Sáng 16/3, nhóm họa sĩ khoảng gần mười người gồm Thành Chương, Đặng Tiến, Phạm An Hải, Đào Hải Phong, Phạm Bình Chương... có buổi gặp gỡ báo chí tại Hà Nội để bày tỏ bức xúc trước thực trạng tranh giả, tranh nhái tràn lan trên thị trường trong nước. Buổi họp bắt nguồn từ vụ việc tranh của họa sĩ Đặng Tiến bị cơ sở kinh doanh làm giả và rao bán trên mạng đầu tháng 3. Ngay khi phát hiện hành động kinh doanh phi pháp, lợi dụng uy tín họa sĩ, đồng nghiệp Đặng Tiến phẫn nộ và báo cho ông biết. Họa sĩ đã lập tức viết email phản hồi, yêu cầu trang web của cơ sở phải gỡ ngay tranh nhái mạo danh ông đang được rao bán với giá “khuyến mại”. Ngoài ra, nhiều tên tuổi của làng hội họa cũng trở thành nạn nhân bị rao bán tranh giả, tranh nhái tại cơ sở này như: Nguyễn Thanh Bình, Khổng Đỗ Duy, Mai Huy Dũng… Sau khi nhận được phản hồi của họa sĩ, cơ sở liền đăng lời xin lỗi và gỡ bỏ các hình ảnh tranh chép.
|
Họa sĩ Đào Hải Phong chia sẻ bức xúc tại buổi gặp mặt. |
Các họa sĩ chung cảm xúc ngao ngán vì công sức sáng tạo của nghệ sĩ không được tôn trọng. Nhằm đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ, đa số tác giả kịch bản cải lương nhất trí Hội Mỹ thuật Việt Nam nên lập hội đồng nghệ thuật chuyên trách việc xác lập bản quyền cho hội viên. Đồng thời, các họa sĩ mong muốn sở văn hóa các địa phương, Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm cần có chế tài xử phạt, kiểm soát đơn vị làm tranh giả, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín tiểu sử nghệ sĩ cũng như thị trường mỹ thuật Việt Nam.
Tại buổi gặp mặt, nhiều câu chuyện vi phạm bản quyền tranh được nhắc lại. Hồi tháng 8/2017, bức Dư âm phố cổ của tác giả Phạm An Hải bị làm giả và mạo danh. Sự việc trên chỉ được phát hiện khi nhà sưu tập C.H.L tình cờ đưa năm bức tranh mà đơn vị đã mua đi làm khung. Chủ xưởng làm khung, cũng là người chơi tranh của họa sĩ Phạm An Hải cho rằng có một bức của họa sĩ Phạm An Hải bị làm giả, hai bức là của họa sĩ Nguyễn Rô Hùng nhưng chữ ký của họa sĩ Hùng góc dưới bức tranh đã bị xóa và thay bằng chữ ký giả của Phạm An Hải. Biết tin, họa sĩ An Hải lẫn Rô Hùng tức giận. Cả hai yêu cầu ông Bảo Khánh - người bán tranh cho nhà sưu tập - giải trình. Theo họa sĩ Phạm An Hải, dù sự việc đã qua gần một năm, anh vẫn chưa nhận được lời xin lỗi nào từ ông Bảo Khánh.
|
Vợ chồng họa sĩ Thành Chương (trái) và bà Ngô Hương bên cạnh bức tranh bị mạo danh tại Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM. Ảnh: Thoại Hà. |
Họa sĩ Thành Chương cho biết vấn nạn sao chép tranh xuất hiện từ những năm 1980, khi đó sản phẩm nghệ thuật đem lại giá trị kinh tế cao. Ông từng là nạn nhân của nhiều vụ tranh giả. Hồi tháng 7/2016, nhà sưu tầm Vũ Xuân Chung tổ chức triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu”, giới thiệu 17 bức họa tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Thế nhưng, có mặt tại triển lãm, họa sĩ Thành Chương khẳng định hầu hết tranh là giả, trong đó có một bức của ông bị mạo danh tên người khác. Bức xúc, họa sĩ Thành Chương lập tức nhờ Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm vào cuộc. Ông viết đơn tố cáo và yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giữ lại toàn bộ số tranh - tang chứng vụ việc. Tuy nhiên, ba ngày sau, gia đình ông Vũ Xuân Chung đã chuyển 17 bức vẽ ra khỏi bảo tàng. Sau đó, vụ việc chìm dần và không được giải quyết triệt để.
"Đến giờ, vấn đề tranh giả gây ảnh hưởng đến uy tín họa sĩ đã được người trong nghề nói đi nói lại nhiều lần nhưng có thấy ăn thua gì đâu. Khán giả đã quen với đồ giả rồi. Biết làm sao được", họa sĩ Thành Chương nói.
Trọng Trường
Nguồn: giaitri.vnexpress.net