- Ở tuổi 78, ông dành thời gian viết nhạc cải lương như thế nào?
- Vợ qua đời, tôi sống gần ba đứa con ở TP HCM. Tôi có một căn nhà nhỏ, không gian dành riêng để sáng tác âm nhạc. Nếu không bận đi làm giám khảo cho các chương trình, tôi sẽ ngồi ở nhà viết giai điệu. Đôi khi viết xong bài hát, thiếu vài câu cả đêm tôi chập chờn không ngủ được. Nếu nghĩ ra tôi liền bật dậy viết luôn, vì sợ sẽ quên. Khi vợ tôi còn sống, kể cả khi bà ấy ngủ, tôi cũng đánh thức để nghe tôi hát giai điệu vừa nghĩ ra. Nếu vợ tôi nói "được đấy" nghĩa là sau đó ca khúc của tôi được khán giả yêu thích bởi bà ấy là người biết nghe nhạc. Giờ không có vợ ở bên, tôi lại chìm đắm trong sự cô đơn của người khác để sáng tác.
|
Nhạc sĩ Đài Phương Trang.
|
- Nhạc của ông thường nói về sự đau khổ, vậy trong cuộc sống ông từng trải qua những thăng trầm gì?
- Tôi học âm nhạc từ năm lớp 6. Năm lớp 12 tôi bắt đầu sáng tác và được thầy dạy nhạc khuyến khích học đánh đàn. Tôi không có những mối tình sóng gió. Tôi gặp vợ ở lứa tuổi 23-24 rồi kết hôn, có ba đứa con. Cuộc sống hôn nhân của tôi quá êm đềm. Vì vậy, tôi thường vay mượn cảm xúc của người khác để sáng tác nhạc. Những bài hát buồn của tôi đều có câu chuyện từ bạn bè hoặc những người xa lạ. Ví dụ, tôi từng chứng kiến một mối tình cảm động. Đó là một cặp trai gái yêu nhau nhưng bị gia đình ngăn cấm vì gia cảnh chàng trai nghèo khó. Cô gái phải nghe lời cha mẹ đi lấy chồng. Thời gian sau, cả hai vô tình gặp lại nhưng cô gái cố ý tránh mặt tình cũ. Vô tình biết câu chuyện của họ, tôi đã viết ca khúc Đừng nhắc chuyện lòng. Còn bài Căn nhà dĩ vãng tôi viết về nỗi đau của đôi tình nhân không thể cưới nhau...
- Khi viết nhạc, ông trau chuốt ca từ ra sao?
- Bolero, Slow, Boston, Tango đều là những điệu của nhạc trữ tình. Tuy nhiên, thời gian gần đây Bolero phát triển mạnh, tách riêng ra thành dòng nhạc với nhiều cuộc thi được tổ chức. Bolero có giai điệu hơi ủy mị, ca từ đơn giản, đi sát vào đời sống, khán giả nghe hiểu liền. Ngoài ra, nhạc trữ tình nói chung đòi hỏi người viết phải có cách dùng từ nhiều tầng nghĩa, ẩn dụ hình ảnh, để khán giả chiêm nghiệm. Có những ca khúc chỉ còn thiếu một từ cho hợp với giai điệu thôi mà tôi nghĩ tới nghĩ lui cả tháng. Vì vậy, tôi nghĩ một nhạc sĩ trữ tình muốn sáng tác ca khúc hay phải am hiểu được từ Hán - Việt, đọc nhiều tác phẩm văn, thơ, trau dồi vốn từ thật phong phú, sâu sắc.
- Là một nhạc sĩ có nhiều bài Bolero ghi dấu ấn, ông nhận xét gì khi thời gian qua dòng nhạc này được nhiều người quan tâm?
- Bolero là âm nhạc của quần chúng, được hát theo bản năng, tâm hồn người thể hiện. Sức sống của nó lâu bền và chảy âm ỉ qua năm tháng. Khi các chương trình, cuộc thi về Bolero "bùng nổ", dòng nhạc này có thêm điều kiện đi vào đời sống. Nó không còn là "món ăn tinh thần" của khán giả tuổi trung niên nữa mà còn dành cho cả giới trẻ. Tuy nhiên, kho tàng Bolero được nhiều đơn vị, ca sĩ cải lương khai thác triệt để, lâu dần người nghe khó còn cảm giác thích thú như khi nó mới trở lại.
Vì vậy, ở tuổi 78 tôi vẫn sáng tác những bài Bolero mới để góp phần tạo màu sắc cho dòng nhạc này. Tôi còn định làm chuỗi chương trình "Nối tiếp dòng nhạc xưa" cho những sáng tác mới. Tôi sẽ mời những ca sĩ phòng trà thể hiện chứ không phải là tên tuổi đã thành danh, từng hát ca khúc của tôi. Tôi muốn mang điều mới mẻ đến với khán giả hơn là những gì đã định hình với Bolero.
|
Nhạc sĩ hiện sống gần ba đứa con ở TP HCM.
|
- Ông còn mong mỏi gì trong sự nghiệp âm nhạc?
- Tôi có trong tay hàng trăm bài hát và cũng nhiều nhạc phẩm nằm lòng trong lòng công chúng, như vậy đã vui rồi. Bây giờ, tôi chỉ mong có thật nhiều sức khỏe để còn viết nhạc được. Ngoài ra, tôi ấp ủ làm VCD Đài Phương Trang - Nối tiếp dòng nhạc xưa để có thể giới thiệu những bài Bolero tôi chưa từng công bố.
Nhạc sĩ Đài Phương Trang tên thật là Phạm Văn Tứ, sinh năm 1940 tại Sài Gòn. Ông còn có bút danh khác là Phạm Vũ Anh Tứ và Quang Tứ. Bắt đầu sự nghiệp sáng tác từ năm 1966, đến nay nhạc sĩ đã có trên 500 tác phẩm.
Những tác phẩm được biết đến nhiều của ông là Hoa mười giờ, Căn nhà dĩ vãng, Chuyến xe miền Tây, Tình nghèo có nhau, Ước mộng đôi ta... Trong đó Người yêu cô đơn (viết năm 1973) là nhạc phẩm trữ tình được đông đảo khán giả yêu thích, giúp đưa tên tuổi ca sĩ Tuấn Vũ đến với công chúng yêu nhạc.
Tâm Giao
Nguồn: giaitri.vnexpress.net