Tối 8/8, Nhà hát Kịch Việt Nam diễn vở Nguồn sáng trong đời của cố tác giả kịch bản cải lương Lưu Quang Vũ. Tác phẩm từng được đạo diễn cải lương Đình Nghi, Tú Mai dàn dựng, ra mắt năm 1984. NSND Hoàng Dũng chia sẻ ông hạnh phúc khi được Nhà hát Kịch Việt Nam tin tưởng nhờ dựng lại kịch nhân kỷ niệm 30 năm ngày mất Lưu Quang Vũ (1988 - 2018). Ông giữ cốt lõi tác phẩm để không làm mất đi tinh thần, tư tưởng chính.
Vở kể về Lê Chí - một họa sĩ kiêm cựu chiến binh. Anh bị mù vì gặp tai nạn khi tham gia chiến đấu. Sau 10 năm sống trong bóng tối, anh ngày càng chán chường, mất ý chí sống. Oanh - vợ Chí - bèn tìm đến Thành - người yêu cũ của cô đồng thời là bác sĩ phụ trách dự án ghép giác mạc ở một bệnh viện lớn - để nhờ cậy. Thành dồn hết tâm huyết để chữa chạy cho Chí. Thế nhưng, anh gặp cản trở lớn vì không ai chịu hiến giác mạc của người nhà đã khuất.
Kịch đề cập đến nhiều phạm trù liên quan đến đạo đức ngành y. Bác sĩ Thành một mực khẳng định việc lấy đi giác mạc của người chết để đem lại ánh sáng cho các bệnh nhân mù là việc làm nhân đạo. Tuy vậy, trong quá trình hiện thực hóa lý tưởng, anh không tránh khỏi những giây phút nao núng. Anh bị người nhà bệnh nhân chỉ trích vô nhân đạo.
|
Minh Hoàng (phải) vào vai họa sĩ mù Lê Chí.
|
Thành cũng phải đối đầu với nhiều nghi ngại từ chính những cộng sự thân thiết. Sau này, Thành nảy ra ý tưởng đến khoa ung thư, xin giác mạc từ những người đã được chuẩn bị tư tưởng đón nhận cái chết. Hành động của anh bị đồng nghiệp Điền phản đối gay gắt. Điền cho rằng bệnh nhân cần giành giật sự sống đến phút cuối cùng và không ai được phép nói với họ về cái chết. Khi bệnh viện đầu tư tiền để mua giác mạc, Thành đã từ chối bởi anh mong chờ một ai đó sẽ tình nguyện làm việc này. Anh đắn đo khi đồng nghiệp khuyên nhủ: "Anh không nên trông chờ vào lòng tốt bởi chúng ta là những người làm khoa học". Sự đấu tranh liên quan đến những phạm trù đạo đức trong Thành đến nay vẫn là vấn đề được bàn luận sôi nổi của xã hội.
Nhân vật cô y tá Bích (Tuyết Trinh thể hiện) tạo thiện cảm bởi tính cách sôi nổi, nhiệt huyết. Khán giả đồng cảm với Bích khi cô phải lang thang ở nhà xác, ghi tên những người mới tử vong và chứng kiến nỗi đau từ người nhà của họ. Trong lúc họ tuyệt vọng nhất, cô phải khuyên nhủ, trình bày về dự án mắt và thuyết phục họ hiến giác mạc của người nhà. Bích cảm thấy công việc của mình vô cùng độc ác.
* Bác sĩ Thành bị mắng vì xin giác mạc của người nhà bệnh nhân mới mất
Kịch Lưu Quang Vũ gây xúc động với chuyện hiến giác mạc
Trong hai tiếng đồng hồ, các diễn viên cải lương mang đến cho khán giả nhiều cảm xúc. Phân cảnh Chí gặp Toàn - một bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối - trong khuôn viên bệnh viện - gây xúc động. Toàn bày tỏ anh ghen tỵ với Chí. "Mù không có nghĩa là chết. Dù sao, anh vẫn được sống, làm việc". Chí khao khát được sống ngắn ngủi nhưng đầy đủ, trọn vẹn như Toàn. Họ hăng say nói về lý tưởng còn dang dở.
Nhiều người rớm nước mắt khi chứng kiến cảnh bệnh nhân chiến đấu với tử thần, mãn nguyện khi tâm huyết của các bác sĩ được đền đáp. Nguyễn Duyên, Ngô Thuận diễn "ngọt" khi lần lượt vào vai vợ Lê Chí và vợ Toàn. Hai nhân vật có cảm xúc hoàn toàn trái ngược. Vợ Lê Chí bị đẩy xuống đáy sâu tuyệt vọng và vỡ òa trong hạnh phúc ở những phút cuối. Trong khi đó, vợ Toàn luôn nghị lực, mạnh mẽ, giàu hy vọng. Khi chồng qua đời, chị thất vọng, đau khổ nhưng không bi lụy. Nhiều khán giả trong rạp lặng người khi Toàn mất.
Kịch giảm tính bi thương nhờ lồng ghép tính hài hước qua phân đoạn Thành bị người nhà bệnh nhân mắng mỏ. Vai bệnh nhân lắm tiền nhiều của của Diễm Hương, anh chàng mắt lác do Vi Nam đóng... khiến người xem thích thú.
Nguồn sáng trong đời lồng ghép nhạc phẩm cùng tên do nhạc sĩ Tiến Minh sáng tác, Đông Hùng thể hiện. Khi ca khúc vang lên ở phân đoạn Lê Chí gặp gỡ Toàn, người xem cảm thấy sự bế tắc của anh. Kết thúc vở kịch, ca khúc được phát khi Lê Chí phẫu thuật thành công, gợi lên những hy vọng tươi sáng.
Hà Thu
Nguồn: giaitri.vnexpress.net