Ngày 2/1, Hội sân khấu TP HCM công bố quyết định Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Đặng Thụy Mỹ Uyên là giám đốc Nhà hát kịch 5B Võ Văn Tần, đạo diễn cải lương Nguyễn Thanh Chánh Trực là phó giám đốc. Cũng trong sự kiện, ban giám đốc nhà hát quyết định mở lại sân khấu vào đầu tháng 3 tới, sau thời gian ngưng hoạt động từ năm 2015.
|
Nghệ sĩ Ưu tú Mỹ Uyên (dưới) và Tú Sương trong vở "Tình lá diêu bông". |
NSƯT Mỹ Uyên chia sẻ chị xúc động khi thấy sân khấu đình đám một thời sắp sáng đèn trở lại. Thời gian qua, nhà hát ngưng trệ vì phải cải tạo, nâng cấp trùng tu. Sân khấu phải đóng cửa, chờ được xây dựng, đầu tư theo phương thức xã hội hóa. Sau hơn hai năm, ban giám đốc quyết định không thể chờ đợi thêm. Họ sẽ tự lo kinh phí để cải thiện khán phòng, phòng vé, lối đi...
"Sân khấu đã có thương hiệu nhất định, cứ chờ mãi mà không diễn thì uổng lắm. Chúng tôi, vì lòng yêu nghề và vì một lượng khán giả còn ủng hộ, sẽ vay mượn tiền để sửa chữa. Chúng tôi quyết định mở cửa lại điểm diễn này vào đầu tháng 3 vì từ giờ đến Tết thì không làm kịp", Mỹ Uyên chia sẻ.
Khi mở cửa lại, Nhà hát kịch 5B phục dựng một số vở từng được yêu thích của sân khấu như Đêm vượn hú, Gương mặt kẻ khác, Tình lá diêu bông, Ảo - thật... Bên cạnh đó, nhà hát vẫn giữ nhiều đầu kịch bản mới. Sân khấu tiếp tục theo đuổi phong cách thể nghiệm, ưu tiên chất lượng nghệ thuật, kịch bản đậm chất văn học, có tiếng cười nhưng ý nhị... Ngoài ra, nhà hát còn mở thêm nhiều lớp đào tạo do các nghệ sĩ, đạo diễn uy tín giảng dạy.
* Trích đoạn kịch "Gương mặt kẻ khác"
Trích đoạn kịch 'Gương mặt kẻ khác'
Nhà hát 5B Võ Văn Tần được thành lập từ năm 1997, tiền thân của Nhà hát là Câu lạc bộ Sân Khấu Thể Nghiệm được thành lập từ ngày 1/8/1984. Đây là đơn vị kịch xã hội hóa, tự thu chi, không sống bằng ngân sách nhà nước đầu tiên của TP HCM và cả nước. Đơn vị này dàn dựng và biểu diễn hơn 100 vở kịch trong, ngoài nước. Trong đó có nhiều vở diễn đoạt các giải thưởng của Hội Sân khấu Việt Nam.
Đặc điểm của Sân khấu 5B Võ Văn Tần là diễn viên cải lương diễn không cần dùng micro. Sức chứa của nhà hát khoảng 100 khán giả, cùng ngồi quây quần quanh bục diễn. Điều này giúp 5B rút ngắn khoảng cách giữa diễn viên và người xem, tạo cho các tác phẩm không khí gần gũi, gây hiệu ứng tốt về mặt cảm xúc.
Từ năm 2015, sân khấu phải ngưng diễn, chờ trùng tu, cải tạo nhiều hạng mục do các cơ sở thiết bị kỹ thuật ở đây đều cũ kỹ, khán giả phải leo cầu thang bộ nhiều tầng lầu để đến khán phòng.
Mai Nhật
Nguồn: giaitri.vnexpress.net