“Hồng hồng tuyết tuyết, mới ngày nào còn chưa biết cái chi chi” - tiếng hát réo rắt của ca nương Bạch Vân vang lên trong một buổi sinh hoạt ca trù tại đình Kim Ngân, Hà Nội. Chị vận chiếc áo dài tím, vấn tóc gọn gàng, tay gõ phách và mắt nhắm nghiền đắm mình vào lời hát. Trong không gian tôn nghiêm thoảng mùi hương trầm, khách đến nghe say sưa và trầm ngâm theo lối nhả chữ chậm rãi, da diết của nghệ nhân.
|
Ca nương Bạch Vân trên chiếu hát. |
Rời khỏi chiếu hát, NSƯT Bạch Vân bước xuống hàng ghế khán giả và cúi đầu cảm ơn. Khi những vị khách cuối cùng khuất bóng, chị nhanh chóng trở vào thu dọn đồ đạc. Không người đón đưa, với ca nương Bạch Vân, về nhà lúc nửa đêm sau mỗi buổi diễn là chuyện bình thường. Hơn 30 năm gắn bó với nghiệp ca trù, phần lớn thời gian Bạch Vân sống trong cảnh đơn độc. Chốn lui về thường ngày của chị là căn nhà nhỏ nằm sát khu tập thể Giảng Võ. Bạch Vân sống trên căn gác xép rộng chừng 25 mét vuông. Dưới nhà, chị cho thuê cửa hàng để kiếm đồng ra đồng vào.
Đồ đạc trong phòng lỉnh kỉnh chai lọ, sách báo, bếp ăn. Tất cả đều bày biện trên mặt sàn để phục vụ cho cuộc sống độc thân của phụ nữ ưa sự giản tiện. Gia tài giá trị nhất với Bạch Vân là cây đàn đáy dựng góc nhà và bộ phách hàng đêm theo chị lên chiếu hát.
Trời trở lạnh, Bạch Vân bị khan tiếng vì mấy đêm diễn ngoài sân đình. Nữ nghệ sĩ nhấp chén trà cho đượm giọng rồi chua chát tâm sự về phận đời nhiều đắng cay. Chị từng trải qua cuộc hôn nhân muộn mằn khi tuổi đã ngoài tứ tuần. Chị gặp người đàn ông tên Nguyễn Bá Hải khi anh đang tu tại chùa Một Cột. Giữa hai người nảy sinh tình cảm, anh hoàn tục rồi cùng Bạch Vân dựng xây tổ ấm. Bạch Vân thấy chồng là người có năng khiếu đàn nên đã tìm thầy dạy để hai người có thể ngồi chung chiếu hát. Khi cuộc sống ổn định, nghệ sĩ mở quán cơm chay mang tên mình.
|
Cuộc sống sinh hoạt của NSƯT Bạch Vân gói gọn trong căn gác xép. |
Hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, cuộc hôn nhân nhanh chóng đổ vỡ do đam mê ca trù trong Bạch Vân quá lớn. Chị toàn tâm toàn lực đến độ mang bầu không dám giữ lại vì sợ phải san sẻ thời gian với ca trù. Có hôm, buổi sáng Bạch Vân từ Hà Nội đi Nghệ An, hát xong chị lại về ngay Hà Nội để tiếp tục công việc trên đình Kim Ngân. Nữ nghệ sĩ nói: “Có sinh, chắc con cũng chết đói. Người ta có con thì trung tâm vũ trụ là con mình. Còn Bạch Vân, trung tâm vẫn phải là ca trù. Đó là tình yêu lớn nhất”.
Phần khác, chồng chị mải mê kinh doanh nên không còn gắn bó với đàn hát. Nữ nghệ sĩ thẳng thắn chia sẻ: “Nếu yêu Bạch Vân là phải yêu ca trù, còn không thì chia tay”.
Chấp nhận từ bỏ hạnh phúc riêng, Bạch Vân chọn ca trù làm tình yêu và lẽ sống. Thuở đầu thành lập Câu lạc bộ ca trù Hà Nội năm 1991, chị chạy vạy vay hàng trăm triệu để lo trả lương và phương tiện đón nghệ nhân gạo cội từ khắp nơi về biểu diễn. Bạch Vân sống tằn tiện, không dùng tivi, không sử dụng các thiết bị điện lạnh chỉ vì muốn tiết kiệm tối đa sinh hoạt phí nhằm dành tiền cho câu lạc bộ. Khan hiếm khán giả nên đến bây giờ, chị vẫn thường xuyên bỏ tiền túi để bù lỗ. Ca nương Bạch Vân có lần toan tự tử khi ở thế cùng cực: tiền hết, câu lạc bộ hoạt động khó khăn. Nhờ sự giúp đỡ của bạn bè, đồng nghiệp, Bạch Vân cùng các nghệ nhân có lịch diễn cố định tại đình Kim Ngân, Hà Nội.
Hơn 30 năm gắn bó với trống chầu, bộ phách, nữ nghệ sĩ nhiều lần kiệt sức vì chính đam mê của mình. Cuối năm 2015, NSƯT Bạch Vân gặp tai nạn khi chở một người bạn về nhà. Chị bị cướp giật túi xách và ngã văng ra đường, tưởng không đứng dậy nổi. Nghĩ đến khán giả đang chờ, chị nén đau gượng dậy, cố nổ máy lên đường. Do nhiều người dân có mặt can ngăn, chị đành hủy buổi diễn để vào viện. Bác sĩ chẩn đoán Bạch Vân bị giãn xương cột sống và phải bó cố định ít nhất ba tháng. Nhưng chưa được mươi ngày, chị trốn lên sân khấu để dạy hát, giao lưu, trình diễn. Khi khán giả về hết cũng là lúc Bạch Vân ứa nước mắt vì sống lưng đau buốt đến tận xương tủy. Cứ thế, chứng bệnh thành cái tật hành hạ chị khi trái nắng trở trời.
Mùa đông năm ngoái diễn ở đình về, do tắm nước lạnh nên chị bị cảm, người co cứng. Chị cố gượng dậy, nhờ anh trai đưa đến thầy lang chữa trị ngay trong đêm để kịp lịch diễn ngày hôm sau. Giữ trọn lời hẹn với khán giả, Bạch Vân bước lên sập hát, mình mẩy run cầm cập. Miệng chị lẩm bẩm lời khấn cầu xin tổ nghiệp phù trợ. Hát xong một bài, chân bủn rủn, Bạch Vân vẫn lại gần giao lưu cùng khán giả. Nghệ sĩ quả quyết: “Tôi sẵn sàng chết trên sân khấu để cháy hết mình với nghệ thuật cổ truyền và đền đáp tình yêu của khán giả”. Tình cảnh của ca nương Bạch Vân như lời nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát nói về kiếp cầm ca của nghệ nhân dân gian: “Sinh vì nghề, tử vì nghệ, nếu phải chết để bảo vệ lấy một tiếng phách tre, một tiếng đàn bầu, phải đâu không có người dám chết".
*NSƯT Bạch Vân biểu diễn tại đình Kim Ngân, Hà Nội
video cải lương-171949" >
Lẻ bóng ở tuổi 60, thời gian rảnh rỗi, Bạch Vân ở nhà chăm sóc đàn mèo để kiếm niềm vui. Thỉnh thoảng, chị cùng nhóm bạn tổ chức chuyến thiện nguyện lên vùng sâu vùng xa hoặc lái xe máy đến thăm hỏi những nghệ nhân ca trù gạo cội. Chị bảo họ đều ở tuổi xưa nay hiếm, chẳng may có mệnh hệ gì, lấy ai truyền lại vốn quý của âm nhạc dân tộc.
Bạch Vân là mây trắng. Nữ nghệ sĩ nhiều lần trách đùa sự trắng tay của mình đều vì cái tên do anh trai đặt. Hơn 30 năm giữ lửa cho ca trù Việt, Bạch Vân chẳng mong gì cho mình. Không cần nhà cao cửa rộng, chỉ miễn sao chị được lên sân khấu, được hát cho mọi người nghe và giữ ngọn lửa ấy vẫn cháy.
Ca nương Bạch Vân tên thật là Lê Thị Bạch Vân, sinh năm 1957 tại Nghệ An. Năm 1986, Bạch Vân bắt đầu đi tìm các nghệ nhân ca trù để học hỏi với mong muốn khôi phục lại bộ môn nghệ thuật này. Năm 1991, nghệ sĩ thành lập Câu lạc bộ ca trù Hà Nội - câu lạc bộ ca trù đầu tiên của Việt Nam - và mời nhiều nghệ nhân dân gian về biểu diễn, đồng thời bắt tay đào tạo thế hệ ca nương, kép đàn mới. Năm 2012, Bạch Vân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. |
Trọng Trường
Nguồn: giaitri.vnexpress.net