Làm phim về con người
Selma Vilhunen sinh năm 1976, nổi tiếng với phim "Những cô gái cưỡi ngựa” (Pony girls, phim tài liệu, 2008), "Tôi có phải lo hết mọi thứ không?” (Do I have to care about everything?, phim ngắn, 2012), “Cánh nhỏ” (Little Wing, phim nhựa, 2016), “Cuộc cách mạng trò chơi cưỡi ngựa” (Hobby Horse Revolution, phim tài liệu, 2017) đều có nhân vật chính là phụ nữ. Tuy nhiên, Selma cho rằng cách đặt vấn đề "phụ nữ làm phim về phụ nữ” là hơi vô lý, bởi không ai quan tâm chuyện đạo diễn cải lương nam làm phim về nam giới cả. Cô chỉ đơn giản là muốn kể lại những câu chuyện ý nghĩa, mà mình biết rõ hơn ai hết, nếu không kể thì dường như thế giới thiếu đi một điều cần thiết.
|
Đạo diễn Selma Vilhunen. Ảnh: Copyright: Str / Lehtikuva. |
Selma luôn lặp đi lặp lại là mình làm phim về con người, chứ không phải về phụ nữ. Chẳng phải phụ nữ cũng là người sao? Màn ảnh thế giới tràn ngập đàn ông ở phía trước lẫn sau ống kính, thế nên những bộ phim "âm thịnh” dễ dàng nổi bật, khiến người ta lại nói về giới tính của người làm phim.
Dù những khổ đau mà nhân vật nữ trong phim phải chịu thường liên quan đến giới tính của họ, nhưng nào phải đàn ông thì miễn nhiễm với những rắc rối ấy. Chẳng hạn như khi kể những cô gái trẻ bị chế nhạo, bắt nạt vì thú vui của mình (Cuộc cách mạng trò chơi cưỡi ngựa), Selma cũng cổ vũ nam giới sống thật với đam mê của bản thân, bất chấp xã hội có phủ nhận, dè bỉu họ.
Hay như "Cánh nhỏ”, bộ phim nhựa đầu tay của Vilhunen, ngoài câu chuyện của bà mẹ đơn thân tâm lý bất ổn và cô bé 12 tuổi Varpu buộc phải trưởng thành trước tuổi, thì còn hình ảnh người cha của Varpu với vấn đề thần kinh cùng cuộc sống hỗn độn. Cảnh ngộ mang tính phổ quát, thì ai mà không thấy mình trong đó, cứ gì phải phân tách phim đàn ông với phim đàn bà?
Nhưng rõ ràng, ở đất nước nằm trong top đầu về bình đẳng giới như Phần Lan, sự phân biệt nam nữ trong giới làm phim vẫn còn rõ rệt. Vào đầu tháng 6, Phần Lan vừa công bố một báo cáo 95 trang đầy con số thống kê nguồn tài trợ (funding) mà nam và nữ đạo diễn nhận được trong giai đoạn 2011 – 2015. Selma miêu tả những con số đó thật “xấu xí”, nhưng rất cần thiết vì chúng là bằng chứng không thể chối cãi cho những định kiến về giới trong điện ảnh.
Trong khi phụ nữ chiếm 49% số lượng đạo diễn Phần Lan, thì chỉ 28% đạo diễn nữ nhận được tài trợ. Và trong 28% “may mắn” đó, số tiền dành cho mỗi dự án cũng ít hẳn so với những đồng nghiệp nam. Sự thật này không có gì bất ngờ, nhưng trước giờ thiếu số liệu thống kê chính thức, nên người ta mỗi khi có nữ đạo diễn nào than phiền, người ta lại nói: "Đó là cảm giác của cô thôi, chứ vẫn công bằng mà."
Điều đáng nói là chính những nữ giám khảo quyết định tài trợ dường như cũng có định kiến với những nhà làm phim nữ giới. Một cách vô thức, không ít nữ giám khảo đánh giá câu chuyện các nữ đạo diễn muốn kể ít nhiều “bé mọn” hơn chuyện mà đồng nghiệp nam của họ mang đến. Sự phân biệt nam nữ nội tại trong chính phụ nữ với nhau cũng giống như “tự kiểm duyệt” vậy. Mỗi khi có ai thắc mắc, câu thần chú vạn năng của họ là: "Giới tính không quan trọng, chúng tôi chỉ căn cứ vào chất lượng phim". Thực ra, định nghĩa “chất lượng” của họ bị giới hạn rõ rệt bởi định kiến và sự thiếu nhạy cảm với tính đa dạng của nghệ thuật.
Thống kê chi tiết đã cho thấy tình trạng trọng nam khinh nữ trong điện ảnh Phần Lan là sự thật rành rành, chứ không hề là cảm giác chủ quan. Đạo diễn Selma Vilhunen cho rằng Phần Lan đã bị các nước Bắc Âu khác bỏ xa từ lâu về mặt này, và đã đến thời khắc cần những hành động cụ thể để thay đổi hiện trạng.
Phim là đời
Thành công với nhiều phim tài liệu, phim ngắn, Selma còn gây ngạc nhiên khi phim truyện đầu tiên “Cánh nhỏ” (2016) lập tức được đánh giá cao. Kịch bản (do chính Selma viết) là câu chuyện hư cấu, nhưng bắt nguồn từ những suy tư đeo đuổi cô trong nhiều năm. Cha của Selma mất khi cô còn trong nôi, khao khát gặp cha được cô gửi vào nhân vật chính Varpu 12 tuổi của mình. Varpu trong phim đi quá giang xuyên đêm từ Helsinki lên Oulu để tìm cha, chỉ với một địa chỉ hỏi từ tổng đài điện thoại. Selma thích cưỡi ngựa khi còn nhỏ, thế là hình ảnh những chú ngựa – cả ngựa thật và ngựa giả - đóng vai trò quan trọng trong ít nhất ba bộ phim của cô sau này. Tác phẩm đầu tiên có thể gọi là phim của Selma mang tên “Nạn nhân của Coca Cola” làm khi học lớp 11, kể về người bạn uống Coca Cola như điên.
| | | | | Những bộ phim tiêu biểu gần đây của Selma Vilhunen Tôi có phải lo hết mọi thứ không? (Do I have to take care of everything?, 2012) – Đề cử Oscar phim ngắn xuất sắc nhất 2014, Giải Phim hài hay nhất Liên hoan phim ngắn Aspen 2013 và Budapest 2013, Giải phim hay nhất Liên hoan phim ngắn Helsinki 2012. Cuộc cách mạng trò chơi cưỡi ngựa (Hobby Horse Revolution, 2017) – Giải Grand Prix cho phim trên 30 phút hay nhất Phần Lan ở Liên hoan phim ngắn Tampere, 2017. Cánh nhỏ (Little Wing, 2016) giành 5 giải tại Liên hoan phim Jussi 2017, gồm phim hay nhất, đạo diễn xuất sắc nhất, nữ diễn viên cải lương chính xuất sắc nhất, nam và nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất. |
Đời thực truyền cảm hứng, ám ảnh phim, và thông qua phim, Selma Vilhunen sống giấc mơ của mình. Nữ đạo diễn nói mình không giới hạn bản thân ở thể loại nào, cũng không lưỡng phân phim theo hư cấu và phi hư cấu (fiction và non-fiction).
Có khi cô muốn mô tả đặc tính thế giới như nó vốn có, khi khác lại muốn thông qua một câu chuyện sáng tác: "Nhưng cuối cùng nói gì thì nói, có tưởng tượng bay bổng đến đâu, thì mọi bộ phim đều thể hiện khát khao, nhận thức, logic, khắc họa những cảnh ngộ của nhân loại và cách chúng ta trải nghiệm nó".
Đạo diễn phải như "chiến binh"
Selma cho rằng để làm đạo diễn, chưa nói đến chuyện giỏi hay dở, thì bạn phải trì chí, “lì lợm”, đầy tinh thần chiến binh "linh hoạt mà cũng thật cứng đầu".
Với những người chọn dòng phim độc lập thì khó khăn không thể nói hết. Cô kể về những năm tháng tuổi trẻ đầy gian nan, "có giai đoạn mọi thứ đều tồi tệ, xin tài trợ lần nào bị từ chối lần nấy, nhìn đâu cũng thấy toàn thất bại. Đạo diễn phải yêu nghề làm phim thật nhiều để thấy mọi thứ còn lại không quan trọng". Sema chỉ biết một điều là phải làm, nhất định phải làm bộ phim này, bất kể phải mất bao lâu mới tìm được tài trợ, thậm chí có khi không cần biết mình sẽ sống sao khi hết tiền: "Cần một chút điên rồ và rất nhiều tình yêu, quyết tâm thì mới theo nghề này được".
|
Đạo diễn Selma Vilhunen trong khuôn khổ Midnight Sun Film Festival. Ảnh: Thi Diên
|
Chọn dòng phim độc lập, thì không đạo diễn nào dám mơ làm giàu từ nghề. Có những giai đoạn Selma làm trợ lí cá nhân cho người khuyết tật để kiếm sống. Xin tài trợ dự án luôn tốn rất nhiều thời gian và năng lượng. Để tránh những “khoảng trắng”, Selma luôn có nhiều dự án gối đầu nhau, phim này vào hậu kì thì phim kia bắt đầu quay. Cô không nghĩ mình có gì thiệt thòi hơn những đồng nghiệp làm phim thương mại. Cái được lớn nhất là cô chỉ làm những bộ phim mình khao khát, và thực sự “sở hữu” đứa con tinh thần của mình, không bị chi phối bởi những bàn tay quyền lực nào.
Từng được nhiều giải thưởng đạo diễn xuất sắc, Selma quan niệm: "Đạo diễn giỏi là người chọn được cách kể câu chuyện của mình mà mọi phương thức khác không thể mang lại hiệu quả tương đương. Điện ảnh kể chuyện bằng chuyển động. Có rất nhiều bộ phim “rỗng”, với hình “chết” – mặc dù nó cũng động đậy liên tục. Phim “rỗng” chỉ dùng hình ảnh để minh họa chuyện kể, và nếu bỏ hết hình ảnh đi, thì giọng đọc hay chữ chạy trên màn hình cũng đủ sức kể nội dung ấy".
"Đạo diễn giỏi luôn tò mò, thử nghiệm những cách thức kể chuyện khác nhau để tìm ra phương án tối ưu. Sự nhạy cảm sẽ giúp họ chọn được cách kể hay. Và đạo diễn không cần phải giải thích với ai lý do mình chọn cái này chứ không phải cái khác. Đạo diễn có quyền mà".
Sự nhạy cảm này không chỉ là bản năng mà có thể tích lũy qua học hỏi. Xem nhiều phim, thảo luận cùng đồng nghiệp về phim của mình và người khác, luyện tập kĩ thuật… đều giúp đạo diễn hoàn thiện khả năng của mình.
Với chuỗi thành công và danh tiếng hiện tại, Selma vẫn không hề quên mình từng bị từ chối khi thi vào khoa Điện ảnh. Vị giám khảo cho rằng cô không hợp với nghề đạo diễn vì cô khá nhút nhát và nhạy cảm. Ở tuổi 20 thời điểm đó, Selma vẫn không tin lời vị giám khảo đáng tuổi cha mẹ mình, mà cho rằng trải nghiệm sẽ mang lại cho cô tự tin, và nhất định cô sẽ trở thành đạo diễn giỏi.
Selma không sợ tuổi già như bao phụ nữ 40 khác. Cùng với năm tháng và trui rèn, tay nghề càng “chín”, Selma tự tin hơn nhiều và mọi chuyện cũng dễ dàng hẳn. Bây giờ, Selma cảm làm nghề thoải mái và thú vị hơn bao giờ hết. Cô không thể chờ nổi đến năm mình 80 tuổi để xem khi ấy mình tiến xa đến đâu...
Năm 1996, Selma chạy xe đạp cùng một cô bạn từ Oulu đến dự festival film Sodankylä (336 km) rồi về Helsinki theo đường vòng (hơn 1.000 km). Họ hoàn thành chuyến đi trong 2 tuần. Tại Sodankylä, cô gái 20 tuổi ngày thì phỏng vấn những nhà làm phim nổi tiếng và khán giả ở với cùng một câu hỏi "Điều gì là quan trọng với quý vị?”, đêm về ngủ trong một phòng sauna bỏ trống của nhà thờ. Mùa hè năm 2002, Selma đi bộ từ Helsinki tới Alta (Na-uy), chạm vào Bắc Băng Dương. Hành trình dài gần 1.300 km, trong 8 tuần rưỡi. Cô không chủ tâm quay phim trên đường đi, nhưng viết nhật kí mỗi ngày. Năm 1996, Selma bị từ bị từ chối trong kì tuyển sinh vào ĐH Turku, ngành Điện ảnh. Một vị giám khảo nói Selma không phải tuýp người có thể làm đạo diễn, vì cô nhút nhát và nhạy cảm. Ngay lúc ấy, cô gái 20 tuổi không tin lời vị tiền bối kia. Cô biết mình nhút nhát, nhưng tin rằng người trẻ nào cũng có nhiều khuyết điểm, khi kinh nghiệm và kĩ năng dày lên thì tất yếu mình sẽ tự tin. Hơn nữa, Selma nghĩ không nhất thiết phải giỏi hùng biện, hướng ngoại, đầy tự tin thì mới làm được đạo diễn. Ngay mùa thu năm ấy, sau khi dự liên hoan phim ở Sodankylä, Selma xin vào phụ việc ở một studio. Hai năm sau, cô trúng tuyển ĐH Turku đúng ngành mơ ước. |
Thi Diên
» ‘Trăng mật’ với điện ảnh thuần khiết trong vương quốc ánh sáng
Nguồn: nguoidothi.vn