Bà Thân Thị Thư (bìa trái), Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM, đến chia buồn cùng gia đình NS Lê Bình
Nghệ sĩ (NS) Lê Bình ra đi ở tuổi 67 đã để lại một khoảng trống lớn cho sân khấu và điện ảnh phía Nam. Những người làm nghề đều cảm thấy hẫng hụt bởi với họ, NS Lê Bình là một trong những người giữ "lửa" còn sót lại của nghệ thuật. Nói như NSND Kim Cương, những người sống trọn đạo nghĩa với nghệ thuật như ông ngày càng hiếm.
Tối qua 3-5, gia đình đã thực hiện di nguyện của NS Lê Bình là trao số tiền giúp đỡ các nghệ sĩ nghèo có hoàn cảnh neo đơn, bệnh tật. Bà Nguyễn Hồng Dung – Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM và soạn giả Đức Hiền đã tiếp nhận số tiền. Theo di nguyện, 50 triệu đồng đã được trao tặng Khu dưỡng lão nghệ sĩ TP HCM và 50 triệu đồng trao tặng Chùa Nghệ sĩ TP HCM.
Danh hài Tùng Lâm đến chia buồn với gia đình NS Lê Bình
Nghệ sĩ Lê Bình trút hơi thở cuối cùng lúc 7 giờ 19 phút ngày 1-5 tại BV Quân y 175. Ông điều trị ung thư phổi di căn sang tủy. Bệnh tật khiến ông bị liệt đôi chân nhưng tinh thần rất lạc quan, vẫn đau đáu tâm nguyện thực hiện ba điều cuối cùng của đời mình: Hoàn tất quyển hồi ký "Rong ruỗi cùng Lê Bình", Tuyển tập truyện ngắn về "Người tốt ở quanh ta" và chia sẻ số tiền được giúp đỡ cho những người cùng chung hoàn cảnh đang chống chọi với ung thư.
Xúc động kể về cuộc đời người nghệ sĩ đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp nghệ thuật, NSND Kim Cương kể vì hoàn cảnh gia đình bà nội cũng nghèo túng nên ông sớm tự lập. Cái nghề ông làm năm 13 tuổi là bán khoai lang cân ký. Bạn bè cùng trang lứa rủ nhau "cân ăn gian" để có lợi, bằng cách lấy cục nam châm đặt dưới mâm rồi đặt khoai lên cân, mỗi buổi kiếm vài chục đồng.
"NS Lê Bình dứt khoác lắc đầu, liền bị "đại ca" bán khoai dạo cân ký đánh một trận mặt đầy thẹo. Về nhà không dám nói cho bà nội biết, bị hiểu lầm đi chơi, đánh nhau với trẻ trong xóm, anh lại bị thêm một trận đòn mà vẫn im lặng chịu đựng. Nhờ vậy mà anh biết bà nội thương mình" – NSND Kim Cương chia sẻ.
Bà Nguyễn Hồng Dung, Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, đại diện Ban ái hữu Nghệ sĩ TP HCM nhận số tiền 100 triệu đồng của gia đình cố NS Lê Bình trao cho Khu dưỡng lão NS TP HCM và Chùa Nghệ sĩ TP HCM
NS Tú Trinh cũng hiểu về người bạn đồng nghiệp có cuộc đời khổ cực. "Lê Bình làm đủ mọi nghề, từ bồi bàn trong nhà hàng đến công nhân trong công trình xây dựng, đào cống và sau đó là thợ vẽ tranh cổ động. Sau năm 1975, Lê Bình dấn thân vào nghệ thuật từ các phong trào văn hóa, văn nghệ tại địa phương. Ban đầu, ông tham gia đội kịch của phường, sau đó vào đội kịch của Nhà Văn hóa Thanh Niên. Khoảng năm 1982, ông được Hội Sân khấu TP HCM mời về diễn tại CLB sân khấu thể nghiệm 5B, tiền thân của Nhà hát kịch Sân khấu kịch nhỏ TP HCM ngày nay, để rồi gắn bó với sân khấu kể từ đó" - chị nhớ lại.
Trong cả hai vai trò diễn viên cải lương và tác giả kịch bản cải lương, NS Lê Bình luôn đi theo kim chỉ nam của bản thân mình. Ông đã từng chia sẻ: "Cuộc sống ai cũng có những buồn vui cả nhưng bản thân mình tự thấy hạnh phúc hơn người khác là có thể biến cái bi thành cái hài để tự an ủi bản thân, để tự đứng lên. Đường đi đến thành công nào cũng đều khó khăn và gập ghềnh, hãy nhìn vào lăng kính hài hước để vui vẻ mà dấn bước".
NSƯT Tú Sương lặng lẽ bên di ảnh NS Lê Bình
NSƯT Kim Xuân nhận xét,về diễn xuất, NS Lê Bình có sự nhập tâm cao độ nên vai diễn của ông có chiều sâu, tạo nên những cung bậc tình cảm cho khán giả qua từng vai diễn. "Giọng nói trầm, ấm, chất chứa khát khao mãnh liệt của NS Lê Bình lại hợp với những vai diễn khắc khổ như chính số mệnh cuộc đời ông" – NSƯT Kim Xuân tâm sự.
Đạo diễn Lê Thanh (Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM) xúc động tiễn biệt NS Lê Bình
Trong sự nghiệp nghệ thuật của mình, ông giành được 3 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc tại các hội diễn sân khấu chuyên nghiệp lẫn quần chúng và một bằng khen của Bộ Quốc phòng. Hơn 10 vở kịch của Lê Bình được dàn dựng ở các sân khấu: IDECAF, 5B, Phú Nhuận...
"Khi phát hiện ung thư, ông vẫn âm thầm làm việc, nhận thêm nhiều vai mới bên phim và chuẩn bị tái diễn vở "Ảo và thật" do ông đóng vai chính trên sân khấu 5B. Trước hết là vì ông muốn có tiền tự lo chạy chữa bệnh của mình. Thứ hai là cố gắng kiếm thêm tiền để lo cho con" – NSƯT Mỹ Uyên, Giám đốc Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ TP HCM, kể.
NSƯT Hữu Châu đau buồn tiễn biệt người anh trong nghề
NS Lê Bình được khán giả điện ảnh yêu thích qua nhiều bộ phim: "Dòng sông không quên"; "Đất phương Nam"; "Cô gái xấu xí", "Vịt kêu đồng"; "Đam mê nghiệt ngã"… và 16 bộ phim cổ tích Việt Nam.
Công chúng nhớ NSLê Bình và dành sự yêu mến đối với các vai diễn của ông. Tiễn đưa ông về Nghĩa trang Bình Hưng Hòa, khán giả và nghệ sĩ đồng nghiệp như vẫn còn thấy nụ cười trong sáng, nhân ái và đôi mắt đầy nghị lực của NS Lê Bình. Chính sự lạc quan, hài hước hóa phận đời vốn khó nhọc của mình mà ông đã là người NS vượt qua định mệnh để dấn bước một cách tự tin. Ông còn là tấm gương sáng cho thế hệ diễn viên trẻ noi theo.
Diễn viên Huỳnh Quý thăp hương tiễn biệt NS Lê Bình
Thanh Hiệp (ảnh do NSCC)
Nguồn: nld.com.vn