Hội đồng Nhân dân TP HCM vừa thông qua dự án xây dựng nhà hát giao hưởng tại khu đô thị Thủ Thiêm (quận 2) với kinh phí dự kiến 1.508 tỷ đồng. Nhạc trưởng Trần Vương Thạch - Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP HCM (HBSO) nhận định quy mô nhà hát với kinh phí 1.500 tỷ chỉ ở mức trung bình so với tiêu chuẩn các nhà hát giao hưởng lớn trên thế giới, xét về kinh phí xây dựng, số ghế phục vụ khán giả, diện tích...
Opera Sydney (Australia) là một trong những nhà hát hàng đầu thế giới. Dự án khởi công năm 1959 và hoàn thành năm 1973, muộn hơn dự tính 10 năm. Trang Telegraph cho hay công trình có tổng chi phí 102 triệu USD (khoảng 2.381 tỷ đồng), đội lên 1.357% so với ước tính ban đầu (7 triệu USD).
|
Nhà hát con sò ở Sydney.
|
Tòa nhà dài 185 m và rộng 120 m, xây trên nền đất 1,8 ha. Toàn bộ khu vực xung quanh nhà hát có tổng diện tích hơn 5,7 ha. Nguồn điện cung cấp cho nhà hát tương đương công suất cho một thị trấn 25.000 dân. Đây là một công trình phức hợp với nhiều khu như Concert Hall - phòng biểu diễn lớn nhất, có sức chứa 2.679 chỗ ngồi, Nhà hát Kịch với 544 ghế, Nhà hát Giao hưởng chuyên dành cho opera và ballet có sức chứa 1.507 khách, phòng nhỏ nhất - Utzon - khoảng 210 chỗ... Bên trong tổ hợp còn có phòng thu âm, quán cà phê, nhà hàng, quán bar.
Trung bình một năm nơi đây tổ chức 1.500 chương trình, lượng khán giả hơn 1,2 triệu người. Nhà hát từng là nơi biểu diễn của những tên tuổi lớn như Karen O, The Drones, Neil Finn và Paul Kelly, Royal Headache... Các hội thảo, lễ kỷ niệm hay hoạt động xã hội khác cũng diễn ra tại đây. Mỗi năm có khoảng 350.000 khách du lịch tới tham quan công trình.
The Royal Opera House là địa điểm tổ chức nghệ thuật cải lương quan trọng ở trung tâm London, Anh, với sức chứa 2.256 ghế. Nhà hát được xây dựng lần đầu tiên năm 1732 với tên Theatre Royal nhưng bị phá hủy sau hai cuộc hỏa hoạn vào năm 1808 và 1856. Năm 1858, nhà hát được tái dựng với mặt chính, phòng giải lao, thính phòng. Những chi tiết còn lại của tổ hợp được đại tu vào năm 1990. Cuộc đại tu tiêu tốn 263 triệu USD (khoảng 6.100 tỷ đồng). Nhà hát hiện tại gồm bốn tầng hộp, ban công và khu biểu diễn ngoài trời. Sân khấu rộng 12,2 m và cao 14,8 m. Website của Royal Opera House thông báo năm 2017, nhà hát có 326 buổi biểu diễn, hai chương trình ghi hình của BBC.
Ở khu vực châu Á, các nhà hát hàng trăm triệu USD cũng được đầu tư. Esplanade - nhà hát trên vịnh của Singapore - được khởi công từ năm 1996 và hoàn thành năm 2001, tổng chi phí 434 triệu USD (khoảng 10.000 tỷ đồng). Công trình rộng 60.000 mét vuông, có hình dáng vỏ trái sầu riêng. Đây là cụm phức hợp gồm sáu địa điểm biểu diễn, trong đó rạp hát có sức chứa lớn nhất - 2.000 ghế. Từ năm 2017 tới nay, nơi đây tổ chức 3.555 sự kiện, thu hút hơn 1,9 triệu khán giả. Mục tiêu của nhà hát là đưa văn hóa, nghệ thuật của Singapore ra thế giới.
Nhà hát lớn quốc gia Trung Quốc có vốn đầu tư hơn 3,07 tỷ nhân dân tệ (khoảng 445 triệu USD). Mỗi ngày, nơi đây vận hành 11 trạm biến điện, 300 phòng điều khiển, 90 thang máy. Mỗi năm, nhà hát được quỹ tài chính trung ương và thành phố Bắc Kinh cấp hơn 100 triệu nhân dân tệ (14,4 triệu USD). Tòa nhà có vẻ ngoài giống một nửa hình elip, với tổng diện tích hơn 160 nghìn mét vuông, gồm nhiều hạng mục. Nhà hát kịch dùng để biểu diễn ca kịch, kịch múa, ballet với 2.416 ghế. Phòng âm nhạc cải lương để biểu diễn nhạc giao hưởng, nhạc dân tộc với 2.017 chỗ ngồi. Khu biểu diễn hý kịch có 1.040 ghế. Công trình nằm giữa mặt nước nhân tạo. Khán giả đi qua con đường dài 80 m dưới bể nước để đi vào đại sảnh.
Theo Beijing Business Today, sau ba năm hoạt động, nhà hát thu về 910 triệu nhân dân tệ (131,5 triệu USD), đạt doanh thu 1,5 tỷ nhân dân tệ (216 triệu USD) sau 5 năm kinh doanh.
|
Nhà hát lớn quốc gia Trung Quốc với thiết kế nửa hình elip soi bóng xuống bể nước.
|
Nhà hát quốc gia Đài Trung (The National Taichung Theater) được xây dựng trên khu đất rộng 57.685 mét vuông, do kiến trúc sư Nhật Bản - Toyo Ito - kết hợp Cecil Balmond thực hiện. Công trình khởi công năm 2009, hoàn thành năm 2014. Nơi đây được thiết kế mở với ba phòng biểu diễn, trong đó nơi có sức chứa lớn nhất là 2.000 người. Kinh phí ước tính xây dựng nhà hát này là 128 triệu USD (2.988 tỷ đồng).
|
Thiết kế của Nhà hát quốc gia Đài Trung.
|
Opera house là một hình thức nhà hát đặc biệt, được phát triển từ thời kỳ hậu Phục hưng và vẫn tồn tại đến ngày nay. Theo Theatreprojects, không có một quy chuẩn, hình dạng lý tưởng nhất định nào áp dụng khi xây dựng một nhà hát. Quy mô của nó phụ thuộc vào loại hình biểu diễn (kịch, ballet, giao hưởng, nhạc kịch...), số lượng khán giả. Opera house vốn ra đời dành cho giao hưởng và múa ballet. Tuy nhiên, nhiều nơi được xây dựng như một khu biểu diễn nghệ thuật phức hợp.
Nhà hát giao hưởng thường bao gồm sân khấu, hầm dành cho dàn nhạc, chỗ ngồi khán giả, khu vực hậu trường và thay phục trang... Nhà hát opera đầu tiên trên thế giới - Teatro San Cassiano ở Venice (Italy) - mở năm 1637, có khán phòng hình chữ U. Đây cũng là cấu trúc được áp dụng ở phần lớn nhà hát giao hưởng châu Âu sau này.
Wikipedia thống kê những nhà hát lớn ở châu Âu xây trong thế kỷ 19 có sức chứa từ 1.500 đến 3.000 chỗ, như La Monnaie của Bỉ (1.700 chỗ sau khi cải tạo), Nhà hát Opera và Ballet Quốc gia Odessa của Ukraine với 1.636 chỗ, Palais Garnier ở Paris 2.200 chỗ, nhà hát Vienna State Opera (thính phòng chứa 2.280 chỗ). Một số nhà hát opera hiện đại tại Mỹ trong thế kỷ 20 được xây lớn hơn, như Metropolitan Opera House ở New York có 3.800 chỗ ngồi, War Memorial Opera House ở San Francisco chứa được 3.146 khán giả. Cũng có những nhà hát nhỏ như La Fenice ở Venice - 1.000 chỗ.
Trang Architectural Review ghi nhận dù lượng khán giả rất ít (khoảng 2% người Mỹ đi xem opera năm 2008, người xem ở Italy đang giảm dần), thập kỷ đầu của thiên niên kỷ mới chứng kiến sự ra đời của ít nhất 20 nhà hát giao hưởng cao cấp khắp thế giới. Chúng thường được các nhà thiết kế danh tiếng thực hiện, với chi phí đắt hơn nhiều các tòa nhà bình thường, đôi khi mất cả thập kỷ để hoàn thành. Ví dụ nhà hát César Pelli ở Miami (Mỹ), Daniel Libeskind tại Dublin (Ireland), Paul Andreu tại Bắc Kinh và Thượng Hải, Zaha Hadid ở Quảng Châu (Trung Quốc)...
Minh Anh
Nguồn: giaitri.vnexpress.net