Tối 6/8, Nhà hát Tuồng Việt Nam giới thiệu vở Huyền thoại ngọn đồi đỏ, cùng sự góp mặt của dàn nghệ sĩ kịch, múa Singapore tại rạp Hồng Hà (Hà Nội). Tác phẩm công diễn hôm 5/8 tại Hà Nội, nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Singapore.
|
Nghệ sĩ Trần Long (trái) trong "Huyền thoại ngọn đồi đỏ".
|
Huyền thoại ngọn đồi đỏ lấy bối cảnh vùng biển Singapura - nơi bầy cá kiếm hung dữ, tấn công dân làng. Tính mạng dân chúng bị đe dọa nên quốc vương Maharaja tìm người tài giúp sức. Tể tướng hiến kế tuyển chọn quân lính, mang đao lớn giết bầy cá. Tuy nhiên, đội quân bị cá tấn công và thương nặng. Cậu bé Nadim (14 tuổi) - sống ven biển - gợi ý vua kết thân cây chuối thành bè sẽ khiến mũi sắc của cá kiếm bị mắc. Kế hoạch thành công, Nadim được vua ban thưởng và đưa vào cung hầu cận. Thấy Nadim nhỏ tuổi mà tài cao, tể tướng đâm đố kỵ và tìm cách tiêu diệt. Trong cuộc truy bắt, Nadim trúng mũi tên độc và thiệt mạng. Tể tướng bị sét đánh chết.
Vở tuồng lấy cảm hứng từ sử thi vùng Đông Nam Singapore. Khi được nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam chuyển thể, Huyền thoại ngọn đồi đỏ giữ nguyên thông điệp. Nhà vua biết cách trọng dụng người tài và phản bác những lời nanh nọc của cận thần. Cái chết của Nadim phản ánh mặt tiêu cực, bản tính gian ác của kẻ nịnh thần. Vì không muốn có người hơn mình, nhất lại là đứa trẻ, tể tướng dùng mưu hèn kế bẩn, truy sát Nadim. Thế nhưng, cuối cùng hắn bị trời trừng phạt. Chi tiết này thể hiện luật nhân quả, báo ứng trong triết lý Phật giáo - một trong những tôn giáo ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người Á Đông.
|
Một cảnh trong vở tuồng.
|
Nhân vật Nadim do nghệ sĩ Trần Long thủ vai. Hóa thân vào cậu bé 14 tuổi, nghệ sĩ cảm thấy khó khăn bởi tuổi thực của anh là 40. Trần Long mất hai tháng quan sát những đứa trẻ gần nhà để nắm bắt tâm lý, học điệu bộ, cử chỉ. Singapore là quốc gia đa văn hóa nên vở diễn có sự hòa trộn của văn hóa Ấn Độ, Malaysia, Trung Hoa. Điều này thể hiện rõ ở trang phục và các điệu múa. Theo các nghệ sĩ, ngoài múa tuồng, diễn viên cải lương nhà hát còn phải dày công học múa dân gian Singapore.
* Trích "Huyền thoại ngọn đồi đỏ"
'Huyền thoại ngọn đồi đỏ' mang thông điệp trọng dụng nhân tài
Nghệ thuật tuồng đề cao thủ pháp ước lệ. Vì vậy, sân khấu được bài trí tối giản. Các nghệ sĩ phối hợp nhuần nhuyễn trong từng động tác, chú trọng mặt tạo hình. Diễn xuất của dàn diễn viên được đánh giá cao. Khán giả xúc động ở cuối vở tuồng. Sau tiếng khóc thương xót Nadim của người mẹ và dân làng, người xem vỗ tay hưởng ứng. Vở tuồng đậm bi kịch. Nhiều khán giả tỏ ra tiếc nuối bởi họ hy vọng Nadim được thần linh cứu sống. Khán giả Nguyễn Hà (50 tuổi) dù đã xem một lần, chị hào hứng đến thưởng thức lần hai. "Bán hàng xong là tôi tranh thủ tắm giặt, ăn cơm để đến rạp. Tôi đưa cháu đến xem như cách giáo dục cháu hiểu hơn nghệ thuật dân tộc", chị nói.
Biên kịch Chua Soo Pong chia sẻ: "Vở tuồng là tác phẩm hợp tác nghệ thuật giữa Việt Nam với Singapore. Tuy câu chuyện ở nền văn hóa khác, khi chuyển thể sang thể loại tuồng, khán giả Việt Nam sẽ cảm nhận được những nét tương đồng không chỉ trong nghệ thuật mà còn ở tư tưởng, giá trị nhân văn. Việc hợp tác này mở ra cơ hội và góc nhìn mới cho những người yêu nghệ thuật tuồng".
Trọng Trường
Nguồn: giaitri.vnexpress.net