. Phóng viên: Những ngày này, sàn diễn nóng lên với cuộc tranh tài của 45 nghệ sĩ trên cả nước trong cuộc thi Tài năng Diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang năm 2020. Từng 2 lần đoạt huy chương vàng (HCV) Giải thưởng Trần Hữu Trang, anh có cảm xúc gì?
- NSƯT VŨ LINH: Tôi cảm nhận sự hạnh phúc lan tỏa trong đời sống sàn diễn khi mà Giải thưởng Trần Hữu Trang do Hội Sân khấu TP HCM tổ chức từ năm 1991 đến 2014, nay đã được nâng tầm quốc gia. Cuộc thi thu hút sự quan tâm của người làm nghề. Trong muôn vàn khó khăn vì cuộc mưu sinh nhưng anh chị em nghệ sĩ vẫn tiếp tục hăng hái đóng góp sức mình, có nghệ sĩ không dự thi nhưng vẫn hỗ trợ cho diễn viên trẻ đến với cuộc tranh tài.
. Cuộc thi hiện nay kế thừa Giải thưởng Trần Hữu Trang trước đây, điều gì làm anh băn khoăn, trăn trở?
- Cả hai đều hướng đến mục tiêu tạo cơ hội để nghệ sĩ học hỏi, trau dồi kinh nghiệm. Giải thưởng Trần Hữu Trang chỉ chấm HCV, có năm chỉ 2 nghệ sĩ đoạt giải, như năm 1998 là Quế Trân và Hữu Quốc. Còn hiện nay, có đến 10 HCV, 20 huy chương bạc được trao, mở rộng trên phạm vi cả nước. Giá trị của huy chương đợt này sẽ được đánh giá khi xét duyệt danh hiệu cho nghệ sĩ.
Điều tôi băn khoăn chính là hậu cuộc thi. Nếu các nghệ sĩ đoạt giải rồi mạnh ai nấy tiếp tục bơi, tìm đất sống, tìm vai diễn ở những nơi không mang tính chuyên nghiệp thì thật là phí phạm. Phải có chiến lược sử dụng tài năng, tạo sức lan tỏa và cơ hội thăng tiến.
. Từng gắn kết các nghệ sĩ trẻ với chương trình "Người đưa đò", anh mong muốn điều gì khi tạo dựng sân khấu này?
- Tôi yêu sân khấu và luôn muốn tạo ra một sân khấu cải lương riêng qua chương trình - chuyên đề "Người đưa đò" để được thỏa đam mê, được làm theo cách mình cảm thấy tâm đắc. Quan trọng nhất là dìu dắt, nâng đỡ diễn viên trẻ, để họ chạm đến nhân vật khó.
Sân khấu cải lương trước đây có một thời kỳ rực rỡ. Những vở diễn kín rạp và khán giả xếp hàng dài cả cây số để mua vé là hình ảnh mà nghệ sĩ chúng tôi luôn hoài niệm. Nhắc lại để thấy cải lương của chúng ta đã từng rất hay, rất cuốn hút khán giả. Nhưng nói thật, hình thức dàn dựng cứ bị xưa cũ, tất cả các đoàn vẫn làm theo phương pháp đó suốt nhiều năm, hiếm có sự đổi mới như cách mà đạo diễn cải lương Hoa Hạ đã làm với "Kim Vân Kiều", "Chiếc áo thiên nga". Chính vì vậy, diễn viên trẻ thiệt thòi khi không có vai diễn hay để hóa thân. "Người đưa đò" ra đời, nhấn mạnh yếu tố trọng tâm, nghệ sĩ đi trước có trách nhiệm dìu dắt thế hệ tiếp nối. Đặc biệt, tôi hướng đến đối tượng khán giả trẻ hiện nay, những người ưa tìm tòi thưởng thức cái mới trong nghệ thuật cải lương. Khán giả đến với cải lương và trách nhiệm người nghệ sĩ phải đáp ứng những gì họ mong đợi.
NSƯT Vũ Linh - ngôi sao sáng của sân khấu cải lương. Ảnh: THANH HIỆP
. Có câu: Món ăn dù ngon đến mấy nhưng nếu chúng ta cứ cho khán giả ăn mãi mà không thay đổi thực đơn thì họ cũng chán. Anh có nghĩ chính sự lười biếng sáng tạo, tự hài lòng với chính mình mà sàn diễn cải lương cứ đìu hiu?
- Đã làm nghệ thuật thì phải luôn sáng tạo, để người xem cảm nhận được những cái mới. Cái mới đó là sự ca diễn hồn nhiên, tươi tắn, sinh động và xúc cảm.
Món ăn của sàn diễn cải lương, trước hết là nghệ sĩ phải ca thật hay, diễn chân thật. Đích đến của cuộc thi Trần Hữu Trang cũng là muốn mài giũa khả năng ca diễn chỉn chu của nghệ sĩ. Và nỗ lực của cải lương chính là làm cho sàn diễn sáng đèn, mà để sáng đèn thì phải có nhiều vở hay.
Cái khó hiện nay là hiếm có kịch bản mới được đón nhận khi lực lượng sáng tác không được đầu tư, chăm sóc. Hài lòng với chính mình luôn dẫn đến tự mãn, đó là một trong những nguyên nhân khiến sàn diễn cứ giậm chân tại chỗ.
. Xem những trích đoạn anh dựng luôn thấy rằng hầu như phần phục trang của diễn viên và mọi bài trí trên sân khấu được giản lược tối đa. Phải chăng anh đã đón đầu xu hướng mà nhiều sân khấu nước ngoài thường làm?
- Tôi có cơ hội đi nhiều, xem nhiều vở diễn của các nước. Cách trình bày của họ đáng để ta học hỏi. Do vậy, khi dựng, tôi dựa trên nguyên tắc của sân khấu ước lệ, không quá chi tiết nhưng vẫn làm sàn diễn sang, đẹp. Tôi sử dụng các ước lệ về thời gian, không gian, tô điểm cho đạo cụ để hỗ trợ diễn xuất của diễn viên. Điều này ở sân khấu hát bội, chèo,... diễn viên chỉ cần một chiếc roi có thể diễn được nhiều hoạt động như: lên ngựa, phi ngựa, xuống ngựa, băng rừng, vượt suối một cách thiện nghệ. Dìu dắt cho lớp diễn viên trẻ đến với nghề, tự tin sáng tạo là cách mà tôi chọn. Mừng là qua các chuyên đề của "Người đưa đò", sàn diễn hiện nay đã có những Tú Sương, Bình Tinh, Thy Trang, Võ Minh Lâm, Lê Hồng Thắm, Tâm Tâm, Hồng Phượng... vững vàng tiến bước.
. Anh có dự định gì cho những bước đi tiếp theo? Khán giả vẫn mong chờ anh trở lại với "Người đưa đò"…
- Sức khỏe vẫn chưa cho phép tôi quay lại làm những chuyên đề như thế, vì không chỉ diễn mà còn phải dàn dựng. Tôi thật sự hạnh phúc vì khán giả vẫn còn thương mến mình.
Về dự định, trước hết, chúng tôi cần một địa điểm cố định. Khán giả phải biết chính xác đoàn hát của chúng tôi ở đâu mỗi khi họ muốn xem. Bên cạnh đó, chúng tôi cần phải chuẩn bị những kịch bản hay, tiết mục mới. Vẫn còn khá nhiều điều ở phía trước cần phải khám phá cùng các bạn diễn viên trẻ.
. Như hầu hết các đơn vị sân khấu xã hội hóa, anh có nghĩ đến việc sẽ tìm nguồn tài trợ hoặc chọn đối tác thực hiện không?
- Tìm được nguồn tài trợ, đối tác cho sàn diễn cải lương là điều mong ước của hầu hết các sân khấu xã hội hóa nhưng trong giai đoạn này, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc này là rất khó. Chỉ mong các cơ quan chức năng tạo điều kiện để có sàn diễn với giá thuê vừa phải, giá vé vừa túi tiền người xem. Thế là đủ để tiếp tục vượt qua khó khăn trong lúc này.
Nhưng cũng phải thừa nhận sân khấu cải lương chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư. Sau cuộc thi Trần Hữu Trang, các diễn viên trẻ đoạt giải bắt đầu vào guồng và gắn bó với sân khấu từ công lập đến xã hội hóa, tôi tin tưởng con đường họ chọn dẫu có khó trăm bề nhưng vẫn không bỏ nghề, cố gắng cống hiến hết mình cho nghệ thuật cải lương.
Hạnh phúc khi nghệ sĩ được tôn vinh Giải Mai Vàng
NSƯT Vũ Linh vào nghề năm 13 tuổi, được nhạc sĩ Văn Vỹ dạy nghề. Năm 1972, anh theo đoàn hát "Đồng Âu - Hoa thế hệ" và đầu quân về đoàn Hoa Anh Đào - Kim Chưởng. Trên sân khấu này, anh có 2 người thầy là NSƯT Diệu Hiền và cố nghệ sĩ Trương Ánh Loan.
Anh đoạt giải HCV triển vọng Trần Hữu Trang năm 1991 với vở "Giũ áo bụi đời", cùng với 5 nữ nghệ sĩ. Năm 1995, anh tiếp tục đoạt HCV giải này, qua vai diễn Nguyễn Địa Lô trong vở "Bức ngôn đồ Đại Việt". Anh được giới chuyên môn đánh giá cao khi hội tụ các yếu tố ca diễn, sắc vóc. Anh có hàng trăm vai diễn trên sân khấu từ cải lương tâm lý xã hội và cải lương tuồng cổ.
NSƯT Vũ Linh cũng 2 lần đoạt Giải Mai Vàng (năm 1995 và 1999), do bạn đọc Báo Người Lao Động bình chọn. Anh tâm sự: "Nhắc đến Giải Mai Vàng, giải thưởng không có hội đồng giám khảo mà là công chúng, bạn đọc bầu chọn, tôi hạnh phúc và vinh dự khi năm nào hạng mục sân khấu cải lương cũng có diễn viên được chọn. Đó là nguồn động lực lớn khi một giải thưởng uy tín đã đồng hành với nghệ sĩ cải lương suốt 26 năm qua".
Tôi đánh giá cao việc thời gian qua, Hội Sân khấu TP HCM tổ chức các đợt tập huấn cho tác giả trẻ, để họ tìm được sự hòa quyện giữa thế hệ sáng tác đi trước vốn có nhiều kinh nghiệm trong thủ pháp viết, từ đó có những vở diễn hay, góp phần giúp cho sàn diễn cải lương luôn sáng đèn.