Dòng họ Trương ở tại làng Phú Lạng, huyện Hạc San, tỉnh Quảng Đông Trung Quốc. Dưới chế độ Mãn Thanh, cuộc sống ngày càng khó khăn, nên con cái của họ Trương thường đi phương xa lập nghiệp. Trương Nhân Trưởng (cha của nữ nghệ sĩ Trương Phụng Hảo) được gia đình cho đi Quảng Châu làm việc tại một vựa trái cây. Trương Nhân Trưởng đã quấn pháo vào chiếc bính của người bạn, pháo nổ văng mất bính, sợ bị tù tội mới bỏ trốn sang Việt Nam. Trương Nhân Trưởng đã có vợ ở bên Tàu, nhưng vì đang trốn chạy không mang theo được. Ông Trưởng đến Mỹ Tho làm nghề bán thịt bò. Ông cưới bà Lê Thị Mai, người làng Điều Hòa, sanh hạ được 7 người con: Trương Tích Kỳ (nam), Trương Ngân Hảo (nữ), Trương Liên Hảo (nữ), Trương Tích Huy (nam, đã chết lúc nhỏ), Trương Tích Trung (nam), Trương Phụng Hảo (nữ), Trương Nguyệt Hảo (nữ).
Trương Phụng Hảo sau này trở thành đệ nhứt tài danh sân khấu cải lương Việt Nam.
Bà Lê Thị Mai thường gọi Trương Phụng Hảo là Phùng Há , theo tiếng gọi của làng quê Trung Quốc nên Trương Phụng Hảo lấy nghệ danh Phùng Há để tưởng nhớ mẹ của mình.
Những năm tháng ghi nhớ trong cuộc đời đi hát của Phùng Há
– Năm 1916 và năm 1918, bà hai lần theo mẹ về quê cha ở huyện Hạc San, tỉnh Quảng Đông – Trung Quốc.
– Năm 1920 – 1924, bà và mẹ trở về VN, nhưng người anh thứ hai Trương Tích Kỳ chiếm đoạt gia sản của cha để lại và đuổi hai mẹ con bà trở về Hạc San, nên hai mẹ con bà về sống với bà ngoại ở làng Điều Hòa, huyện Châu Thành, Mỹ Tho.
– Nhà nghèo, bà ngoại và mẹ thường bị bệnh, năm 13 tuổi bà đã phải đi làm ở lò gạch ông Bang Hoạch để có tiền nuôi bà ngoại và mẹ. Ông Bầu Hai Cu, chủ gánh hát Tái Đồng Ban, nghe đồn cô bé xẩm lai ở lò gạch ca hay nên tới tìm, mời ký hợp đồng hát cho gánh Tái Đồng Ban. Nhạc sĩ Tư Chơi dạy ca. Ông thầy tuồng Nguyễn Công Mạnh và kép Năm Châu dạy hát. Từ đó Phùng Há đóng vai đào chánh, hát cặp với hai kép Năm Châu, Từ Anh.
– 1926 sanh con gái đầu lòng, đặt tên Bửu Chánh. Chồng là nhạc sĩ Tư Chơi, (tên thật là Huỳnh Thủ Trung, soạn giả)
– 1927 – 1929: gia nhập gánh hát Thầy Năm Tú.
– 1929 – 1934: 18 tuổi lập gánh hát Huỳnh Kỳ (Phước George)
– 1934 – 1935: cùng với nghệ sĩ Năm Châu gia nhập gánh hát Trần Đắc.
– 1935 – 1936: nhập với gánh Phước Cương, lập gánh hát Phi Phụng.
– 1936 – 1939: lập gánh hát Phụng Hảo 1 tại Cầu Ngang (Nguyễn Bửu).
– 1940: gánh Phụng Hảo 1 rã
– 1941 – 1945: lập Phụng Hảo 2
– 1945: Phụng Hảo 2 rã.
– 1946: gia nhập gánh Con Tằm – Lập gánh Phụng Hảo 3 tại Mỹ Tho.
– 1947: Phụng Hảo 3 rã, đi hát chầu cho Năm Châu ở Cầu Muối.
– 1948: thành lập Tam Phụng Hảo. Thành lập Hội Nghệ Sĩ Ái Hữu Tương Tế.
– 1949: sáu tháng hát cho đoàn Việt Kịch Năm Châu. Lập đoàn Phụng Hảo 4 – cuối năm rã gánh.
– 1950: lập gánh Phụng Hảo 5 (được sự tài trợ của ông Châu văn Sáu tự bầu Nhơn). Tổ chức hát Hội mỗi tuần, gây quỹ cho Hội và cứu trợ nghệ sĩ nghèo yếu, neo đơn, đồng bào nạn nhân thiên tai, chiến cuộc.
– 1955: rã gánh Phụng Hảo 5.
– 1955 – 1956: Hội Trưởng Hội Ái Hữu Nghệ Sĩ.
– 1959: Bửu Chánh, người con gái lớn của bà mất lúc cuối năm.
– 1960: đi Pháp với Kim Cương – hát tại restaurant Table des Mandarins.
– 1962: giáo sư khóa Nghệ Thuật Cải lương trường Quốc Gia Âm Nhạc & Kịch Nghệ Saigon,
– 1964 Sau cuộc đảo chánh của Tướng Nguyễn Khánh, bà đi Pháp và thường xuyên đi hát với Trần Văn Khê, giúp Hội Việt Kiều tập vở Mẫu Đơn Tiên.
– 1965 – 1975: hoạt động Hội Ái Hữu Nghệ sĩ, tổ chức hát Hội gây quỹ, xây Chùa Nghệ sĩ, lập Nghĩa trang Nghệ sĩ, tổ chức cứu trợ từ thiện cho nghệ sĩ và đồng bào nghèo yếu neo đơn, nạn nhân thiên tai và chiến cuộc.
– 1976 – 1980: cố vấn nghệ thuật cho đoàn cải lương Saigon 1 và đoàn Thanh Nga.
– 1981 – 2001: dạy khóa kịch nghệ – trường Sân Khấu Thành Phố và trường Đào tạo nghệ sĩ Nhà hát Trần Hữu Trang. Cố vấn Hội Sân Khấu Thành Phố, Cố vấn Ban Ái Hữu Nghệ sĩ. Khởi xướng lập Viện dưỡng lão nghệ sĩ thành phố. Phụ trách Hội Chùa Nghệ Sĩ.
(Theo tài liệu lưu trong Phòng riêng của Bà ở Chùa Nghệ Sĩ, nay là Viện bảo tàng Phùng Há ở Nghĩa trang Nghệ Sĩ và Chùa Nghệ Sĩ)
***
Tôi là đồng môn trường Pratique d` industrie de Saigon với anh Tám Kiết, quản lý đoàn Việt Kịch Năm Châu. Anh Tám Kiết là chồng của cô Tám, em ruột của anh Năm Châu nên khi tôi cộng tác với đoàn Việt Kịch Năm Châu, anh Tám Kiết giúp tôi bằng cách giới thiệu cho tôi biết tính cách và tài nghệ của các nghệ sĩ trong đoàn hát để cho tôi dễ làm việc. Anh cũng thường tâm sự với tôi về đời tư và sự nghiệp sân khấu của anh Năm Châu. Tôi hỏi: “Tôi nghe các bạn nghệ sĩ ở Hội Ái Hữu nói: Anh Năm Châu và cô bảy Phùng Há là cặp đôi lý tưởng. Vậy cặp đôi
đây là đôi tình nhơn hay đôi bạn diễn?”
Anh nói: “Anh Năm Châu và cô Bảy Phùng Há là cặp diễn viên cải lương thinh sắc lưỡng toàn, vừa là đôi bạn diễn, vừa là đôi bạn tình, tuy yêu nhau nhưng vì hoàn cảnh trớ trêu nên không thể thành vợ chồng, hai anh chị không vượt vòng lễ giáo. Hồi cô Bảy gia nhập gánh Tái Đồng Ban (1924) anh Năm Châu chỉ dạy cho cô ca hát, đóng cặp với cô trong nhiều tuồng, khán giả rất hoan nghênh và cho là một cặp lý tưởng. Tôi nghĩ hai người yêu nhau thì mới thể hiện được mối tình nồng thắm của nhân vật. Lúc đó cô Phùng Há còn vị thành niên nên anh Năm tính vài năm nữa sẽ cầu hôn, không ngờ nhạc sĩ kiêm soạn giả Tư Chơi đi trước một bước. Anh Tư Chơi lấy cô Bảy, năm 1926 cô sanh con gái đầu lòng đặt tên Bửu Chánh. Năm 1927, anh Năm lấy cô Ngọc Xoa (Sáu Trâm). Năm 1929, anh Tư Chơi cặp với cô Kim Thoa, cô Bảy ly dị Tư Chơi thì anh Năm đã có vợ.
Có lẽ không có duyên số với nhau nên khi anh Năm có vợ thì cô Bảy không chồng, khi cô Bảy có chồng thì anh Năm không vợ. Hai anh chị được khán giả và nghệ sĩ đàn em nể phục nên không thể tư tình vụng trộm, phá hoại gia cang của người bạn diễn, bạn tình.”
Năm 2000, tôi về quê hương, đến thăm cô Phùng Há trong chùa nghệ sĩ, nhắc lại chuyện xưa, tôi hỏi cô Bảy: “Thưa Cô, có phải là từ Tái Đồng Ban nẩy sanh ra Đôi Bạn Tình: Năm Châu – Phùng Há?”
Cô Bảy trả lời: “Mối tình đầu của tôi là nghệ sĩ Tư Chơi (tên thật là Huỳnh Thủ Trung). Ông là người chồng đầu tiên của tôi. Chúng tôi ăn ở với nhau có được một đứa con gái là Bửu Chánh. Cháu mất năm 1959, mới có 33 tuổi. Anh Năm Châu là người thầy, người bạn tình, người bạn diễn hết sức tâm đắc của tôi….”
Cô Bảy Phùng Há có vẻ đăm chiêu, ánh mắt mơ màng nhìn ra phía nghĩa trang, tôi theo ánh mắt của cô, đoán biết cô đang nghĩ tới người bạn tình đã mất, người mà cô vừa nhắc đến với lời lẽ hết sức xúc động, bi thương. Tôi nháy mắt ra hiệu cho anh họa sĩ Hoài Nam, đang cầm máy quay phim để anh thu hình ảnh và những lời tâm sự hiếm có nầy của một bậc tài danh độc nhất vô nhị của giới sân khấu cải lương. Cô Bảy đắm chìm trong nỗi nhớ riêng tư…
“Ngày đó, khi tôi lấy chồng, “Ảnh” đột ngột rời gánh Phụng Hảo, nghe đâu đi Hà Nội một thời gian. Khi đó gánh Phụng Hảo hát ở Nam Vang, tôi chưa tới 30 tuổi. Tôi quyết định lấy chồng để cả hai chúng tôi có thể dứt khoát.
Người ta đưa cho tôi lá thư “Ảnh” gởi trước khi đi, không một lời từ biệt. Lá thư đó là 12 câu vọng cổ, là tất cả tâm tình của “Ảnh “, trong từng câu, từng lời, tôi hiểu “Ảnh” rất buồn bực, thất vọng và trách móc tôi rất nhiều… Nhưng cho dù có hiểu nhau, thương nhau đến mấy, cũng bằng không thôi, số phần như vậy rồi…
(Cô Bảy có lẽ quên rằng chúng tôi đang có mặt ở đó, cô ca bằng cả tâm hồn của cô hướng về người tình xưa)
1.- Ngàn dặm xa trong cánh nhạn xòe. Cứ mỗi độ báo tin, sương mờ mịt ngọn khói lam. Nghi ngút tỏa bung lung trên các hàng thành quách cũ.
2.- Lơ lửng lá vàng rơi, thoang thoảng gió heo may, đưa hương vị cố nhân về, đánh thức bao ký vãng xa xăm mà ta đã cùng hưởng chung với nhau ở giữa đất phong trần.
3.- Lòng bỗng rạo rực băn khoăn vội vàng tạ liễu từ hoa, ân cần giao trả lại cho nước non, rồi xếp gió trăng thơ mộng, vùn vụt bánh xe lăn trong muôn dặm tử phần.
4.- Bồi hồi lòng mong mỏi, xé không gian tìm dấu cũ. Nặng nề lòng nhớ nhung mến tưởng, đinh ninh cái câu tao ngộ ta sẽ cùng sớt chia nhau mà trang trải nợ nần.
5.- Nào dè đâu thời gian đã tàn phá bức tranh tình. Mùi đã lạt, tình đã phai, cùng cố nhân tuy gần nhau trong gang tấc mà cách xa nhau như núi Sở sông Tần.
6.- Ánh thái dương đương sáng lạng trong veo tưng bừng hoa cỏ đon, bỗng thình lình đâu cơn gió vụt, đám mây vần, ôi cố nhân ơi, sao nỡ để tay hèn nâng phẩm tiên?
7.- Bây giờ đây tui có đi hay ở cũng lỡ làng rồi, mảnh hương nguyền đốt không thơm, tơ loan chùng phím trúc. Thơ ngày xưa đã lạc, mộng ngày xưa đã tan. Gió trúc cuốn xa, trăng tà chiếc bóng.
8.- Ngao ngán nỗi đường xa quán khách, bây giờ có ra đi thì sức mỏi chân chùng, nhung hoa còn đâu, liễu còn đâu? Nước non đã bao phen nắng vàng mưa bụi thì biết bao năm đã hỏi liễu tầm hoa.
9.- Mờ mịt ánh trăng mây lòng hơi chùng dưới gối. Chiếc nhạn trong sương nhiều khi tràn trụa chảy, không ngăn dòng máu nối dòng châu. Giọt lờ pha giọt đậm.
10.- Nhìn trộm cố nhân đang vui tươi bỗng thảm đạm, đang cười cợt bỗng âu sầu nhưng hoa kết gót sen, vàng bao thân ngọc, nhẹ nhàng cố nhân thoăn thoát lượn như con chim hoàng oanh sáng tối hát rồi ca.
11.- Ầm ĩ sống bến mê, rạt rào mưa khóm trúc, chiếc khăn tàn, con ma dại cứ lầm lũi đi trên con đường gió bão. Kìa ai ơi, một hồn quê mà ai đã sa đà.
12.- Cõi lòng đang hăm hở vui tươi bỗng đượm lấy một dòng sầu man mác. Giữa độ đầu xanh tuổi trẻ mà tâm khảm vì ai pha máu lạnh cho đến đổi nét xuân tươi mà nay tôi đã hóa ra cằn cỗi héo già.
Dù đã hơn nữa thế kỷ qua… sáu mươi năm dài đăng đẳng, 12 câu vọng cổ giã biệt vẫn không phai trong ký ức của Cô Bảy… 94 tuổi đời, giọng đã run, ca không còn rõ nhịp, nhưng từng lời, từng câu cứ tuôn tràn theo cảm xúc…
Từ khi nổi tiếng là một ngôi sao tài sắc, biết bao là vương tôn công tử và khách mộ điệu cải lương thầm yêu trộm nhớ, si mê, tôn vinh, nhưng có lẽ trong cuộc đời của Cô Bảy, trong những mối tình có thật và mơ hồ ấy, có “một mối tình không bao giờ phai lạt”. Dầu người đàn ông ấy đã về cõi vĩnh hằng nhiều năm rồi (khi tiếp chuyện với tôi, Cô Bảy đã 94 tuổi), cái tuổi hầu như khó thể nhớ về một thuở đã quá xa thì Cô Bảy vẫn không quên. Cô vẫn nhớ… Nhớ hầu như tất cả những đoạn trường, những trái ngang, nghịch cảnh giữa hai người, nhớ cả lời giã biệt của người xưa cách đây đã hơn 60 năm.
Nước mắt lăn dài trên đôi má, môi run run, cô cắn môi như muốn ngăn để không bật lên tiếng khóc. Vợ tôi vội ôm cô, vỗ nhè nhẹ trên lưng: ” Cô Bảy! Cô đừng xúc động quá! Cô khóc sẽ làm mệt, sẽ bệnh đó “…
Cô Bảy nghẹn ngào: “Tôi vui lắm… Tôi ca cho Ảnh nghe để Ảnh biết là cho tới bây giờ tôi vẫn còn yêu Ảnh…”
Chung quanh Cô Bảy, nhiều tiếng khóc ồ lên… Thanh Thanh Hoa, Nam Hùng, Tô Kim Hồng, Hương Xuân, Phương Ánh… những đứa học trò thân yêu của Cô Bảy và anh Năm Châu, không sao ngăn được tiếng khóc khi nghe kể lại mối tình dang dở xưa kia của Thầy và Cô.
Phải có một trái tim tuyệt vời, một tâm hồn cao cả mới chứa đựng được khối tình muôn thuở không phai. Có lẽ mối tình của Phùng Há và Năm Châu mãi mãi đẹp, chính bởi vì dang dở.
Nhân ngày giỗ lần thứ 7 của danh sư Phùng Há
Soạn giả Nguyễn Phương
Tháng 7/2016
Nguồn: cailuongvietnam.com