Trăn trở của "Khôi Nguyên vọng cổ" Minh Vương
Trăn trở của "Khôi Nguyên vọng cổ" Minh Vương
Hễ dính đến cảnh trí, đạo cụ, diễn viên quần chúng, dàn bao; hóa trang tính cách cho nhân vật trong mỗi suất hát trên sân khấu hoặc trên phim trường có sử dụng cổ trang thì đạo diễn cải lương đều nhờ đến Trường Lộc.
"Phù thủy đạo cụ"
Tìm đến xóm nghệ sĩ đình Cầu Quan, chỉ cần hỏi nhà của nghệ nhân Trường Lộc là cả xóm đều niềm nở chỉ dẫn. Một căn hộ treo được xây tạm bợ bên sân đình Thái Hưng, ngày trước nơi đây là sàn diễn của sân khấu. Sinh ra và lớn lên tại ngôi đình này, Trường Lộc cũng giống như biết bao nghệ sĩ đều chịu ảnh hưởng bởi nghề hát. Là cháu ruột của nghệ nhân Trường Quang, em trai NSƯT Trường Sơn, anh được xem là "phù thủy đạo cụ" có tuổi nghề trên 30 năm và luôn nhiệt huyết với công việc.
Từ hát bội cho đến cải lương Hồ Quảng, rồi cải lương tuồng cổ, công việc hằng ngày của anh là làm đủ thứ, toàn những việc không tên, miễn sao để những suất hát của nghệ sĩ không thiếu nhiều thứ, nhất là khi nó không còn được xem "thánh đường" như trước. "Khó khăn bán từng chiếc vé nên người làm nghề không còn chú tâm nhiều đến cảnh trí, phục trang, hóa trang nhân vật. Có khi tôi nhận làm không lương, miễn sao khi cánh màn nhung mở ra, sàn diễn phải đầy đủ mọi thứ. Sân khấu nghèo nhưng phải giữ chuẩn mực" - anh buồn bã bộc bạch.
Nghệ nhân Trường Lộc (bìa trái) trong vở cải lương "Bão táp Nguyên Phong"
Hễ diễn tuồng cổ trang thì cần nhiều thứ phụ trợ. Những phụ kiện cho diễn viên đóng các nhân vật từ tướng, quan, vua, hoàng hậu đến lính… đều cần đến bàn tay khéo léo của Trường Lộc. Anh lĩnh hội kỹ năng, kinh nghiệm chế tác của các bậc tiền bối đi trước, kể cả thuộc lòng tuồng tích nên chỉ cần đạo diễn nói tựa tuồng là anh biết vở diễn đó cần bao nhiêu gươm, giáo, cung, tên, ấn, kiếm, chiếu chỉ, lệnh bài, thậm chí các vở tuồng cách mạng thì cần bao nhiều súng lục, súng AK, nón tai bèo, khăn rằn, dép râu, lựu đạn, mìn, máy bộ đàm, bản đồ hành quân, võng quân sự...
Trong hoàn cảnh thiếu thốn trang thiết bị phục vụ diễn xuất, có được người có tấm lòng với sân khấu như Trường Lộc là sự an ủi đối với nghệ sĩ đang bám sàn diễn hiện nay. "Trường Lộc đỡ đần cho anh em nhiều thứ lắm. Trong cuộc thi "Chuông vàng vọng cổ" vừa rồi, nguyên trích đoạn "Dậy sóng Bạch Đằng Giang" giúp Nguyễn Văn Khởi đoạt giải Chuông vàng, có sự đóng góp rất lớn của anh, kể cả con voi để Phan Hoàng Oanh (giải ba) cưỡi trong trích đoạn "Thánh địa Mê Linh" cũng do Lộc làm" - NSƯT Kim Tử Long cho biết.
Không chỉ sống cho mình
Để thực hiện đầy đủ mọi yêu cầu và đúng tiến độ, Trường Lộc nuôi cả đội quân anh em hậu đài chí cốt. Tốp làm hậu đài chuyển cảnh, tốp dán râu, hóa trang hình tượng nhân vật, tốp lo chế tác các đạo cụ, đặc biệt còn có những người kéo dây bay để các nhân vật kiếm khách phi thân. Thu nhập đủ để nuôi cơm trên dưới 20 người, theo thời vụ hoặc gắn bó lâu dài. Họ làm việc cật lực cũng như anh, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi trong nghề.
"Anh cưu mang chúng tôi từ khi sàn diễn tối đèn, có sô diễn thì gọi, không có thì cho tiền mua gạo để anh em sống qua ngày. Tấm lòng anh đáng quý!" - anh Thành, nhân viên hậu đài tâm sự.
Dù sống vất vả với nghề nhưng nghệ nhân Trường Lộc vẫn đang đào tạo con trai của mình theo nghề. "Cháu đang học lớp 6 nhưng rất chuyên cần trong việc theo cha, hễ vở tuồng cần vai con nít thì cháu lại ra sàn diễn. Tôi ý thức mình sinh ra là làm đẹp cho sân khấu. Suất hát nào đầy đủ, không thiếu thốn những dụng cụ phục vụ cho diễn xuất, tôi về ngủ ngon giấc, còn thiếu món gì, hư món gì về cứ trằn trọc thâu đêm. Nghề hát đang gặp khó khăn, chắt chiu từng tấm vé bán được cho nên hiệu quả nghệ thuật phải được bảo đảm. Để sống được với nghề hát hiện nay, công việc của chúng tôi rất cần chữ tâm, góp phần với nghệ sĩ giữ sự chuẩn mực cho sân khấu" - nghệ nhân Trường Lộc tâm sự.
Bài và ảnh: Thanh Hiệp
Nguồn: nld.com.vn