Họa sĩ Võ An Lai tiếc nuối thời huy hoàng của tranh biếm họa

(cailuong.net) - Tác giả 70 tuổi từng kiếm được số tiền đủ để mua ba chiếc xe đạp phượng hoàng vào những năm 1960 nhờ bán tranh.

Ngày 3/4 ở Hà Nội, giải Biếm họa báo chí cúp Rồng tre được khởi động. Họa sĩ Võ An Lai và Thành Chương có mặt trong sự kiện.

Họa sĩ Võ An Lai sinh năm 1948, từng là giáo viên dạy toán. Ông thấy người khác vẽ biếm họa thích quá nên học theo. Bức tranh đầu tiên của ông đăng trên báo Điện ảnh năm 1963 với nhuận bút năm đồng (theo mệnh giá tiền khi đó). Với số tiền này, ông đã chiêu đãi bạn một bữa nhậu lớn với hai đĩa thịt thỏ rán cùng bia và hai cây kem. Có lần, Võ An Lai bán được ba bức, phải mang cặp sách mới đựng được hết tiền. Số tiền ấy đủ cho ông mua được ba chiếc xe đạp phượng hoàng vào những năm 1960.

Họa sĩ Võ An Lai.

Theo họa sĩ Võ An Lai, phong trào vẽ tranh biếm họa huy hoàng nhất vào thời kháng chiến chống Mỹ. Nhiều tác phẩm trở thành vũ khí sắc bén để lên án chiến tranh, tố cáo tội ác của kẻ thù và trở thành bằng chứng lịch sử. Chúng được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mua lại và lưu trữ khá nhiều.

Ông kể: "Sau trận Điện Biên Phủ trên không ở Hà Nội, người dân sơ tán hết nhưng các họa sĩ vẫn ở lại và chiến đấu bằng cách thắp đèn dầu và vẽ tranh. Sau 24 giờ, họ đã cho ra đời gần 40 bức biếm họa lên án đế quốc Mỹ. Các tranh sau đó được Hội Mỹ thuật đóng khung, căng dây treo ở Hồ Gươm, làm triển làm lưu động cho người dân xem". Trong số 40 tác phẩm, có sáu bức do Võ An Lai thực hiện.

Tuy vậy, từ năm 1975 đến nay, các tờ báo dần không dành nhiều "đất" cho biếm họa. Võ An Lai tâm sự: "Biếm họa đang tàn lụi. Để đánh thức các họa sĩ, các báo cần phải đồng hành với họ, dành chỗ cho biếm họa sống, cho các họa sĩ được xác định trách nhiệm, ý thức của công dân với xã hội bằng đặc thù nghề nghiệp".

Tranh của họa sĩ Vũ Thanh Hiền đoạt giải nhất giải Biếm họa báo chí Việt Nam lần thứ tư (2013-2014).

Họa sĩ Thành Chương gắn bó nhiều năm với tranh minh họa trên báo Văn nghệ. Ông rất tâm đắc với tranh biếm họa trên báo. Ông tâm sự: "Biếm họa báo chí có sức mạnh to lớn. Trong thời kỳ chiến tranh, biếm họa, đả kích phía địch thì dễ. Thời nay, việc đả kích ta mới khó. Bởi nếu ta đủ dũng cảm mới có thể chấp nhận được việc đả kích chính mình, từ đó có tác động tới nhận thức".

Giải Biếm họa báo chí cúp Rồng tre được tổ chức từ năm 2007, nhằm khích lệ phong trào đồng thời tổ chức triển lãm góp phần đưa trở lại và phát huy sức mạnh của thể loại báo chí biếm họa, tôn vinh tác giả kịch bản cải lương biếm họa.

Đức Trí

Nguồn: giaitri.vnexpress.net

Tin tức mới

Video cải lương