Nhà hát Chèo Việt Nam diễn vở Tống Trân Cúc Hoa do Đoàn Vinh đạo diễn cải lương cuối tuần qua. Trước giờ kéo màn, rất đông khán giả tập trung ở phòng bán vé ngoài sảnh nhà hát. Gần 300 vé bán ra không còn, nhân viên phải phát tập giấy mời cất trữ trong tủ làm vé vào cửa cho người xem.
Chị Lan - nhân viên phòng vé - cho biết vở chèo là một trong những tác phẩm tiêu biểu được nhà hát chọn biểu diễn vào thứ bảy cuối cùng của mỗi tháng trên sân khấu lớn (có sức chứa 500 chỗ ngồi). "Vé buổi diễn lớn thường được phát ra khoảng 300 đến 500. Những buổi như vậy người xem đến rất đông và thường xuyên kín ghế tầng một. Với vở Tống Trân Cúc Hoa, nhiều người đặt vé từ mấy tuần, gần sát giờ diễn họ mới đến lấy nên không còn nhiều vé sẵn", chị nói.
Lượng khán giả đến xem đa phần là trung niên và cao tuổi, lấp đầy hàng ghế tầng một của Nhà hát. Buổi diễn kết thúc, nhiều người túm tụm lại và bàn tán sôi nổi về những vấn đề vở chèo đặt ra. Chân đi tập tễnh vì chứng đau khớp gối, khán giả Nguyễn Thị Tuyết (72 tuổi) len chậm ra ngoài. Bà chia sẻ: "Tôi đã xem Tống Trân Cúc Hoa từ năm 18 tuổi tại Đoàn chèo Kim Lan (nay là Nhà hát Chèo Hà Nội). Dù nhà cách điểm diễn hơn 10 cây số, tôi vẫn bắt ôtô đến xem. Vở diễn lần này đã cải biên nhiều chi tiết nhưng vẫn hấp dẫn và nguyên giá trị".
|
Khán giả đến xem vở "Tống Trân Cúc Hoa". |
Vợ chồng khán giả Nguyễn Văn Bình, quê ở Phú Xuyên ra thăm người thân từ sáng sớm và nhanh chóng đặt mua vé xem chèo. Anh Bình cho biết bản thân là người mê nghệ thuật truyền thống và từng đọc tích truyện về mối tình của Tống Trân, Cúc Hoa nên nhất quyết phải có bằng được chỗ ngồi trong rạp vì sớm hôm sau gia đình anh phải về lại quê. Anh chia sẻ: "Đây là lần đầu tôi xem Tống Trân Cúc Hoa và lần thứ ba thưởng thức các vở diễn của Nhà hát Chèo Việt Nam. Hôm nay, tôi ấn tượng với lượng khán giả đến rạp hát. Khán phòng đông hơn rất nhiều so với những lần trước tôi đến đây".
Tống Trân Cúc Hoa khuyết danh tác giả kịch bản cải lương, là truyện thơ Nôm Việt Nam. Tác phẩm gồm 1.689 câu lục bát, ra đời khoảng giữa thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 19. Tống Trân Cúc Hoa từng nhiều lần được các đơn vị chèo cả nước chuyển thể kịch bản và dựng vở diễn. Tác phẩm ngợi ca tình yêu, lòng chung thủy và tình mẫu tử, đồng thời lên án thế lực chà đạp khát vọng hạnh phúc cá nhân.
|
Một cảnh trong "Tống Trân Cúc Hoa". |
Tống Trân - nho sĩ nghèo - mồ côi cha từ nhỏ. Lớn lên, gia cảnh nghèo khó, anh dắt mẹ đi tha phương cầu thực. Một hôm, mẹ con Tống Trân qua nhà Cúc Hoa - con gái phú ông. Động lòng thương, Cúc Hoa mời mẹ con Tống Trân vào nhà, sai người đem gạo ra cho. Sau đó, cô phải lòng chàng nho sĩ, ngỏ ý kết duyên. Mặt khác, cha Cúc Hoa đã hứa gả cô cho công tử tuổi ngoài 50. Ông bắt Cúc Hoa đuổi mẹ con Tống Trân ra khỏi nhà nhưng cô chống lại. Về sau, phú ông đuổi con gái ra khỏi nhà kèm theo những lời chì chiết cuộc hôn nhân không môn đăng hộ đối.
Cúc Hoa lấy Tống Trân, sống trong căn nhà lụp xụp. Cô bươn chải đủ nghề để chồng yên tâm dùi mài kinh sử. Đến kỳ, Tống Trân khăn gói quả mướp lên kinh thi và đỗ trạng nguyên. Nhà vua muốn gả con cho anh nhưng Tống Trân từ chối. Chính lẽ đó mà công chúa oán hận, xui cha cử Tống Trân đi sứ 10 năm sang nước Tần (Trung Quốc).
* Trích vở "Tống Trân Cúc Hoa"
Vở chèo 'Tống Trân Cúc Hoa' hút khán giả Hà Nội ngày cuối tuần
Ở quê nhà, Cúc Hoa và mẹ ngày đêm mòn mỏi ngóng trông tin tức Tống Trân. Thấy con rể mãi không về, cha Cúc Hoa ép cô tái giá với viên Đình Trưởng tuổi ngoài ngũ tuần trong làng và đuổi mẹ Tống Trân xuống ở chuồng trâu. Quá đau khổ, Cúc Hoa định tự tử nhưng được thần núi cứu rồi giúp cô báo mộng cho Tống Trân trở về. Cuối cùng, gia đình đoàn tụ, cha Cúc Hoa nhận lỗi với con rể.
Để phù hợp thị hiếu công chúng đương đại, đạo diễn Đoàn Vinh đã giản lược nhiều chi tiết so với kịch bản gốc của cố giáo sư Hà Văn Cầu, rút ngắn thời gian diễn. Chất hài hước được đưa vào khi đạo diễn xây dựng nhân vật gia nô yểu điệu, hóa trang như diễn viên cải lương hề. Điều này tạo ra lối thưởng thức thoải mái, không căng cứng cảm xúc cho người xem.
Vở Tống Trân Cúc Hoa kéo dài gần hai tiếng. Sân khấu được bài trí đơn giản, phía sau dựng duy nhất khung cửa treo hoành phi câu đối và cuốn thư, đậm không gian xưa. Mỗi hồi diễn khép lại, khán giả vỗ tay rầm rộ. Qua giai điệu chèo, người xem cảm động trước lời tự sự, giãi bày nỗi lòng của nhân vật Cúc Hoa khi phải đối đầu cha, bảo vệ hạnh phúc riêng và một lòng thờ chồng nếu Tống Trân gặp chuyện chẳng lành.
Trọng Trường
Nguồn: giaitri.vnexpress.net