nghệ sĩ Thanh Tòng và con gái Quế Trân"> |
Cố nghệ sĩ Thanh Tòng và con gái Quế Trân |
Đứa bé ấy chính là tôi. Tuổi thơ của tôi là những hình ảnh thật đẹp, lung linh từ ánh đèn sân khấu. Chiều nào học mẫu giáo về, tôi cũng hối mẹ tắm rửa mau mau, cơm nước xong xuôi để theo ba đi hát.
Ba không “viện cớ” là nghệ sĩ nổi tiếng
Trước giờ ba có thói quen đi diễn ở đâu cũng đem vợ con theo. Lúc đó đã không còn cảnh gạo chợ nước sông, ba chỉ diễn lòng vòng trong thành phố, cứ một tuần diễn một rạp, từ Kim Châu, Quốc Thanh, Long Vân, Thủ Đô qua tới Hào Huê...
Mẹ kể hồi nhỏ tôi bị sốt hoài, ốm nhom ốm nhách, ra đường phải trùm kín mít cho tôi. Vậy là trên chiếc Honda Dame, ba chở cả gia đình, anh hai ngồi trước, tôi ngồi sau với mẹ, cả nhà cứ đùm đề đi như thế không sót bữa nào. Đêm nào cũng coi mà sao tôi vẫn cứ mê. Tôi theo ba mẹ đi hát cần mẫn mỗi đêm y hệt như... đi làm!
Thích nhất là ngắm ba và các cô chú của đoàn Minh Tơ sắm tuồng (bắt đầu có chút liên quan đến cái kiếng, cây son rồi nhé!). Tôi mon men sà vào cô Bạch Lê, cô sáu Thanh Loan, lấy cọ “quẹt” môi, “đánh” má hồng tèm lem mặt mũi.
Như biết ý, (hồi nhỏ mấy cô tôi cũng y vậy hà) các cô tôi sắm tuồng rồi kẹp tóc cho tôi điệu lắm. Tôi cảm giác như mình được lạc vào thế giới thần tiên, thích thú làm sao!
Và khi tiếng nhạc trỗi lên, màn nhung kéo ra, những đứa bé con các nghệ sĩ chạy ù mỗi người một góc cánh gà ngồi xem ba mẹ mình hát.
Tôi nhớ lần nào tới cảnh ba tôi đóng vai Võ Minh Thành (trong vở Đời cô Lựu) bị đánh, bị ức hiếp tôi cũng khóc sướt mướt, đòi chạy ra sân khấu cứu ba, mẹ phải ghì chặt lấy tôi mà dỗ dành!
Mỗi lần ba diễn xong cảnh là tôi nhào tới quạt, rồi đấm bóp cho ba, lấy nước cho ba uống. Tôi còn nhớ đó là cái lon guy gô mà mẹ tôi tỉ mỉ may thêm cái túi vải bọc bên ngoài ủ để nước lâu nguội. Đi diễn ở đâu cũng cầm theo lon nước này, nên ba hay bị mọi người chọc quê.
Ba cười kể có bữa đi diễn xa, xe chạy hoài, mọi người khát quá lúc đó mới nhớ tới lon nước của ba, nhờ lon nước “nhà quê” này mà giải quyết cơn khát cấp tốc.
Mà ba xài đồ gì cũng lâu thiệt lâu, chiếc xe ba chạy hoài tới cũ mèm cũng không chịu thay, hư gì ba lại hì hục sửa, rồi ngắm nghía: “Đồ còn ngon lành, chiếc xe nhiều kỷ niệm lắm!”.
Ba cưng anh em tôi, nhưng không phải muốn gì được nấy. Món đồ chơi nào thích thì phải học giỏi, có điểm tốt mới được thưởng. Lúc nhỏ, anh em tôi đóng mấy vai thiếu nhi để dành tiền mua đồ chơi, thiếu thì ba mẹ mới cho thêm. Ba không cho chúng tôi ỷ lại, tập làm ra những điều nhỏ nhất bằng sức lao động của mình.
Dù có ba là nghệ sĩ, nhưng tuổi thơ tôi và đến tận sau này vẫn luôn chật ních hình bóng ba. Ngày nào tôi cũng được gặp ba, ăn cơm với ba, chơi với ba, ba không “viện cớ” là nghệ sĩ nổi tiếng để vắng nhà biền biệt.
Con Thanh Tòng thì phải
coi sao cho được!
Tính tôi rụt rè, nhưng kêu hát là tôi hớn hở lắm. Những khi ở nhà, tôi với anh hai luôn bày trò làm đào kép, phân vai và đóng hết tuồng này tuồng kia. Cứ anh em tôi làm gì, ba cũng lén lấy băng cát sét ghi âm lại hết.
Sau này lớn lên nghe lại tôi giật mình, mới 3, 4 tuổi, chưa biết mặt chữ mà tôi ca lanh lảnh không sót chữ nào. Tôi nhớ lúc 9 tuổi quay tuồng Trảm Trịnh Ân.
Tuồng này ngày xưa vai Trịnh Ân do chú Bạch Long đóng. Tới chừng thu hình, thấy tôi mê quá, cô chú trong nhà gợi ý ba cho tôi đóng vai này. Ba ngần ngừ mãi mới gật đầu.
Nhưng ba không dạy, ba thảy tôi cho cô sáu Thanh Loan dạy ca, chú út Thanh Sơn dạy vũ đạo, chú tám Minh Tâm (nhạc sĩ Minh Tâm) chỉ cho tôi cách vô đúng dây đờn, đúng bài bản. Xong hết, ba mới kêu tôi ra trả bài.
Tới bữa thu, tôi nhảy phóc lên ghế thu, cái micro cao quá tôi với tay kéo xuống cái rột rồi đờn tới đâu tôi ca tới đó. Ba đứng bên ngó tôi không chớp mắt. Thu xong, tôi mừng quá nhảy chân sáo nắm tay ba. Trời, phòng thu lạnh ngắt mà không hiểu sao tay ba tôi lúc đó mồ hôi ướt đẫm!
Lên cấp II, vì sợ tôi mê hát không lo học nên ba chỉ cho phép hát vào dịp hè, lễ, tết. Ba nói nghệ sĩ phải có kiến thức để khi đọc kịch bản có khả năng phân tích và hiểu được tính cách nhân vật một cách sâu sắc. Năm học lớp 12, tôi đi thi giải Trần Hữu Trang.
Ba chọn cho tôi vai công chúa Thiên Kiều trong vở Trắng hoa mai mà ba từng dựng cho đoàn 2-84. Có thể nói với vai này, tôi mới chính thức được tập tuồng trực tiếp từ ba, mà trong nghề hay gọi là được “bẻ tay bẻ chân”.
Dù xưa nay đã biết ba rất khó khăn và nghiêm khắc khi dạy nghề cho các cô chú anh chị nghệ sĩ, nhưng khi tập tôi vẫn bị... sốc vì ba chẳng hề nương tay với con gái mình!
Thời gian tập không nhiều vì tôi chỉ tranh thủ được chút ít thời gian sau giờ học, vậy mà làm sai chút là ba la ầm ầm. La riết mà tôi quýu luôn không làm gì được, rồi chỉ biết ôm mặt khóc.
Thấy tôi khóc quá, ba kêu thôi nghỉ đi ngủ đi. Ngủ được chút, mới ló đầu ra khỏi phòng lại thấy ba kêu: “Bé Châu (tên gọi ở nhà của tôi) xuống tập tuồng!”. Thấy khó quá tôi nản: “Thôi con không đi hát nữa đâu”. Ba im lặng, bỏ ngang không nói gì.
Tôi hối hận vì câu nói của mình làm ba buồn nhiều lắm. Cả mấy đời gia tộc Vĩnh Xuân - Bầu Thắng - Minh Tơ - Thanh Tòng sống chết với nghề hát, nuôi dưỡng con cháu ăn cơm tổ, theo nghiệp tổ mà tôi lỡ lời phụ lòng kỳ vọng của gia đình.
Tôi nhốt mình trong phòng, âm thầm tập dượt, nghiền ngẫm. Vài ngày sau, tôi lân la đến bên ba làm huề: “Để con trả bài cho ba nha!”. Ba xoa đầu tôi rồi chỉ vào vết sẹo trên bàn tay.
Hồi ba còn nhỏ, ông nội tôi (nghệ sĩ Minh Tơ) thường ngồi dưới sân khấu cầm chầu theo dõi con cháu hát. Còn nhỏ ham đùa giỡn nên diễn sai, ông nội tức giận quăng dùi trống vào ba, trúng tay máu chảy đầm đìa và mang thẹo tới bây giờ.
Từ đó ba tởn, không dám chểnh mảng, vết sẹo đó luôn nhắc nhở ba phải luôn hết lòng, trân trọng cái nghề. Tôi ôm ba, xin lỗi ba và hứa tiếp tục cố gắng. Ba không tạo áp lực cho tôi, chỉ nói rằng: “Không thành công cũng thành nhân”.
Tới ngày thi, tôi hoàn thành phần ca diễn và được cô Bạch Tuyết khen ngợi. Ngó xuống hàng ghế giám khảo thấy ba che mặt khóc. Thiệt tình lúc đó nghe lời cô khen tôi thấy sướng lắm có tính khóc đâu, vậy mà thấy ba quệt nước mắt tự nhiên tôi nghẹn ngào và khóc theo ba ngon lành!
Từ khi đoạt huy chương vàng giải Trần Hữu Trang, tôi được diễn với ba nhiều hơn. Nhớ hồi còn học hát ở Đồng ấu Bạch Long, cô sáu Thanh Loan là người đầu tiên dạy cho tôi sắm tuồng.
Tôi không khéo tay, hóa trang không đẹp, nên mỗi lần làm mặt xong tôi đem cái mặt tới cho ba chấm phá vài nét gọi là điểm cái duyên sân khấu cho tôi. Tôi nhớ ba tôi luôn chấm cho tôi cái nốt ruồi nhỏ xíu phía dưới môi.
Tôi hờn dỗi: “Con là con gái, sao ba chấm mụn ruồi chi xấu quá à”. Ba tôi bảo: “Không sao, vậy mới giống ba đó!”. Mà hồi đó mỗi lần diễn với ba tôi run lắm.
Ba tôi như cây cổ thụ, còn tôi như nụ hoa mới chớm nở. Đã vậy, ba tôi diễn mỗi ngày mỗi kiểu, làm tôi phải “xăn quần xăn áo” chạy theo hụt hơi. Cũng có bữa ba cắc cớ thoại một câu không có trong kịch bản, làm tôi phải ráng kiếm câu thoại khác ứng đáp liền.
Cứ dặn lòng: “Ráng lên, con Thanh Tòng thì phải làm sao coi cho được nha”. Dần dần tôi vượt qua nhiều cửa ải thử thách của ba. Đó là những bài tập ứng biến trên sân khấu ba dành cho tôi, để khi có những sự cố nào trên sân khấu mình cũng biết cách xử lý thật linh hoạt.
|
Cố nghệ sĩ Thanh Tồng và con gái Quế Trân Ảnh: T.T.D. |
Xem cái hay của người để tìm cái hay cho mình
Gia đình nhà nội có gen bệnh gút nên ba cũng bị mắc căn bệnh này từ rất sớm. Ba thường đùa ba như dự báo thời tiết, thấy tay chân đau nhức là ngày mai trời mưa (thiệt đúng y chang!). Hàng chục năm trời căn bệnh hoành hành ngày càng nặng, ba đi đứng rất khó khăn.
Vậy mà ba mê hát lắm. Mấy cô chú mời hát lễ hội Kỳ yên, nhắm khỏe khỏe là ba lại đòi đi, mà toàn vai nặng. Nào là Bao Công, Quan Công, Lý Đạo Thành, Nguyễn Địa Lô... phải vũ đạo rồi thể hiện thần sắc liên tục. Cứ ra sân khấu, thấy Thanh Tòng là khán giả vỗ tay rần rần. Ba tôi vui quá nên diễn hết sức không thấy mệt. Xong vô cánh gà ba nằm rã rời, mọi người phải dìu ra xe và nằm mê man luôn.
Lần chấm giải Trần Hữu Trang ở Cần Thơ, vừa kết thúc đêm truyền hình trực tiếp ba ói ra máu, phải đưa thẳng vô bệnh viện cấp cứu. Tôi sợ lắm, chỉ biết cầu trời Phật, tổ nghiệp hãy đổi lấy những năm tuổi của tôi để giữ lại mạng sống cho ba.
Vì chết hụt nhiều lần trên sân khấu nên mẹ sợ, không cho ba đi hát nữa. Những chuyến lưu diễn tỉnh sau này chỉ có mẹ đồng hành cùng tôi. Vậy chớ leo lên xe chạy được chút là thấy ba gọi hỏi thăm: “Hai mẹ con đi đến đâu rồi? Diễn xong gọi báo tình hình cho ba biết nghen!”. Tôi diễn khuya về, dù là 1, 2 hay 3, 4h sáng ba cũng thức canh cửa.
Ba biểu: “Thấy con gái về tới nhà ba mới yên tâm đi ngủ!”. Được ba cưng như trứng mỏng vậy chứ khi tôi lớn chút, ba thảy tôi ra đời cho tự lăn lộn, cọ xát với nghề, với đời. Ba thường dặn tôi: “Xem cái hay của người khác để tìm cái hay của mình”.
Tôi học ở các cô chú đạo diễn cải lương, các anh chị làm nghề. Ba âm thầm dõi theo và thu lại, lưu giữ không sót một tiết mục nào của tôi trên truyền hình.
Tài sản vô giá của ba tôi là những tấm ảnh chụp với gia đình, đồng nghiệp và các vai diễn, là những bài báo từ thời giấy vàng nâu mà hàng mấy chục năm trời ba vẫn cất giữ cẩn thận, là những chồng kịch bản bằng giấy pơ-luya mỏng tang được sắp xếp cẩn thận, ngăn nắp trong cái tủ thiệt lớn.
Mấy lần dọn nhà, chiếc tủ đó luôn được đặt trang trọng, hết sức cẩn thận. Ba nói đó là tài sản quý giá, là tim óc trong cuộc đời làm nghệ thuật của ba.
Nhớ hồi tôi còn nhỏ, ba bận trăm công ngàn việc nhưng ngày nào cũng ngồi ăn cơm với vợ con. Vậy mà khi anh em tôi lớn lên, mỗi người làm một việc, nhiều khi cuối tuần mới có một bữa cơm đầy đủ các thành viên trong nhà.
Anh em tôi kể đủ thứ chuyện cho ba mẹ nghe, tôi diễn ở vùng nào, gặp các cô chú nghệ sĩ nào, họ gửi lời thăm ba ra sao... nhắc tới ai ba cũng nhớ rõ ràng những kỷ niệm với họ từ những ngày xa xưa.
Ba bảo rằng gia đình mình có được ngày nay là nhờ ông bà tổ tiên đã trồng cây phúc đức, con cháu phải biết giữ gìn, chăm sóc cho cây mãi thêm xanh. “Giúp được ai thì giúp, làm được gì thì làm - ba dạy và tháng nào cũng nhắc - Gửi tiền cho các nghệ sĩ già yếu neo đơn chưa con?”.
Hồi ba còn sống, trước khi đi diễn, đã thành thói quen tôi luôn đứng trước bàn thờ thưa ông bà nội, ông bà ngoại con đi, lúc về cũng xá ông bà thưa con mới về. Giờ bàn thờ có thêm hình ba. Lần nào đi diễn tôi cũng đứng thật lâu và ngậm ngùi: “Thưa ba, con đi hát!”.
Cái chỗ ngồi trên xe bây giờ thiệt là trống. Những trích đoạn cũ, nhiều lúc ngó qua vẫn như thấy ba múa một đường vũ đạo chờ con gái đi gối đến. Trước khi mất, ba còn lạc quan bảo rằng: “Bên kia đang thiếu vai chờ ba qua hát tiếp”. Ba, như một tượng đài sân khấu để tôi tự hào.
Ba, như nguồn sức mạnh vô biên làm động lực cho tôi tỏa sáng. Cảm ơn ba vì đã sinh con ra trong cuộc đời này, cảm ơn ba vì đã cho con cái nghề để con biết cuộc sống thật đẹp, thật nhân văn...■
Linh Đoan ghi
Cha con NSND Thanh Tòng - NSƯT Quế Trân Cha: NSND Thanh Tòng tên thật là Nguyễn Thanh Tòng, sinh năm 1948 tại TP.HCM, ông qua đời tại nhà riêng hồi tháng 9-2016. Thanh Tòng được xem là đại diện xuất sắc nhất thuộc đời thứ tư trong dòng tộc tính đến nay đã có sáu đời theo nghiệp hát, gần 100 năm ăn cơm tổ nghiệp, đại gia tộc Vĩnh Xuân - Bầu Thắng - Minh Tơ - Thanh Tòng. Thanh Tòng chính là người tiên phong xây dựng loại hình cải lương tuồng cổ và được người trong giới tôn xưng là vị thống soái của bộ môn cải lương tuồng cổ. Ông nổi danh với các vở diễn: Câu thơ yên ngựa, Bức ngôn đồ Đại Việt, Trắng hoa mai, Thanh gươm và nữ tướng, Gió lộng bến Bình Than, Dưới cờ Tây Sơn, Tô Hiến Thành xử án, Bích Vân cung kỳ án... Con: NSƯT Quế Trân tên đầy đủ là Nguyễn Ngọc Quế Trân, sinh năm 1981. 8 tuổi vào vai cá chép em trong vở Cóc kiện trời. 18 tuổi đoạt huy chương vàng giải Trần Hữu Trang. Có thể nói Quế Trân là nghệ sĩ cải lương trẻ sở hữu bộ sưu tập giải thưởng “khủng”: Diễn viên tài sắc, Mai vàng, Ấn tượng Mực Tím, Tài năng trẻ (Thành đoàn TP.HCM trao tặng), Thanh niên tiên tiến, Nữ tài năng trẻ, Tài hoa trẻ, huy chương vàng rất nhiều hội diễn sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc, Diễn viên cải lương được yêu thích nhất giải thưởng HTV Awards. |