- Cảm xúc của chị ra sao khi trở lại làm giám khảo cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2018?
- Tôi hạnh phúc khi đồng hành với các thí sinh. Mỗi lần làm giám khảo một cuộc thi sắc đẹp, tôi có cảm giác vui mừng, hồi hộp như được trở lại cuộc thi năm xưa. Sau 30 năm, Hoa hậu Việt Nam ngày càng quy mô, chuyên nghiệp. Danh hiệu hoa hậu cải lương cũng mang lại cho các em nhiều cơ hội, lợi thế để phát triển bản thân tốt hơn. Tuy nhiên, tôi quan niệm vương miện là động lực giúp các cô gái có ý thức phấn đấu, hoàn thiện bản thân chứ không phải là phương tiện mang lại cuộc sống an nhàn, hưởng thụ.
- Kỷ niệm gì của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 1988 khiến chị ghi nhớ nhất?
- Hồi đó, cuộc thi là hoạt động văn hóa, văn nghệ do báo Tiền Phong phối hợp với Trung ương Đoàn tổ chức. Từ nhỏ, tôi tích cực tham gia công tác đội, đoàn nên hào hứng đăng ký. Các thí sinh đều là đoàn viên, nhiều bạn đến từ vùng sâu, vùng xa. Thời đó, việc mặc áo tắm trình diễn trước đám đông là điều ngoài sức tưởng tượng với đa số thí sinh. Khi đến phần thi bikini, tôi nhớ sân khấu chững lại 10 phút vì nhiều người không dám đi ra.
Tôi mới 17 tuổi, chưa từng đi giày cao gót trình diễn. Tôi chỉ nghĩ đơn giản mình là thí sinh ở Hà Nội, có điều kiện hơn nhiều bạn khác nên phải gương mẫu. Mỗi khi biểu diễn xong, tôi nhanh chóng chạy vào cánh gà, cho bạn bè mượn khăn choàng, giày dép, đồng thời động viên tinh thần các thí sinh. Trước kia, cuộc sống khó khăn, bạn nào cũng thanh thoát, thon thả nên đều mặc vừa quần áo của nhau. Chúng tôi lúc ấy không có tư tưởng cạnh tranh, đố kỵ mà chỉ cố gắng giúp đỡ nhau cùng tỏa sáng.
|
Bùi Bích Phương thời điểm mới đăng quang.
|
Khoảnh khắc tôi đăng quang, khán phòng sức chứa 500 người ở Nhà văn hóa Thanh niên (Hà Nội) bị vỡ trận. Khán giả ùa vào rất đông. Trên sân khấu, tôi chỉ nhìn thấy biển người ở dưới chen chúc. Ngoài danh hiệu và vương miện, phần thưởng của tôi lúc bấy giờ là một chiếc xe đạp Mifa màu xanh ngọc, giá trị lúc ấy tương đương hai chỉ vàng. Tôi thậm chí còn không dám đi, để dành trên gác xép. Bạn bè thấy vậy mới bảo: "Cậu cứ đi đi, nếu mình giữ gìn thì xe vẫn mới mà, không sao đâu". Lúc đó, tôi mới dám lấy xe xuống đi học. Một tháng sau, tôi bị mất xe. Tôi khóc nức nở đi trình báo công an nhưng không tìm được. Sau này, khi có điều kiện, tôi chỉ mơ ước tìm lại được chiếc xe đạp đó để giữ làm kỷ niệm.
|
Bùi Bích Phương diện váy ôm chấm thi Hoa hậu Việt Nam 2018, hôm 25/8.
|
- Danh hiệu hoa hậu khiến cuộc sống của chị thay đổi như thế nào?
- Là người đầu tiên đăng quang Hoa hậu Việt Nam, cuộc sống của tôi thực sự thay đổi. Ngoài đường, già trẻ gái trai đều nói về cuộc thi, bày tỏ sự ngưỡng mộ với tân hoa hậu. Lúc đó, tôi rất hồn nhiên, ngây thơ nên không tránh khỏi áp lực. Tuy nhiên, vương miện thực sự giúp tôi trưởng thành. Tôi ý thức hơn về việc giữ gìn hình ảnh, đôi lúc, tôi phải hy sinh những sở thích nhỏ như ngồi vỉa hè ăn ốc, uống trà, mọi lời ăn tiếng nói cũng cần cân nhắc.
Tôi cũng phải đối mặt với cám dỗ, nếu không có bản lĩnh, tôi chưa chắc đã vượt qua được. Tôi cũng từng được một doanh nhân nước ngoài thành đạt cầu hôn. Nếu tôi lựa chọn con đường đó, tôi sẽ có cuộc sống an nhàn, hạnh phúc. Thế nhưng, tôi muốn thử sức mình nhiều hơn. Sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội, tôi lên đường du học ở Hàn Quốc. Sau 30 năm đăng quang, cuộc sống của tôi không phải lúc nào cũng trải đầy hoa hồng. Bên cạnh những yêu thương, tôi cũng phải đối mặt với nhiều ghen ghét, đố kỵ. Qua thời gian, tất cả khiến tôi chín chắn, điềm tĩnh hơn.
- Ông xã hỗ trợ chị như thế nào trong công việc, cuộc sống?
- Ông xã bằng tuổi tôi. Thời điểm tôi đăng quang, anh đang là du học sinh ở Nga. Sau khi về nước, anh mua nhà ở gần nhà thầy cô giáo của tôi. Chúng tôi tình cờ gặp nhau ở đó. Lúc ấy, tôi đang làm luận văn thạc sĩ kinh tế. Anh mới tốt nghiệp tiến sĩ ở lĩnh vực này nên cả hai có nhiều vấn đề chung trao đổi. Chúng tôi nhanh chóng phải lòng nhau. Mẹ anh khá e ngại chuyện tôi là hoa hậu nhưng anh vẫn quyết tâm và tin tưởng vào tình yêu của hai đứa. Năm 2000, tôi được Quỹ Giáo dục Quốc tế của Hàn Quốc cử đi Mỹ. Lúc đó, anh đang ở nước ngoài nhưng ngay lập tức về nước cầu hôn tôi. Anh nói: "Cưới nhau rồi em muốn đi đâu cũng được". Thế nhưng, phụ nữ có gia đình rồi đâu thể bỏ chồng bỏ con đi xa như vậy. Hiện tại, tôi vẫn làm tại Quỹ Giáo dục Quốc tế. Công việc khá bận rộn nhưng khi về đến nhà, tôi trút bỏ "lớp áo" xã hội để trở thành người phụ nữ của gia đình.
|
Hoa hậu Việt Nam 1988 trẻ trung ở tuổi 47.
|
Sau 18 năm, chúng tôi có một con trai và một con gái. Chồng tôi thuộc tuýp người nói ít, làm nhiều. Chồng tôi điều hành một doanh nghiệp của Nhật Bản nên khá bận rộn. Anh tranh thủ chia sẻ việc nhà với tôi một cách tự nguyện. Đôi khi, tôi đi làm về muộn nhưng rất cảm động vì chồng phần tôi mâm cơm đầy đủ. Những hành động nhỏ như thế khiến tôi hạnh phúc.
Vợ chồng sống với nhau lâu không tránh khỏi những lúc "cơm không lành, canh chẳng ngọt". Thế nhưng, tôi biết ơn vì mẹ chồng là người tâm lý, chiều con dâu. Mẹ đẻ không bao giờ bênh vực tôi mà luôn phân tích cặn kẽ đúng, sai để tôi điều chỉnh hành vi, thái độ của mình. Nhờ vậy, gia đình tôi luôn hạnh phúc.
- Chị định hướng nghề nghiệp cho các con thế nào?
- Khi các con tôi bước vào tuổi dậy thì, tôi phần nào giảm bớt công việc để có thời gian chăm lo cho con. Nhiều bạn cùng lớp con thậm chí còn ghen tỵ vì tôi có thể ở trường bất cứ lúc nào. Tôi muốn làm bạn với con nên không áp đặt các cháu. Hiện tại, con trai lớn của tôi đang du học ở Canada. Con gái vừa từ Mỹ trở về. Con gái rất ngưỡng mộ mẹ, từng muốn đi học ở Hàn Quốc giống tôi. Nếu cháu thích tham gia các cuộc thi nhan sắc, tôi sẽ ủng hộ.
Hà Thu
Nguồn: giaitri.vnexpress.net