Trưa 2/12, tại TP HCM, khoảng 100 khán giả, đồng nghiệp tề tựu tưởng nhớ 40 năm ngày nghệ sĩ Thanh Nga và chồng - ông Phạm Duy Lân qua đời. Trong hơn một giờ đồng hồ, nhiều tên tuổi như NSND Kim Cương, Bạch Tuyết, Thanh Vy, Ca Lê Hồng, các diễn viên đoàn Thanh Minh Thanh Nga thuở trước như: Mộng Tuyền, Hà Mỹ Xuân, Xuân Lan, Quốc Nhĩ, Nam Hùng, Thanh Nguyệt... cùng ôn kỷ niệm về "nữ hoàng sân khấu". Theo diễn viên Hồng Ánh - người từng dự nhiều buổi giỗ nghệ sĩ Thanh Nga - những câu chuyện dù nghe mãi vẫn không chán, bởi mỗi mảnh ghép ký ức về nhân vật tài danh đều truyền cảm hứng cho thế hệ sau thêm động lực gắn bó với nghề.
* Nghệ sĩ Sài Gòn nhớ 40 năm ngày Thanh Nga mất
"Cái tình dành cho Thanh Nga hơn cả sự ngưỡng mộ"
Ngoài các nghệ sĩ tên tuổi, buổi giỗ 40 năm Thanh Nga còn có sự góp mặt của khán giả mộ điệu cùng vài gương mặt hiếm hoi làm công tác hậu đài ở đoàn Thanh Minh Thanh Nga xưa. Trong đó có bà Năm, từng là phụ việc cho cố nghệ sĩ. Ở tuổi 70, bà Năm giữ nguyên ký ức về tuổi 12-13 khi giúp việc trong nhà bà Bầu Thơ - mẹ nghệ sĩ Thanh Nga.
|
Nghệ sĩ Hữu Châu (trái) và Hà Linh (phải) cùng NSND Bạch Tuyết (thứ hai từ trái qua) ở buổi kỷ niệm. Ảnh: Quỳnh Trần.
|
Bà Năm kể quý nhất Thanh Nga ở tính tình dễ thương, hiền từ. Nữ nghệ sĩ làm ra tiền nhưng không biết xài tiền, có bao nhiêu đều đưa hết cho mẹ. Trong nhà, Thanh Nga cũng không phải làm bất cứ gì, chỉ tập trung hát, diễn. "Tôi không mê cải lương, không rành sân khấu nên cái tình của tôi dành cho cô hơn cả sự ngưỡng mộ của một khán giả mà là cái tình dành cho người ơn. Tôi theo phụ cô, giúp lo trang phục nhưng cô chưa bao giờ xem tôi là kẻ ăn người ở, chỉ đơn giản là một đứa em. Lúc nào xung quanh cô cũng có một nhóm em gái phụ việc. Nhằm hôm có tiền, cô bảo: 'Bữa nay chị Ba có 10.000 đồng, mấy đứa đi chơi với chị không'. Vậy là mấy chị em ngồi xích lô ra thương xá Tax chơi", bà Năm kể.
Ở góc đời thường khác, NSND Kim Cương chia sẻ bà thương Thanh Nga bởi đồng cảnh ngộ nữ nghệ sĩ thường thiệt thòi về hạnh phúc riêng tư. Trải qua lận đận, đến ngoài tuổi 30, Thanh Nga mới tìm thấy tình yêu bên ông Phạm Duy Lân, hưởng hạnh phúc làm vợ làm mẹ. "Khi Thanh Nga mang bầu và sinh con trai, nhìn Thanh Nga ôm con tôi rơi nước mắt. Bởi giờ phút này, người đàn bà này mới dám sống cho mình. Lúc đó, tôi cũng ghé tai em nói nhỏ: 'Chị cũng mang thai ba tháng'. Chúng tôi nhìn nhau cười trước niềm hạnh phúc quá đỗi giản dị ấy", Kim Cương kể.
"Thanh Nga là điểm tựa tinh thần của thế hệ nghệ sĩ trẻ"
Ở lễ giỗ, các nghệ sĩ thuộc nhiều thế hệ mỗi người góp một cảm nhận, một câu chuyện phác họa chân dung cố nghệ sĩ. Bạch Tuyết kể ngày nhỏ bà từng chen chân ở sau rạp Nguyễn Văn Hảo (Sài Gòn) để được thấy Thanh Nga, xin ảnh thần tượng. Một lần hội ngộ, cố nghệ sĩ vuốt má Bạch Tuyết và khen sẽ có duyên với nghề hát. Hơn 16 tuổi, Bạch Tuyết theo đoàn nghệ thuật. Đến năm 1963, bà đoạt huy chương vàng giải Thanh Tâm và vinh dự được Thanh Nga trao huy chương. "Lúc gắn huy chương, chị Thanh Nga bảo tôi 'nghề này cực lắm nhưng em nhớ ráng'. Mối duyên được gặp chị, diễn cùng chị đã giúp tôi càng gắn bó, trân quý nghề nghiệp mình chọn", Bạch Tuyết xúc động kể lại kỷ niệm.
Nghệ sĩ Nhân dân cho biết bà chịu nhiều ảnh hưởng từ lối ca diễn của Thanh Nga. Cách nắm bắt tâm lý nhân vật, phong thái chuẩn mực, lối diễn xuất sáng tạo của cố nghệ sĩ luôn khiến đồng nghiệp, khán giả tấm tắc. "Ví dụ ở vở Bên cầu dệt lụa, trong cảnh Quỳnh Nga với Trần Minh 'khố chuối', mỗi lần thay đổi tư thế cầm chiếc nón, Thanh Nga lại khắc họa một tâm trạng của nhân vật", Bạch Tuyết chia sẻ.
Nghệ sĩ cải lương Quốc Nhĩ - người từng có thời gian dài gắn bó với đoàn Thanh Minh Thanh Nga - cùng chung nhận xét về sự chỉn chu trên sân khấu và tài diễn xuất của cố nghệ sĩ. "Ngày trước, tôi rất thích đứng sau cánh gà để nghe Thanh Nga hát. Bà hát quá hay, nhập tâm trọn vẹn vào vai diễn. Đến giờ tôi vẫn nhớ cách nhân vật tiểu thư Quỳnh Nga cắn môi diễn tả nỗi lo lắng khi bị cha bắt gặp ở nhà Trần Minh", ông kể.
|
Vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nguyệt - Quốc Nhĩ dự lễ giỗ 40 năm ngày mất của Thanh Nga. Ảnh: Quỳnh Trần.
|
Bà Hồng Dung - Phó Chủ tịch Hội sân khấu TP HCM - chia sẻ Thanh Tâm, giải thưởng danh giá của sân khấu cải lương giai đoạn 1958-1968, được lập ra vì nguồn cảm hứng về tài năng của Thanh Nga. Từ vai Sơn nữ Phà ca ở vở Người vợ không bao giờ cưới, bà chinh phục khán giả qua hàng loạt vai diễn như Trinh trong vở Con gái chị Hằng, Ca Lộ Thi trong Tuyết băng và bạo lực, Thanh trong Tấm lòng của biển, Giáng Hương trong Sân khấu về khuya, Kim Anh trong Đời cô Lựu, Trưng Trắc trong Tiếng trống Mê Linh... cho đến vai cuối cùng là Thái Hậu Dương Vân Nga.
Đạo diễn Phước Sang tâm sự ngày trước vì mê các nghệ sĩ cải lương gạo cội, trong đó có Thanh Nga mà anh và nhiều bạn bè chọn ngành sân khấu. "Má ba Thanh Nga như 'tổ nghề' của lứa lớp diễn viên về sau này. Niềm đam mê sân khấu, tính kỷ luật của bà là điều chúng tôi phải học tập", anh nói. Còn đạo diễn cải lương Hồng Ánh tâm sự: "Nhiều diễn viên thế hệ đàn em đàn cháu, không chỉ trong lĩnh vực sân khấu mà còn là âm nhạc, phim ảnh, đều xem bà là một điểm tựa tinh thần".
Nghệ sĩ Hữu Châu cho biết gia đình rất hạnh phúc khi sau 40 năm, tình cảm của mọi người vẫn đầy ắp. Thậm chí, một nhóm khán giả tuổi mười mấy đôi mươi lập fan club, ngày giỗ hàng năm cùng mặc đồng phục in hình bà, đến mộ thắp hương và dâng hoa. Những băng đĩa, video tác phẩm của bà đều được khán giả chia sẻ nhiều trên mạng xã hội, youtube. "Chúng tôi hiểu nếu nghệ sĩ sống hết mình với đời, với nghề bằng tài năng và đức độ, khán giả - đồng nghiệp sẽ không bao giờ quên họ", NSND Kim Cương bày tỏ.
Thoại Hà
Nguồn: vnexpress.net