Nhà báo Lưu Trọng Văn là con trai cố nhà thơ Lưu Trọng Lư, là người thân thiết với gia đình nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý bao lâu nay. Nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý là người bế ẵm anh từ tay bà mụ khi anh vừa chào đời.
“Gã muốn im lặng, nhưng thấy báo chí và dân mạng ầm ĩ quá chuyện "nghèo" của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, rồi những lời trách móc con gái của nhạc sĩ bỏ rơi nhạc sĩ trong cảnh túng quẫn, già nua, rồi nhạc sĩ nói muốn chết quách cho rồi..., gã đành phải lên tiếng.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý chính là người bế ẵm gã từ tay bà mụ Lê Thị Thịnh, khi gã chào đời. Và ông chính là người hát câu hát ru gã đầu tiên. Gã luôn kính trọng ông. Khi về già, ông thường điện thoại cho gã: Văn ơi có đi chơi đâu khỏi Sài Gòn thì rủ chú đi với. Gã từng rủ ông đi ....phượt ở nhiều vùng quê. Đi với ông sướng lắm vì ăn theo sự ngưỡng mộ của dân quê với ông. Được nghe ông hát Dư Âm, Một khúc tâm tình, Tấm áo mẹ vá năm xưa, Mẹ ru con, Dáng đứng Bến Tre... Và được ngóng tai, tròn mắt thấy ông trổ tài tán các bà các cô tươi xinh.
Ông hơn đứt nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi ở đôi lúm đồng tiền duyên và ánh mắt đa tình... Chả là giai thoại đâu, trong giới nhạc ai chả biết cứ sau mỗi khúc....tâm tình, với... đi mô với... dáng đứng là một cuộc tình.
Ông không hề giấu gã về các cuộc tình. Nói chung đã là nhạc sĩ thì luôn đồng nghĩa với đa tình... Gã nói vậy, gã thách có bác nhạc sĩ nào dám tuyên bố rằng, thằng Văn mày đừng có đặt điều, tao đây không đa tình, không ngoại tình...
Các cuộc tình không để lại hậu quả, mà chỉ để lại các chiến quả thì các bác nhạc sĩ thường khoe. Và các bà vợ, con cái thường dễ dàng tha thứ cho các bác ấy vì lí do...lấy cảm hứng sáng tác.
Nhưng các cuộc tình không có chiến quả là bài hát để đời nào mà chỉ có hậu quả làm phức tạp và rắc rối các mối quan hệ gia đình thì các bà vợ và con cái của họ khó mà cho qua.
Nói gần nói xa là rứa.
Là rứa, xung khắc bố con chú Tý của gã.
Là rứa, bố muốn con hiểu bố, cảm thông với bố, chia sẻ gánh nặng cho bố, con không chịu, vậy thì: Con bị mang tiếng là bỏ rơi bố.
Gã chứng kiến Linh, con gái rượu của chú Tý, lo cho bố thế nào, chăm sóc từng miếng ăn, bước đi, giấc ngủ cho bố ra sao. Linh cứ nhắc đến bố là ứa nước mắt. Hôm ấy Linh bảo gã đến nhà Linh. Gã bất ngờ thấy một căn phòng rất đẹp nhìn ra vườn cây. Anh vào đi, chú ở trong ấy. Linh tỏ ra rất vui khi bố về ở với mình. Nhưng khi chỉ có gã và chú Tý, chú lại rơm rớm nước mắt. Chú bảo, con Linh nó thương chú nhưng nó không hiểu chú cháu à. Chú chỉ muốn ở đằng kia.
Và rồi chỉ ở vài hôm căn phòng đầy đủ tiện nghi và sự chăm sóc tận tình của con gái, cô con gái mà nhạc sĩ từng viết nên ca khúc tuyệt diệu, ru con, me ru con à ới ru hời, miệng con chúm chím...,ông nhạc sĩ bỏ đi.
Ông về lại cái mà ông gọi là ổ chuột nhưng với ông chính là tổ ấm của ông.
|
Nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý - Ảnh: DV. |
Chuyện bắt đầu từ vợ của chú- cô Lê, em gái nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương qua Đức ở với Linh, khi đi cô nhờ cháu gái của cô cũng tên Thương chăm sóc cơm nước cho chú Tý. Và rồi, chuyện gì xảy ra...
Chú Tý có lần nói với gã, đó là lỗi do cô, sao cô lại bỏ chú qua Đức để chú ở một mình? Khi cô Lê cùng Linh từ Đức trở về, biết sự tình, cô đã im lặng và sống riêng với Linh cho đến khi cô qua đời. Gã biết cô tuy cứ cười cười nhưng trong lòng thì đớn đau lắm.
Thương là người phụ nữ mê thơ, âm nhạc và dân ca Quảng. Thương chăm sóc hết mình cho chú... Tý. Chú Tý nói với gã, chú đau yếu, bệnh tật, già nua, chú phải luôn biết ơn Thương và con gái của Thương đã hết mình chăm sóc chú. Đấy là cái tình và tình thương. Gia đình của Thương rất nghèo khó, con cái cũng nghèo khó...
Chú Tý có lần khóc với gã: người ta lo cho mình, thương mình làm sao mình bỏ người ta được cháu ơi!
Còn Linh nói với gã trong nước mắt: bao nhiêu tiền bố em cho người ta cả chứ có tiêu pha gì cho mình đâu. Làm sao một ông già có thể gánh cả gánh nặng như thế. Đã thế lại còn cháu của người ta nữa...Em làm sao có thể chấp nhận được điều ấy. Xót quá anh à. Xót đứt ruột anh à.
Gã đến nhà chú Tý thấy một thằng bé rất dễ thương, rất đẹp trai, đó là con trai của con gái của Thương, tức là cháu ngoại của Thương... Chú ôm đứa bé, bế đứa bé, gã cảm nhận từng ánh mắt của chú thật kì lạ, cứ sáng rực lên. Chú bảo với gã, đi đâu một lúc nhớ thằng bé không chịu được.
Tình. Tình thương. Thế thôi. Bi kịch từ đó mà ra. Bi kịch của những người tử tế.
Bây giờ thì ai đó đã phần nào hiểu được và tha thứ cho người nhạc sĩ, cho con gái nhạc sĩ, cho cả gia đình người đàn bà lam lũ nhiều năm nay sống, chịu muôn tủi cực, chua xót miệng lưỡi thế gian hiện đang sống cùng nhạc sĩ.
Than!
Chú Tý nói với gã, chú gần đất xa trời rồi, chú cần gì cho chú nữa đâu cháu ơi, chú chỉ lo chú chết đi thì gia đình của Thương sẽ sống ra sao, thằng bé mà chú rất yêu nó, bao năm sống bên chú sẽ ra sao?
Than. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đâu có than cho ông. Ông hiểu đoạn cuối cuộc hành trình của mình ông chỉ còn vũ khí duy nhất là...than thôi. Ông đâu còn quyền lực và vũ khí nào khác nữa đâu.
Có lần gã hỏi ông, nếu một ngày nào đó chú ra đi, thì điều mong ước cuối cùng để lại là gì? Ông khóc và bảo: Mọi người hãy hiểu cho chú và tha thứ cho chú.
Lúc này trong gã chỉ còn vang lên khúc ca ấy, dư âm của “Dư âm”:
“Đêm qua mơ dáng em đang ôm đàn dìu muôn tiếng tơ
Không gian trầm lắng như âu yếm ru ai trong giấc mơ
Mái tóc nhẹ rung, trăng vờn làn gió
Yêu ai anh nắn cung đàn đầy vơi đôi mắt xa vời...”.
Và:
“Anh muốn thành mây nương nhờ làn gió
Đưa anh tới cõi mơ hồ nào đây muôn kiếp bên nàng”.
Đậu Dung
Chuyện nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý bị bỏ rơi: Con gái ruột lên tiếng
Con gái nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý, phía Hà Tĩnh và Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc – VCPMC đều lên tiếng khi có dư luận không tốt sau một bài báo viết rằng vị nhạc sỹ nổi tiếng chật vật lúc cuối đời và bị con cái bỏ rơi.
“Tôi chọn cách im lặng vì muốn bảo vệ bố mình”
Con gái ruột thứ 2 của nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý – nghệ sỹ piano Thái Linh nói rằng: “Bao nhiêu năm nay, tôi chọn cách im lặng vì muốn bảo vệ bố mình. Tôi sẵn sàng chịu những điều tiếng của người đời, vì tôi nghĩ, nếu mình làm được điều đó cho bố mình thì cũng bình thường thôi, chẳng có gì to tát cả. Ơn sinh thành, cao như núi. Đằng nào, mình mang tiếng cũng vài chục năm rồi, giờ mang tiếng thêm cũng chẳng sao cả”.
Nghệ sỹ Thái Linh chia sẻ tiếp: “Sự vụ đã xảy ra bao nhiêu năm rồi, nay tôi chỉ mong sao bạn đọc, đặc biệt những người mến ngộ ông được hiểu rõ vấn đề hơn. Bố tôi nay đã già, trên 90 tuổi rồi, không còn nhận thức được nhiều trong hành động, luôn có sự tác động nhất định của những người đang sống bên ông”.
|
Nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý kể ông sống nghèo khổ, bị bỏ rơi lúc cuối đời. |
Gần 20 triệu một tháng, sao lại sống chật vật, nghèo khổ?
Trên một vài tờ báo, ngoài thông tin bị con cái phụ bạc, cũng có thông tin nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý kể rằng, tỉnh Hà Tĩnh từng hứa biếu ông 5 triệu đồng mỗi tháng cho tới khi ông mất nhưng chẳng thấy đâu.
Đồng chí Hà Văn Thạch, Trưởng ban Tổ chức tỉnh ủy Hà Tĩnh cho biết, với người Hà Tĩnh, nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý giống như một người cha già, ai cũng yêu mến, thương ông. Gần như Tết nào, tỉnh Hà Tĩnh cũng đều cử người vào thăm và chúc Tết ông. Cách đây mấy năm, ngoài số tiền 50 triệu đồng biếu nhạc sỹ, tỉnh Hà Tĩnh cũng quyết định từ nay cho tới khi ông mất, đều sẽ gửi ông 5 triệu đồng hằng tháng để dưỡng già. Ngoài ra, vì biết sức khỏe nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý yếu, lẫn tính nên tỉnh đã có lời mời cụ ra Hà Tĩnh để chăm sóc, khi cụ mất đi, sẽ chôn ở Kẻ Gỗ. Khi thì cụ đồng ý, khi thì không.
Nói về một số bài báo gây xôn xao dư luận trong thời gian qua, đồng chí nói rằng, phóng viên nên tìm hiểu cặn kẽ, khách quan. Câu chuyện liên quan tới ứng xử văn hóa của không chỉ gia đình, tỉnh Hà Tĩnh mà còn cả đất nước, với một người nổi tiếng như nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý.
|
Nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý ký nhận tiền tác quyền. |
Anh Trúc, người đang công tác tại một hãng hàng không, cũng là người thay mặt tỉnh ủy Hà Tỉnh hằng tháng đến gửi ông số tiền 5 triệu đồng cho rằng, câu chuyện này nhỏ nhưng thực ra, lại là lớn. Nhỏ là vì số tiền 5 triệu đồng quả thực không lớn nhưng lại cực lớn so với tình nghĩa của nhân dân Hà Tĩnh dành cho cha đẻ ca khúc “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh”.
Anh Trúc là người trực tiếp nhận tiền từ Hà Tĩnh gửi vào, cũng là người trực tiếp đi gửi tận tay ông. Sau này, trên một số bài báo, có viết, nhạc sỹ kể rằng Hà Tĩnh hứa mà không cho – từ đó, mỗi lần sang gửi tiền cho ông, anh Trúc rủ thêm vài người bạn đi cùng, nhờ người ở cùng ông kí vào, chụp ảnh ghi lại, nhỡ có ai hỏi, còn biết đường mà báo cáo.
Trước thông tin nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý sống nghèo khổ, chật vật lúc cuối đời, dư luận hoài nghi và đặt ra nhiều câu hỏi đối với VCPMC trong vấn đề thanh toán phí bản quyền ca khúc. Liên lạc nhạc sỹ Đinh Trung Cẩn, Giám đốc văn phòng phía Nam VCPMC, thì được nhạc sỹ cho biết, một năm có 4 quý, quý nào, Trung tâm cũng trả tiền tác quyền cho nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý đầy đủ. Theo một phiếu chi mà phía Trung tâm đưa ra, tiền tác quyền của ông trong quý IV năm 2016 đã hơn 26 triệu đồng rồi.
|
Phiếu chi được VCPMC chụp lại. |
Vì điều kiện sức khỏe không cho phép, nên hằng quý, VCPMC đều cho người mang tiền đến tận nhà. Nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý là một tên tuổi của âm nhạc Việt Nam, lại còn được giải thưởng Hồ Chí Minh nên VCPMC rất thận trọng trong câu chuyện tác quyền.
Theo tìm hiểu của PV, trung bình hằng tháng, ít nhất, nhạc sỹ được nhận gần 20 triệu đồng (tiền tác quyền ca khúc trung bình 3-4 triệu/tháng, tiền tỉnh Hà Tĩnh biếu mỗi tháng cho tới khi ông mất 5 triệu đồng, tiền lãi tiết kiệm hơn 4 triệu đồng, 1,5 triệu từ Hội Nhạc sỹ… Chưa kể những khoản khác). Với số tiền này, vì sao một người già cả như nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý lại không đủ? Còn điều gì khuất tất ở đây chăng?
Đậu Dung
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý: Dư âm một thời và những "nốt trầm"
Nếu tính bài hát "Ai xây chiến lũy" viết năm 1949 là tác phẩm đầu tiên của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, thì tới năm 2003, ca khúc "Mối tình câm" coi như là giai điệu cuối cùng sau hơn nửa thế kỷ hoạt động âm nhạc của ông. Nói vậy, bởi từ đó đến nay, do tật bệnh ông không viết được nữa.
|
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. |
Sự nghiệp của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý được tôn vinh bởi Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học và nghệ thuật năm 2000 với chùm ca khúc: "Mẹ yêu con", "Vượt trùng dương", "Bài ca năm tấn", "Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa", "Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh" và "Dáng đứng Bến Tre".
Giờ đây, một ngày của ông được tính từ 1 giờ đêm, vì ông luôn thao thức không thể ngủ nổi. Ông đếm từng canh giờ, lắng nghe những chuyển động trong tâm hồn mình với bao ký ức tràn về...
Thuyền tình không tới bến và hậu "Dư âm"
Đó là một câu chuyện dài gắn với ca khúc "Dư âm" mà Nguyễn Văn Tý sáng tác năm 1950, khi ông đang làm Trưởng đoàn Văn công Sư đoàn 304. Ngạn ngữ "Tình chị duyên em" đã xảy ra với nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, khi ông được một người bạn giới thiệu để tìm hiểu một người con gái ở Thanh Chương, cùng quê lúc ấy.
Sau khi người vợ đầu tiên giã biệt cuộc sống (năm 1947), có đến mấy năm trời Nguyễn Văn Tý một mình nuôi nấng con nhỏ. Bởi vậy, việc người bạn giúp tìm cho ông bạn mới cũng là chuyện hợp tình hợp lý. Nguyễn Văn Tý háo hức lắm. Nhưng cái duyên cái số mới lạ lùng và trêu ngươi. Đã mấy lần gặp gỡ nhưng vẫn chưa bén tình với cô chị, thì cô em bất ngờ xuất hiện, với nụ cười hồn nhiên và đôi mắt long lanh hút hồn người nhạc sĩ. Tình yêu sét đánh chăng? Đúng thế! Nhạc sĩ họ Nguyễn bị ám ảnh vì đôi mắt ấy.
Khi người chị đuổi cô em ra khỏi câu chuyện của mình thì cũng là lúc tình yêu của nhạc sĩ với cô bé 16 tuổi lại nồng cháy. Ngược lại cô em cũng vậy, như một sự thần giao cách cảm, cô cũng không ngủ được. Nàng ra ngoài hiên hong tóc và ôm đàn hát bâng quơ trong đêm. Chính nhạc sĩ lại trở nên ngơ ngẩn vì tiếng tơ lòng ngân nga. Cảm xúc trào dâng, ngay giữa đêm đó, một câu nhạc chợt vang lên trong đầu người nhạc sĩ. Nguyễn Văn Tý đã quây cót che bớt ánh sáng của ngọn đèn dầu và ghi lại những nốt nhạc trên cái nong kê nghiêng. Nhạc sĩ ôm cây ghita, thầm hát lên những lời đầu tiên về tình yêu trong mộng ước: "Đêm qua mơ dáng em đang ôm đàn, dìu muôn tiếng tơ…". Ông có cảm giác như có ai đó trên trời đọc cho mình chép ra những dòng nhạc dạt dào tuôn chảy. Đó là linh cảm của vị ngọt của tình yêu không tới. Bởi lẽ sau đó là sự cấm đoán chia xa. Hai người không thể đến được với nhau.
|
Ca sĩ Mỹ Linh thể hiện ca khúc "Dư âm" của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý trong đêm nhạc "Bóng ai qua thềm" tổ chức tại Hà Nội tối 13/12/2009. |
Nhưng điều kỳ lạ đã xảy ra: 8 năm sau, nhạc sĩ có dịp gặp lại cô gái của "Dư âm" ngày nào ở Vĩnh Yên. Khi ấy, Hằng (tên cô gái) đang đầu quân cho một đơn vị quân đội. Bấy giờ nàng đã ở tuổi 24 và đã có chồng. Cả hai đều sững sờ khi gặp nhau, nhưng chỉ thế thôi, không thể nói năng gì. Cô gái đỏ mặt, lúng túng vội rảo bước như muốn chạy trốn. Nguyễn Văn Tý cũng vậy, cho dù có việc ở lại đơn vị ít lâu, ông cố ý tránh mặt cô gái vì sợ mang tiếng cố tình tìm lại người mình đã từng thầm yêu trộm nhớ để kết nối duyên xưa. Ông tự nhủ: Thôi cứ để đó là một "Dư âm", hãy yêu cái mộng ước đó. Đôi mắt, nụ cười và tiếng hát ấy trong đêm trăng…tất cả chỉ là tình yêu với bóng dáng huyền mộng, nhớ nhung. Nó sẽ còn mãi trong lòng mình. Tuy tình chẳng tới, nhưng người nghệ sĩ đã kịp để lại cho đời một khúc ca mãi còn đồng vọng trong lòng khán giả nhiều thế hệ…
Bài ca và những chuyến đi bất tận
Sau "Dư âm", nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã liên tiếp gặt hái được một số thành công. Năm 1952, ông đoạt giải thưởng cao với ca khúc "Vượt trùng dương", và năm 1956, ông có ca khúc "Mẹ yêu con" được phát liên tục qua làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam qua giọng hát của Khánh Vân và Thanh Huyền. Giờ đây ông lại nhớ đến chuyến đi thực tế sáng tác tại Điện Biên năm 1958. Ông kể chuyện về người đẹp 17 tuổi tên là Dựa, nguồn cảm hứng cho ca khúc "Tiếng hát bản Mèo". Phải chăng lại một "Dư âm" thứ hai trong đời người nhạc sĩ? Không, đó chỉ đơn thuần là cuộc gặp gỡ một cô gái trên một bản Mèo ở vùng cao. Ở đây, ý thức công dân đã chế ngự tác giả bài hát chứ không thuần túy là cảm xúc lãng mạn yếu đuối mơ mộng như ở "Dư âm" thuở nào. "Đó là một cô tiên" - Nguyễn Văn Tý đã thốt lên như vậy.
Không thể hình dung rằng ở một nơi heo hút như vậy lại có một cô gái với vóc dáng thanh thoát cùng gương mặt tươi như thiên thần. Người nhạc sĩ đã đi cùng cô bé ra vườn đào một ngày xuân. Những bông hoa đào phai mịn màng hồng tươi trong nắng sớm. Cô gái vừa chạy trong vườn đào vừa hát một câu dân ca về tình yêu. Ông ngỡ như cô bé đã trao tặng lời tâm tình đó cho mình và thật bất ngờ, một giai điệu mới lóe sáng trong tâm tưởng nhạc sĩ. Hương hoa đào rừng thơm ngan ngát trong nắng ấm làm bừng lên cảm xúc chân thành và lời ca theo đó ngân nga. Ông hát: "Bản Mèo em ở ngọn núi cao cao/ Lúa được mùa, hoa đào nở, dân khắp bản biết ơn Bác Hồ…".
Trong bữa cơm chia tay, ông trực tiếp hát bài hát mới sáng tác cho bà con bản Mèo cùng nghe. Không hiểu sao, cô bé chỉ thấy buồn và khóc. Nhưng rồi cô cũng đã đứng lên, xung phong hát một bản dân ca để tặng cho người nhạc sĩ tài hoa này. Đến nay, dù năm tháng đã xa, Nguyễn Văn Tý vẫn nhớ như in một câu mà ông nhận xét là "nghe thương lắm": "Con chim Nông đậu ở đầu cành trước ngõ hót líu lo/ Chim bay xa, trông theo như một chấm đen…". Một kỷ niệm thật khó quên với người đẹp bản Mèo năm đó.
Bài "Tiếng hát bản Mèo" sau đó đã được ca sĩ cải lương Minh Đỗ hát trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Ca khúc đã đánh dấu một chặng đường mới của Nguyễn Văn Tý. Có thể nói, nó đã mở đầu cho một cung cách vận dụng chất liệu dân ca vào ca khúc sáng tác về đề tài xây dựng xã hội mới của ông.
Bốn năm sau khi Nguyễn Văn Tý cho ra đời bài hát nói trên, ông còn có dịp đi thực tế tại Hưng Yên theo chủ trương của cấp trên. Trong 5 năm, từ 1962 đến 1967, ông đã lăn lộn với thực tế trên đồng ruộng để rồi cho ra đời những ca khúc hay như: "Bài ca năm tấn", "Chim hót trên cánh đồng đay", "Tiễn anh lên đường", "Múa hát mừng chiến công", "Người giỏi chăn nuôi". Có thể nói, ông đã bỏ sau lưng "Dư âm" một thời vang bóng, tạo nên một loạt dấu ấn khác. Một sức mạnh âm nhạc lạc quan cho quê hương đất nước, vẽ lên một chân dung âm nhạc mới, một Nguyễn Văn Tý gắn bó với cuộc sống đồng quê.
Sau này trở về Hà Nội, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý vẫn giữ phong độ sáng tác với những ca khúc thấm đẫm chất dân ca, có sức truyền cảm lớn. Không ai có thể quên được những giai điệu ngọt ngào và rất ấn tượng của "Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa" (1973) hay "Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh" (1974). Thời điểm này, Nguyễn Văn Tý nổi lên như một ngôi sao tiên phong trong việc sáng tác mang phong cách âm nhạc dân gian, với những đề tài mới.
Thế rồi con người năng động và ưa dịch chuyển ấy cuối cùng cũng định cư ở Tp HCM (từ năm 1976). Từ nơi đô thị sôi động này, ông nhận lời viết theo đơn đặt hàng cho các tỉnh. Trong chùm bài hát viết về chủ đề quê hương, đất nước, ông đã có những tác phẩm để đời. Đó là những ca khúc: "Người đi xây hồ Kẻ Gỗ" (1976), "Dáng đứng Bến Tre" (1980), "Về Thuận Hải" (1984) và "Hát về thành phố biển dầu" (1984)…
Nốt trầm
Đôi lúc chợt nghĩ lại những gian truân, trải qua trong những chuyến đi thực tế, ông lại thầm cảm ơn số phận đã đẩy ông dấn thân vào con đường sáng tạo vô cùng phong phú. Ông tự rèn luyện trên con đường nghệ thuật, thay đổi phong cách để khẳng định tài năng. Đó là sự dâng hiến cho sự nghiệp âm nhạc cách mạng.
Và giờ đây, sau mười năm cam chịu với bệnh tật và nỗi buồn chia xa (khi người vợ yêu quý của ông mất đi), ở tuổi 87, ông côi cút sống trong ngôi nhà nhỏ đơn sơ. Hằng đêm, ngắm nhìn ảnh vợ treo trên tường, ông đếm thời gian trong từng khoảnh khắc. Canh một. Canh hai. Canh ba…Bà vẫn mỉm cười nhìn ông như thuở nào còn luộc khoai, nướng sắn. Những "Dư âm" cuộc đời bỗng ngân vang trong tâm tưởng. Ông thầm hát lại bài ca cũ, với âm thanh trầm khê, sưởi ấm những đêm lạnh lẽo, cô đơn…
Vương Tâm
Nguồn: cailuongvietnam.com