“Dòng nhạc Anh Bằng”
Nền âm nhạc Việt Nam lại thêm một lần khoác chiếc khăn sô, cúi đầu tiễn biệt người nhạc sĩ mà mỗi khi nhắc về Hà Nội, người ta thầm thì ca khúc Nỗi lòng người đi; mỗi khi muốn nói về thân phận người trên con đường đi về bên kia thế giới, người ta hát lên “Khúc Thuỵ du”; mỗi khi nói về lính trận xa nhà, người ta hát lên “Nửa đêm biên giới”... Nói chung, khi nói về nhạc của ông, người ta hay gọi là “dòng nhạc Anh Bằng”.
Chương trình âm nhạc cuối tuần kỳ này, mời quí vị đến với những ca khúc bất hủ của ông, cố nhạc sĩ Anh Bằng, người vừa ra đi sau 8 năm chống chọi với bệnh tật.
“Hãy nói về cuộc đời
Khi tôi không còn nữa
Sẽ lấy được những gì
Về bên kia thế giới
Ngoài trống vắng mà thôi
Thuỵ ơi và tình ơi...” (Khúc thuỵ du)
Những lời ca, giai điệu ám ảnh của giây phút đi về cái nơi gọi là “ở chỗ nhân gian không thể hiểu” (Du Tử Lê) trong Khúc Thuỵ Du, được cố nhạc sĩ Anh Bằng phổ từ bài thơ cùng tên của nhà thơ Du Tử Lê, giờ đây vô hình trung trở thành bài ca tiễn biệt ông.
.
Ông viết từ nhạc hồi xưa, thường gọi là nhạc sến, rồi những bài nhạc lính cộng hoà. Nhưng bên cạnh đó, ông cũng có rất nhiều bài sang như ‘Khúc Thuỵ du, Nỗi lòng người đi...
-Nhà văn Nguyễn Đông Thức
Lại thêm một người nữa ra đi...
Lại thêm một tài hoa thuộc thế hệ vàng son của nền âm nhạc nước nhà từ biệt nghiệp dĩ...
Năm 1954, trong gần một triệu bước chân của người Việt di cư từ miền Bắc vào miền Nam Việt Nam, có một chàng thanh niên 28 tuổi tên Trần Anh Bường, mang theo một chiếc vali hành trang chất đầy nỗi nhớ quê hương quay quắt. Đường xa vạn dặm. Nỗi nhớ ấy khi đối diện với Sài Gòn xa lạ, đèn hoa rực rỡ đã trở thành ca khúc “Nỗi lòng người đi” được ký tên nhạc sĩ Anh Bằng.
“Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám khi vừa biết yêu
Bao nhiêu mộng đẹp yêu thương thành khói tan theo mây chiều
Hà Nội ơi nào biết ra sao bây giờ?
Ai đứng trông ai ven hồ
Khua nước trong như ngày xưa...” (Nỗi lòng người đi)
Nỗi lòng người đi không phải ca khúc đầu tay của cố nhạc sĩ Anh Bằng. Ca từ trau chuốt, đẹp như thơ đã nhẹ nhàng lột tả trọn vẹn tình cảm, thân phân phận của con người trong một biến cố lịch sử. Mấy mươi năm sau, ca khúc này vẫn tiếp tục đi vào lòng những thế hệ tiếp nối, nói lên nỗi niềm chung của những người xa quê. Để rồi cho đến tận bâ giờ, không cần phải là người Hà Nội, mà chỉ khi muốn nhắc về Hà Nội thì người ta sẽ hát lên bài hát này.
Nửa đêm biên giới
Nhạc sĩ Anh Bằng. Courtesy photo.
Nhạc của cố nhạc sĩ Anh Bằng là dòng nhạc quê hương, thân phận và tình yêu. Ông dung hoà tất cả những lĩnh vực đó trong nhạc của mình bằng một trái tim nhẹ nhàng và bao dung. Ông viết về quê hương mình như chứng nhân của thời chiến tranh loạn lạc, kêu lên tiếng kêu trăn trở của người con đi lính trận xa nhà, nhớ mẹ trong những đêm đóng quân vùng biên giới.
“Mẹ ơi... biên cương giờ đây
Trời không... mưa nhưng nhiều mây
Nửa đêm nghe chim muông hú trong rừng hoang
Nghe... gió rung cây đổ lá vàng
Sương xuống mênh mang
Khèn trong.... buôn xa còn vang
Nhịp chìm... tiêu sơ nhặt khoan
Tưởng nhớ đến những phút sống bên mẹ yêu
Con... hát ca vui lều tranh nghèo
Ôi đẹp làm sao...”(Nửa đêm biên giới)
Rồi cũng chính ông, đã nói lên cả nỗi niềm nhung nhớ của người lính trận xa gia đình, xa người vợ hiền ngoan.
“Tôi đứng bên này sông, bên kia vùng lửa khói.
Làng tôi đây, bao năm dài chinh chiến,
từng lũy tre muộn phiền.
Tôi có người vợ ngoan.
Đẹp như trăng mười sáu, cưới rồi đành xa nhau…”(Chuyện giàn thiên lý)
Ông viết về tình ca nhẹ nhàng, chân thành mang lời thú tội của kẻ si tình. Những ca từ đẹp như thơ, nhưng không ngại ngùng để toát lên cái đẹp trần tục, cái đẹp nhân danh bản ngã của con người.
“Anh còn yêu em như rừng lửa cháy
Anh còn yêu em như ngày xưa ấy
Chiều xuống mờ sương
Cửa đóng rèm buông
Gối kề bên gối
Môi kề bên môi
Anh còn yêu em đường xanh ngực nở
Anh còn yêu em lồng tim rạn vỡ
Bạch đàn thâu đêm
Bạch đàn thâu đêm
Thầm thì tóc rũ
Anh còn yêu em…” (Anh còn yêu em)
Tình yêu trong nhạc của Anh Bằng khi thì cháy bỏng, nồng nàn với “rèm buông, ngực nở”, với “gối kề gối, môi kề môi”; khi thì thanh thoát như cõi thiên đường.
“Khi áng mây cao đừng trên nếp trán.
Anh chợt nghe tình vỗ cánh baỵ
Trái tim anh hờn dỗi trên vaị
Đêm hạnh phúc như hạt sương gầy
Bỗng mùa xuân về trên năm ngón.
Trên bàn tay lộc biếc lá non.
Anh đứng nghe âu yếm gọi tên em.
Khi em đến nằm ngoan trên cỏ biếc…” (Kỳ diệu)
Anh còn nợ em
Những nhà thơ trong nước, ông vẫn tìm tòi phổ nhạc, một sức lao động rất mạnh và lạ. Rồi đến khi cần, ông vẫn bày tỏ thái độ với những ca khúc mạnh mẽ lên án Trung Quốc, bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa.
-Nhà văn Nguyễn Đông Thức
Rồi cũng có khi ông hoá thân vào cuộc tình không trọn vẹn, thốt lên lời thú tội của kẻ tình si không thể thực hiện được điều mình đã hứa, dù là điều đơn giản nhất trong cuộc sống. Cái tài hoa của Anh Bằng là đây. Từ những hình ảnh đơn sơ, mộc mạc, và cách lặp lại mỗi câu hai lần trong một đoạn nhạc, cố nhạc sĩ đã nói lên nỗi niềm trăn trở của một cuộc tình nguyên sơ, cháy bỏng.
“Anh còn nợ em
Công viên ghế đá
Công viên ghế đá
Lá đổ chiều êm
Anh còn nợ em
Dòng xưa bến cũ
Dòng xưa bến cũ
Con sông êm đềm
Anh còn nợ em
Chim về núi nhạn
Trời mờ mưa đêm
Trời mờ mưa đêm…”(Anh còn nợ em)
Có lẽ vì vậy mà bất cứ một chủ đề nào thuộc về ca khúc do ông sáng tác, người nghe cũng dễ dàng soi thấy một phần cuộc đời của mình trong ấy. Nhạc của ông gần gũi, chan hoà với tất cả thế hệ. Với hơn 600 ca khúc để lại cho đời, một khối lượng sáng tác không nhỏ. Nhà văn Nguyễn Đông Thức, từ Sài Gòn cho biết ông rất nể phục và ngạc nhiên về sức sáng tác cũng như dòng nhạc đa dạng của cố nhạc sĩ Anh Bằng:
“Ông viết từ nhạc hồi xưa, thường gọi là nhạc sến, rồi những bài nhạc lính cộng hoà. Nhưng bên cạnh đó, ông cũng có rất nhiều bài sang như ‘Khúc Thuỵ du, Nỗi lòng người đi...”
“Qua Mỹ ông vẫn phổ thơ, phổ nhạc những bài thơ của tác giả kịch bản cải lương ở Việt Nam, không có gì ngại ngần hết. Những nhà thơ trong nước, ông vẫn tìm tòi phổ nhạc, một sức lao động rất mạnh và lạ. Rồi đến khi cần, ông vẫn bày tỏ thái độ với những ca khúc mạnh mẽ lên án Trung Quốc, bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa.”
Thật như vậy, khi qua đến Hoa Kỳ năm 1975, không những ông tiếp tục cho ra đời rất nhiều những ca khúc giá trị và đi vào lòng người đến mãi tận hôm nay, mà ông còn là người sáng lập trung tâm Asia, một trong hai trung tâm ca nhạc lớn nhất của cộng đồng người Việt hải ngoại.
Có lẽ giờ này ông đã hội ngộ với những bằng hữu của mình nơi xa xôi đó. Này là Phạm Duy, là Trầm Tử Thiêng, kia là Lê Uyên Phương, là Trịnh Công Sơn... Ông đang cùng mọi người hàn huyên về một cố đô xa vời vợi, một Sài Gòn hoa lệ, diễm tình chỉ còn là kỷ niệm.
Nhạc sĩ Anh Bằng đã ra đi sau 8 năm chống chọi với bệnh ung thư gan. Tin mới nhất cho biết ông qua đời lúc 9 giờ đêm hôm qua 12 tháng 11 tại nhà riêng sau một thời gian ngắn nhập viện vì biến chứng.
Nhạc sĩ Anh Bằng sinh năm 1926 tại Thanh Hóa, ông nổi tiếng với số lượng sáng tác hơn 650 ca khúc trong đó nhiều nhạc phẩm đã nằm sâu trong lòng thính giả từ trước năm 1975. Hàng chục tác phẩm nổi tiếng như Chuyện tình Lan và Điệp, Anh còn nợ em, Chuyện giàn thiên lý, Khúc thụy du, Đêm nguyện cầu, Nó, Nỗi lòng người đi…
Nhạc sĩ Anh Bằng cùng gia đình định cư tại Mỹ vào năm 1975 và tiếp tục hoạt động âm nhạc với Trung tâm Dạ Lan (1981 - 1990). Một điều mà báo chí Việt Nam khi loan tin ông qua đời không nhắc tới đó là nhạc sĩ Anh Bằng là linh hồn của Trung tâm băng nhạc Asia.
Ông gắn bó và cố vấn cho Trung tâm Asia những chương trình nhạc nổi tiếng, đặc biệt là các chương trình vinh danh người lính Quân lực VNCH. Ông mất đi cũng là một mất mát lớn cho nền âm nhạc Việt Nam.
XEM THÊM CHI TIẾT TẠI ĐÂY
Nguồn: cailuongvietnam.com