Nữ nghệ sĩ Túy Phượng, ái nữ của cố nữ kịch sĩ Túy Hoa. Túy Phượng tên thật là Nguyễn Thị Kim Phụng, sinh năm 1939 tại Bạc Liêu, cùng tuổi với các nữ tài tử: Thẩm Thúy Hằng, Kiều Chinh, Kim Vui và nữ nghệ sĩ Bích Sơn.
Túy Phượng là con của Túy Hoa nhưng được Anh Lân hết lòng thương yêu và bồi đắp trên bước đường nghệ thuật trình diễn . Túy Phượng giống mẹ như đúc , nhưng nõn nà và bốc lửa hơn mẹ . Vóc mình cô nhỏ nhắn, cân đối , tay chân xinh xắn . Khuôn mặt cô kết hợp bởi những đường nét cong, mềm và thanh tú . Đó là một vẻ đẹp chanh cốm, mũm mĩm làm say lòng người . Cô đoạt giải Hoa Hậu Đông phương trong đó có Kiều Chinh tham dự.
Tuổi thơ của Túy Phượng thật là gian nan vất vả, phải cùng mẹ bôn ba khắp nơi.Năm 1945, hai mẹ con do tránh chiến tranh và bom đạn đã sang Campuchia sinh sống. Bà Túy Hoa đã theo nghề ca hát để nuôi con, bà hát trong ban nhạc Tony Murena ở vũ trường Rex tại Nam Vang.Trong một lần tình cờ khi gánh Mộng Vân sang diễn cải lương tại Nam Vang, nhớ quê hương và được bầu gánh mời ký hợp đồng, cô Túy Hoa đã bồng con theo gánh về nước.Về lại Sài Gòn , Túy Phượng được mẹ cho theo học trường nhà trắng Tân Định rồi Chí Thanh học hiệu, Đông Tây học đường….Có gien ca nhạc trong người, Túy Phượng cũng đam mê nghiệp cầm ca như Mẹ.Năm 15 tuổi, cô chính thức gia nhập làng nghệ sĩ.Với sự dìu dắt của mẹ Túy Hoa và dượng Anh Lân lúc này là bầu gánh Dân Nam.Túy Phượng dần dần khẳng định vị trí của mình tại đoàn nhà.
Ở tuổi 14,15 Tuý Phượng đã được khán giả yêu thích qua những vai nhí nhảnh, hồn nhiên, đến tuổi 16,17, khi nghề nghiệp đã định hình, diễn xuất có chiều sâu, thì Phượng thu hút người xem trong những vai thương cảm. Hồi đó, Tuý Phượng diễn với các NS Kim Cương, Thẩm Thuý Hằng, má Tuý Hoa, ba Anh Lân và các anh Vân Hùng, Ngọc Đức. Đáng nhớ nhất là những vai diễn nội tâm sấu sắc nhất trong vở “Trà Hoa Nữ”, “Người mẹ tội lỗi” , “ Đứa con chị bếp”, “ Ảo ảnh”, “ Yêu trong bóng tối” , “ Nhạc lòng năm cũ”, “ Áo người trinh nữ”. Trong cuộc bình chọn diễn viên được yêu thích do báo Công Nhân của ông Trần Tấn Quốc tổ chức, Tuý Phượng và Vân Hùng đã được khán giả bầu chọn là “đôi diễn viên trẻ tài năng được yêu thích nhất”. Đây là vinh dự lớn trong nghề của Tuý Phượng vì nhà báo Trần Tấn Quốc, người chủ chương trình bình chọn này rất có uy tín trong báo chí và kịch trường. Ông Trần Tấn Quốc cũng là người sáng lập giải Thanh Tâm để chọn ra những huy chương vàng của SKCL, mà mở đầu là NSƯT Thanh Nga.
Sáng chói từ cuộc thi Hoa hậu đông phương của hãng phim Đông Phương vào năm 1957, lúc cô vừa tròn 17 tuổi.Biệt danh “Hoa hậu Đông Phương” gắn liền với cô từ đó. Có một chuyện vui là vì mọi chi phí, tiền thưởng do hãng xe Lambretta bảo trợ hết, nên chữ Lambretta được vẽ kèm trong tấm banner Thi Hoa Hậụ Kết quả ca sĩ cải lương Túy Phượng đoạt chức hoa hậu, và sau đó thiên hạ gọi Túy Phượng là “Hoa Hậu Lambretta,”, ít ai gọi là “Hoa Hậu Đông Phương”.Điện ảnh đã làm cho cô được chú ý ngay từ giai đoạn này. Trong năm 1958, Túy Phượng tham gia liên tục các phim như: vai Cúc trong “Tình quê ý nhạc” của hãng Mỹ Vân, Công chúa trong ‘Thạch Sanh Lý Thông” của Văn Thế Phim, Thị Lụa trong “Bích Câu Kỳ Ngộ” của hãng Alpha… Tuý Phượng đóng rất nhiều phim, trong đó có phim hợp tác với điện ảnh Philippine như “Ánh sáng đô thành”
Túy Phượng được nghệ sĩ Bích Thuận nhận làm mẹ đỡ đầu . Cô lại được nữ ca sĩ Mộc Lan luyện giọng . Giọng hát của cô không có gì đặc biệt . Cô lại hát bằng cách phát âm người miền Nam như Túy Hoa, Ngọc Hà . Tuy nhiên đây là một giọng có kỹ thuật cao, ngân nga rất vững . Những bản slow chẳng hạn như bản Sương Thu của Văn Phụng được cô diễn tả rất nghề, làm thỏa mãn khách sành điệu . Ở bản Mộng Đẹp Ngày Xanh của Hoàng Trọng, dù gặp chỗ lên cao vượt ngoài âm vực của giọng hát cô, vậy mà cô hát vẫn không gãy, vẫn ngọt ngào làm cho nhiều người thán phục . Cũng như giọng Mai Hương, Hồng Phúc, giọng Túy Phượng không thích hợp với sân khấu mà chỉ thích hợp trên làn sóng điện mà thôi. Nhưng khi cô xuất hiện trên sân khấu ,chính thân hình nhỏ nhắn và bốc lửa, cùng khuôn mặt mũm mĩm của cô làm say khán thính giả nhiều hơn là giọng hát .
Năm 1959, Sài Gòn xuất hiện phòng trà Hòa Bình. Túy Phượng mặc chiếc robe bằng nhung đen xẻ đùi và hở ngực hở vai khá rộng . Cô mang găng tay bằng nhung đen dài đến khuỷu tay, đeo những món nữ trang lấp lánh và cài vương miện trên tóc . Cô hát bài “Mambo Italiano” bừng bừng phấn khởi, như rải cơn bão lửa khắp phòng trà Hoà Bình . Về sau, khoảng 1961-63, Túy Phượng xoay qua hát nhạc Twist và trở thành “Nữ Hoàng Nhạc Twist” . Nhưng cô chỉ nổi tiếng trong một thời gian ngắn ở lĩnh vực mới này . Rất tiếc, Túy Phượng có biệt tài trình diễn nhạc hay, nhưng khán thính giả chỉ say mê cô qua sắc đẹp chói chang, qua những điệu hát nhún nhẩy mà không tìm được cái nội lực chân truyền cùng kỹ thuật thâm hậu trong giọng hát của cô . Cho nên cô phải dùng nhạc Twist để làm quỷ làm yêu, trổ nhiều quái chiêu để thu phục nhiêù khán giả .
Túy Phượng đóng kịch rất hay . Sau khi Kim Cương, Vân Hùng và Túy Hồng tách rời khỏi ban Dân Nam thì cô thay thế Kim Cương thủ những vai thương cảm nòng cốt của vở kịch.
Tùng Lâm, Túy Phượng và Tùng Giang hợp với nhau thành một ban hợp ca (nằm trong đoàn Dân Nam) lấy tên là “ban tam ca Muôn Phương”, ăn mặc theo kiểu Nam Mỹ và hát nhạc châu Mỹ La Tinh được dịch lời Việt. Nghệ sĩ Tùng Lâm chơi guitar, Tùng Giang chơi congo, còn Túy Phượng lắc tamburan.
Sau năm 1975, Tuý Phượng vẫn tiếp tục con đường nghệ thuật trên sân khấu kịch “Tân Dân Nam”, Tuý Phượng còn là ca sĩ, một thời nổi tiếng “Nữ hoàng Twist”, nên thời điểm miền Nam giải phóng giọng ca của chị nổi bật trong các đoàn “Ca múa nhạc Hậu Giang”, “Tiếng Ca Minh Hải” lưu diễn khắp miền đất nước. Tuý Phượng cũng là 1 giọng ca trình diễn ở sân khấu nhà hát Hoà Bình – Tp. HCM sớm nhất, cùng với Cẩm Vân, Thu Cúc, Bảo Yến, Nhã Phương, Thanh Hoa, Hồng Hạnh.
Nụ cười của Tuý Phượng vẫn tròn đầy, từ năm 1995, sau những ngày đau buồn chịu tang mẹ là NS Tuý Hoa, người ta không thấy NS Tuý Phượng lưu diễn nữa. Chị vẫn hoạt động nhưng là nhận những vở diễn trong các vở kịch video. Trong lĩnh vực hài, Tuý Phượng thừa hưởng cái “gien” của mẹ, nên cũng rất duyên dáng đem đến khán giả những trận cười thoải mái. Tuý Phượng từng được yêu thích qua băng hài “Đắc Kỷ ho gà”, “Hai Nhái khoái vợ bé”, “Con Tấm – Con Cám” gợi nhớ một thời chị diễn hài kịch cùng mẹ là Tuý Hoa và những “Cây Cười” Thanh Việt, Phi Thoàn, Tùng Lâm, Thanh Hoài, Hoàng Mai, Khả Năng, Bé “Bự” trên nhiều sân khấu.
Túy Phượng qua đời tại Sàigòn, ngày 13-11-2001. Đám tang của nữ nghệ sĩ Túy Phượng được chồng chị đứng ra lo chu tất và hỏa thiêu ở Bình Hưng Hòa .
Ghi chú:
Theo những thông tin mà báo chí đăng tải thời gian qua thì nhà văn Trần Trung Sáng dấn thân vào lĩnh vực viết tiểu thuyết đã chọn đề tài nói về số phận một nghệ sĩ tài hoa của nghệ thuật miền nam là cố nghệ sĩ Túy Phượng làm nhân vật chính trong tiểu thuyết “Nữ Hoàng Nhạc Twist” của mình.
Cuốn sách gần 400 trang, gồm 6 chương, 30 hồi bắt nguồn cảm hứng từ cuộc đời thật của ca sĩ Tuý Phượng. Thông qua tiểu thuyết nói về cuộc đời của Túy Phượng, người đọc sẽ có dịp hiểu những phong ba, sóng gió cũng như những phức tạp gắn liền với bối cảnh cuộc chiến tranh ở miền Trung cũng như sự chọn lựa không dễ dàng của người nghệ sĩ trước những vấn đề cá nhân cũng như của thời cuộc.
Bối cảnh chính là vùng ngoại thành Hội An – nơi Túy Phượng theo chồng là tiểu đoàn trưởng một đơn vị công binh, qua đó với nhiều tình tiết, nhằm phản ánh cuộc chiến tranh khốc liệt dưới cái nhìn của người đô thị. Tại một cuộc giao chiến sau trận Mậu Thân, viên tiểu đoàn trưởng bị quân giải phóng bắt sống, Tuý Phượng trở lại sân khấu Sài Gòn. Sau 1975, đôi vợ chồng này phải tạm chia tay khi chồng đi học tập cải tạo để rồi họ lại đoàn tụ trong một tâm trạng phức tạp, khi lựa chọn giữa “đi và ở”, kéo dài cho đến ngày nữ nghệ sĩ Túy Phượng ra đi trong bệnh tật và lặng lẽ….
LÊ QUANG THANH TÂM
ẢNH: ĐINH TIẾN MẬU (VIỄN KÍNH STUDIO)