Sân khấu kịch Idecaf TP HCM vừa tái dựng tác phẩm sân khấu nổi tiếng của nhà văn Ngọc Linh, nhân kỷ niệm 15 năm ngày ông mất.
Ngôi nhà không có đàn ông là vở quen thuộc với thế hệ khán giả những năm 1990. Bản dựng đầu tiên có sự tham gia của các diễn viên cải lương thuộc thế hệ vàng sân khấu kịch 5B Võ Văn Tần (TP HCM) như: Hồng Vân, Hồng Đào, Thành Lộc, Quốc Thảo... Tác phẩm nhiều lần được dựng lại trên sân khấu lẫn truyền hình và luôn được người xem đón nhận.
|
Thành Lộc đầu tư về trang phục cho vai diễn. |
Ở phiên bản mới của đạo diễn cải lương Vũ Minh, kịch vẫn giữ đường dây câu chuyện về cuộc sống của năm phụ nữ độc thân, qua sự hóa thân của các nghệ sĩ gồm: Nghệ sĩ Ưu tú Kim Xuân (vai người mẹ), Nghệ sĩ Ưu tú Thành Lộc (dì Ba), Hoàng Trinh (Xuân), Lê Khánh (Hạ), Vân Trang (Thu).
Ẩn sau vẻ ngoài bình yên, ngôi nhà của năm người đàn bà chất chứa nhiều điều bất thường vì sự hận thù của người mẹ - trụ cột gia đình. Mang nỗi dày vò bị chồng phụ tình, bà muốn các con và em gái phải sống theo nguyên tắc, nền nếp do mình đặt ra, nhất là luôn đề phòng cao độ với đàn ông. Nhưng rồi tình yêu chân thật của con gái út đã thay đổi hoàn toàn mọi thứ.
Điểm nhấn khác biệt ở bản dựng của đạo diễn Vũ Minh là những tình tiết hài xung quanh nhân vật dì Ba do NSƯT Thành Lộc thủ vai. Thành Lộc có nhiều có đất diễn hơn so với bản gốc từng được diễn viên Nguyễn Thị Minh Ngọc thể hiện. Trong vai bà cô già lỡ thời, khao khát được yêu và thể hiện điều đó bằng cách ủng hộ tình cảm của các cháu, Thành Lộc mang lại tiếng cười xuyên suốt vở diễn. Anh đã tỏa sáng trong một vai phụ khi biến mình thành tâm điểm mỗi khi xuất hiện với những câu thoại đắt giá. Ẩn sau vẻ ngoài lạnh lùng của một bà cô khó tính, dì Ba giàu cảm xúc, luôn đứng ra nói đỡ mỗi khi cháu bị mẹ la mắng.
Trang phục và phụ kiện cũng được Thành Lộc tính toán kỹ lưỡng để hỗ trợ phần diễn xuất. Nhân vật dì Ba chiếm cảm tình của khán giả và mang đến tiếng cười khi toát lên sự hồn nhiên, hoạt bát. Cách đây 20 năm, Thành Lộc diễn trong vở Ngôi nhà không có đàn ông nhưng với vai ông Thiện - người yêu của cô con gái giữa. Vai diễn này trong phiên bản mới đã được giao lại cho NSƯT Hữu Châu. Sự thay đổi mang đến nhiều bất ngờ cho khán giả.
|
Những người phụ nữ trong "Ngôi nhà không có đàn ông". |
Ngoài Thành Lộc, các nhân vật còn lại trong vở mang đến những cảm xúc riêng cho khán giả.
Hoàng Trinh vào vai con gái cả, người chịu ảnh hưởng mạnh mẽ tính cách từ mẹ. Cô bước vào tuổi trung niên một cách tẻ nhạt và luôn lẩn tránh những người đàn ông có tình cảm với mình. Trong khi đó, Lê Khánh đảm nhận vai cô con giữa, tính tình bốc đồng, nổi loạn và ngang bướng nhất nhà. Cô là nhân vật gây cười nhiều nhất, bên cạnh Thành Lộc. Những câu thoại tưng tửng của nhân vật này làm dịu bầu không khí ngột ngạt, căng thẳng trong gia đình mỗi khi xảy ra cãi nhau. Tuy nhiên, mối tình giữa cô và người bạn trai nhiều tuổi cũng lấy nhiều nước mắt của khán giả. Hữu Châu thể hiện nỗi đau của người đàn ông đánh rơi hạnh phúc tưởng đã có trong tầm tay, cố níu kéo để rồi tất cả vỡ òa ngay khi ông bước ra khỏi cánh cửa nhà Hạ...
Vân Trang là nhân vật mở ra những nút thắt cho vở kịch. Trong ba chị em, cô là người có cuộc sống bình thường nhưng gây bất ngờ nhất. Cô yêu một chàng trai phải chạy ăn từng bữa, dám có con với anh và dám vượt khỏi vòng lễ giáo để đi theo tiếng gọi trái tim. Cô sẵn sàng vượt lên những quan niệm sống của gia đình với suy nghĩ ngây thơ nhưng quyết liệt trong hành động. Sau nhiều sóng gió, bằng tình yêu thương, cô giúp mẹ vượt qua bi kịch do những tổn thương trước đây bằng tình yêu thương.
Vở kịch gửi gắm thông điệp cho những phụ nữ vẫn không ngừng giày vò bản thân và người xung quanh vì ám ảnh về quá khứ. Chỉ khi mở lòng, bỏ qua những quy tắc, lề giáo, họ mới cảm nhận được trọn vẹn sự ấm áp của tình yêu thương.
Vân An
Nguồn: giaitri.vnexpress.net