chị bị mệt vì cứ chấp nhất hoài, mặt lúc nào cũng trù ụ khó chịu trong người.
Chị nghĩ: "Thế này không được. Có câu nói thà người phụ ta chứ ta không phụ người. Nghĩa là người ta đối xử với mình tốt xấu thế nào không biết nhưng mình phải đối tốt với họ. Ông xã là người kề cạnh hàng ngày và gần mình nhất, thôi thì lấy ông ấy ra làm... thí nghiệm để sửa đổi".
Cứ thế mỗi ngày chị sửa một chút. Đụng chuyện, lẽ ra chị sẽ nổi nóng nhưng giờ chị đã tập được thói quen "thôi bỏ" và tất nhiên chị bỏ hẳn chứ không bỏ trong lòng như ngày trước.
Biết "buông bỏ" sau cái chết của con gái
Có lẽ biến cố lớn nhất đối với Thanh Kim Huệ là cái chết của cô con gái mà chị rất mực yêu thương cách đây vài năm.
Chị có hai người con với chồng là NSƯT Thanh Điền. Cô con gái của chị không may mắc bệnh hiểm nghèo qua đời. Cú sốc ấy đã khiến chị đau khổ, uất ức, thậm chí... ghét Phật.
Chị kể: "Tôi theo học Phật từ năm 14 tuổi nhưng khi mất con, cảm giác đầu tiên của tôi là ghét Phật. Lúc đó, tôi nghĩ mình uổng công tu quá.
Bao nhiêu năm nay tu để làm gì? Tôi chỉ cầu xin Phật cứu con gái tôi. Ngày nào tôi cũng cầu xin Đức Phật như thế nhưng cuối cùng con tôi vẫn chết. Tôi đau khổ, uất ức, hụt hẫng, tức tối trong lòng không gì diễn tả được.
Cuối cùng, tôi đọc lại kinh sách xem có chỗ nào chưa hiểu để hóa giải điều này. Dần dần tôi bình tĩnh trở lại. Đức Phật nói cuộc đời vô thường, ai cũng phải trải qua sinh lão bệnh tử.
Một ngày nào đó tôi cũng sẽ chết, chỉ là người trước người sau, người sớm người muộn. Các thầy vẫn nói cuộc đời như một giấc mộng, vậy mình hụt hẫng, tức tối làm gì.
Tôi tự mình hóa giải đau khổ dựa vào Phật Pháp. Tôi hiểu đạo Phật là diệt khổ. Khi hiểu được sự vô thường ở đời, ai đến rồi cũng phải đi thì tôi thấy nỗi đau của mình dịu lại.
Tới giờ phút này, tâm tôi rất bình yên. Lớp học càng cao thì bài thi càng khó. Tôi nghĩ, chắc vì mình quyết tâm theo Phật nên được dẫn vào những cảnh éo leo để truôi rèn tâm trí.
Ngày trước tôi quý đồng tiền lắm vì mình làm cực khổ mới có. Tuy vẫn làm từ thiện nhưng trong tâm, tôi vẫn bám chặt đồng tiền.
Nhưng sau khi con gái mất, tôi ngộ ra tiền rất quý nhưng không phải là tất cả. Tôi bắt đầu sử dụng nhiều hơn những đồng tiền mình kiếm được để làm lợi ích cho mọi người. Và sau đó, tôi học được chữ buông xả thật sự".
* Câu chuyện được NSƯT Thanh Kim Huệ chia sẻ trong một buổi trò chuyện về Phật Pháp tại chùa Hoằng Pháp, TPHCM.
Nguyễn Hương
Nguồn: cailuongvietnam.com