Nhà hát Kịch Việt Nam công diễn vở Nghêu, Sò, Ốc, Hến trong tuần qua, do NSƯT Lâm Tùng đạo diễn cải lương. Bốn nhân vật chính của tác phẩm - thầy bói Nghêu gian trá, Ốc lưu manh, trộm cướp, Trùm Sò ác bá, Thị Hến lẳng lơ, điêu ngoa - khắc họa đầy đủ diện mạo bức tranh làng quê phong kiến buổi suy tàn. Vốn là vở tuồng tích dân gian, khi chuyển qua ngôn ngữ kịch nói, tác phẩm thêm thắt nhiều đoạn đối thoại, độc thoại gây cười.
Trong vai thầy bói mù Nghêu, Phú Đôn gây hứng thú cho khán giả từ đầu vở bởi lối diễn hài hước, tếu táo. Dù không nhìn thấy đường, Nghêu lại là người chỉ điểm cho Ốc trong vụ trộm ở nhà Trùm Sò. Những hành động lố bịch của hai kẻ vừa nhút nhát, vừa tham lam gây cười cho khán giả.
Cao trào vở kịch được đẩy lên khi Ốc mang của nả trộm được bán cho Thị Hến - một gái góa trẻ đẹp. Lý trưởng và Trùm Sò vào lục soát nhà Hến, bắt được tang vật, liền giải ả lên quan huyện. Trên công đường, Hến làm cho quan huyện và thầy đề mê mệt vì nhan sắc của mình. Cuối cùng, Thị Hến được tha bổng vì "có công lao làm đẹp cho xóm làng" trong khi thầy Lý bị đòn oan còn Trùm Sò không lấy lại được của cải đã mất.
|
Thị Hến (giữa) bị giải lên công đường.
|
Tác phẩm kết thúc với cảnh Thị Hến lừa quan huyện, thầy đề, lý trưởng cùng đến nhà cô. Ba vị đức cao vọng trọng trong vùng cùng muốn có được Thị Hến, kết quả bị ba bà vợ đánh ghen một trận sống dở chết dở.
Diễn xuất duyên dáng của diễn viên cải lương Khánh Linh (vai Thị Hến) là điểm sáng của tác phẩm. Cô thể hiện sinh động hình ảnh người đàn bà góa thông minh, trẻ trung, xinh đẹp. Khánh Linh múa, hát uyển chuyển, thoại dí dỏm, khiến khán giả thích thú. Mỗi khi cô xuất hiện, người xem vỗ tay phấn khích. Ba diễn viên phụ đóng vai ba bà vợ cũng gây thiện cảm nhờ lối diễn linh hoạt với những động tác hình thể hài hước.
Dù là tích truyện dân gian, thông điệp trong Nghêu, Sò, Ốc, Hến phù hợp với xã hội hiện đại. Tác phẩm đả kích những lãnh đạo quan liêu, giả dối thông qua hình tượng tầng lớp cường hào ác bá phong kiến. Quan huyện và thầy đề ngày ngày kiếm cớ phạt vạ dân những tội như để chó "cắn hóng", mổ trâu không xin phép, nhà có người chết không khai tử. Họ bàn bạc, chia chác công khai những đồng tiền mồ hôi nước mắt của người dân. Trên công đường, họ ra vẻ uy nghiêm, quang minh chính đại nhưng nhanh chóng lộ bộ mặt tham lam, hèn nhát với dục vọng tầm thường.
Ngoài tiếng cười sảng khoái, tác phẩm cũng nói lên nỗi khổ, khát khao của người dân qua cuộc trò chuyện ngắn ngủi giữa Ốc và Hến. Ốc uất hận vì là thanh niên sức dài vai rộng nhưng ruộng, trâu không có, phải theo nghề "đào tường khoét vách" mưu sinh. Hến giãi bày nỗi khổ của người đàn bà góa chân yếu tay mềm, bị nhiều kẻ dòm ngó, "trêu hoa ghẹo nguyệt".
NSƯT Lâm Tùng mang hơi thở hiện đại vào tác phẩm qua những câu thoại mới mẻ, một số từ ngữ quen thuộc được lan truyền trên mạng xã hội. Anh cũng sử dụng nhiều loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống như chèo, tuồng, cải lương... để tạo ra không khí náo nức, xô bồ của làng quê Bắc bộ trong xã hội cũ. Tất cả khiến Nghêu, Sò, Ốc, Hến toát lên tinh thần hiện đại của một vở hài kịch châm biếm nhưng vẫn giữ được yếu tố truyền thống hấp dẫn.
Nghêu, Sò, Ốc, Hến là vở tuồng dân gian nổi tiếng, được cho là xuất phát từ Quảng Nam, sau lan truyền đến Bình Định. Vở nhiều lần được các đoàn nghệ thuật Bắc, Nam dàn dựng dưới nhiều hình thức như tuồng, chèo, cải lương... Trước Nhà hát Kịch Việt Nam, NSND Lê Khanh và Nhà hát Tuổi trẻ từng dựng vở kịch Thị Hến, lấy chất liệu từ tích Nghêu, Sò, Ốc, Hến (năm 2013).
Hà Thu
Nguồn: giaitri.vnexpress.net