Cũng dễ hiểu. Gần hết dân mê nhạc Sài Gòn đều biết, từ 2014, Khánh Ly đã có vài liveshow ở Việt Nam, nhưng đây là lần đầu tiên sau hơn 40 năm, nữ ca sĩ cải lương lừng danh của miền Nam trước 1975 mới chính thức có một đêm diễn ở Sài Gòn - nơi tiếng ca thanh xuân, ma mị của chị cất lên lần đầu với tư thế ca sĩ chuyên nghiệp, để rồi từ đó chiếm trọn một chỗ “cả đời” trong trái tim một thế hệ khán giả hâm mộ.
Đời sống âm nhạc Việt Nam có chỗ xứng đáng cho nhiều nhạc sĩ, ca sĩ. Nhưng sự gắn kết đã trở thành huyền thoại Trịnh Công Sơn - Khánh Ly chỉ có một. Một đất nước chiến tranh chiếm phân nửa thời gian kể từ ngày tuyên ngôn độc lập 1945 thì sự khắc khoải của thân phận con người, niềm khao khát thanh bình, đoàn tụ rất tự nhiên đi vào thơ vào nhạc như những nguồn năng lượng tinh thần khó thay thế trong đời sống. Cùng với những nhạc sĩ đương thời, âm nhạc Trịnh Công Sơn trong chiến tranh đã chuyên chở được sự khắc khoải ấy, niềm khao khát ấy.
Và tiếng hát Khánh Ly, như một duyên may thiên định đã đến với Trịnh Công Sơn, đã bay lên cùng âm nhạc của ông. Người ta không thể tách bạch được trong thấm đượm tâm cảm khi nghe nhạc Trịnh tuyệt vời nào là của nhạc, của ca từ và của giọng hát Khánh Ly. Tất cả hòa quyện làm một. Và dường như chính vì vậy mà ca khúc Trịnh Công Sơn và giọng ca Khánh Ly mới trở thành một hiện tượng, một giá trị độc đáo bên cạnh các giá trị khác của âm nhạc Việt Nam.
Hỏi sao người nghe Khánh Ly nhớ lâu giọng hát của chị và những ca từ đậm tình thâm ý của nhạc sĩ? Là vì nữ danh ca này đâu chỉ hát mà đã sống cho một thời Việt Nam lãng mạn và đau thương trong chiến tranh. “Tôi nghe Khánh Ly hát luôn có cảm giác cô ấy hát không phải chỉ cho tôi mà dường như Khánh Ly hát cho chính sự oan trái của đời mình, hát cho số phận mình.
Các ca sĩ sau này ít ai hỏi tôi vì sao tôi viết như thế, câu này có nghĩa là gì. Có lẽ sự khác biệt là ở chỗ đó” (Trịnh Công Sơn). Còn Nguyễn Ánh 9 với tư cách người đệm đàn piano tài hoa nhất của sân khấu âm nhạc miền Nam thì nói: “Tôi thích sự tự nhiên, hoàn toàn mộc mạc và ngang tàng, bất cần trong giọng hát đó. Sau Khánh Ly, tôi đệm đàn cho rất nhiều ca sĩ, cũng cố gắng hòa hợp trong âm nhạc với họ. Nhưng cảm xúc thì chắc là mãi mãi tôi không bao giờ có được như với Khánh Ly”.
Ngay như Nguyễn Ngọc Tư, một văn tài sinh ra sau chiến tranh, nghe giọng Khánh Ly hát từ máy đĩa trong một chiều vắng “Cúi xuống, vùng non xanh mát, và cao tiếng hát cho cơn ưu phiền tan...” đã cảm thấy “tâm hồn mỏi mệt của mình đang được sự giản dị nào đó cứu chuộc. Cảm giác gan bàn chân tôi vừa được chạm vào mặt đất, hình như tôi vừa tháo giày ra bỏ lại ven đường”. Như vậy đó, khi nhớ lại chỉ một vài thôi trong rất nhiều cảm nhận giống nhau của những người nghe Khánh Ly bằng sự cách biệt tuổi tác và ký ức, mới hiểu vì sao người ta chờ đợi Khánh Ly và vì sao đêm hát đầu tiên của nữ danh ca ở Sài Gòn sau hơn 40 năm đã trở thành một sự kiện.

Ca sĩ Khánh Ly trong chuyến về Việt Nam đầu năm 2016. Ảnh Na Sơn
Nếu Hà Nội là nơi Khánh Ly sinh ra và cất tiếng hát đầu tiên năm mới chín tuổi, thì Sài Gòn là nơi Khánh Ly trói chặt cuộc đời ghềnh thác của mình với âm nhạc và giọng hát đã trở thành một biểu tượng. Đêm hát đầu tiên trở về Sài Gòn ấy của Khánh Ly không nhiều màu sắc, không thủ pháp sắp đặt hớp hồn.
Từ dưới hàng ghế khán giả Khánh Ly đi lên sân khấu với Biết đâu nguồn cội trong tiếng vỗ tay giòn giã. Và trong không gian đã im tiếng nhạc, chỉ còn sự bồi hồi, với chiếc áo dài màu của loài hoa cùng tên mẹ cha đặt cho (Mai), người nữ danh ca đã chắp tay rưng rưng: “Chào quý vị và xin được phép chào Sài Gòn. Chào những con đường tôi đã đi qua, hàng cây, góc phố, con sông, dòng kênh, chiếc cầu, hàng quán ly cà phê và những điếu thuốc. Xin chào tất cả và tôi mong được đón nhận như ngày xưa Sài Gòn đã đón nhận tôi”. Có chút gì đó xót xa, chút gì đó kiêu hãnh và chắc chắn là thành thật nữa trong lời chào ấy.
“Tôi biết tôi được yêu mến, vì tôi là ký ức của quý vị chứ không phải vì sắc diện tôi vẫn còn xuân hay giọng ca tôi vẫn còn như xưa. Nếu không thì ai lại bỏ một đêm Chủ nhật quý giá để đi nghe tôi và các bạn tôi: Tuấn Ngọc, Lệ Thu, Hồng Vân... những ông bà già hát! Và vì thế tôi sẽ rất cố gắng để đáp lại tình yêu của quý vị”. Thế rồi Khánh Ly đã cất lên một mạch những bài hát được khắc dấu trong tâm trí người nghe: Diễm xưa, Tình nhớ, Biển nhớ...
Khán giả mộ điệu và thần tượng của họ đêm đó gặp lại nhau ở Sài Gòn sau hơn 40 năm như vậy đó, nhẹ nhàng thôi, không mang theo vướng bận nào hết. Như Trịnh Công Sơn đã trả lời cô ca sĩ của mình ngày xưa khi chinh chiến chưa tan trên đất mẹ: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi”. Còn người ca sĩ của ông hôm nay thì đang mải miết những chuyến đi về trên quê nhà. Tiếng hát đã hoàng hôn mà trái tim còn sương sớm ấy chỉ mong cùng bạn bè dựng xây một “giáo đường của lòng nhân ái” để an ủi những cuộc đời cần được nương tựa.
Như người nhạc sĩ của chị từng mong và nhiều người nhân ái đang chung tay góp sức.
Nguyễn Thế Thanh
» Khánh Ly: Hãy làm quen với cái buồn, cái khổ và cái chết
» Chồng Khánh Ly: 'Lấy Khánh Ly, tôi coi như mình là người đã chết'
» Danh ca Khánh Ly lần đầu tiên được hát ở TP.HCM
» Khánh Ly: 'Không định đi mà đi, không định về lại về'
» Bảo tàng áo dài tại phố đi bộ
Nguồn: nguoidothi.vn