Đầu tháng 9, bộ tranh sơn mài An lạc của họa sĩ Nguyễn Trường An bị tố đạo 90% ý tưởng tác phẩm khắc gỗ A di đà Phật của họa sĩ Nguyễn Khắc Hân. A di đà Phật từng được trao huy chương vàng tại Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015, trong khi đó, An lạc được trưng bày tại triển lãm Báo cáo sáng tác mới ở Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM từ ngày 22/8 đến ngày 6/9. Vì sự cố, ban tổ chức đã loại tác phẩm An lạc khỏi triển lãm.
Trước đó, giữa tháng 8, giới chơi tranh phát hiện hai tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Rô Hùng trong tay một nhà sưu tập bị xóa chữ ký, mạo danh là tranh Phạm An Hải. Hồi đầu tháng 5, một bức tranh sao chép tác phẩm The Young Beggar do họa sĩ Tây Ban Nha Bartolomé Esteban Murillo vẽ năm 1650 bị mạo danh là tranh của họa sĩ Tô Ngọc Vân. Bức họa mạo danh được định giá 45.000 USD. Con trai cố họa sĩ đã khẳng định đây không phải tác phẩm của cha mình.
|
Tranh của họa sĩ Tây Ban Nha Bartolomé Esteban Murillo (trái) và bức tranh bị mạo danh là tác phẩm của Tô Ngọc Vân. |
Giữa bối cảnh nhiều vụ lộn xộn diễn ra trong làng mỹ thuật Việt, hồi tháng 8, tờ New York Times của Mỹ đăng bài viết phản ánh thị trường tranh Việt Nam "đầy rẫy sự giả dối". Bài viết dẫn câu chuyện tranh giả, tranh mạo danh tại Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM cuối năm 2016. Khi tham quan triển lãm "Những bức tranh trở về từ châu Âu", tác giả kịch bản cải lương Thành Chương kinh ngạc khi phát hiện tác phẩm Trừu tượng ông vẽ vào khoảng năm 1970 - 1971 bị làm giả chữ ký của Tạ Tỵ.
Sau đó, giới chuyên môn đã mở cuộc họp xem xét các tác phẩm trong triển lãm và phát hiện 15 bức tranh thuộc bộ sưu tập tại bảo tàng là tranh giả, không phải bản vẽ do tác giả đứng tên thực hiện.
Không chỉ tại triển lãm nói trên, họa sĩ Bùi Trọng Dư cho biết hiện tượng làm giả tranh diễn ra thường xuyên. Tranh của hai bộ tứ mỹ thuật Việt Nam gồm: Nguyễn Gia Trí - Tô Ngọc Vân - Nguyễn Tường Lân - Trần Văn Cẩn và Nguyễn Sáng - Dương Bích Liên - Nguyễn Tư Nghiêm - Bùi Xuân Phái thường bị làm giả nhiều. Ông Bùi Thanh Phương - con trai họa sĩ Bùi Xuân Phái - từng thừa nhận không phân biệt được các bức tranh của bố ông trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là thật hay giả.
|
Họa sĩ Thành Chương bên bức tranh "Trừu tượng" của ông nhưng bị mạo danh, đề tên danh họa Tạ Tỵ. |
Họa sĩ trẻ Trịnh Minh Tiến - người sáng lập dự án Real Art (Nghệ thuật đích thực) - gọi thực trạng này là nỗi đau của các họa sĩ Việt.
Năm 2009, tạp chí New York Times từng lý giải các tác phẩm trước 1975 được sao chép ra nhiều bản để đề phòng trường hợp bị phá hủy do chiến tranh. Việc này trở thành một "thảm họa". Đến nay, nhiều nhân viên bảo tàng cũng không phân biệt được thật - giả. Các bức tranh giả được treo tại bảo tàng hoặc tuồn ra bên ngoài, gây lũng đoạn thị trường.
Họa sĩ Vũ Đình Tuấn nhấn mạnh tranh giả phát triển hơn từ sau khi đất nước thực hiện cơ chế Đổi mới năm 1986, nghệ thuật trở thành mặt hàng ngày càng có giá trị. Tranh giả, tranh mạo danh đều nhằm mục đích qua mặt công chúng, nâng cao giá trị thật của mặt hàng để trục lợi. Họa sĩ Thành Chương từng thừa nhận có thể tranh Tạ Tỵ có giá cao hơn tranh ông nên người ta mới mạo danh như vậy.
Họa sĩ Trịnh Minh Tiến cho biết giới họa sĩ thường khá bức xúc khi tranh bị làm giả, tuy nhiên, họ e ngại khoản kiện tụng. Ranh giới đúng sai trong nghệ thuật rất mong manh trong khi cơ sở pháp luật trong nước chưa chặt chẽ, dễ dẫn đến rủi ro. Một kết quả không như ý có thể khiến nghệ sĩ mất uy tín. Thành Chương bức xúc bày tỏ ở Việt Nam, tình trạng tranh giả hay mạo danh ngày càng "lố lăng, thô thiển, công khai". Ông tiếc nuối khi nhớ lại việc tranh của ông dù được hội đồng thẩm định kết luận bị giả mạo chữ ký Tạ Tỵ nhưng cơ quan chức năng vẫn không đưa ra được biện pháp xử lý nào với những người có trách nhiệm trong vụ mua bán tranh giả.
Họa sĩ Bùi Trọng Dư chia sẻ nhiều họa sĩ Việt Nam gặp rào cản tâm lý khi phát hiện tranh của họ bị làm giả, sao chép, đạo nhái. Đôi lúc, "thủ phạm" là bạn bè, người thân. Vì thế, họ thường nể nang và cho qua. Dần dần, tình trạng này dẫn đến việc dễ dãi trong vấn đề làm giả, sao chép tranh. Anh nói thêm rằng hiện nay, nghệ nhân ở một số làng nghề thêu, sơn mài cũng thường xuyên sử dụng tranh không bản quyền. Giới mỹ thuật hiện chưa có biện pháp ngăn chặn.
Hồi tháng 4, bức họa của cố họa sĩ Lê Phổ được bán với giá gần 1,2 triệu USD tại một cuộc đấu giá ở Hong Kong. Trịnh Minh Tiến chia sẻ giới nghệ thuật vẫn rỉ tai nhau rằng khi nền mỹ thuật có sản phẩm đạt "triệu USD", thị trường ấy đang bước vào giai đoạn "dậy thì". Tuy nhiên, nạn tranh giả, đạo nhái tranh có thể kéo tụt đà phát triển.
|
Bùi Thanh Tâm sử dụng vàng lá để tô điểm cho tác phẩm. Họa sĩ cho biết chính anh cũng khó sao chép lại tranh của mình. |
Để hạn chế tình trạng tranh giả, họa sĩ Bùi Thanh Tâm chỉ làm việc với các gallery uy tín. Anh khuyên người mua nên tìm hiểu kỹ về tác phẩm mình định kinh doanh, sưu tầm. Tranh thật thường đi cùng các giấy tờ xác nhận có đầy đủ chữ ký, con dấu của các bên liên quan. Anh nhấn mạnh rằng sự thiếu hụt kiến thức của người yêu tranh sẽ tạo điều kiện cho tranh giả phát triển. Ngoài ra, Vũ Đình Tuấn, Bùi Thanh Tâm cho biết họ nghiên cứu, phát triển những kỹ thuật vẽ riêng để không ai có thể sao chép như vẽ trên lụa, đắp các chi tiết vàng lá... Nhiều họa sĩ trẻ cho rằng đây là giải pháp cần thiết trong tình trạng phải "sống chung với lũ".
Họa sĩ đương đại phần nào có thể chủ động bảo vệ tác phẩm nhờ việc phát triển cách vẽ không bị ăn cắp. Nhưng theo nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng, hiện không có biện pháp nào để bảo vệ tác phẩm của họa sĩ quá cố. "Thị trường tranh ở Việt Nam mới manh nha hình thành nhưng lại không có luật kinh doanh nghệ thuật. Giới mỹ thuật hoàn toàn bất lực", ông Phạm Cẩm Thượng nói. Họa sĩ Thành Chương kết luận: "Điều quan trọng là cần có sự can thiệp, giải quyết của các cơ quan chức năng và một cơ chế luật pháp rõ ràng. Như vậy, những kẻ buôn bán, làm tranh giả mới không nhơn nhơn được".
Họa sĩ Bùi Trọng Dư cho rằng trong cuộc chiến chống tranh giả, các họa sĩ cũng như Hội Mỹ thuật Việt Nam cần có thái độ cương quyết, không vị nể.
Hà Thu
Nguồn: giaitri.vnexpress.net