Đa dạng kịch bản
Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang tham gia 3 vở: Hiu hiu gió bấc (đạo diễn cải lương Phan Quốc Kiệt), Tình yêu thời chiến (đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu) và Ngày đó họ đều còn trẻ (đạo diễn Lê Trung Thảo). Vở Hiu hiu gió bấc - một câu chuyện tình yêu mang đậm vẻ đẹp chân chất thôn quê, 2 tác phẩm còn lại đều thể hiện cùng ý tưởng ca ngợi hình ảnh cao đẹp của người chiến sĩ cách mạng, luôn sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do dân tộc.
Bên cạnh đó, vở Những con sóng vô hình (đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu) của Hội Sân khấu TPHCM lại mang đậm dấu ấn thời sự, ngợi ca tình yêu biển đảo, tình yêu quê hương đất nước của những người lính biển và ngư dân khu vực quần đảo Trường Sa.
Nhà hát Thế Giới Trẻ - Trường ĐH Sân khấu và điện ảnh TPHCM góp mặt tại liên hoan với vở Tổ quốc nơi cuối con đường (tác giả Lê Thu Hạnh, chuyển thể cải lương Hoàng Song Việt, đạo diễn Lê Nguyên Đạt). Đây là vở cải lương được đầu tư dựng mới hoàn toàn với sự tham gia của NSND Hồng Lựu, NSƯT Minh Vương, Thanh Điền, Tấn Giao, Mỹ Hằng, Hải Yến, Tuyết Ngân, NS Bảo Trí, Tú Quyên, Tấn Phát, Thanh Long, Hoàng Phương… Nội dung tác phẩm xoay quanh hành trình tìm đường cứu nước của Bác Hồ thời trai trẻ với nhiều gian nan, vất vả, hiểm nguy. Dù nội dung vở cải lương đậm chất lịch sử - chính trị, nhưng đạo diễn Lê Nguyên Đạt đã dàn dựng để vở diễn không quá nặng nề mà ngược lại, giữa những căng thẳng luôn hiện diện những tình tiết về tình cảm gia đình, bạn bè, đan xen cùng nỗi nhớ thương da diết về quê hương của người con đất Việt xa quê, bên cạnh đó là tấm lòng chính nghĩa của những con người không cùng dòng máu, chủng tộc, xuất xứ… Tất cả cùng hòa quyện trong một chữ tình, nhẹ nhàng đi vào lòng người xem với những cảm xúc trân trọng.
Trong các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa, có thể cảm nhận được sức hấp dẫn của vở Rạng ngọc Côn Sơn (tác giả Xuân Phong, đạo diễn NSƯT Kim Tử Long) khi vở được dựng hoàn chỉnh. Bắt tay làm mới vở diễn, NSƯT Kim Tử Long đã đưa thêm nhiều bài ca vào tác phẩm, dàn dựng với nhiều cảnh trí quy mô, màn hình led tạo hiệu ứng đặc biệt. Vở cải lương Thái Hậu Dương Vân Nga của đạo diễn Hoa Hạ và nghệ sĩ Kim Ngân tham gia liên hoan cũng có nhiều cắt cúp chỉnh sửa cho gọn đẹp. Ngoài ra, TPHCM còn có các vở Hồn của đá (đạo diễn Trương Văn Trí), Thành phố buổi bình minh (đạo diễn Phan Quốc Kiệt), Lối về (đạo diễn Hoàng Ngọc Ân) góp mặt tại liên hoan năm nay.
Sức trẻ của sân khấu thành phố
Năm nay, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang tin tưởng giao hầu hết vai diễn trong các tác phẩm sân khấu cho dàn nghệ sĩ trẻ đảm nhiệm. NSƯT Tấn Giao cho biết: “Nhà hát mạnh dạn giao vai cho các diễn viên trẻ với niềm tin thế hệ nghệ sĩ trẻ sẽ cố gắng hết mình trong tìm tòi, sáng tạo để hoàn thành tốt vai diễn. Đó cũng là cơ hội để các em tự tạo sự bứt phá mới trong nghề nghiệp, trưởng thành hơn”.
Nghệ sĩ Kim Tử Long nặng lòng về thế hệ trẻ kế thừa của sân khấu cải lương nên cố gắng tạo thêm đất diễn cho các diễn viên trẻ trong vở Rạng ngọc Côn Sơn. NSƯT Kim Tử Long chia sẻ: “Các bạn trẻ có niềm đam mê và có nội lực. Có điều cần phải được định hướng phát triển đúng hướng. Không chỉ phát huy giọng ca hay cách ca hơi dài mà phải chú trọng đến việc phải được đứng trên sân khấu lớn, có vai diễn thực sự, như thế mới phát huy được hết khả năng của từng em. Thế nên khi dựng vở tham gia liên hoan, tôi cố gắng tạo điều kiện để các em có dịp được đứng trên sân khấu lớn, được thể hiện mình trong các vai diễn. Tôi vui vì mình làm được điều này cho các bạn trẻ”.
Nhìn lại sân khấu cải lương TPHCM, dễ thấy một đội ngũ hùng hậu những người trẻ năng động, nhiệt huyết, đang tham gia trong rất nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Tuy nhiên, đội ngũ những gương mặt trẻ còn non tay nghề này chưa được chú trọng đầu tư mang tính tập trung, nhất là cơ hội làm nghề, được biểu diễn thường xuyên trên sân khấu, đảm nhận những vai diễn có chiều sâu, trong các vở cải lương nguyên tuồng, chính thống. Liên hoan chính là một trong những cơ hội để những gương mặt mới, trẻ, có tố chất được dịp thể hiện bản lĩnh, tài năng thực sự.
THÚY BÌNH