Tối 28/10, đạo diễn cải lương Hoàng Nhật Nam ra mắt vở diễn thực cảnh Tinh hoa Bắc bộ tại huyện Quốc Oai, Hà Nội. Sân khấu nước phục dựng nét sinh hoạt văn hóa truyền thống như cảnh dân chài trên sông, cảnh đồng áng chốn thôn quê, hội làng, các trò chơi dân gian… Phần phông nền phía sau sân khấu tận dụng vẻ đẹp của núi non quanh khu vực chùa Thầy.
Mở đầu vở diễn là hoạt cảnh huyên náo của dân chài trong tiếng sóng vỗ mạn thuyền và âm thanh mộc mạc phát ra từ các ngư cụ. Sau khúc hát ru, hình ảnh thiền sư Từ Đạo Hạnh bước ra trong màn sương khói mờ ảo, cầu an cho đời sống người dân. Từ bước chân thiền sư, hoa sen nở rộ.
Vở diễn có sự hài hòa của yếu tố thiên nhiên và ngũ hành, đan xen cảnh thực và ảo trên nền nhạc dân ca. Không gian nước tạo cảm giác mềm mại, thanh thoát. Những rặng tre bao quanh sân khấu thấm đậm tinh thần làng quê Việt Nam. Bên cạnh nghệ thuật rối nước, những di sản văn hóa lần lượt được trình diễn trên sân khấu như chèo, quan họ, ca trù... Những hoạt cảnh được xâu chuỗi với nhau trong nét chấm phá của thi – ca – nhạc – họa.
Với sự đầu tư kỹ lưỡng về mặt ánh sáng, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, chương trình đã tạo ra những hiệu ứng như nhà thủy đình nặng gần 10 tấn ngoi lên từ đáy Long Trì sâu 10m, các nàng tố nữ trong tranh Đông Hồ bước ra ngoài thực cảnh, hình ảnh thiền sư Từ Đạo Hạnh hiện lên trong ánh hào quang… Khán giả trầm trồ thích thú trước mỗi phần trình diễn.
Diễn viên Minh Tiệp chia sẻ: “Khi thủy đình ngoi lên từ mặt nước tôi không ngừng vỗ tay. Từng phần, từng cảnh đều rất trau chuốt. Tôi cứ xem hết phân cảnh này là hồi hộp, háo hức chờ xem đến phân cảnh khác”.
Chương trình kết thúc bằng màn rước kiệu, thể hiện cuộc sống sum vầy của người dân. Truyền thống rước kiệu bay phát tích từ làng Phượng Vũ (Thái Bình), gắn với cuộc đời tu hành của thiền sư Từ Đạo Hạnh. Toàn thể diễn viên cải lương chắp tay, tiễn thiền sư Từ Đạo Hạnh về núi trong ánh hào quang. Những người dân Sài Sơn tham gia chương trình tề tựu trước sân khấu cùng hát vang ca khúc Người ơi người ở đừng về.
Vở diễn quy tụ hơn 180 diễn viên, trong đó chiếm phần đông là người dân vùng Sài Sơn, Quốc Oai (Hà Nội). Đạo diễn Hoàng Nhật Nam chia sẻ: “Không ai diễn tả chân thực và sinh động nhất đời sống, văn hóa, tinh thần, tín ngưỡng của vùng Bắc bộ bằng chính những người con nơi đó”. Với lối diễn hồn nhiên, chất phác, người dân tạo ra sự gần gũi với khán giả. Họ uyển chuyển trong các điệu múa không thua kém những diễn viên chuyên nghiệp.
|
Nhiều người dân tham gia vở diễn. |
Ngoài những màn trình diễn độc đáo, chương trình còn vài điểm hạn chế. Đạo diễn Hoàng Nhật Nam thừa nhận do các phân cảnh chuyển đổi liên tục nên nhóm nghệ sĩ diễn quan họ chít khăn mỏ quạ chưa đúng cách.
Theo ban tổ chức, vở được chia làm sáu phần: thi ca, cõi Phật, hoài cổ, nhạc họa, an vui và ngày hội. Tuy nhiên, nhiều khán giả cho biết các phần chuyển tiếp thiếu tính mạch lạc, còn lộn xộn và chồng lẫn vào nhau. Vở diễn dàn trải, chưa có sự cô đọng về những nét tinh hoa văn hóa.
Kết thúc vở diễn, ông Dương Trung Quốc – cố vấn chương trình – chia sẻ: “Tôi nhận thấy diễn thực cảnh là một đề tài khó. Cái khó ở đây là chỉ trong vòng 60 phút, chương trình phải đảm bảo sự hài hòa cho những nét văn hóa được coi là tinh hoa nhất. Chúng ta có nhiều hội diễn nhưng chưa có chương trình nào mang tính quần chúng như vở Tinh hoa Bắc bộ". Ông cho biết trong thời gian tới êkíp sẽ cố gắng hoàn thiện vở diễn để giới thiệu chương trình đến nhiều vùng miền trên cả nước.
Chương trình Tinh hoa Bắc bộ do tổng đạo diễn Hoàng Nhật Nam dàn dựng, với sự cố vấn nội dung từ nhà sử học Dương Trung Quốc và nhà báo Lê Xuân Sơn. Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh đảm nhận vai trò giám đốc âm nhạc và John Huy Trần biên đạo múa.
Trọng Trường
Nguồn: giaitri.vnexpress.net