Vở cải lương khắc họa cuộc đời quan dạy nhạc triều Nguyễn

(cailuong.net) - "Thầy Ba Đợi" ngợi ca lòng yêu nước, tinh thần bảo tồn cổ nhạc của Nghệ nhân dân gian Nguyễn Quang Đại.

Tối 28/5, vở cải lương công diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Thầy Ba Đợi kể cuộc đời và quá trình xây dựng nghệ thuật cải lương của nhạc sư Nguyễn Quang Đại - quan dạy nhạc triều Nguyễn. Năm 1888, sau khi vua Hàm Nghi bị thực dân Pháp bắt, Quang Đại lưu lạc Nam kỳ. Trước cuộc truy lùng ráo riết của quân lính, Quang Đại được Ái Hoa (NSƯT Quế Trân đóng) - con gái tổng đốc Đại Phong - cưu mang và yêu thương.

* Trích đoạn vở 'Thầy Ba Đợi'

 
 
Trích đoạn vở 'Thầy Ba Đợi'

Để cha chấp thuận hôn sự, Ái Hoa làm giả xuất thân của Quang Đại, cho anh mạo danh là con quan. Sự việc bại lộ, Quang Đại bị đuổi ra khỏi nhà. Ái Hoa bị công tử Hiến - con trai tổng đốc Phúc Châu - ép cưới. Không lâu sau, Ái Hoa tự sát, quyết giữ trinh bạch. Về phần Quang Đại, anh mở lớp dạy nhạc ở Cần Đước, lấy danh thầy Ba Đợi. Trăn trở trước việc âm nhạc truyền thống bị đưa ra làm thú tiêu khiển, có nguy cơ thất truyền, Quang Đại đổ bệnh và qua đời.

Thầy Ba Đợi ngợi ca lòng yêu nước, tinh thần dân tộc và tình cảm lứa đôi thủy chung. Quang Đại chống đối phản tặc, quyết bảo tồn nhạc lễ cung đình và phản đối một bộ phận trí thức đòi cách tân đờn ca, biến âm nhạc cổ truyền thành thú tiêu khiển cho khách làng chơi. Ái Hoa tiêu biểu cho thân phận phụ nữ xưa bị ép buộc hôn phối. Dù sống với công tử Hiến ngỗ ngược, Ái Hoa ngày đêm nhớ Quang Đại. Bi kịch hôn nhân đã đẩy cô đến sự quyên sinh.

Vở cải lương có kịch bản chặt chẽ, hài hòa. Không gian và thời gian trong vở diễn đi theo kết cấu vòng tròn. Bối cảnh mở màn là nghĩa địa, nơi chôn cất hài cốt nhạc sư Nguyễn Quang Đại. Tại đó, nhạc sư hiện hồn và đối thoại với một ông lão. Những câu chuyện quá khứ được kể bắt đầu từ năm 1888 với sự kiện vua Hàm Nghi bị bắt. Các phân đoạn nối tiếp theo thời gian tuyến tính, song song với sự giãn nở tình tiết. Câu chuyện kết thúc, trở lại với không gian nghĩa địa và có thêm đối thoại giữa nhạc sư với học trò thăm viếng.

Phân cảnh trong "Thầy Ba Đợi".

Đờn ca tài tử Nam bộ là nhạc nền chủ đạo của vở diễn. Ngoài ra, giai điệu dân ca Gập ghềnh ngũ cung (NSƯT Mai Hoa thể hiện) được sử dụng ở nửa cuối vở cải lương tạo chiều sâu giá trị lịch sử, văn hóa theo thời gian. Sân khấu được dàn dựng theo phong cách ước lệ, lấy cảm hứng từ đàn nguyệt. Màn hình 3D cỡ lớn, phủ kín mặt lưng sân khấu góp phần diễn tả thành công chặng đời oan trái, gập ghềnh sóng gió của Ái Hoa, Ba Đợi.

Thầy Ba Đợi quy tụ hơn 60 nghệ sĩ cải lương khắp cả nước. Bốn nghệ sĩ gồm: Thanh Tuấn, Xuân Vinh, Lê Tứ, Quang Khải thủ vai thầy Ba Đợi qua mỗi giai đoạn, từ trẻ đến cao niên. Diễn xuất của NSƯT Quế Trân khi vào vai Ái Hoa lấy nước mắt của nhiều khán giả. Trường đoạn Ái Hoa dằn vặt nội tâm, chịu bạo hành từ chồng rồi tự tử gây xót xa, thương cảm. Ngoài ra, cảnh thầy Ba Đợi khóc Ái Hoa khi nghe tin nàng bị đày đọa ở nhà chồng đến chết cũng là một trường đoạn gây xúc động. Diễn tả tính cách hỗn xược, hống hách của công tử Hiến, Võ Minh Luân nhấn vào cử chỉ, điệu bộ tạo tiếng cười.

Vở cải lương còn là sự hòa giọng của nghệ sĩ ba miền. Mỗi nhân vật đều thể hiện giọng gốc. Nhân vật Thầy Ba Đợi gồm bốn nghệ sĩ vào vai qua bốn thời kỳ cũng có giọng phù hợp với hoàn cảnh, bối cảnh thời gian.

Thầy Ba Đợi kéo dài hơn ba tiếng. Một số ý kiến nhận định vở cải lương nhiều chi tiết hay, gây xúc động nhưng nên được cô đọng và rút ngắn lại. Vở diễn do Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ biên kịch, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Ngọc Giàu chỉ đạo nghệ thuật.

Trọng Trường

Nguồn: giaitri.vnexpress.net

Tin tức mới

Video cải lương