Sân khấu Idecaf: 'Chúng tôi không muốn thi thố để giành huy chương'

(cailuong.net) - Sân khấu lớn của TP HCM không thi Liên hoan kịch nói toàn quốc vì cho rằng thước đo vở diễn nằm ở khán giả chứ không ở thứ hạng.

Liên hoan kịch nói toàn quốc 2018 diễn ra từ ngày 11 đến ngày 25/4 tại TP HCM. Sự kiện năm nay có 22 đơn vị sân khấu với 27 tác phẩm dự thi, trong đó có nhiều đơn vị kịch xã hội hóa như sân khấu 5B Võ Văn Tần, kịch Phú Nhuận của "bầu" Hồng Vân, Thế giới trẻ, sân khấu Trịnh Kim Chi... Idecaf luôn chọn đứng ngoài sân chơi này. Ông Huỳnh Anh Tuấn - giám đốc sân khấu - cho biết ông và Nghệ sĩ Ưu tú Thành Lộc - phó giám đốc - không hứng thú gửi tác phẩm dự thi. "Mỗi vở mang phong cách riêng của từng đạo diễn cải lương. Nghệ thuật là vô cùng, mỗi bên có tiêu chí, góc nhìn đánh giá khác nhau. Tôi quan niệm phải tôn trọng cái riêng của từng vở diễn, không nên xét tác phẩm theo huy chương vàng, bạc...", ông Tuấn nói. 

Ông bầu Idecaf Huỳnh Anh Tuấn.

Đại diện Idecaf cho biết nhiều năm qua, ông và các đồng nghiệp xem khán giả là thước đo giá trị của tác phẩm. Ông cho rằng kỳ liên hoan của các bộ môn nghệ thuật - không riêng gì kịch - nên hướng vào tính chất giao lưu, hội hè giữa các đơn vị thay vì đặt nặng thi thố. Ông nêu ví dụ về Liên hoan sân khấu Avignon - sự kiện văn hóa lớn của nước Pháp được tổ chức thường niên, với hàng trăm đơn vị sân khấu biểu diễn nhưng không cần phải cạnh tranh giải thưởng. Khi ấy, các đơn vị sẽ thoải mái thể hiện những điểm đặc sắc riêng, từ đó quan sát, học hỏi lẫn nhau. 

"Tấm Cám" - vở kịch "thắng" nhiều năm liền của Idecaf.

Hiện Tấm Cám là vở ăn khách nhất ở Idecaf, dù diễn đã nhiều năm. Ông Huỳnh Anh Tuấn ngạc nhiên khi có những khán giả xếp hàng nhiều giờ liền để mua được vé vở này. Kịch Ngôi nhà không có đàn ông xếp thứ hai về mức bán vé. Tiên Nga - vở nhạc kịch do Thành Lộc đạo diễn - trở thành hiện tượng với khoảng 20 nghìn vé bán ra. Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng điều bi đát - không chỉ riêng ở Idecaf - là việc thiếu kịch bản hay. Thậm chí, có lúc ông muốn bỏ cuộc vì thấy các đầu kịch mục càng ngày yếu. Xu hướng kịch gia đình kiểu "anh Ba, chị Bảy gặp nhau" vẫn được khán giả yêu thích, nhưng thiếu sự đột phá. 

* Trailer vở "Tiên Nga"

 
 
Sợ 'thiếu minh bạch', Idecaf không thi Liên hoan kịch toàn quốc
 

Theo đại diện Idecaf, các đơn vị sân khấu cần định hướng thị hiếu khán giả hướng đến những tác phẩm có giá trị thẩm mỹ, nhân văn. Một thời gian, nhiều game show buông lỏng nội dung với kịch mục yếu, dẫn đến hiện tượng hài nhảm được ưa chuộng. "Sân khấu là phải luôn đi trước hoặc ít ra là song song cùng nhu cầu thị hiếu của khán giả mới đảm bảo đúng chức năng nghệ thuật. Còn khán giả thích gì, ta chiều nấy là thua, bởi số đông công chúng cần được rung động với những cái mới, thay vì đơn thuần giải trí", ông "bầu" bày tỏ.

Liên hoan sân khấu kịch nói toàn quốc 2018 do Cục Nghệ thuật Biểu diễn phối hợp với Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các địa phương tổ chức. Các vở đều phải được dàn dựng từ năm 2014 đến nay, không sử dụng kịch bản nước ngoài, có thời lượng từ 90 đến 120 phút, chưa từng tham gia những cuộc thi, liên hoan nghệ thuật do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tổ chức. 

Mai Nhật

Nguồn: giaitri.vnexpress.net

Tin tức mới

Video cải lương