Bức màn nhung khép lại, vở kịch “Cuối Ðời Thương Nhớ” vừa chấm dứt, trên sân khấu chỉ còn kịch sĩ Túy Hồng ngồi lại. Vừa lúc đó đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc bước nhanh ra, bà cho biết chương trình biểu diễn của đêm nay hoàn tất, và mời tất cả diễn viên cùng bước ra sân khấu để chào biệt khán giả...
Phía dưới, khán giả đứng yên, họ vẫn chưa muốn ra về, chỉ vì muốn chứng kiến giây phút cuối cùng chia tay với nghệ sĩ Túy Hồng.
Diễn viên Kim Hiền trong vai Yến Tuyết đang ôm mẹ là bà Phủ (Túy Hồng). (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)
|
Câu nói: “Ðây là giây phút cuối cùng của đoàn kịch Sống - tạm biệt mãi mãi...” của MC Ðức Tiến, đã làm nhiều người xúc động, có giọt nước mắt lăn tròn trên khuôn mặt gầy gò của nhân vật chính hôm nay, kịch sĩ Túy Hồng. Bà cho biết không cầm được xúc động bởi tình thương của khán giả, sự lưu luyến của mọi người đã làm mềm lòng người nghệ sĩ, mặc dù trước lúc bước ra sân khấu, bà dặn lòng “đừng để nước mắt rơi,” thế mà vẫn không được...
Khán giả cứ thế lần lượt bước lên sân khấu, trao tặng những bó hoa, và họ ôm hôn thắm thiết, cũng như nói lời từ biệt, chúc kịch sĩ Túy Hồng vui khỏe...
Càng về khuya chương trình càng thấm đậm, cả căn rạp đầy kín người của suất hát thứ hai, đêm diễn cuối cùng vở kịch “Cuối Ðời Thương Nhớ” của đoàn kịch Sống Túy Hồng, mọi người vẫn ngồi yên, chẳng hiểu vì kịch hay, hoặc vì tình cảm bịn rịn của khán giả dành cho nghệ sĩ Túy Hồng đã giữ chân họ lại, không muốn ra về?
Ðó là một trong nhiều hình ảnh rất xúc động của buổi diễn cuối, mà sau nhiều tháng trời dàn dựng, cuối cùng “ngày ấy đã đến,” đoàn kịch Túy Hồng đã hoàn tất trọn vẹn món quà có một không hai của họ gửi tặng đến khán giả thương yêu.
Chương trình được thực hiện đúng như dự kiến, tại rạp Saigon Performing Arts Center, thành phố Fountain Valley, hai suất trưa 1 và chiều 7 giờ tối.
Tờ chương trình ghi 1 giờ trưa và 7 giờ tối, nói là nói thế thôi, chứ thật ra cả hai suất đều ghi nhận bắt đầu khá trễ, và chương trình buổi trưa lại có nhiều tiết mục linh tinh xảy ra, nên thời gian dài hơn như dự kiến, kéo theo sự chậm trễ cho buổi diễn tối.
Thành phần ca nghệ sĩ tham gia vẫn không có gì thay đổi với các ca nghệ sĩ tên tuổi như Túy Hồng, Kim Hiền, Chí Tâm, Phượng Mai, Lâm Duy Phương, Eliza Ngô, Nhật Kim Anh, Trương Minh Quốc Thái, Ðoàn Thanh Tài, Anh Dũng, Minh Phượng, Loan Thanh, Ðức Tiến, Mai Vy, Nguyễn Tiến Dũng, Bích Thảo, Leon Vũ, Thanh Tâm, vũ đoàn Thanh Tâm, vũ đoàn Hương Tràm, đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc.
Mở đầu chương trình là trích đoạn cuối của vở bi trường kịch “Áo Người Trinh Nữ.”
Màn cuối cùng của kịch “Cuối Ðời Thương Nhớ.” (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)
|
Nói với chúng tôi, kịch sĩ Túy Hồng cho biết: “Ðó là vở kịch đầu tiên Túy Hồng chính thức gia nhập thế giới sân khấu của đoàn ca kịch Dân Nam...”
Tiếp theo sau đó kịch sĩ Túy Hồng nhắc lại những gì đã xảy ra với đoàn kịch Sống Túy Hồng sau biến cố 1975, những gian nan, khổ cực của đoàn kịch Sống khi bắt đầu trở lại tại hải ngoại vào những năm 1976, 1977... Lúc đó có sự góp mặt của những tên tuổi gạo cội như Hùng Cường, La Thoại Tân...
Cả chương trình có hai MC, là Minh Phượng và Ðức Tiến.
Phần giữa chương trình là một vài tiết mục ca nhạc của các anh chị em ca sĩ cải lương như Bích Thảo, Nguyễn Tiến Dũng, Mai Vy, Leon Vũ...
Cuối cùng là toàn bộ bi hài kịch “Cuối Ðời Thương Nhớ,” cảm tác theo tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh, biên kịch, đạo diễn: Nguyễn Thị Minh Ngọc.
Bối cảnh của kịch “Cuối Ðời Thương Nhớ” là làng quê miền Nam Việt Nam, khoảng thập niên 50-60, nội dung của kịch xoay quanh câu chuyện của cô tiểu thư Yến Tuyết (Kim Hiền đóng), cô là con gái duy nhất của bà Phủ (kịch sĩ Túy Hồng đóng), do nhẹ dạ cô Yến Tuyết bị người anh rể bà con dụ dỗ, chuốc rượu có bỏ thuốc mê, sau đó phá đời con gái của cô...
Câu chuyện từ từ đi vào những tình tiết ly kỳ, hấp dẫn với nhiều câu chuyện tình cảm gây cấn bất ngờ xảy ra.
Hầu như mọi vai diễn của các anh chị em nghệ sĩ trẻ như Kim Hiền, Trương Minh Quốc Thái, Anh Dũng, Ðoàn Thanh Tài, Minh Phượng, Chí Tâm, Loan Thanh... Ðều rất trọn vẹn, mỗi người có một vị trí riêng của họ, và ai cũng làm chủ được vai trò của mình, kiểm soát được từng lời nói, hành động của mình trên sân khấu.
Tuy nhiên xuất sắc nhất vẫn là nghệ sĩ Túy Hồng, Anh Dũng, Kim Hiền, Trương Minh Quốc Thái... Họ thể hiện được tính cách nhân vật, và mang đến cho khán giả sự hồi hộp, cuốn hút, theo dõi sát từng chi tiết của vở kịch.
Mảng khác của vở kịch là từ đầu đến cuối, các diễn viên chỉ biết thể hiện trọn vai trò của mình, nội dung của kịch chỉ gói gọn trong kịch bản “Cuối Ðời Thương Nhớ” chứ không hề nhắc nhở về sự kiện đây là suất diễn cuối cùng của đoàn kịch Sống, diễn viên không tạo áp lực cho chính họ, mà ngược lại, họ đẩy tất cả “cao trào” của vở kịch về phía khán giả, để khán giả tự khám phá, và khi lên đến đỉnh điểm là những giọt nước mắt đồng cảm của người khán giả hòa vào chung với từng cử chỉ, hành động và lời nói của người nghệ sĩ đang diễn trên sân khấu.
Phần âm thanh, ánh sáng do công ty Premier Production và Bảo Lộc đảm trách phần âm nhạc phụ họa cho kịch, cũng rất tốt.
“Ðời ca hát ngày tháng cho người mua vui, đời son phấn làm mất bao ngày thơ ngây...” Ca khúc “Ánh Ðèn Màu” do ca sĩ Thanh Thúy trình bày, cứ tiếp tục vang lên mang lại cảm xúc bịn rịn cho sự chia tay giữa kịch sĩ Túy Hồng và khán giả ở những giây phút cuối cùng, khi ánh đèn sân khấu tắt hẳn, bức màn nhung khép lại.
Ðức TuấnNguồn: cailuongvietnam.com