Theo đạo diễn Lê Nguyên Đạt, việc cấp bách hiện nay là phải thành lập hiệp hội sân khấu cải lương xã hội hóa.
"Đây sẽ là một tổ chức có sức mạnh nội lực, đề ra những chiến lược phát triển theo mô hình cải lương xưa, mỗi thương hiệu mỗi phong cách như: Thanh Minh, Thanh Nga; Dạ Lý Hương; Kim Chung; Kim Chưởng, Hương Mùa Thu…, từ đó có những đề xuất mang tính chiến lược để nhà nước có thể đặt hàng những tác phẩm đỉnh cao. Hiệp hội sẽ là nơi bảo vệ quyền lợi cho các đơn vị xã hội hóa, đề ra những kế hoạch tiếp thị, quảng bá và đào tạo nguồn nhân lực cho sàn diễn. Không thể thả nổi mô hình xã hội hóa để tự bơi, tự chết đuối khi đầu tư vở diễn mà không bán được vé" – đạo diễn Lê Nguyên Đạt đề nghị.
Thạc sĩ Huỳnh Khái, tiến sĩ Mai Mỹ Duyên, đạo diễn Lê Nguyệt Đạt
Rất nhiều nghệ sĩ đã hưởng ứng kế hoạch này. NSƯT Kim Tử Long cho biết khi chưa có hiệp hội, nghệ sĩ rất khó khăn trong việc đầu tư vốn cho vở diễn. Chi phí thuê rạp quá cao, ngốn nhiều doanh thu, trong khi giá vé bán ra không thể tăng.
"Bằng chứng là vở "Rạng ngọc Côn Sơn", thuê Nhà hát Bến Thành từ 45 đến 50 triệu đồng/suất, giá vé VIP 1,5 triệu đồng quá cao, giá vé trung bình 300.000 đồng - 500.000 đồng. Do không đạt doanh thu, mỗi suất diễn vở này tôi đều phải bù lỗ 60 - 75 triệu đồng. Nếu có hiệp hội, chúng tôi thỉnh cầu các rạp nên tính theo tổng doanh thu như các rạp diễn cải lương trước đây. Cứ tính 10% trên tổng doanh thu mỗi suất thì các đơn vị xã hội hóa cải lương mới tự tin mà dựng vở để sàn diễn sáng đèn liên tục. Còn hiện nay, nếu làm theo kiểu cầm chừng, hên xui theo doanh thu, cải lương cứ đi vào ngõ cụt" - NSƯT Kim Tử Long bày tỏ.
Vở cải lương "Tổ quốc nơi cuối con đường"
NSƯT Minh Vương cho rằng hiệp hội ra đời sẽ là nơi liên kết các nghệ sĩ thực hiện xã hội hóa, định hướng và đề xuất những kế hoạch dàn dựng, từ đó đề xuất nhà nước đầu tư vốn.
"Trong khi các đơn vị nghệ thuật công lập được nuôi với ngân sách cao mà không có tác phẩm bán được vé thì tại sao không "hà hơi, tiếp sức" cho lực lượng xã hội hóa, để đặt hàng tác phẩm đỉnh cao mà vẫn đưa được đến công chúng? Chẳng hạn, vở "Tổ quốc nơi cuối con đường", sau liên hoan cải lương toàn quốc đã đưa đến khán giả công nhân với hơn 15 suất diễn" - NSƯT Minh Vương dẫn chứng.
Theo đạo diễn Lê Nguyên Đạt, hiện nay, Vụ Đào tạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du Lịch đã thành lập Quỹ hỗ trợ cho các tác phẩm kịch hát dân tộc. Đây là một chủ trương đúng đắn để làm "bà đỡ" cho các đơn vị xã hội hóa, góp phần mang đến công chúng nhiều tác phẩm nghệ thuật cải lương mang giá trị nhân văn.
"Quỹ này còn hỗ trợ tích cực cho khâu đào tạo để các diễn viên trẻ có thể học thêm về thanh nhạc, vũ đạo, nhạc cụ dân tộc, để vận dụng cho nghề. Việc thành lập hiệp hội sân khấu cải lương xã hội hóa sẽ mở ra nhiều hướng hoạt động, qua đó góp phần mang lại cho sàn diễn cải lương nhiều vở diễn mới" – đạo diễn vở "Tổ quốc nơi cuối con đường" nhìn nhận.
NS Hải Long, NSƯT Hải Yến và đạo diễn Lê Nguyên Đạt
Hiện nay, đạo diễn Lê Nguyên Đạt cũng đã lên kế hoạch thực hiện tâm nguyện này, đồng thời kêu gọi các nhóm xã hội hóa cải lương như: Kim Tử Long, Vũ Luân, Lê Hoàng, Kim Ngân, Diễm Thanh, Tô Châu… cùng tham gia.
Thanh Hiệp