Nỗi đau mất mát này chưa nguôi, lại tiếp tục ập đến nỗi đau kế tiếp trong giới cải lương.
Hai em Thanh & Lựu từ Sydney xa xôi... ngậm ngùi nhớ về anh trong nước mắt...
Với anh Sang, từng đứa trong tụi em đều có kỷ niệm riêng với anh_Một người anh lớn trong nghề, có nhiều cá tính khá đặc biệt mà nói ra ai cũng yêu mến lẫn nễ phục.
Sống cho sống vì.. là chủ trương của anh , nhất là cái tính "Lục Vân Tiên",thấy chuyện bất bình không thể làm ngơ trong giới không ai mà không biết!
Là một người nghệ sĩ bộc trực, thẳng thắn....thẳng thắn đến độ bất chấp cả luật lệ có ra sao thì ra miễn cứu người khốn khó trước mắt cái đã...cho người ta bình yên cái đã, nếu có chịu trách nhiệm thì chỉ mình anh gánh thôi!
Vâng! Đó chính là anh và chỉ có anh thôi!
Nhớ...
Hơn 40 năm về trước,thời mà phim ảnh ngoài rạp toàn là do mấy nước XHCN, CSCN sản xuất ... rất chán , trong miền Nam mình chưa quen với nhu cầu giải trí này, ai trong chúng ta lúc đó hầu như cũng 'thèm' xem phim của mình ngày xưa...
Thỉnh thoảng, em có làm hợp đồng theo dịch vụ của nhà nước để cho anh em nghệ sĩ được giải trí thưởng thức những bộ phim xưa tại Phim Tư Liệu số 7 Phan Kế Bính và một vài lần chia vé cho anh xem .
Biết đoàn Minh Tơ thích hợp với những bộ phim Hồng Kông, cho nên khi trong tay anh vừa có được bộ phim Dương Gia Tướng, anh liền báo với em rằng :" Anh biết phim này hợp với đoàn Minh Tơ của mấy em, anh cho em mượn về cho anh em trong đoàn xem đây nha!"
Ôi! mừng quá đi ! Khi Lựu cho cả đoàn hay tin rằng có phim Dương Gia Tướng anh Thanh Sang cho mượn, ai cũng vui hớn hở. Thế là em đi mượn rạp Long Phụng, lúc đó còn là trụ sở của đoàn Hát Bội, xin phép cho anh em xem với lý do là" cần thiết cho nghiệp vụ diễn xuất và vũ đạo".
Nhưng ...sau đó, em và anh Sang đã bị công an "triệu" lên làm khó dễ, hạch sách đủ điều, đến nổi em muốn khủng hoảng luôn cái kiểu cửa quyền kỳ lạ ''luật rừng'' như thế... Thương anh lúc đó nhiều lắm, anh đã đứng ra nhận tất cả là do anh, mục đích để cho em và anh em đoàn Minh Tơ được an toàn.
Anh nói thẳng : " Làm nghệ thuật, thì chúng tôi đi xem phim nghệ thuật để học hỏi, cớ sao lại cấm? Cứ cho là nghệ sĩ XHCN không được xem phim tư bản đi...Nhưng nếu cấm thì Trung Tâm Tư Liệu số 7 Phan Kế Bính Quận 1, tại sao lại cho phép chúng tôi ký hợp đồng ?"
Nói qua nói lại nhiều lần...cũng chỉ là muốn làm' khó dễ 'thôi, chứ nội dung phim hay cách tổ chức có khác gì Phan Kế Bính đâu, nên cuối cùng rồi hai anh em vẫn bình yên trở về...
Lúc đó, không chỉ riêng em mà cả đoàn Minh Tơ trân quý biết ơn ông anh vô cùng anh Sang ơi!
Lựu nhớ hoài cái nick name "Cái thùng rác" mà anh đã đặt cho em lúc còn làm việc trong Ban Ái Hữu Nghệ sĩ. Đó là một câu nói đùa nhưng em biết nó ẩn chứa nhiều tình thương mà anh dành cho em, khi hai anh em đã không hẹn mà cứ phải gặp nhau ở những nơi cần mình đến để chia sẻ...
Anh còn đặt cho Lựu thêm một cái tên khá là rùng rợn' nữa là "Kên kên" được anh giải thích là ở đâu có nghệ sĩ mãn phần là ở đó có mặt Lựu sớm nhất. Nếu em là "Cái thùng rác " thì anh cũng là một cái "Bãi chứa rác", và Lựu mà là "Kên kên em" thì anh Sang cũng là "Kên kên anh" rồi còn gì, phải không ông anh?.. Viết đến đây em đã không dằn được xúc động, nhớ và thương anh lắm anh Sang ơi!!!
Năm 2009, lần đầu tiên trở về VN sau hơn 20 năm rời xa quê cha đất tổ, anh và vợ chồng em có nhiều kỷ niệm với nhau mà không thể nào tụi em quên được. Trong đó có cả những buổi trò chuyện tâm tình , mà những điều thầm kín này anh chưa hề bộc lộ với bất kỳ ai...Cạn lời hết ý trọn tấm lòng, tụi em hiểu, đã thương càng thương anh hơn, thương vô vàn anh Sang ơi!
Anh đã có những quan tâm lo lắng cho anh Thanh từng chút khi Thanh về VN để quay một vở cải lương kỷ niệm của cô bạn đồng nghiệp là Thùy Dương từ Canada về chủ xướng. Mục đích chỉ là để dành kỷ niệm chứ không phát hành theo ý của TD...Và anh đã thầm lặng từng ngày, từng giờ theo dõi và nhắc nhở chi tiết, lo lắng cho anh Thanh từng li từng tí...Những chân tình đó không thể nào tụi em quên được cho dù anh không ra mặt xuất hiện trước đông người.... Nhắc đến điều này, lần nào anh Thanh cũng xúc động thật nhiều, và bây giờ nhắc lại... cả hai em chỉ biết ngồi khóc....để nhớ về anh...Một người anh rất cao quý mà chúng em luôn trân trọng yêu thương... Chắc chắn một điều là không dễ tìm đâu ra người thứ hai trong giới sân khấu cải lương này.
Đã đến lúc anh phải ra đi...
Có không ít những căn bệnh quái ác đã hành hạ anh đau đớn nhiều năm nay. Anh cũng đã phải vất vả để chống chỏi với nó để tiếp tục ra sân khấu khi cần.
Rồi từ đây ....Khán giả đã phải mất đi một Trần Minh hiền lành, một Thi sách dũng cảm, một Lục Vân Tiên khí phách, một Lê Long Hồ trong sáng hiếu hạnh... và nhất là một Tạ Tốn dũng mảnh sừng sỏ trong giang hồ qua tác phẩm của Kim Dung trên sân khấu Dạ Lý Hương của thập niên 1960... Và... còn rất rất nhiều những nhân vật sân khấu khác đã được anh Thanh Sang thể hiện từ những thập niên 1960 cho đến nay sẽ khó mà phai mờ được trong lòng khán giả mộ điệu khắp nơi.
Anh chị em nghệ sĩ cải lương rồi đây đã phải mất đi một người anh, người chú, người bạn đồng nghiệp tốt bụng, dễ thương và nhiều trực tính này.
Thành kính chia buồn cùng chị Liễu và các cháu... qua nỗi đau mất mát quá lớn lao này.
Thanh thản ra đi nhé anh..
Vĩnh biệt anh <3 <3
Hai em
Điền Thanh& Bạch Lựu
Anh em gặp lại nhau năm 1992 trong một chuyến anh Thanh Sang du lịch tại Sydney.
Thức suốt đêm nói chuyện đời...tại nhà Thanh&Lựu ở Sydney năm 1992
Hai anh em thức khuya lắm để tâm sự với nhau tại nhà Thanh&Lựu ở Sydney năm 1992
Một trong những vở diễn gây quỹ xây Viện Dưỡng Lão Nghệ sĩ năm 1989. Lúc đó BL đang là phụ trách trong Ban Ái Hữu Nghệ sĩ, vở đang diễn lúc đó là Hoa Mộc Lan của soạn giả
Viễn Châu.