NSƯT Trường Sơn vai Nguyễn Địa Lô (vở "Bức ngôn đồ Đại Việt")
- Phóng viên: Được biết, sau suất diễn tối 6-2 với sự cố bị sập trần nhà hậu trường khiến ông bị thương cánh tay trái, đến nay sức khỏe của ông như thế nào?
- NSƯT Trường Sơn: May mắn cho tôi chỉ bị trầy xước nhẹ, dù ra nhiều máu nhưng không ảnh hưởng đến xương. Điều tôi buồn là sự xuống cấp quá đỗi trầm trọng của một rạp hát cũ kỹ. May mà khi đó trần nhà rớt xuống chỉ có tôi và NS Chí Bảo ngồi ngay cạnh bên, không phải là các diễn viên cải lương trẻ hoặc các em thiếu nhi có tham gia một vài ca cảnh trong chương trình “Ba thế hệ về lại cội nguồn”, nếu không thì sẽ xảy ra chuyện lớn, vì sau khi trần nhà hậu trường rơi xuống, nhìn những lỗ hổng mới thấy sợ. Điều tôi buồn là sau ngày đất nước thống nhất, nghệ sĩ chúng tôi vẫn diễn trong một sân khấu không còn là thánh đường. Những gì của chế độ cũ để lại, chúng ta trưng dụng và chỉ chắp vá cho xong, mặc cho thời gian bào mòn. Thử hỏi vì sao khán giả quay lưng với sàn diễn khi mà chính người nghệ sĩ tham gia còn chịu quá nhiều rủi ro, thì khán giả ngồi xem trong một khán phòng như rạp Công Nhân, rạp Thủ Đô…sẽ không khỏi lo ngại.
Trần nhà hậu trường rạp Công Nhân sau khi rơi một mảng xuống ngay bàn hóa trang của NSƯT Trường Sơn
- Hiện nay rạp Thủ Đô đã được trao cho Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP HCM tiếp quản để sử dụng. Theo ông việc tổ chức biểu diễn có là mối lo đối với nghệ sĩ?
- Sân khấu hát bội đã khó, nay tiếp nhận rạp này càng khó hơn. Khán phòng xuống cấp, sàn diễn cũng rệu rã. Xây dựng một rạp mới để bảo tồn giá trị của nghệ thuật hát bội, sau khi nhà nước đã chuyển trụ sở rạp Long Phụng thành một điểm kinh doanh, thì sự hoán đổi này chưa sòng phẳng lắm đối với nghệ sĩ hát bội. Tôi xuất thân từ sân khấu hát bội, gắn bó với sân khấu cải lương pha hát bội, rồi cải lương tuồng cổ nên tôi hiểu tâm tư tình cảm của anh em nghệ sĩ lãnh vực hát bội. Nghành nghề nào cũng vậy, phải an cư thì mới lạc nghiệp.
Những vết nứt của mảng trần nhà hậu trường rạp Công Nhân có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào
- Sau khi NSND Thanh Tòng qua đời, đối với gia tộc Bầu Thắng, Minh Tơ, Thanh Tòng, xem như ông là người con rể còn trụ lại với nghề, ông vẫn tiếp tục phát huy truyền thống, truyền nghề cho thế hệ trẻ. Vậy theo ông cần làm gì để việc huấn luyện nghề nghiệp đối với bộ môn sân khấu tuồng cổ hiện nay có được khởi sắc?
- Cha tôi là nghệ nhân đánh trống Bảy Đực, ông là tay trống cự phách của làng hát bội. Khi làm sui với nghệ nhân Minh Tơ, 2 ông chủ trương huấn luyện thế hệ nghệ sĩ là con cháu trong gia tộc để ai cũng biết nghề, từ vũ đạo, võ thuật cho đến ca diễn với những trình thức sân khấu hát bội và tuồng cổ. Khi anh năm Thanh Tòng đột ngột qua đời vì bệnh tật, tôi hụt hẫng, con cháu thương tiếc, đau buồn. Trọng trách không chỉ của riêng tôi mà đè nặng trên vai các thành viên còn lại của thế hệ chúng tôi như: Xuân Yến, Thanh Loan, Công Minh, Thanh Sơn, Chí Bảo…
NSƯT Trường Sơn và NS Chí Bảo trong vở "Bức ngôn đồ Đại Việt" diễn tối 6-2 tại rạp Công Nhân
Nay thì chị Xuân Yến, chị vợ của tôi lại bệnh nặng. Coi như việc quán xuyến, truyền nghề còn lại mấy anh chị em. Lâu rồi sàn diễn đìu hiu, ít có suất để các em cháu cọ xát với nghề nên chúng tôi vẫn mượn sân đình Cầu Quan để làm sàn tập, hướng dẫn thêm cho các diễn viên trẻ.
Khi anh Thanh Tòng còn sống, anh đã mong ước có sự hỗ trợ của nhà nước để thành lập CLB cải lương tuồng cổ, dành cho thế hệ trẻ như ngày xưa nghệ nhân Minh Tơ, cha vợ của tôi đã thành lập đồng ấu Minh Tơ; thế hệ chúng tôi lớn lên trên sân khấu của đồng ấu Minh Tơ.
Tôi mong sao khi rạp Hưng Đạo mới đi vào hoạt động, sau khi đã nghiệm thu hoàn chỉnh hệ thống phòng cháy, chữa cháy thì hãy dành cho cải lương tuồng cổ những suất diễn, để tiếp tục phát huy truyền thống của bộ môn này, đó là duy trì việc truyền nghề cho con em nghệ sĩ.
Nơi NSƯT Trường Sơn hóa trang tại hậu trường rạp Công Nhân sau khi một mảng trần nhà sụp xuống
- Khi diễn vai Nguyễn Địa Lô, một vai diễn hay trong tác phẩm sân khấu “Bức ngôn đồ Đại Việt”, ông có suy nghĩ gì?
- Tôi tái diễn vai này trong đêm 6-2 và đó là đêm diễn nhớ đời của tôi. Dù bị thương ở tay nhưng tôi cố gắng diễn cho tròn nhân vật của mình. Tay đau nhưng khi ra sàn diễn thì quên hết mọi thứ. Vai này từ anh năm Thanh Tòng dàn dựng, sau này có em Vũ Linh đã từng diễn, đoạt HCV xuất sắc giải Trần Hữu Trang năm 1991- 1992. Vai diễn có quá nhiều kỷ niệm đối với gia đình tôi và gần như các mùa thi của giải Trần Hữu Trang, giải Chuông vàng vọng cổ, các diễn viên trẻ cũng đều chọn vai diễn khuôn mẫu này để tranh tài.
Tôi còn đang hăng sức, muốn được tái diễn nhiều vai được đúc kết kinh nghiệm từ nhiều bậc tiền bối đi trước, nhằm truyền lại cho các em diễn viên trẻ nhưng lực bất tòng tâm, các suất hát ngày càng ít dần thì làm sao có thể truyền nghề cho thế hệ trẻ.
Tôi mong sao các đài truyền hình nhanh chóng quay hình lại những tác phẩm tuồng cổ kinh điển, để truyền đạt kinh nghiệm, lưu trữ một cách có hệ thống những viên ngọc tinh túy của nghệ thuật cải lương tuồng cổ. Bởi, một khi thế hệ chúng tôi rơi rụng dần thì sẽ mang tất cả những bài học đó xuống mồ, thế hệ trẻ khao khát làm nghề sẽ bị thiệt thòi vì chính những người nắm giữ trọng trách ươm mầm sống cho tài năng trẻ đã không quan tâm đến vấn đề này.
NSƯT Trường Sơn và
Tú Sương trong vở "Bức ngôn đồ Đại Việt" suất diễn tối 6-2 tại rạp Công Nhân
Bài và ảnh: Thanh Hiệp