Người thành danh, anh chăn dê cùng thi
Chưa có một chương trình truyền hình nào hiện nay mà thí sinh lại đa dạng và đặc biệt như Đường đến danh ca vọng cổ. Không có sự giới hạn nào về tuổi tác, chuyên môn, giới tính, nghề nghiệp, ngoại hình ở chương trình này như thường thấy ở số đông các chương trình giải trí khác. Ở đây người ta có thể thấy bà ngoại bế cháu, giữ con cho người mẹ trẻ đi thi. Con thi xong, ra bế con thay cho bà ngoại để bà ngoại U70 vào thi tiếp. Có cả những em học sinh mới 17 tuổi. Ở đó còn có nhiều thí sinh đoạt giải chuông vàng, chuông bạc của cuộc thi Chuông vàng vọng cổ trước đó đi hát mua được cả nhà lầu, xe hơi lẫn những nghệ sĩ đoạt huy chương vàng giải Trần Hữu Trang, những diễn viên cải lương các đoàn cải lương chuyên nghiệp đi thi cùng những người chăn dê, gác rừng, bán bún riêu, kẹo kéo… chưa một lần bước lên sân khấu. Hơn thế, ở cuộc thi này có cả những người ở giới tính thứ ba mà chưa qua chuyển giới. Có cả những thí sinh khiếm khuyết về hình thể như đi nạng hay khuyết một bàn tay…
Lạ một cái là họ chấp nhận sự bình đẳng như nhau ở vòng tuyển chọn. Khán giả cũng chứng kiến những thí sinh là những cái tên quen thuộc, được chú ý ở cuộc thi khác không được chọn vào cuộc thi này, thay vào đó là những tay ngang. Những đặc điểm này tạo nên một sự lạ, rất riêng của Đường đến danh ca vọng cổ.
Ba nghệ sĩ - huấn luyện viên Kim Tử Long, Thoại Mỹ và Ngọc Huyền đều cho thấy nỗ lực và hiểu biết tầm cao của họ trong lĩnh vực chuyên môn họ phụ trách.
Khán giả say mê
Hiếm có cuộc thi nào mà khán giả lại hăng say giống cuộc thi này. Những tập thi phát lại trên mạng có không biết bao nhiêu ý kiến dạng: “Có ai giống mình không, cứ chờ đến tối thứ Bảy để xem chương trình này”, “Mỗi tuần mình đều ngóng chờ có chương trình để coi”, “Đi làm về rất mệt, mình không đi tắm, không đi ăn, phải coi xong chương trình mới đi tắm”… Khán giả cũng bàn luận, nhận xét thí sinh, tiết mục hăng hái, rôm rả và không kém chuyên nghiệp, chẳng khác nào ba vị huấn luyện viên (HLV). Đáng chú ý là họ không hề kỳ thị những thí sinh khác biệt về giới tính hay ngoại hình. Chỉ cần họ hát hay là khán giả hết lòng ủng hộ, bảo vệ. Đáng quý, phần lớn khán giả của cuộc thi gọi các HLV là cô chú, anh chị. Tuy không được phát trên một kênh truyền hình chính quy, xong mỗi tập trên mạng của chương trình đều ở con số trên dưới triệu lượt xem đến vài triệu lượt xem. Đây là số lượt xem đáng mơ ước của bất kỳ chương trình giải trí nào hiện nay.
Huấn luyện viên giỏi và tận tâm
Để có được sự hăng hái như thế ở khán giả, chính êkíp làm nên cuộc thi đã có một sự hăng say không kém. Chương trình có kết cấu hiện đại như các cuộc thi giải trí thời thượng hiện nay với ba vị HLV và các vòng thi gây được kịch tính, lôi cuốn. Ban tổ chức đã chọn mời được một ban cố vấn và một ban giám khảo giỏi, đồng đều về chuyên môn, ứng xử thuyết phục về chuyên môn lẫn thái độ. Ngoài ra các cố vấn, HLV của chương trình cũng hội đủ yếu tố là ngôi sao cải lương. Ba HLV không chỉ giỏi, nổi tiếng mà họ còn tận tâm tận lực, hết mình đào tạo các thí sinh của mình, đồng thời đưa ra những nhận xét chính xác, công tâm, thu phục được khán giả.
Thí sinh hồn nhiên, cháy hết mình
Riêng các thí sinh, dù là một tên tuổi đã nổi hay là người tay ngang, làm nghề gì, giới tính ra sao thì ở mỗi người đều thể hiện sự đam mê cải lương, vọng cổ đầy nhiệt huyết. Họ chỉ ước được ca hát trên sân khấu, trước khán giả, có một lần trở thành nghệ sĩ nên họ đã cháy hết mình. Cuộc thi được đón đợi, được khen ngợi là vì vậy. Quý hơn cả, cải lương trong lúc được cho là hết đường sống, qua chương trình này lại cho thấy loại hình nghệ thuật đặc sản miền Nam, đậm tính dân tộc này lại giàu sức sống không thua bất kỳ loại hình giải trí thời thượng, ăn khách nào khác.
Nghệ sĩ - HLV Kim Tử Long:
Đầu tư kỹ lưỡng thì chắc chắn khán giả không phụ lòng
Cảm ơn Công ty Điền Quân đã tạo ra một sân chơi để các em trẻ chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp có nơi để thể hiện bản thân, thỏa lòng đam mê, để tỏa sáng, để được khán giả biết đến hay nhắc khán giả nhớ nhiều đến mình. Từng nghệ sĩ, thí sinh tham gia chương trình nhắc nhớ cải lương hay đem cải lương đến gần công chúng. Với chương trình này, tôi muốn nói như vầy: Khi có một sự đầu tư đúng mức từ ban tổ chức cuộc thi, có sự chuyên nghiệp của êkíp từ khâu kịch bản đến tập luyện, quay hình…; khi có sự kỹ lưỡng, nghiêm túc, chỉn chu từ tất cả các khâu đến ban huấn luyện, thí sinh thì chắc chắn khán giả sẽ không phụ lòng.
|