Hình bìa cuốn bài ca “14 Năm Mong Ðợi.” (Hình: Ngành Mai sưu tập)
Khoảng giữa thập niên 1960 trong làng cải lương việt nam xuất hiện anh hề Xuân Phát đã gây sự chú ý đặc biệt của khán giả, với nét độc đáo khác lạ với bao nhiêu hề từ trước đến giờ, do bởi anh có giọng nói phát âm y chang người Hoa nói tiếng Việt. Nếu như không được sự giới thiệu trước thì có lẽ người coi hát tưởng đâu rằng một anh người Hoa Chợ Lớn nào đó đi lạc trên sân khấu cải lương vậy.
Xuân Phát khi diễn xuất đã không nhăn nhó, mặt méo mặt tròn, cũng không nói năng bậy bạ hoặc cười dê, nói tục như một số hề, mà anh chỉ nói tự nhiên giọng Hoa, thế mà khán giả cười rần sau mỗi câu nói, làm ồn lên trong rạp.
Thành công ở phương diện làm hề một thời gian, con tạo cải lương đưa đẩy Xuân Phát trở thành soạn giả và cũng thành công luôn. Lúc đầu ông chỉ viết những vở ca kịch ngắn có tính hài hước như Ðắc Kỷ Ho Gà, Tiết Giao Ðoạt Ngọc, Chú Xồi Thợ Nhuộm… Dần dà về sau Xuân Phát viết tuồng cải lương dài cũng thuộc loại hài hước trình diễn suốt gần 3 tiếng đồng hồ, và tuồng được coi như nổi tiếng nhứt là “Tình Anh Bảy Chà.” Ðây là vở hát thuộc loại xã hội khá hay, đem đến nụ cười vui cho khán giả khá nhiều. Xuân Phát dựng lên nhân vật người Ấn Ðộ có vợ Việt, cho Thành Ðược thủ vai anh Bảy Chà khiến khán giả cười nghiêng ngửa.
Tuồng ăn khách, tiền bản quyền vô đầy túi hằng đêm, và tuồng lại còn được phát trên đài truyền hình để có thêm số bạc nữa, nên thời gian này Xuân Phát không còn là anh hề mà đứng vô hàng soạn giả lớn. Thừa thắng xông lên, Xuân Phát đang viết thêm tuồng cũng thuộc loại hài hước, và nghe nói hình như đưa lên nhân vật người Miên có vợ Việt. Tuồng chưa được ra mắt thì lại bị tai nạn nghề nghiệp, do bởi khi viết tuồng “Tình Anh Bảy Chà,” Xuân Phát không nghiên cứu kỹ văn hóa của người Ấn Ðộ, nên bị Hội Ấn Kiều Sài Gòn lên tiếng phản đối mạnh mẽ, khiến cho Bộ Thông Tin cấm không cho tiếp tục trình diễn trên sân khấu và trên truyền hình.
Cũng nhờ sự phản đối này mà khán giả cải lương cũng như thiên hạ rõ biết người Ấn Ðộ có hai phái Hồi Giáo và Bà La Môn, họ ăn mặc khác nhau, người thông hiểu chỉ nhìn vào là phân biệt được họ thuộc phái nào. Cũng như cái tên cũng khác, thế mà soạn giả nhà ta đâu có biết nên cho kép Thành Ðược mặc trang phục Bà La Môn mà cái tên thì Hồi Giáo.
Tuồng bị cấm hát, Xuân Phát xuống tinh thần không thể viết tuồng cải lương được nữa, vì sở trường của ông là viết tuồng chọc cười thiên hạ, nhân vật chính là người ngoại quốc nói tiếng Việt, chẳng hạn như trước đó ông cho ra đời vở hát “Tình Chú Thoòng,” người Hoa có vợ Việt.
Ðến năm 1969 Xuân Phát quay sang viết bài ca vọng cổ, và bài “14 Năm Mong Ðợi” được ra đời.
Sau năm 1975, Xuân Phát ra hải ngoại, nhưng không thấy hoạt động nghệ thuật, mà có thời gian buôn bán tiệm vàng trong Phước Lộc Thọ. Ông qua đời cách đây khoảng hơn một năm.
Và dưới đây là bài vọng cổ “14 Năm Mong Ðợi” của Xuân Phát.
Hò ví:
(Sơn ca Ðài Bắc):
Nam: Ố… ô! Hãy lắng tiếng khóc nghe! Nàng thôn nữ ơi!
Thấp thoáng đã cách xa mười bốn năm rồi.
Giờ đây anh quay gót ghé thăm người cũ,
Bỏ những lúc bóng đêm về cuối thôn buồn em chờ…
Nữ: Ố… ôi! Chớ nhắc nhở chi ngày quen biết nhau.
Có lúc hối tiếc mối duyên tình lỡ yêu rồi.
Nam: Ðừng sầu chi, có anh đã về.
Và từ đây nối duyên tình ta đắm say…
Vọng cổ:
1) Nữ: Không! Mười bốn năm qua tôi hoài phí tuổi xuân ôm tấm tình chung mong đợi, nhưng thời gian đã hoàn toàn biến đổi, bôi xóa lương năng của người tôi yêu nhứt trên… đời. Ô! Ngày gặp lại nhau có ngờ đâu tan nát rã rời… Anh đã đem lại cho tôi sự đau buồn khổ hận, cả một trời băng giá cô đơn. Và từ đây tôi sống bơ vơ như kẻ lạc loài không chỗ tựa nương. Phải chăng, sự có mặt của anh nó tượng trưng cho một trời tang tóc.
2) Nam: Em hãy dịu bớt đau thương và bình tâm nghe anh nói, phải đâu anh cố tâm tàn nhẫn để gây khổ hận cho nàng, em nức nở khóc than khiến cho anh hổ thẹn muôn ngàn…
Thơ:
Xót xa anh lắm nàng ơi!
Thân anh như kẻ đang trôi giữa dòng,
Bờ xa, xa thẳm muôn trùng,
Sóng to, gió cả hãi hùng nàng ơi!
Nói ra thêm những nghẹn lời,
Ðời anh nay đã hết rồi tình thương.
Vọng cổ:
3) Nữ: Anh vừa nói đến hai tiếng tình thương, nhưng chân thành hay mỉa mai? Ðã mười bốn năm tôi ấp ủ bóng hình anh ngự giữa tim son, với bao kỷ niệm mặn nồng của người đầu tiên gặp gỡ, nhưng thần tượng kia nay đã sụp đổ chôn vùi trong lớp tro than. Lòng tôi tan tác hoang mang khi hai tâm hồn không chung lối. Ôi duyên xưa còn chi mà tiếc nuối, kể từ đây đôi ngả đôi đường.
5) Nam: Khoan xin em đừng vội vàng cất bước! Chẳng thà trên nẻo hoang mang anh phải tan nát tấm thân cho đáng hình hài tên tử tội. Còn đã gặp lại nhau xin em đừng vội nói tiếng chia lìa, nơi bến cũ, đò xưa có những đêm trăng nước nặng thề. Nước vẫn trong trăng khuya còn sáng tỏ, sao em nỡ để duyên mình gãy đổ cho đang.
Thơ:
Ái tình càng lắm trái ngang,
Lại càng thắm thiết, lại càng thêm sâu,
Trời sanh thế! Biết yêu là khổ, mà xa nhau còn khổ gắp trăm lần.
6) Nín đi em! Thôi đừng khóc nữa, từ phút này tất cả cho em. Bến nước xưa trăng sáng đã lên, khoang thuyền cũ đưa nhau tìm dĩ vãng. Em hãy giúp anh những ngày luân lạc, vòng tay ôm giấc mộng trùng hoang. Hãy trút lên nhau tất cả niềm thương nhớ, cho trời rung cho nước vở ngập khoang thuyền.
Thơ:
Nữ (ngâm):
Mười bốn năm mong đợi,
Một đêm vợi nhớ thương,
Nam ca: Người mà không biết yêu đương,
Ngàn năm khắc khoải, muôn đường khổ đau.
Ngành Mai