Nghệ sĩ Phượng mai tâm sự chị theo chồng sang Tây Đức theo diện đoàn tựu gia đình năm 1979. Sau 2 năm, chị sang Mỹ gầy dựng nhiều chương trình cải lương được kiều bào yêu thích. Thế nhưng, chuyện chiọ tâm đắc nhất chính là truyền đạt kinh nghiệm trong diễn xuất cải lương cho diễn viên trẻ .
"Các bạn diễn viên trẻ tại tiểu bang California – Mỹ rất yêu thích bộ môn này. Hầu hết đều là thanh niên có quốc tịch Mỹ, tất cả đều sinh ra và lớn lên tại Mỹ, có em nói tiếng Việt không rành nhưng cực kỳ mê đắm bộ môn cải lương. Tôi cảm thấy ấm lòng vì có thêm nhiều học trò. Sau vở “Trưng Nữ liệt quốc” nói về cuộc khởi nghĩa của hai bà Trưng, đông đảo khán giả kiều bào đã đến xem và cổ vũ cho các diễn viên trẻ, đó là điều phấn khởi để tôi tiếp tục truyền đạt những kiến thức cho việc giữ lửa nghề trên đất Mỹ", NS Phượng Mai chia sẻ.
NS Phượng Mai và NS Trường Giang
NS Phượng Mai và NS Hồng Loan
*Từ năm 1990 đến nay chị thường xuyên về nước tham gia biểu diễn trong các chương trình nghệ thuật cứu trợ đồng bào bị thiên tai và công tác từ thiện. Đồng thời đứng ra tổ chức thực hiện nhiều vở cải lương video phát hành trong và ngoài nước. Mới đây chị đã đưa lên sàn quay chương trình cải lương tuồng cổ kỷ niệm 50 năm gắn bó với sân khấu. Vì sao chị quyết định thực hiện chương trình cải lương tuồng cổ 50 năm gắn bó với thế giới tuồng cổ?
- Tôi làm một chương trình kỷ niệm với nghề. Có người chất vấn tôi rằng sự nghiệp có quá nhiều vai diễn cũng đủ để kỷ niệm cớ gì lại làm chương trình này cho mất công.
Thế nhưng, đối với tôi, có cơ hội để đúc kết, để nhìn lại bao giờ cũng hay. Thực ra thế giới tuồng cổ mênh mông, vô tận có học hoài cũng thấy thiếu. 50 năm qua biết bao nhiêu tình....nhiều tình cảm đã chất chứa trong lòng mà công chúng đã tặng cho tôi nay phải tri ân và đền đáp.
NS Phượng Mai và NS hài Bảo Chung
•Mỗi lần trở về nước điều gì làm cho chị cảm thấy hạnh phúc nhất?
Tôi là người con thứ 7 trong gia đình có đến 13 anh chị em. Nhưng bây giờ chỉ còn có 6 người, vì một số người bệnh hồi nhỏ đã mất. Mẹ tôi năm nay đã ngoài 80 tuổi nhưng vẫn còn khỏe mạnh, niềm hạnh phúc của tôi là mỗi lần về nước được chăm sóc mẹ già.
Bên cạnh đó, tôi rất vui mừng được tham gia những chương trình văn nghệ từ thiện, nhất là gây quỹ ủng hộ đồng bào lũ lụt ở miền Tây và miền Nam.
*Cuộc sống gia đình của chị ở bên Mỹ có thuận buồm xuôi gió, nghe nói chị đã cho con gái theo nghề mẹ?
- Cuộc sống riêng của tôi không mấy hạnh phúc, nhưng quá khứ đã trôi qua, hiện giờ tôi đã có mái ấm gia đình mới và rất mãn nguyện với niềm hạnh phúc này. Con gái tôi, cháu Thảo Sương sau khi vào đại học đã tập làm ca sĩ cải lương, cháu thích nhạc trẻ và mong ước có dịp về quê hương trình diễn chung với mẹ. Con trai tôi cũng đã trưởng thành, cháu cũng đã từng theo mẹ về quê hương trong dịp hè hàng năm...
NS Phượng Mai và học trò - NS Bích Thảo
* Chị còn nhớ ký ức của ngày còn thơ, được khán giả sân khấu đặt cho biệt danh Tiểu Lăng Ba?
- Nhắc đến những kỷ niệm đó tôi nhớ bà ngoại tôi, bà bầu Cao Long Ngà, chính bà đã khai sáng con đường vào nghề của tôi. Biệt danh Tiểu Lăng Ba là một phần cuộc đời tôi, nó nhắc tôi sống xứng đáng với tình thương của công chúng. Tôi vẫn luôn nói với các học trò của mình, những thanh niên Mỹ lớn lên ở hải ngoại về tinh thần lao động nghệ thuật hăng say của bà tôi, đồng thời kể về nhiều tấm gương lao động miệt mài để góp phần mang lại nhiều thành tựu nghệ thuật cho nước nhà.
*Năm 1976, khi 24 đoàn nghệ thuật trong miền Nam tập trung về Sài Gòn để dự Hội nghị sân khấu, chị đã vinh dự được chọn đóng vai Thái hậu Dương Vân Nga để biểu diễn phục vụ đại hội. Ký ức đó thường gợi chị nhớ đến điều gì?
- Một chi tiết mà cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ, đó là trước lúc mở màn, tôi đứng bên trong vạch màn xem lén khán giả. Tim tôi dường như có ai bóp chặt khi tôi nhìn thấy bên dưới khán phòng, hàng ghế danh dự có đến năm bà “Thái hậu”: Bạch Tuyết, Ngọc Giàu, Lệ Thủy, Diệu Hiền, Mỹ Châu ngồi xem...linh cảm báo cho tôi biết mìng phải cố gắng diễn để không bị các chị đã từng nổi danh với vai diễn này chê. Tan suất diễn, NSND Phùng Há đã lên sân khấu tặng hoa và ôm hôn tôi. Sau này chị Bạch Tuyết có nhận xét tôi đã có nhiều sáng tạo mới để nhân vật tươi trẻ hơn, mền mại hơn trên sân khấu.
NS Phượng Mai và gia đình NSƯT Bảo Quốc trng ngày Giỗ Tổ
* Thần tượng trong đời người luôn có một phần đóng góp rất lớn đối với một diễn viên trẻ. Chị xem ai là thần tượng và chị học ở người đó bí quyết gì để nuôi lớn ý chí phấn đấu?
- Cô Thanh Nga là thần tượng trong cuộc đời tôi. Ngày xưa, lúc tôi hát ở Huỳnh Long, cô hát ở Thanh Minh, Dạ Lý Hương, hôm nào nghĩ hát tôi thường đi bộ đến rạp Quốc Thanh để xem cô Nga diễn. Một lần nghe tôi khen cặp lông nheo của cô đẹp, cô lập tức tháo ra tặng cho tôi.
Ngộ lắm nha! Trong giới nghệ sĩ hiếm ai tặng đồ hát cho ai, vì người ta quan niệm đó là hiện tượng tự làm mất duyên. Nhưng với cô Nga thì không, tôi cảm động vô cùng. Thú thật tôi chưa bao giờ được hát chung với cô Nga, nhưng qua những buổi trò chuyện tôi đã học ở cô rất nhiều. Nhất là nét diễn nội tâm và giọng ca chân phương, gợi mở biết bao nỗi niềm.
Ngày cô Nga mất, đang hát ở miền Trung tôi lập tức xin đoàn cho về Sài Gòn để thắp nén hương trên bàn thờ cô. Cho đến bây giờ mỗi khi ra sân khấu diễn tôi đều cầu nguyện cô Nga, cô không chỉ là thần tượng mà trong lòng tôi cô còn là người thầy, người chị tinh thần đáng kính.
NS Phượng Mai và NSƯT Mỹ Châu
• Sau chương trình “Vầng trăng cổ nhạc” mà chị đã được mời tham gia cách đây không lâu, chị nhận xét điều gì về hoạt động sân khấu trong nước? Những chương trình “Vầng trăng cổ nhạc”, “Chuông vàng vọng cổ” được bán ở Mỹ có thu hút khán giả trẻ hay không?
- Từ lúc chương trình “Vầng trăng cổ nhạc” và “Chuông vàng vọng cổ” được tổ chức, dư luận khán giả ở Mỹ và các nước Tây Âu rất hoan nghênh. Đối với bà con kiều bào hoạt động sân khấu trong nước luôn được quan tâm. Tôi rất vui vì được dịp góp mặt trong chương trình với vai Triệu Tử, một nhân vật mà tôi rất tâm đắc từ năm 16 tuổi. Tôi nghĩ đã làm được một nhịp cầu nối, không chỉ với khán giả trong nước mà còn ở hải ngoại, luôn hướng về quê hương, thiết tha bảo vệ những bài bản vọng cổ, những vai diễn để đời trên sân khấu. Có như vậy cải lương mới không chết, sân khấu mới có dịp cọ xác với đời sống và phát triển mạnh hơn.
NS Phượng Mai và Bích Thảo trong vở "Trưng nữ liệt quốc"
NS Phượng Mai đã từng về VN, tham gia cùng CLB Sân khấu Lạc Long Quân trao quà từ thiện cho trẻ em mồ côi tại Chùa Kỳ Quang, Gò Vấp, TPHCM. Chị xúc động nói: “Tôi hạnh phúc lắm khi cùng các bạn diễn viên trẻ làm việc thiện nguyện. Mang những món quà vật chất và tinh thần đến trao tặng các em mồ côi, tạo thêm điều kiện để các em phấn đấu trong học tập, trở thành người hữu ích cho xã hội. Các học trò tôi – những thanh niên Mỹ xa quê nhà cũng sẽ lần lượt về VN để làm công tác từ thiện, đó là tâm nguyện rất đáng trân trọng” – NS Phượng Mai đã chia sẻ.
Bài và ảnh: Thanh Hiệp
Nghệ sĩ Phượng Mai vẫn bền bỉ với nghề
Ký ức về sân khấu và tình cảm khán giả trong nước chính là động lực để NS Phượng Mai yêu nghề cho đến ngày hôm nay
“Phụ nữ tuổi về chiều dễ tăng cân ngoài mong muốn, nhưng với nghệ sĩ diễn tuồng cổ như thế hệ của tôi, thì đóng vai đào võ đòi hỏi tập luyện hăng hái cho dáng vóc cân đối. Việc chạy gối, đi xuyến, múa thương, múa giáo cũng là cách để vận động thể hình. 62 cân không để vượt quá con số này, là một nghị lực đối với tôi” – NS Phượng Mai tâm sự.
Thật ra đối với các nghệ sĩ xa quê, nghệ sĩ Phượng Mai là một trong nhữngnghệ sĩ hải ngoại bền bỉ với nghề. Lúc nào chị cũng nhận học trò để truyền đạt kinh nghiệm. Nghệ sĩ Bích Thảo là học trò của chị đã nỗ lực cùng thầy diễn tròn vai Trưng Nhị, bên cạnh thầy mình – Trưng Trắc trong vở "Trưng Nữ Vương", được khán giả kiều bào yêu mến.
Ký ức về sân khấu và tình cảm khán giả trong nước chính là động lực để NS Phượng Mai yêu nghề cho đến ngày hôm nay: “Nhớ da diết ánh đèn sân khấu và thèm được diễn lại những vở tuồng ca ngợi lịch sử dân tộc” – chị tâm sự.
NS Phượng Mai vẫn còn lưu giữ những hình ảnh đẹp về quê hương, thiên nhiên và con người Việt Nam. Bằng chứng trong ngôi nhà chị ở tại miền nam California – Mỹ, vẫn treo đầy hình ảnh quê hương, với cánh diều, vườn hoa, những đàn bướm lượn. Chị theo chồng sang Tây Đức định cư năm 1979. Tưởng từ lúc đó chị đã "sang ngang" với một nghề mưu sinh trên đất khách. Nhưng, niềm đam mê sân khấu đã không bỏ chị ra đi, nó đã kéo chị đứng dậy, bước đến gần hơn với sân khấu. Ban đầu chị chuyển sang hát tân nhạc, chọn dòng nhạc mang âm hưởng dân ca để còn gắn bó phần nào với cải lương. Rồi thỉnh thoảng chị “bay sô” đến những vùng có đông người Việt định cư và đứng ra tổ chức những sô cải lương tuồng cổ. Mô hình đó một thời đã gặt hái hiệu quả, khi chị và một số nghệ sĩ đã dàn dựng những trích đoạn đề cao tinh thần trung, nghĩa, tiết, lễ và rất được kiều bào hưởng ứng.
Rồi từ khi thị trường vidéo cải lương trong nước nở rộ, người trong giới thấy Phượng Mai là người đầu tiên về nước xin phép Bộ VH-TT cho tái dựng những tác phẩm cải lương tuồng cổ mang tính kinh điển. Để qua những sản phẩm đó chị đã góp phần giới thiệu với khán giả nước ngoài bộ môn tuồng cổ mang nét đặc trưng riêng của Việt Nam. Trong nhiều chuyến về nước gần đây, chị đã dựng các vở: "Vụ án Hồng Phi", "Nỗi oan hoàng hậu", "Thập nhị quả phụ chinh tây", "Áo người Trinh nữ"...và đặc biệt là chương trình vidéo kỷ niệm 45 năm gắn bó với thế giới màn nhung của chị, do Hãng phim Cần Thơ sản xuất.
NS Phượng Mai và diễn viên hài Trường Giang
Chưa hết, Phượng Mai còn xung phong tham gia biểu diễn gây quỹ từ thiệnủng hộ trẻ em nghèo hiếu học do Hội chữ thập đỏ TPHCM tổ chức tại Nhà hát Bến Thành và rạp Thủ Đô.
Có thể nói, đối với khán giả yêu sân khấu cải lương tuồng cổ, ai cũng biết Phượng Mai còn có biệt danh Tiểu Lăng Ba. Chị kể trong dòng tự sự: “Ngày xưa, khi lên 9, lên 10. Tôi đã sớm bộc lộ niềm say mê sân khấu. Khi lớn thêm vài tuổi, tôi được bà ngoại là nghệ sĩ Cao Long Ngà cho theo bang Hoa thế hệ. Bà ngoại nhận thấy tôi nhanh chóng chứng tỏ khả năng đóng những vai đào võ và nhất là những vai giả trai, nên bà đã dìu dắt và tạo cơ hội để tôi kế nghiệp. Năm 1997, khi về nước tham dự chương trình sân khấu cứu trợ đồng bào các tỉnh miền Nam bị cơn bão số 5 hoành hành, tôi đã diễn vai Đào Tam Xuân và Lưu Kim Đính. Cho đến hôm nay, những điệu bộ và đường nét biểu diễn mà tôi đã học từ bà ngoại tôi, dường như vẫn nhớ như in trong trí" - chị kể.
Hiệu quả sáng tạo bền bỉ một phần là nhờ vào quá trình rèn luyện của bà ngoại chị dành cho cô cháu gái. Bây giờ chị xa bà, tôi mới thấy đáng quý khoảng thời gian được học nghề ấy. Mỗi lần về Việt Nam là chị về thăm lại khu nhà xưa, vẫn luôn nghĩ bà ngoại mình còn sống trong mái ấm của con cháu. "Tình thương của ngoại và của má đã giúp tôi ý thức rõ hơn tấm lòng hy sinh vì các con. Bây giờ đi đâu xa là tôi nhớ da diết các con mình. Hai người con của tôi tuy đã lớn, nhưng lúc nào cũng muốn ở bên cạnh mẹ. Năm ngoái, tôi có đưa hai con về thăm quê hương, cả hai đã hiểu hơn về quê hương.
Tuy lớn lên trên đất khách nhưng tâm hồn của các con tôi lúc nào cũng nhớ về quê nhà. Thảo Sương đã theo nghề hát của tôi trở thành ca sĩ, còn cậu út sau khi tốt nghiệp đại học môn tin học, đã đi làm. Tôi rất hạnh phúc vì các con của mình biết quý trọng đạo đức và nhân nghĩa của người Việt Nam, nhất là yêu nghệ thuật dân tộc. Tôi luôn dạy các con phải biết giữ gìn những nét đẹp truyền thống của sân khấu và cội nguồn luôn là nơi lưu giữ tiếng thơm cho nghề. Tuy ở cách xa một đại dương nhưng tâm hồn của người Việt ở hải ngoại đều hướng về quê hương. Riêng với giới nghệ sĩ thì đó là đất mẹ thiêng liêng, nơi mang lại nguồn sáng tạo vô biên cho nghề hát” - chị nói.
NS Phượng Mai và Bích Thảo trong vở Trưng nữ vương
NS Phượng Mai không quên xuất hát tại rạp Quốc Thanh năm 1978, lúc Sở VH-TT đã chọn chị đóng vai Thái hậu Dương Vân Nga phục vụ nghệ sĩ 24 đoàn nghệ thuật các tỉnh về TP tham dự đại hội sân khấu. Phong cách diễn xuất của chị thời đó có nét diễn rất giống cố nghệ sĩ Thanh Nga, nhưng trong sáng tạo, nhất là trong cách ca chị đã gieo vào lòng người xem và bạn bè đồng nghiệp dấu ấn tinh tế về một Dương Vân Nga mang nặng trên vai nặng nước tình nhà. Chị tâm sự:“Hồi xưa tôi rất thích cách diễn xuất chân phương của chị ba Thanh Nga. Mỗi tối, chị Nga thường đem những kinh nghiệm ca diễn để trao đổi với tôi. Một lần tôi vào hậu trường lúc chị Nga đang diễn vở Thái hậu Dương Vân Nga, chị kêu vào đến gần và tặng một đôi nheo mắt, đó là vật kỷ niệm vô giá đối với tôi. Đó là cái tình chân thật của chị ba Thanh Nga vì người nghệ sĩ khi thác đi thì để lại tiếng thơm cho đời, danh tiếng đó được các thế hệ lưu truyền sẽ tạo thành tiếng thơm chung cho nghề”.
Bài và ảnh: Thanh Hiệp
Nguồn: cailuongvietnam.com