Một đoàn xiếc tinh chất như vừa từ xa xăm đến, đổ bộ vào nhà hát với những nghệ sĩ chân đất, vai trần, lưng vạm vỡ, mặt nạ, xương người hình hài lạ lẫm.
Khán giả thì như những lữ khách tình cờ ghé qua, vì đoàn xiếc kia không gõ trống khua chiêng chiêu trò quảng cáo, công chúng thành phố thờ ơ hay bận rộn không dễ gì nhận biết.
Tôi cũng là một khán giả tình cờ như vậy. Tôi được một người bạn ở nước ngoài về rủ đi xem. Quả thật là vô lý và tội lỗi cho một người luôn tự nhận là dân Sài Gòn, lại tự cho mình là người của ngành giải trí, đã làm nhiều xem nhiều như tôi. Tôi đã chứng kiến phần nào những bước thăng trầm của Làng tôi (My Village show), À Ố (A O show), tưởng rằng khát vọng và nỗ lực khá phi thường của những nhà sản xuất liều lĩnh và can đảm đến đó là hết.
Teh Dar làm cho tôi vừa ngỡ ngàng vừa kinh ngạc, vừa cảm động ấm áp khi sân khấu vừa mở ra, tôi đã gặp lại: tre.
Phải, tre trở về... vẫn lả lướt, điệu nghệ. Tre vững chãi, ngoạn mục, cách điệu, hào sảng, xoay tròn cùng với nan, nứa, và nghệ sĩ xiếc điêu luyện, nghệ sĩ múa trẻ trung, kể lại câu chuyện xa xăm của núi rừng Tây Nguyên.
Tre Teh Dar mạnh mẽ hơn tre Làng tôi. Khi Làng tôi mượt mà, hồn tre ngà mềm mại thủ thỉ với cổng làng Bắc bộ, tiếng gà lảnh lót sớm trưa, thì tre của Teh Dar vạm vỡ, ầm vang tiếng đại ngàn, tạo hình biến hóa, làm rung lắc từng hồi, từng chặp cả sân khấu. Quả thật, chiêm ngưỡng hình ảnh tre và các nghệ sĩ hay ho đến mức đó, tôi tự hỏi: “Nếu như không có cây tre huyền ảo và độc đáo như vậy, thì chúng ta sẽ kể những câu chuyện của người Việt Nam trên sân khấu của nghệ thuật xiếc bằng cách nào?”.
Teh Dar là một dạ tiệc thị giác thật sự. Ánh sáng đỏ âm u và gợi cảm đủ cho những khán giả Tây Tàu xa lạ hiểu được một vùng trời đất còn hồng hoang ở Việt Nam. Những cây tre ảo diệu vẽ nên những bố cục độc đáo, chúng biết cách tạo hình để gây ám ảnh. Khi tổng thể khi chi tiết, khi ngả nghiêng khi thẳng thớm, khi xa khi gần, khi ầm ầm khi nhỏ nhẹ thủ thỉ, chúng chen chúc nhau để kể chuyện, như đoàn người rừng hớn hở và chân chất tranh nhau khoe tài khoe giỏi với người phố thị kinh kỳ.
Âm nhạc nữa, hồn vía của Teh Dar chính là loại âm nhạc pha âm thanh và ngôn ngữ sắc tộc, cộng với những tiếng động lạ kỳ, những câu hát lay lắt xa xăm. Nghe có vẻ bộ tộc cổ xưa nhưng thật là “world music”. Nhà sản xuất nói rằng họ đã vời về những nghệ nhân thiệt, dân dã thiệt, dân tộc thiệt. Họ ngồi ở nhà hát Sài Gòn đánh trống, thổi tù và, vỗ đàn chapi, đánh cồng chiêng... Phải khó khăn lắm, họ mới yên vị được ở sân khấu lớn, tuân theo một bản hòa âm, một dàn phối khí hoành tráng, giao hòa ngây ngất, nhưng thiệt là quá mới mẻ với họ như vậy. Âm nhạc kích thích bản năng và tâm hồn của họ, đan quyện với sự náo nức của khán giả. Âm nhạc vang lên, dẫn dắt, gợi mở, tung hứng, rồi lại dặt dìu những câu chuyện kể, chuyện nào cũng bí hiểm, nửa vời, đau thương, và khao khát...
Những nghệ sĩ tuyệt vời của Teh Dar, họ chưa kịp có tiếng tăm, nhưng những chàng và nàng solist với vẻ đẹp hình thể và ngón nghề đã tuyệt diệu. Họ diễn tả được nhục cảm, những tình yêu cả tinh khôi lẫn phồn thực, với lên tận những khát vọng hoang dại, hả hê lẫn đào xới leo trèo. Có lúc họ thể hiện rõ, họ là một đoàn Tarzan xinh đẹp và uy vũ, chủ nhân của những ngôi nhà dài, những ngôi nhà mồ bí ẩn âm u, cả những bài trường ca đầy hạnh phúc và khổ đau. Tôi nghe kể họ là những nghệ sĩ rất trẻ, có người mới ra trường, vì một kịch bản đầy khám phá, nhiều thầy trò họ lặn lội lê lết với nhiều vùng đất và nhiều người trên Tây Nguyên hàng năm trời, mới có thể về xiếc hay múa giỏi, diễn tả hồn vía người núi rừng được như vậy. Trường đoạn và các tiết mục về nhà mồ Tây Nguyên, người xem thật sự lạc bước, rồi hòa nhập với nghệ thuật hình thể độc đáo, ma mị, sơn cước và mộng du.
Nhà sản xuất nói họ muốn tiếp tục kể những câu chuyện về Việt Nam bằng xiếc và cây tre, như họ đã kể thành công về những show diễn thị giác, mới nhất là Teh Dar, trong tiếng vỗ tay giòn giã và ánh mắt trân trọng, đầy chia sẻ, ngưỡng mộ và yêu thương của người xem như vậy. Họ muốn giới thiệu cho người nước ngoài về Việt nam bằng cách đó.
Họ còn hướng về công chúng Việt Nam.
Tôi hiểu những bước đi đó thật sự thách thức và quá chông gai, vì xiếc, múa, và âm nhạc không lời chưa phải là khẩu vị của số đông khán giả Việt.
Tôi nhớ Phạm Duy, người nhạc sĩ tài hoa đã khuất. Ông để lại Con đường cái quan, bản trường ca kể lại dặm dài đi dọc đất nước của một lữ khách. Đi đến đâu, bản sắc của từng vùng đất, vùng người hiện lên, hấp dẫn, trữ tình, níu chân ai.
Teh Dar - theo cách diễn tả của người Tây Nguyên là những gì tạo thành vòng tròn. Họ quây quần, ca hát, nhảy múa, yêu thương, sinh sống, những bước chân, kể cả những sắp đặt sinh tử cũng rất tròn, làm thành vòng tròn.
Một người bạn nghệ sĩ của tôi nói rằng chị là người miền Trung, miền Trung trong tâm tưởng của chị là một khúc ruột mênh mông của đất nước, bao gồm cả Tây Nguyên. Miền Trung không chỉ là duyên hải, không chỉ nhìn ra biển cả, mà còn quay mặt vào đại ngàn bát ngát, nơi có cả một trời bản sắc và những bản trường ca vĩ đại.
Tôi tin rằng cả Phạm Duy, ông cũng nghĩ như vậy. Chiều dài hay vòng tròn chỉ là ước lệ, người lữ khách như ông còn nợ Tây Nguyên một chương quan trọng của Con đường cái quan, trong đó có cả hùng ca, bi ca, và tình ca.
Thật may mắn biết mấy, lớp hậu sinh của ông, những nhà sản xuất trẻ, những nghệ sĩ trẻ, đã biết cách viết tiếp một Con đường cái quan, bằng cách nối những vòng tròn vào những dặm dài.
Họ biết dùng những chất liệu bền vững đến lạ lùng - như tre - nghệ thuật biểu diễn - âm nhạc - tài hoa và tinh hoa tiếp nối...
Họ mang đi hòa nhập với thế giới rộng lớn.
Tôi hiểu những gian nan khai phá của họ. Tôi được thưởng thức một góc tinh túy Tây Nguyên giữa lòng thành phố, lại là một show diễn rất “cháy vé”, rất thương mại và giải trí, sẽ được sáng đèn thường kỳ. Thật là rất vui.
Teh Dar là phiên bản Tây Nguyên được dàn dựng bởi cùng nhóm tác giả kịch bản cải lương À Ố và Làng tôi (đạo diễn cải lương Tuấn Lê và đạo diễn Nguyễn Nhất Lý) theo loại hình biểu diễn “kịch xiếc mới” với việc kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật sân khấu như xiếc đu dây, nhào lộn, tung hứng, xiếc thăng bằng, và nghệ thuật dàn dựng, sắp đặt, kỹ thuật trình diễn đa năng... |
Thanh Thủy, ảnh LP
Nguồn: nguoidothi.vn