Trần Lực biến ước mơ lập đoàn kịch tư nhân thành hiện thực

(cailuong.net) - Đạo diễn hy vọng với đoàn hát riêng anh có thể thỏa giấc mơ sân khấu được ấp ủ từ thời sinh viên.

Trở về từ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20 tại Đà Nẵng, đạo diễn cải lương Trần Lực bắt tay cùng học trò tập hài kịch Cơn ghen của Lọ Lem. Vở công diễn lần đầu vào ngày 23/11, trong buổi ra mắt đoàn kịch tư nhân đầu tiên ở miền Bắc - Lucteam - do anh sáng lập.

* Trích đoạn kịch "Cơn ghen của Lọ Lem"

 
 
Trích đoạn trong vở kịch "Cơn ghen của Lọ Lem"

Từ vai trò đạo diễn những phim điện ảnh và truyền hình như Chàng trai đa cảm, Tết này ai đến xông nhà, Cocktail cho tình yêu... Trần Lực quyết định theo đuổi giấc mơ sân khấu khi tuổi đã ngoài ngũ tuần. Đạo diễn vốn sinh ra trong gia đình nghệ thuật, bố là Nghệ sĩ Nhân dân Trần Bảng, mẹ là nghệ sĩ chèo Trần Thị Xuân. Thời gia đình sống ở Khu văn công Mai Dịch (Hà Nội), bên cạnh là hai Nhà hát Tuồng và Chèo Việt Nam, anh thường xuyên theo mẹ đi diễn, xem những vở chèo do bố dựng cho học trò. In đậm trong tuổi thơ anh là tiếng trống hội, tiếng đàn, nhịp phách.

Trần Lực trên sàn tập.

Khát khao tự lập đoàn kịch riêng với phong cách trình diễn ước lệ nhen nhóm trong anh từ thuở học Đại học sân khấu điện ảnh Sophia (Bulgaria). Về nước vào những năm 90 của thế kỷ 20, nhiều lần anh cùng NSND Hoàng Dũng, NSND Trung Anh xoay xở tạo dựng đoàn kịch tư nhân nhưng không thành công. Có người bảo với anh: "đoàn kịch diễn theo phong cách ước lệ thì chẳng ai xem". Vì cuộc sống, Trần Lực quay sang làm phim ảnh.

Dẫu vậy, đạo diễn hạnh phúc khi được bố - NSND Trần Bảng - hiểu và ủng hộ. Năm 2016, khi biết tin anh dựng vở Quẫn, vợ chồng NSND Trần Bảng vui mừng vì cuối cùng, con trai nối nghiệp cha. "Thời điểm đó, nhìn vào mắt đấng sinh thành, tôi cảm nhận bố mẹ khỏe lên vì thấy con đang làm việc có ý nghĩa". Trong thời gian Lucteam tập luyện, mẹ NSƯT Trần Lực đột ngột đổ bệnh. Mỗi lần rời sân khấu, anh lao vào bệnh viện chăm mẹ. Không lâu sau, nghệ sĩ Trần Thị Xuân qua đời.

Điều khiến Trần Lực tiếc nuối và ân hận nhất là mẹ chưa kịp xem tác phẩm sân khấu đầu tay của anh. "Giá như tôi dựng vở sớm hơn. Thời gian nằm viện, mẹ liên tục hỏi: 'Đoàn kịch tập thế nào? Có tốt không?'. Tôi ngồi chưa ấm chỗ là mẹ đuổi về tập tiếp", anh kể.

Đoàn kịch tư nhân đầu tiên ở miền Bắc do NSƯT Trần Lực thành lập.

NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam - cho biết trong thời kỳ bùng nổ thị trường, sân khấu nghệ thuật truyền thống không thể sáng đèn hàng đêm so với các loại hình giải trí hiện đại. NSND Anh Tú - phó giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam - nhận xét dựng các vở kịch kinh điển là lựa chọn chuyên môn vô cùng kén khán giả. Trước thực trạng sân khấu truyền thống thiếu sức hút, việc Trần Lực lập đoàn kịch là quyết định mạo hiểm.

Để đủ sức cạnh tranh, Trần Lực cùng êkíp sử dụng thủ pháp sân khấu ước lệ, tìm tòi trong hình thức thể hiện, dựng tác phẩm dựa trên nguyên tác những vở kịch nổi tiếng của Moliere (Cơn ghen của Lọ Lem), Shakespeare (Romeo và Juliet), nhà viết kịch Lộng Chương (Quẫn)... Mỗi vở dài khoảng 90 phút, tránh cảm giác nặng nề và tăng sự tương tác giữa diễn viên cải lương với khán giả.

Ngoài kiến thức được đào tạo trên giảng đường, diễn viên của đoàn phải tham gia khóa học giải phóng hình thể. Mỗi ngày, từ 6 đến 9 giờ sáng, các nghệ sĩ trẻ tập luyện tại Đoàn xiếc Hà Nội. Không ít lần, trước những bài tập giãn cơ, gập người, học tròTrần Lực khóc thét. "Trước khi thành lập với 12 thành viên, có nhiều bạn bỏ cuộc vì không chịu được sức ép. Tôi lại phải tuyển thêm người, đào tạo tiếp. Sắp tới, chúng tôi sẽ học thêm kỹ năng múa dân gian đương đại", đạo diễn cho biết.

Thời gian tới, đoàn kịch tiếp tục dựng vở Romeo và Juliet, Giấc mộng đêm hè... và mang các suất diễn đến nhiều đại học với mong muốn tiếp cận khán giả trẻ.

Trọng Trường

Nguồn: giaitri.vnexpress.net

Tin tức mới

Video cải lương