|
Trang phục “khó hiểu” của huấn luyện viên “Tiếu lâm tứ trụ”. Ảnh: myeva.vn
|
Chương trình tìm kiếm tài năng hài kịch "Tiếu lâm tứ trụ" đang phát trên THVL1- Truyền hình Vĩnh Long lúc 21 giờ thứ tư hằng tuần. Xem trang phục của 4 huấn luyện viên, anh Võ Bá Tân, biên kịch ở Cần Thơ bức xúc: "Không biết sao mà huấn luyện viên "Tiếu lâm tứ trụ" có thể mặc trang phục thế nhỉ? Riết không thể tin vào mắt mình!". Đó là trang phục và cách trang điểm đặc trưng của phim kiếm hiệp Trung Quốc. Đáng buồn hơn khi khoác những bộ áo đó là 4 bậc thầy hài kịch hiện nay: NSND Hồng Vân, NSƯT Đức Hải, Minh Nhí, Thanh Thủy. Một chương trình chẳng liên quan gì đến phim kiếm hiệp, họ có cần phục trang phản cảm đến thế không? Soạn giả Hoàng Song Việt ngậm ngùi: "Đi với quỷ ma thì họ phải mặc áo giấy thôi!".
Mới đây, nhiều nông dân ở quê tôi xầm xì chuyện cây sầu riêng có bông hay không. Vốn là trong chương trình "Hoán đổi cặp đôi" của Đài Truyền hình Vĩnh Long, khi một nghệ nhân điêu khắc hoa trên trái sầu riêng, NSƯT Kim Tử Long đã nói rằng: "Ai cũng biết cây sầu riêng không có bông, mà giờ nó đã có bông". Anh còn diễn giải tuồng cải lương nổi tiếng "Cây sầu riêng trổ bông" là "nghệ thuật hóa" (!). Người miền Nam nào cũng biết bông sầu riêng mọc thành chùm trên thân, nhánh cây, có lẽ chỉ Kim Tử Long và các nhà sản xuất "Hoán đổi cặp đôi" không biết! Hay trước đó, trong chương trình "Ai là triệu phú", người dẫn chương trình đã đọc đáp án cho câu hỏi "Điền từ còn thiếu trong câu ca dao sau", là: "Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ. Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu. Anh về bủa lưới giăng câu. Mấy trăng em cũng đợi hờ ơ". Quả là sai lầm, đây thực ra là ca từ trong bài "Mười thu em cũng chờ", chỉ là mượn ý ca dao! Hai câu cuối của bài ca dao đó chính xác phải là "Anh về học lấy chữ Nhu. Chín trăng em đợi, mười thu em chờ"…
Còn rất nhiều chương trình truyền hình thực tế hiện nay để rõ lỗ hổng kiến thức văn hóa, lịch sử khiến người xem bức xúc. Nhiều chương trình chỉ chú tâm đến việc sao cho thật "sốc", mời người nổi tiếng tham gia , quảng bá hoành tráng mà bỏ qua việc chăm chút phần nội dung, kiến thức. Không ít trường hợp, nhà đài phải xin lỗi, thậm chí bị phạt vì sai lệch lịch sử, trái với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Đơn cử như chuyện "Nhặt xương cho thầy" phát đúng Ngày Nhà giáo Việt Nam; chuyện giới thiệu nhà thơ Xuân Quỳnh nhưng lại "đăng nhầm" hình vợ trước của nhà thơ Lưu Quang Vũ…
Những sai lầm, thiếu sót về yếu tố văn hóa, lịch sử trong các chương trình truyền hình thực tế chẳng phải chuyện nhỏ khi phát sóng đến khán giả. Nếu không kiểm chứng, những sai lầm đó biết đâu sẽ được lan truyền để rồi "sai thành đúng". Việc quên đi yếu tố văn hóa của những người làm văn hóa thật khó chấp nhận bởi vì việc đó giống như xem rẻ chén cơm Tổ nghiệp và nhất là xem thường khán giả.
ĐĂNG HUỲNH
Nguồn: cailuongvietnam.com