Đã thành thông lệ, mỗi năm, những ngày trước, trong và sau Tết, Nhà hát Tây Đô (gồm Đoàn Cải lương Tây Đô và Đoàn ca múa kịch Lưu Hữu Phước) và Trung tâm Văn hóa TP Cần Thơ đều tổ chức những chuyến biểu diễn phục vụ nhân dân ở các quận, huyện. Những tiết mục văn nghệ đặc sắc, sống động của các đoàn nghệ thuật càng làm không khí đón Tết, vui xuân ở các địa phương tưng bừng, nhộn nhịp hơn. Bà Hồ Lâm Bạch Vân, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giám đốc Trung tâm Văn hóa TP Cần Thơ, cho biết: "Năm nay, Trung tâm Văn hóa TP Cần Thơ tổ chức 9 suất diễn phục vụ 9 quận, huyện; Nhà hát Tây Đô có gần 20 suất diễn. Mỗi chương trình đều được các đoàn đầu tư công phu với những tiết mục ca, múa, kịch, cải lương hấp dẫn; nhằm mang đến món ăn tinh thần vui tươi, bổ ích cho nhân dân khắp nơi nhân dịp năm mới".
Tiết mục tốp ca của Nhà hát Tây Đô biểu diễn trong chương trình "Sắc xuân quê hương" ở huyện Phong Điền đêm mùng 1 Tết.
Tối mùng 1 Tết, tại Khu Hành chính huyện Phong Điền, chương trình nghệ thuật "Sắc xuân quê hương" do Nhà hát Tây Đô thực hiện đã thu hút hơn 1.000 khán giả đến thưởng thức. Đây là chương trình nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa, văn nghệ "Mừng Đảng quang vinh- Mừng Xuân Bính Thân 2016" dưới sự chỉ đạo của Ban Tổ chức các ngày Lễ, Kỷ niệm TP Cần Thơ, nên được đầu tư qui mô, hoành tráng. Ngoài Nhà hát Tây Đô, còn có sự phối hợp của Trung tâm Văn hóa thành phố và một số nghệ sĩ, ca sĩ cải lương đến từ TP Hồ Chí Minh. Tất cả những nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên đã dốc toàn tâm, toàn lực để mang đến những tiết mục hay nhất không chỉ dâng tặng khán giả mà còn để tưởng nhớ đến người đã viết kịch bản cho chương trình: anh Lê Thanh Dũng của Nhà hát Tây Đô- người chẳng may qua đời trước Tết mấy ngày do tai nạn.
Sự cống hiến tuyệt vời của các anh chị em nghệ sĩ, diễn viên đã được đền đáp bằng những tràng pháo tay và lời khen ngợi không ngớt của khán giả. Chị Đặng Ngọc Tuyết, ở xã Trường Long, huyện Phong Điền, cho biết: "Tôi đi xem cùng 7 người trong gia đình, họ hàng. Chương trình rất hay và ý nghĩa. Mong rằng sẽ có nhiều chương trình như vậy về diễn phục vụ bà con ở Phong Điền". Trong khi đó, anh Huỳnh Văn Nhiều ở xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, tỏ vẻ tiếc nuối: "Uổng quá, tôi và vợ con đến xem trễ nên không được xem hết chương trình. Trước giờ, nghe đoàn nào về diễn văn nghệ là cả nhà tôi đều đi xem".
Một tiết mục múa của Đoàn ca múa kịch Lưu Hữu Phước biểu diễn tại công viên Châu Văn Liêm, quận Ô Môn đêm mùng 4 Tết.
Với các nghệ sĩ, tình cảm của khán giả chính là động lực để sáng tạo và cống hiến hết mình cho sân khấu. Nghệ sĩ Hoàng Khanh của Đoàn Cải lương Tây Đô (thuộc Nhà hát Tây Đô), người đoạt Huy chương Vàng cuộc thi sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2015, bộc bạch: "Đã 15 năm, tôi không ăn Tết với gia đình do bận lưu diễn cùng anh em trong đoàn. Bù lại, được đem lời ca tiếng hát phục vụ cho bà con khắp nơi, được khán giả yêu thương chào đón là mình thấy vui và thỏa nguyện rồi!". Riêng ông Trần Văn Thiện, Phó Giám đốc Nhà hát Tây Đô, kiêm Trưởng Đoàn Cải lương Tây Đô, niềm vui như được nhân lên gấp bội khi vở cải lương "Bông mận trắng" sau khi gặt hái 2 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc tại Cuộc thi nghệ thuật cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2015, lại được khán giả đón chào nồng nhiệt trong các đợt biểu diễn phục vụ nhân dân địa phương. Ông Thiện cho biết: "Trước Tết, Đoàn Cải lương Tây Đô đã tổ chức biểu diễn vở "Bông mận trắng" ở xã Tân Thới, huyện Phong Điền; phường Thường Thạnh, quận Cái Răng; phường Long Tuyền, quận Bình Thủy và trung tâm huyện Cờ Đỏ. Ở đâu, bà con cũng đến xem rất đông, đông nhất là ở xã Tân Thới, huyện Phong Điền- vài ngàn khán giả. Mừng lắm, bởi cải lương vẫn còn sức sống mãnh liệt trong lòng khán giả, vẫn làm người xem khóc cười cùng nhân vật. Những tràng vỗ tay cùng những món quà quê mà bà con tặng anh em trong đoàn sau đêm diễn là niềm động viên tinh thần rất lớn để chúng tôi thêm vững bước trên con đường nghệ thuật".
Sau đêm diễn mùng 1 Tết ở huyện Phong Điền, Nhà hát Tây Đô tiếp tục phục vụ ở các quận, huyện còn lại, đặc biệt là những vùng ngoại ô cho đến 12 tháng Giêng âm lịch. Dù sân khấu lớn hay nhỏ, dù có ghế hay phải lót dép ngồi, khán giả vẫn luôn nhiệt tình ủng hộ và đón xem chương trình từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc. Bà Liêu Thị Thuyền, gần 60 tuổi, ở phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, đã cùng con gái và các cháu lót dép ngồi xem từ đầu đến cuối chương trình văn nghệ của Đoàn ca múa kịch Lưu Hữu Phước biểu diễn ở công viên Châu Văn Liêm vào đêm mùng 4 Tết. Không chỉ có bà Thuyền mà rất đông bà con xung quanh đem ghế từ nhà đến xem, người đi đường cũng dừng xe thưởng thức…
Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy, Trưởng đội ca của Đoàn ca múa kịch Lưu Hữu Phước, tâm tình: "Tôi đã có 18 năm trong nghề, ông xã là đội trưởng đội nhạc tân của Đoàn Cải lương Tây Đô, nhiều năm hai vợ chồng cùng đi diễn phục vụ Tết. Tuy vất vả nhưng thấy bà con háo hức đón xem, ủng hộ nhiệt tình, chúng tôi cùng anh em trong đoàn như được tiếp thêm tình yêu, động lực để diễn hay hơn, nhiều hơn!".
Mỗi mùa Tết đến, xuân về, các nghệ sĩ, diễn viên của các đoàn nghệ thuật lại như những cánh én góp cho đời những khúc ca rộn ràng, dệt nên những mùa xuân bất tận.
Bài, ảnh: LỆ THU
Nguồn: cailuongvietnam.com